Có lẽ với ai đó, nhất là các em học sinh, dù sinh ra và lớn lên ở nông thôn hay ở đô thị, đều ít nhiều biết đến con cò, một loài vật vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Cò là một loài chim chân cao, cổ dài, mỏ nhọn, lông thường có màu trắng nom rất đẹp:
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng
(Ca dao)
Đàn cò chuyên sống thành bầy trong những lùm cây rậm rạp. Chúng thường bay đến nơi có nước, như đồng ruộng, đầm lầy, mò tôm tép để ăn. Với cái mỏ nhọn khá dài, cò rất giỏi trong việc bắt các loài tôm cua và cá nhỏ. Tuy nhiên, cá tôm vốn là loài chuyên sống dưới nước. Chúng bơi lội rất nhanh. Vì vậy không phải lúc nào các chú cò nhà ta cũng đủ cái ăn. Mọi người chẳng thấy con cò nào cũng gầy gò sao? "Ngẳng cổ cò" chính là chỉ những ai cao gầy, cổ ngẳng đấy.
Ảnh minh họa: DAD
Tuy nhiên, nếu gặp dịp nước đục, do mưa hay do người ta lội sục bùn đất dưới ruộng, dưới ao, lũ tôm lũ cá động nước chạy lung tung, nháo nhác nổi lên thì đấy là một dịp để lũ cò kia "trổ tài" mò cua bắt ốc. Vào mùa nước can, người ta cày bừa sục nước, cá tép nhảy lung tung. Thế là cò ta "vào cuộc". Chúng cứ ung dung đánh chén no nê. Đây chính là cơ sở hình thành nên thành ngữ "đục nước béo cò": Nước trong mà chuyển đục thì chính là cơ hội kiếm ăn dễ dàng cho đàn cò mà. Chúng "béo" lên vì thế.
Song, câu thành ngữ này lại mang một nét nghĩa hàm ẩn sâu xa hơn. Nó dùng để chỉ một tình thế lộn xộn, rối ren nào đó và đây chính là cơ hội cho kẻ đầu cơ trục lợi.
Chẳng hạn, nhiều tư thương lợi dụng lúc có tin đồn hàng hóa khan hiếm, chuẩn bị tăng lương hay gặp khi thời tiết bất thường... liền gom hàng đẩy giá lên cao nhằm kiếm lời bất chính. Hay là nhân đại dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều quan chức đã tư thông với các “đại gia” làm ăn bất chính, “xập xí xập ngầu” mua kit xét nghiệm “dởm”, biến báo thành sản phẩm “xịn” rồi nâng giá “ngất trời” móc túi người dân. Trong những lúc như vậy, cũng xuất hiện nhiều kẻ "cò mồi", "chân gỗ", đứng ra làm môi giới hay dắt mối làm ăn. Đó quả là những hành vi không lành mạnh, đáng phê phán:
Tội thay cho mấy chú cò
Phải vào thành ngữ bây giờ tính sao?
Chú quen kiếm sống bờ ao
Chứ đâu lừa gạt như bao nhiêu người...
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội ngôn ngữ học Việt Nam)