Cuộc đua “vẫy” taxi trên “áp” (Châu An - Thiều Vinh). Cuộc đổ bộ của hai hãng Grabtaxi, Easytaxi vào Việt Nam với chiến dịch khuyến mãi rầm rộ cho dịch vụ đặt chỗ taxi trên điện thoại dưới dạng ứng dụng “áp” (application - ứng dụng) đang tạo nên thói quen gọi taxi mới cho thị dân ở TP.HCM, Hà Nội. Chưa dừng lại đó, mới đây mô hình chia sẻ xe sang cá nhân của hãng Uber cũng hiện diện ở Việt Nam, tạo nên cuộc đua quyết liệt giữa ba “ông lớn” có hoạt động trung gian trên ứng dụng điện thoại, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế.
Một đời “vớt xác cứu người” (Thanh Tâm). Dưới chân cầu Bình Lợi, cây cầu được mệnh danh là “cầu tử thần”, có một người đàn ông đã dành hơn nửa đời người để làm cái việc không tên, không công, đó là cứu người, vớt xác. Mấy chục năm lênh đênh trên sông nước, ông Ba Chúc không còn nhớ đã vớt được bao nhiêu thi thể người, hay cứu sống bao nhiêu người sa cơ gặp nạn, bao nhiêu người có ý định tìm đến cái chết. Chính vì nghĩa cử đó, ông được người dân xóm chài đặt cho biệt danh rùng rợn: “Kẻ cướp cơm của tử thần”!
Sống cùng lịch sử hay sống cùng... lãng phí? (Đoàn Khắc Xuyên). Câu chuyện bộ phim Sống cùng lịch sử do Nhà nước đặt hàng hãng Phim truyện Việt Nam, một hãng phim nhà nước, thực hiện với kinh phí 21 tỉ đồng nhưng ra rạp chỉ bán được lèo tèo vài vé và phải ngưng chiếu, đang được cả các nhà chuyên môn lẫn công chúng rộng rãi mổ xẻ dưới nhiều góc cạnh. Và không chỉ bộ phim này, còn có hai phim khác ra rạp trong tháng 9 là Mộ gió và Đam mê và nhiều bộ “phim nhà nước” trước đó cùng chịu chung số phận.
Động lực phát triển của một quốc gia và vai trò của người trẻ (Lê Phương Qúy thực hiện). Cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại (đã được dịch và phát hành ở Việt Nam) thu hút nhiều người trong giới nghiên cứu kinh tế chính trị thế giới, bởi nó cung cấp một góc nhìn khoa học để giải thích những nguyên nhân dẫn đến sự thành công hay thất bại của các quốc gia. GS. Jonathan London, nhà nghiên cứu tại đại học Thành Thị Hồng Kông, chia sẻ với Người Đô Thị về chủ đề này.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2: Thêm một cây cầu mà bớt đi lịch sử. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: với lịch sử hình thành lâu đời và những di sản văn hoá trên mặt đất, dưới lòng đất; đường Tôn Đức Thắng cần thiết phải được bảo tồn và hết sức cân nhắc khi “can thiệp” vào khu vực này. Việc xây cầu Thủ Thiêm từ con đường này chắc chắn sẽ phá huỷ cảnh quan và ảnh hưởng lớn đến những công trình kiến trúc ở đây, cũng đồng nghĩa với việc xoá bỏ một phần lịch sử đô thị Sài Gòn! Một đô thị văn minh không chỉ có phương tiện giao thông, công trình hiện đại mà còn phải có cả chiều sâu lịch sử văn hoá.
Biến “công” thành nhà, thành quán (Hà Thanh). Ít năm nay, những chiếc container cũ kỹ, chuẩn bị thành phế liệu đã được một số cư dân Sài Gòn biến thành quán xá, nhà cửa đầy vẻ táo bạo, lạ lẫm. Trộm nghĩ, để giải quyết chỗ ở tạm thời cho người nghèo, sinh viên, nếu các nhà quản lý, chính sách cũng tận dụng thùng container phế liệu biến thành những căn hộ mini thì tốt biết mấy!
