Ám ảnh thường xuyên trở đi trở lại nhiều nhất trong văn học viết về đô thị là chuyện mưu sinh. Trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, nhất là ở các cây bút trẻ, có rất nhiều nhân vật tỉnh lẻ về thành phố vất vả mưu sinh và rồi thất nghiệp, thất bại cay đắng. Một trong những nhân vật bi kịch trong đời sống thành thị ấn tượng nhất và sớm nhất của văn học Đổi mới là Giang Minh Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu.
Bản tính và thói quen sinh hoạt hồn nhiên, chất phác của anh không sao hòa nhập được với đời sống thành thị và người vợ thành phố đã không chấp nhận anh, tan vỡ là điều không tránh khỏi. Trở về từ những không gian khác (từ chiến trường, nông thôn hay nước ngoài), những nhân vật như Đông, Phượng (Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng), Khiêm (Ngược dòng nước lũ), Thảo (Phố - Chu Lai), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh)... đều gặp những cú sốc văn hóa, và trải qua những khốn khó vì công việc, mưu sinh.
Đô thị không chỉ là thách thức đối với người tỉnh lẻ mà nó là cuộc cạnh tranh khốc liệt với bất cứ ai dù là trí thức, bộ đội hay công nhân, dù là dân tỉnh lẻ hay người gốc thành thị. Kiểu nhân vật lập nghiệp như Hoàng (Cơ hội của Chúa - Nguyễn Việt Hà) là một trong những hình ảnh tiêu biểu của văn học đô thị đương đại; trước đó, nhân vật Tư trong Miền hoang tưởng (Đào Nguyễn) cũng có nhiều nét tương đồng. Đó là kiểu nhân vật chìm đắm trong những suy tư, và dường như tách khỏi xã hội khi luôn cảm thấy lạc loài, mất phương hướng trong dòng chảy đô thị xô bồ.
Đó cũng là kiểu nhân vật trải nghiệm, được đẩy vào những tình huống khác nhau để quan sát phố phường, nhìn sâu vào những khuôn mặt thị dân để thấm thía hơn về những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh, để buộc phải lựa chọn thích nghi hay bị bật khỏi guồng quay đô thị.
Không gian tù hãm ngột ngạt và ô nhiễm là một trong những nỗi ám ảnh của đô thị Việt Nam. Ảnh Thanh Tùng
Có rất nhiều kiểu nhân vật có vẻ bề ngoài vô tích sự, thiếu trách nhiệm với bản thân, yếu đuối, buông thả, như trạng thái hiện sinh của con người đô thị khi họ trần trụi với chính mình bằng nỗi cô đơn, trống vắng tận cùng. Các nhà văn đã nhận thấy con người đô thị phải đối diện với cuộc sống thành phố đầy rẫy cạm bẫy, những âm mưu, thủ đoạn, những tha hóa của con người trước vật chất và đồng tiền, thiếu khí trời, thiếu thiên nhiên và không thoát ra được cạm bẫy phố phường như cái lồng giam nhốt chính mình.
Trong nhiều tác phẩm viết về đô thị đương đại, không gian sống thường được miêu tả không chỉ là một đấu trường với cuộc cạnh tranh quyết liệt để tồn tại mà còn như một không gian tù hãm, chật hẹp, ngột ngạt khói bụi ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái, không phải là chốn về bình yên của con người. Bị giam cầm, tự nhốt mình trong những ô kính, không có sự giao hòa với thiên nhiên, con người càng trở nên cô độc, vô cảm hơn.
Sự âm ỉ của cảm xúc nông thôn
“Trong cuốn Nông thôn và thành thị (The Country and the City - 1973), lý thuyết gia người Anh Raymond Williams dựa chủ yếu từ hiện thực lịch sử và văn hoá Anh để nhận định rằng sự nhị phân lâu nay về sự khác biệt và đối lập giữa nông thôn và thành thị dường như đã che khuất nhiều cấu trúc văn hóa của nông thôn vốn dĩ ngấm rất sâu vào các cơ tầng văn hoá Anh ngay khi nước này chuyển mình mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp, lẫn trong đời sống đô thị đương đại của Anh.
Từ đó ông đề xuất thay vì dừng lại ở các khác biệt bề mặt giữa nông thôn và thành thị, cần phải đi sâu tìm ra cái cơ cấu cảm xúc tồn tại giữa các cộng đồng khả hội (tạm dịch thuật ngữ “knowable communities”). Điều này mang tính gợi mở và khả dụng để nhìn nhận thực tế Việt Nam khi, một mặt, chúng ta thấy có sự phân rẽ và khác biệt rất lớn giữa thành thị và nông thôn, song mặt khác, nhiều cơ cấu cảm xúc của đời sống nông thôn vốn là nền tảng nhiều đời của cộng đồng người Việt vẫn âm ỉ rất sâu trong đời sống của các cộng đồng cư dân thành thị bất chấp sự khác biệt nêu trên giữa hai không gian nông thôn và thành thị” - TS. Lê Nguyên Long
TS. Đỗ Hải Ninh