Doanh nghiệp địa ốc đua nhau mở sở thú: Bảo tồn động vật hay kinh doanh?

 10:38 | Thứ hai, 23/11/2020  0
Nhiều dự án địa ốc, kinh doanh nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp bất động sản lớn được phê duyệt đều có hạng mục sở thú là trào lưu đáng mừng cho hoạt động bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, hay đáng lo ngại cho một phương thức kinh doanh mới núp bóng sở thú, tận dụng các chính sách ưu đãi thuế, đất đai… dành cho hoạt động bảo tồn?

LTS. Liên tiếp gần đây nhiều dự án địa ốc, kinh doanh nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp bất động sản lớn được phê duyệt đều có hạng mục sở thú, với quy mô từ vài trăm đến hàng ngàn ha dành cho bảo tồn động vật hoang dã: vườn thú khổng lồ ở Phan Thiết, vườn thú hoang dã Hồ Tràm Safari (Vũng Tàu), Vườn rừng - vườn thú ở Bình Thuận, vườn thú hoang dã Núi Dinh (Vũng Tàu), quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái ở Hạ Long, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật hoang dã Vũ Yên (Hải Phòng), công viên động vật hoang dã bên sông và khu bảo tồn sinh thái trên cạn Gia Lâm (Hà Nội)… Đây là trào lưu đáng mừng cho hoạt động bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam hay đáng lo ngại cho một phương thức kinh doanh mới núp bóng sở thú, tận dụng các chính sách ưu đãi thuế, đất đai… dành cho hoạt động bảo tồn? Người Đô Thị giới thiệu góc nhìn của một nhà nghiên cứu động vật đang thường xuyên công tác, nghiên cứu tại châu Âu và châu Phi.

***

Kể từ năm 1250 trước Công Nguyên, khi các ghi chép còn sót lại của người Ai Cập cổ đại mô tả các loài chim, sư tử, hươu cao cổ... trong điều kiện nuôi nhốt, thì chúng ta đã biết rằng con người thời đó lập ra các vườn thú để giải trí, với hàng triệu động vật bị nuôi nhốt sau song sắt. 

Trải qua hàng nghìn năm, sở thú hiện đại ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong kỹ thuật chăm nuôi, đáp ứng nhu cầu của động vật hoang dã. Sự tồn tại của các sở thú trên thế giới thường được nhắc đến với chức năng “giáo dục bảo tồn”. Chức năng này càng quan trọng, khi mà động vật hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng, do môi trường sống bị phá hủy và nạn săn bắn của con người. Nhưng, các sở thú hiện nay có thực sự thực hiện được chức năng này hay không?

Sở thú và chức năng... giải trí!

Theo Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Hoa Kỳ (AZA), có hơn 10.000 vườn thú trên toàn thế giới. Hiệp hội AZA là một tổ chức có yêu cầu các tiêu chuẩn cao về phúc lợi động vật hoang dã bị nuôi nhốt, dựa trên khoa học và bảo tồn động vật. Riêng tại Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp cấp phép cho 2.400 sở thú, trong đó có 212 sở thú là thành viên Hiệp hội. Nhiều sở thú được công nhận vai trò quan trọng trong giáo dục và bảo tồn, nỗ lực của họ vượt xa việc duy trì và nuôi giữ những loài động vật hoang dã đang bị nuôi nhốt trong sở thú.

Một thống kê năm 2015 cho biết, có 212 thành viên trong Hiệp hội AZA đã thực hiện 2.230 dự án nghiên cứu và bảo tồn, một nửa trong số đó là các dự án bảo tồn tận gốc tại hơn 80 quốc gia. Nhiều dự án trong số này là đối tác của hơn 575 tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ và tư nhân.

 

Dịch vụ “cưỡi voi khổng lồ” dạo quanh Safari ở công viên động vật hoang dã của Tập đoàn FLC tại Quy Nhơn. Ảnh T.A.T

Một ví dụ điển hình là sở thú Bronx ở New York, đã thực hiện hàng trăm dự án bảo tồn ở khắp thế giới. Bronx Zoo là tiền thân và hiện tại vẫn đang cung cấp, gây quỹ hoạt động cho tổ chức Wildlife Conservation Society - một trong những tổ chức bảo tồn động vật hoang dã lớn và lâu đời nhất trên thế giới, có trụ sở ở Việt Nam. Đây là ví dụ cho thấy một sở thú hiểu rõ được việc bảo tồn, chỉ có thể thực hiện tận gốc, nếu có những hành động thực tiễn bảo vệ loài vật ở môi trường tự nhiên của chúng, giải quyết được vấn đề tranh chấp về nơi sống giữa con người và thiên nhiên.