Cũng còn có vài người tốt... Tác giả Đoàn Đạt chia sẻ trong bài viết: “tôi thường xem đi xem lại bộ phim A few good mencủa Mỹ và thường thấy ấm lòng: nó tạo cho tôi niềm tin về những người tốt bụng và thế giới vẫn còn có họ... Cảm giác tương tự, nếu không nói là ấm áp hơn, khi theo dõi vụ cháu bé Kim Ngân ở Bình Dương bị hành hạ và được cứu giúp. Vì đó không phải là phim mà là đời thực và xuất hiện trong bối cảnh mà cả xã hội đang kêu rên vì sự vô tâm vô cảm của con người”.
Thành phố thông minh và năng lượng thông minh. ÔngPhạm Thanh Long - Nghiên cứu viên, trung tâm Nghiên cứu năng lượng quốc tế, viện nghiên cứu quốc gia Tyndall – Ireland khẳng định: Xu hướng phát triển các thành phố thông minh đã bắt đầu từ hơn năm năm nay và hiện cả năm châu lục đều đã có những thành phố được xây dựng theo xu hướng này. Hành trình xây dựng các thành phố thông minh của Việt Nam có thể bắt đầu bằng tập hợp, đánh giá các hệ thống ứng dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng hiện có; sau đó sẽ là lộ trình để đưa các giải pháp này vào thực tiễn, tạo thành một trào lưu mới và dần dần trở thành lối sống mới của người dân các thành phố.
Peter Châu:“Đừng sợ đi, hỡi người Việt trẻ!” (Lê Phương Qúy). Peter Châu là cái tên được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn đầu tư lớn. Sau các dự án dầu khí ở Mỹ, Brazil, Trung Quốc, châu Phi, Singapore, Malaysia… hiện anh đang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ trong nhiều ngành khác nhau, trong đó có đấu thầu thiết bị cho một giàn khoan dầu ở Việt Nam. Anh đã chia sẻ với cộng tác viên Người Đô Thị về kinh nghiệm thành công của mình.
Norwich, thành phố văn chương của nước Anh (Nguyễn Thị Thu Huyền). Với số đông, nói đến nước Anh là nói đến London, Manchester, Cambridge, Oxford... vì đó là những thành phố lớn hoặc có những trường đại học lừng danh. Với tín đồ của túc cầu giáo, có thể kể thêm Sunderland, Liverpool, Southampton, và gần đây là Norwich City. Không nhiều người biết rằng Norwich - một thành phố nhỏ nằm lẻ loi phía đông nước Anh mới là thành phố duy nhất của Anh quốc nhận được giải thưởng Thành phố văn chương (City of Literature) do UNESCO trao tặng năm 2012.
Để du học không phải là “tị nạn”. Tác giả Thu Hiền đặt vấn đề và đưa ra lý giải: Phụ huynh học sinh đang đứng bên ngoài phàn nàn, kêu rên và tìm giải pháp đối phó với những méo mó của nền giáo dục Việt Nam, bằng cách cho con đi “tị nạn du học”. Liệu đó có phải là giải pháp?
Cần khuyến khích sự công bằng và coi trọng thực tài. TS. Phạm Phú Quốc (Đại học Ngân hàng TP.HCM) đưa ra lời bàn: nên tạo điều kiện cho người trẻ không còn bận tâm với nhu cầu cơm áo đời thường. Để say mê sáng tạo, đòi hỏi phải toàn tâm toàn ý. Khi mà bản thân và gia đình còn chưa ổn định thì khó mà có cảnh giới đó. Ngoài ra, như đã nói ở trên, cần có môi trường công bằng, coi trọng thực tài.
