Đề xuất không đem bán tang vật tịch thu được từ các vụ buôn bán động thực vật hoang dã

 11:32 | Thứ hai, 08/10/2018  0
Việc đem bán các mẫu tang vật tịch thu được từ các vụ buôn bán động/thực vật hoang dã quý hiếm chẳng khác nào "tiếp tay" cho số tang vật vi phạm này trở lại lưu thông trên thị trường.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) vừa có bản kiến nghị gởi các cơ quan nhà nước về dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Góp ý cho dự thảo, theo PanNature, việc đem bán các mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm bị tịch thu sẽ là hợp pháp hóa tang vật vi phạm trở lại lưu thông trên thị trường. 

Thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có biện pháp quản lý một cách khoa học và đáng tin cậy nhằm xác định nguồn gốc mẫu vật từ tự nhiên với mẫu vật có nguồn gốc từ bán đấu giá tang vật. Do vậy, việc đem bán này gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật, làm cho hoạt động “rửa nguồn” động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thông qua cơ chế bán tài sản tịch thu sẽ tiếp tục phức tạp hơn.

Hơn 10 tấn rùa biển bị thu giữ của đối tượng Hoàng Tuấn Hải. Ảnh: TL

Ngoài ra, theo PanNature, dự thảo cần cân nhắc các nội dung liên quan đến thương mại hóa các loài nguy cấp, quý, hiếm, duy trì việc đăng ký và thông báo với Ban Thư ký của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

Lý do PanNature đưa ra là, việc thúc đẩy thương mại hóa các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm và thuộc nhóm I và Phụ lục I CITES sẽ gây tác động bất lợi cho công tác bảo tồn các loài này trong tự nhiên; trong khi các quy định về quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc của Việt Nam lại chưa rõ ràng về tính hiệu quả.

Nhiều ĐVHD vẫn bị quảng cáo tại nhiều nhà hàng. Ảnh: TL

Trong diễn tiến liên quan, mới đây Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa có khuyến nghị với các cơ quan nhà nước Việt Nam cần siết chặt tình trạng cấp phép gây nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD).  

Tình trạng săn bắt trái phép ĐVHD từ tự nhiên, rồi bán cho các cơ sở gây nuôi thương mại hợp pháp đang là một mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và các nước khác trong khu vực.

Bằng chứng cho thấy, phần lớn các cơ sở đăng ký gây nuôi thương mại ĐVHD thường bổ sung nguồn giống bị săn bắt trái phép từ tự nhiên, hoặc thậm chí là sử dụng cơ sở gây nuôi như một vỏ bọc hợp pháp để buôn bán ĐVHD bị khai thác trái phép ngoài tự nhiên.

Vì vậy, theo EVN, Việt Nam cần xây dựng các văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD, chấm dứt tình trạng tuồn ĐVHD từ tự nhiên vào trang trại. Việc gây nuôi thương mại phải tuyệt đối đảm bảo không ảnh hưởng tới các quần thể loài này trong tự nhiên.

Hổ nuôi trong "cơ sở bảo tồn". Ảnh: TL

Ngoài ra, ENV đề xuất nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại đối với các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (bất kể nguồn gốc). Vấn đề này cần được thể hiện rõ trong các nghị định hiện đang được soạn thảo bởi các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.    

ENV cũng đề nghị ngừng cấp phép thành lập các “cơ sở bảo tồn” cho đến khi có các văn bản pháp luật quy định rõ mục đích và các hoạt động được phép thực hiện tại các cơ sở này. 

Các quy định pháp luật cũng cần nghiêm cấm buôn bán ĐVHD tại các cơ sở này; và yêu cầu các cơ sở đề nghị được cấp phép cung cấp bằng chứng rõ ràng, chứng minh những đóng góp cụ thể của cơ sở cho công tác bảo tồn ĐVHD nếu được cấp phép.

Lê Quỳnh

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.