Thế nhưng, đại đa số các sở thú vẫn chỉ dừng lại ở chức năng giải trí cho người tham quan và không cung cấp bất kỳ giải pháp thực sự nào trong việc bảo tồn động vật hoang dã. Lấy ví dụ vào tháng 5.2016, Harambe - một chú khỉ đột sinh ra trong môi trường nuôi nhốt đã bị bắn chết sau khi một cậu bé rơi vào chuồng của chú tại Sở thú Cincinnati, Hoa Kỳ. Không nói đến quyết định bắn chết chú khỉ đột là đúng hay sai, nhưng sở thú này rõ ràng đã không thực hiện đầy đủ quy chuẩn đảm bảo an toàn chuồng trại nên cậu bé 4 tuổi đó mới có thể rơi vào chuồng khỉ. Liệu có thông điệp giáo dục nào được đưa ra khi khách tham quan sở thú chứng kiến cảnh tượng chú bé 4 tuổi rơi vào chuồng Harambe? Và, liệu có tác động bảo tồn nào khi người ta bắn chết chú khỉ đột - loài được xếp vào danh mục cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ? 

Trào lưu mở safari tư nhân ở Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh trong hơn một thập kỷ nay, đồng nghĩa với nhu cầu giải trí và tiêu khiển của người dân tăng cao. Các khu mua sắm, rạp chiếu phim... xây dựng với mật độ dày đặc ở các thành phố lớn, và bên cạnh đó là các sở thú, safari tư nhân cũng mọc lên như nấm sau mưa.

Chỉ cần “dạo” trên Google, đã có thể nhìn thấy danh tánh một số vườn thú quy mô lớn hoạt động rầm rộ và đang xúc tiến đầu tư: Tập đoàn Vingroup (với các vườn thú ở Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long - Quảng Ninh, Vũ Yên - Hải Phòng, Gia Lâm - Hà Nội...), Tập đoàn Novaland (với vườn thú ở Hồ Tràm - Vũng Tàu, Phan Thiết...), Tập đoàn FLC (với vườn thú ở Quy Nhơn, Núi Dinh - Vũng Tàu...), Tập đoàn Sun Group (với vườn thú Cát Bà - Hải Phòng...), Tập đoàn Mường Thanh (với vườn thú ở Diễn Lâm - Nghệ An...), Tập đoàn Rạng Đông (với vườn thú ở Bình Thuận...)... 

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay  ở  Việt Nam có khoảng 18.000 cơ sở có đăng ký gây nuôi, bảo tồn động vật hoang dã. Nếu có quan tâm đến động vật hoang dã, sẽ dễ dàng nhìn thấy nhiều vườn thú, safari đang gắn chặt với các dự án bất động sản, khu nghỉ dưỡng tầm cỡ. Không khó để đọc được các thông tin quảng bá safari như một dịch vụ cộng thêm cho khách hàng mua bất động sản, sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng do chính các doanh nghiệp mở safari đầu tư. 

Thêm nữa, việc thành lập, xây dựng và quản lý các sở thú ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý gắt gao, hay có những yêu cầu cao để đảm bảo phúc lợi cho động vật hoang dã bị nuôi nhốt. Chúng ta có thể bắt gặp tình trạng chuồng trại ở không ít cả các sở thú nhà nước hay sở thú tư nhân: thú bị nuôi nhốt trong chuồng có nền bê tông trơn để dễ dọn dẹp, diện tích chật chội, không có chỗ ẩn nấp cho thú để tránh bị căng thẳng, quy trình cho ăn đơn giản là ném hoặc đưa thức ăn vào chuồng qua máng ăn mà không có bất cứ biện pháp nào để khuyến khích thú thể hiện tập tính vốn có của chúng. Thậm chí, người viết bài từng tận mắt chứng kiến cảnh chuột chạy từ chuồng gấu qua chuồng sư tử để… ăn vụng thức ăn thừa. Điều này làm tăng khả năng lây lan bệnh dịch giữa các cá thể bị nuôi nhốt.