Cách nào tránh bẫy dầu bẩn? (PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh).Người tiêu dùng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam hãi hùng trước thông tin cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan cho biết có hơn 1.200 doanh nghiệp địa phương sử dụng dầu ăn bẩn tái chế từ nước thải cống rãnh, nội tạng ôi thối… Các sản phẩm độc hại này đã xuất sang ít nhất 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Liệu có cách nào để người tiêu dùng tự bảo vệ sức khoẻ trước ma trận dầu ăn đang bày bán tràn lan trên thị trường?
Trái tim mùa thu. ThS.BS Ngô Bảo Khoa - khoa Phẫu thuật tim mạch bệnh viện Đại học Y dượcTP.HCM cho biết: đến sau mùa hè nóng nực, mùa thu nhẹ nhàng gõ cửa cùng tiết trời dịu mát, đem lại cho mọi người cảm giác thư thái, thanh bình. Tuy nhiên, trong tiết trời yên ả đó, người bệnh tim mạch vẫn cần cảnh giác với bệnh cúm vì mùa thu là thời điểm bắt đầu dịch cúm. Cảm cúm thường chỉ gây mệt mỏi trong vài ngày, nhưng với người bệnh tim mạch, nó có thể là “sát thủ” không nương tay.
Ốc ma: ăn dễ ra ma. TS. Lâm Quốc Hùng - trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, cục An toàn thực phẩm - cho biết: Gần đây, các cơ sở y tế ở Ðà Nẵng, TP.HCM… đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh nặng, thậm chí tử vong do dùng ốc sên làm thức ăn vì tin vào lời đồn ăn thịt ốc sên giúp chữa bệnh, bổ khớp, đẹp da…
“Xuất khẩu sự khó tính của người sành ăn” (Khánh Lê). Lê Văn Quyết - á quân giải Chiếc thìa vàng 2013 - cho rằng: thay vì xuất khẩu sản phẩm thì hãy xuất khẩu văn hoá ẩm thực. Hãy cho bạn bè quốc tế biết tới văn hoá ẩm thực của người Việt. Bởi văn hoá ẩm thực ngoài vấn đề ăn ngon còn là biết cách ăn!
Những phiên bản nhỏ của người lớn. Tác giả bài viết - Nguyễn Hồng Vân hiện đang học thạc sĩ xã hội học tại đại học Western Ontario, Canada tâm sự: Tôi hết mực tin rằng, một đứa trẻ là kết quả của sự dạy dỗ trực tiếp từ bố mẹ, cũng như hoàn cảnh xã hội xung quanh. Nhiều khi các bậc phụ huynh than phiền rằng con mình quá nhút nhát, mà thật ra không hiểu bản thân đứa trẻ không nhút nhát, mà nó chỉ bị kìm kẹp bởi nỗi sợ của chính họ.
Bước khẽ đến hạnh phúc: Lưu Trọng Ninh trở lại (Trà Quế). Cuối cùng, phim Bước khẽ đến hạnh phúc đã có lịch phát hành vào ngày 3.10 tại hệ thống rạp toàn quốc. Sau một thời gian thực hiện hậu kỳ tại Thái Lan, bộ phim nhựa thuộc thể loại tình cảm, xã hội của đạo diễn - NSƯT Lưu Trọng Ninh cùng dàn diễn viên chính Ngân Khánh, Quách Ngọc Ngoan, Doãn Tuấn sắp đến với khán giả.
Quách Ngọc Ngoan: Hạnh phúc không cần đến đám đông (Phạm Vi).Ra Huế “cắm trại” hơn hai tháng cho vai chính trong bộ phim nhựa cổ trang Mỹ nhân (hãng phim Giải Phóng, đạo diễn Ðinh Thái Thuỵ) từ ngày 25.9, Quách Ngọc Ngoan không có thời gian để gặp gỡ giới truyền thông trước ngày ra mắt của hai bộ phim có sự tham gia của anh: vai chính trong Bước khẽ đến hạnh phúc và vai thứ trong Hiệp sĩ mù. Quách Ngọc Ngoan đã có cuộc trò chuyện ngắn trước ngày phim công chiếu.