Việc con thú đang sống yên ổn trong môi trường tự nhiên, nhưng nay nhân danh bảo tồn và giáo dục tình yêu thiên nhiên để tách chúng khỏi môi trường sống tự nhiên (hoặc bán tự nhiên), mang về nuôi nhốt bán vé cho khách đến coi thì có còn gọi là bảo tồn? Cũng như một cái cây đang mọc tươi tốt trong rừng, nay đem bứng về đặt vào khu đô thị để tăng mảng xanh, để tự hào là khu đô thị sinh thái thì như vậy là bảo vệ môi trường hay phục vụ sự ích kỷ của một nhóm người?

Và, trong diện tích đất đai bao la như các safari tư nhân công bố, bao nhiêu diện tích dành cho chủ thể chính - là động vật được bảo tồn và bao nhiêu không gian, diện tích để xây cất các dịch vụ tiện ích đi kèm để phục vụ con người tới xem thú?

Một số hình ảnh do du khách nước ngoài tố cáo trên mạng xã hội: động vật hoang dã bị nuôi nhốt trong điều kiện chuồng trại chật hẹp, bẩn thỉu, vết thương lở loét... tại vườn thú bán hoang dã thuộc một khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở Đồng Nai. Ảnh Caitlyn

Nhắc đến safari thành công nhất và có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam hiện nay, không thể không kể  Vinpearl Safari Phú Quốc. Đây cũng là vườn thú đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng chỉ Welfare Certification về đảm bảo điều kiện phúc trạng động vật của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á - SEAZA và gia nhập Hiệp hội Vườn thú Thế giới – WAZA chỉ sau hơn bốn năm thành lập.

Tuy nhiên, trước khi đạt được những điều đó, vườn thú này cũng đã trải qua những bài học đau xót ở giai đoạn đầu khi đặt chân vào địa hạt mới lạ - bảo tồn động vật hoang dã, từng khiến dư luận dậy sóng liên quan đến công tác kiểm tra sức khỏe và kiểm dịch thú chưa đảm bảo, dẫn đến số lượng lớn động vật chết; công tác thiết kế, an toàn chuồng trại chưa kỹ lưỡng, tạo cơ hội thú xổng chuồng; không minh bạch pháp lý trong việc nhập tê giác từ châu Phi... Chủ sở hữu vườn thú sau đó đã khẩn trương khắc phục.

Đến nay, điều tích cực đáng ghi nhận về công tác bảo tồn ở Vinpearl Safari Phú Quốc là chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 216 cá thể thuộc hơn 30 loài với các nhóm đặc biệt quý hiếm, nguy cấp như: hươu vàng, linh dương sừng thẳng Ả-rập, linh dương sừng mác, tê giác trắng, hổ Bengal… được sinh ra ở đây.

Chuồng nuôi hổ với hàng rào bảo vệ thưa, nếu khách tham quan hiếu kỳ tới gần sẽ rất nguy hiểm! Ảnh: Thiện Thành

Trái lại, điển hình tai tiếng trong hoạt động bảo tồn động vật hoang dã của tư nhân là Khu du lịch Thanh Cảnh ở Bình Dương: nuôi nhốt và gây nuôi hổ trái phép dưới mác “làm bảo tồn hổ”. Sự việc chỉ được cơ quan chức năng vào cuộc khi xảy ra tai họa hổ nuôi ở đây cắn đứt hai tay của một người dân. Điều tra sau đó cho biết, Thanh Cảnh mua hai cá thể hổ vào năm 2000, rồi gửi nuôi tại Khu du lịch Suối Tiên. Trong vòng ba năm, doanh nghiệp này tiếp tục mua thêm 10 cá thể hổ bất hợp pháp, khi hổ chết thì đem bán lấy lãi.

Hành vi các sở thú “cho mượn” hoặc “gửi nuôi” các cá thể động vật hoang dã như Thanh Cảnh cũng đã được nhiều sở thú áp dụng. Đây là một cách làm mập mờ, giúp các sở thú lợi dụng sự yếu kém trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng để dễ dàng buôn bán, trao đổi các cá thể hoang dã trái phép.  

Đáng nói hơn, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương năm 2011 từng tuyên phạt ông Huỳnh Văn Hai - chủ doanh nghiệp Thanh Cảnh 36 tháng tù về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Thế nhưng, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục để cơ sở này nuôi hổ và các loài động vật hoang dã quý hiếm khác, cho đến khi vỡ lở một lần nữa vụ hổ cắn lìa tay người.  

Đến đây, một câu hỏi đặt ra, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh được cấp giấy phép nuôi giữ hổ cho mục đích bảo tồn nhưng suốt thời gian hoạt động, doanh nghiệp này không hề có bất cứ kế hoạch hoặc hoạt động tái thả hổ về môi trường hoang dã, hoặc dự án giáo dục người dân về loài hổ, vậy thì tại sao phải chờ đến khi có vụ tai nạn nguy hiểm đến tính mạng mới được chính quyền chú ý và giải quyết? Đáng giật mình hơn, khi trên địa bàn Bình Dương có ba cơ sở nuôi nhốt hổ có phép thì cả ba nơi này đều đã xảy ra vụ việc hổ tấn công người, trong đó có hai người chết (xảy ra ngày 10.9.2009 tại Khu du lịch Đại Nam, và ngày 23.9.2016 tại Khu nuôi nhốt hổ thuộc Công ty Thái Bình Dương). 

Gần đây nhất, một vụ việc thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, khi một du khách nước ngoài kêu cứu cho những động vật hoang dã đang bị nuôi nhốt trong vườn thú bán hoang dã thuộc một khu du lịch nổi tiếng ở Đồng Nai. Qua những hình ảnh ghi lại của du khách này, có thể thấy tình trạng nuôi nhốt động vật tại đây tồi tệ đến mức có những con thú bị thương, thịt lở loét...

Ngoài ra, các loài động vật hoang dã bị nguy cấp như tê giác trắng, hổ, gấu ngựa… cũng bị nuôi nhốt trong điều kiện chuồng trại chật hẹp, bẩn thỉu, các cá thể bệnh không được cách ly và chữa trị. Nhiều cư dân mạng đã phẫn nộ, yêu cầu cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ. 

*

Tranh luận về đóng góp của các sở thú cho ngành bảo tồn luôn là đề tài nóng hổi trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, một sở thú chỉ thực sự có đóng góp cho bảo tồn, nếu đơn vị sở thú đó có những hoạt động bảo tồn tại chỗ: bảo tồn sinh cảnh của các loài động vật hoang dã, trực tiếp tham gia vào các hoạt động nghiên cứu bảo tồn và có những dự án dài hạn tái thả loài về với thiên nhiên. Với những tiêu chí này, liệu có mấy doanh nghiệp ở Việt Nam đủ khả năng và tâm huyết để  “sở thú làm bảo tồn”? 

Mô hình kinh doanh sở thú tư nhân, mở safari là một xu thế tại các nước đang phát triển, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi những sở thú và safari được mở như một dịch vụ cộng thêm cho dự án bất động sản, hay phục vụ cho hệ sinh thái kinh doanh nghỉ dưỡng, rõ ràng sẽ có nhiều nghi vấn được đặt ra. Các sở thú tư nhân đua nhau mọc lên nhưng tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã không được cải thiện thì các cơ quan chức năng cần nâng cao tiêu chuẩn phải có của một sở thú, xem xét lại quy trình cấp phép, và quản lý sát sao hơn quá trình vận hành của các sở thú hiện nay.  

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó có nội dung dừng nhập khẩu động vật hoang dã. Đây là cơ hội để cơ quan hữu quan rà soát lại các quy định chế tài, đánh giá thực trạng “bội thực” safari tư nhân như hiện nay. Cần trả bảo tồn về đúng bản chất của nó chứ không phải là một dịch vụ “trang trí” cho bất động sản. Bởi biết đâu, quỹ đất lớn này sau nhiều năm nếu không hiệu quả, rất dễ để hợp thức hóa chuyện đổi mục đích sang loại hình kinh doanh khác, như nhiều người nghi ngại. 

Linh Đan

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
diệt mối tại hải phòng Mua Két Sắt điện tử Vòng đệm ptfe gasket ở KIDUCO mở khóa xe ô tô Dàn lạnh công nghiệp chính hãngXưởng sản xuất Xe cà phê Quang Huy Plaza Cho thuê máy photocopy hải phòng Chất lượng

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.