Ngân Khánh: Dòng máu Việt chưa bao giờ ngừng chảy trong Vivian. Là một gương mặt nổi bật của phim truyền hình và từng được các đạo diễn tên tuổi như Victor Vũ, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Trần Ngọc Giàu mời vào các vai chính trong phim truyện nhựa, Bước khẽ đến hạnh phúc là một thử thách với Ngân Khánh khi cô hoá thân vào vai Vivian. Ngân Khánh đã chia sẻ về vai diễn của mình trong bài viết.
Phan Ý Yên: “Các bạn đọc trẻ bị ảnh hưởng nhiều bởi PR” (Trà Quế). Cùng với những cây bút như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao…,Phan Ý Yên đang là một cây bút được các độc giả trẻ, đặc biệt là các bạn nữ yêu thích.
Nổi tiếng trên mạng xã hội với lượng người theo dõi cao, mỗi post đăng tải có đến vài chục ngàn người đọc, có thể sống nhờ quảng cáo trên trang mạng cá nhân - những người viết như Phan Ý Yên đang là một thế hệ viết mới, không chỉ trăn trở với từng con chữ mà còn dành thời gian và tâm huyết quảng bá cho những tác phẩm của mình. Bài viết ghi lại cuộc trò chuyện giữa Người Đô Thị với cây bút Phan Ý Yên về Em là để yêu - cuốn sách của Phan Ý Yên vừa được Phương Nam Book ấn hành với số lượng đầu tiên là 10.000 cuốn.
Sắt vụn hoá mui trần (Kim Dung). Người Việt gọi dòng xe chuyên đi đuổi chợ và giải tán những người tụ tập buôn bán trên đường phố một thời này là “xítđờca”(sidecar). Hơn hai chục năm mất dấu, những chiếcsidecar đang xuất hiện trở lại trên đường phố Hà Nội và Sài Gòn, nhờ bàn tay khéo léo của những người yêu loại xe đặc chủng mang đến cảm giác mạnh, kích thích máu phiêu lưu. Những chiếc xe bán theo giá sắt vụn sau khi phục chế có thể được bán với giá gấp trăm lần!
Chuyện ghi từ khán đài Mỹ Đình: Còn phải học nhiều (Tất Đạt). Trong sân, người Nhật đã thắng bằng một đội hình phụ, trên băng ghế huấn luyện, người Nhật lại thắng vì họ chấp nhận để cầu thủ của mình được hành động như những cầu thủ chuyên nghiệp tự biết đúng sai mà không cần “bảo mẫu”, và trên khán đài, người Nhật lại thắng bởi những tình cảm của họ được đáp lại. Bóng đá, không chỉ có thắng hay thua, không chỉ có đẹp hay giỏi, không chỉ là những phát biểu hừng hực từ người lớn mà nó còn là sự chân thành dành cho nhau. Ðiều này thì bóng đá Việt còn phải học nhiều.
ASIAD Incheon 2014: VFF dùng tuyệt chiêu chăng? (Thảo Du). U23 Việt Nam bất bại ở vòng bảng ASIAD, một đấu trường chính thức và lớn hơn nhiều so với các giải đấu giao hữu, kể cả giải đấu vừa diễn ra trên sân Mỹ Đình. Thế nên, lời phát biểu của ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch VFF - về việc “dưới thời của tôi, tôi quyết đưa U19 đi đá SEA Games lẫn vòng loại World Cup” có vẻ như là “tuyệt chiêu”.
Ngoài ra, bạn đọc còn tìm thấy ở Người Đô Thị số 29 nhiều tin tức sẽ diễn ra trong tháng 10 về kinh tế - xã hội - giáo dục, và thư giãn cùng những chuyên mục “đặc sản” của báo: Người già chuyện với Chim hư vì ai?, Trò chuyện cùng triết học với bài viết Giáo dục: mời gọi lên đường của cây bút quen thuộc Bùi Văn Nam Sơn.
Mời bạn đọc đón xem,
Người Đô Thị