Dung nhan đại thị

 21:26 | Thứ hai, 18/04/2016  0
Gần ngày Tết hay mùa lễ trọng, mùa cưới, tác giả lại nhận được nhiều thư tín của những bạn gái không quen hỏi han nhiều việc có liên quan tới áo dài, từ tiệm may tín cẩn, cách chọn vải, kiểu vẽ, màu thêu, chưng diện trang sức ra sao... Nhưng đặc biệt nhất, là làm sao may cho đúng kiểu “áo dài Sài Gòn”. Vậy có hay không một kiểu quốc phục mang nét bản địa đặc thù của Sài Gòn?

Từ Lê Phổ đến cuộc phục sinh hậu thế chiến nhà Dior

Có thể nói mẫu áo dài tân kỳ theo trào lưu Âu hóa đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn là theo chân những các bà các cô giới tư sản Hà thành, Nam Định, Hải Phòng... di dân vô Nam từ giữa thế kỷ trước, với hai trường phái do hai họa sĩ Tây học vẽ kiểu là họa sĩ Cát Tường với kiểu Le Mur, và họa sĩ Lê Phổ với cấu trúc raglan mà ngày nay đã thành kinh điển.

Lần đầu dung nạp ảnh hưởng Tây phương, chiếc áo dài được tạo cấu trúc bởi nội y corsette của người Pháp, thân mình liền lạc nhờ khung dệt cải tiến cho khổ vải rộng hơn, cùng thêm những vai bồng, cổ sen và quần lụa trắng khiến vóc dáng được tôn thêm, phù hợp nếp sinh hoạt Âu hóa với xe hơi, tiệm nhảy...

Áo dài khi này, dù đã được coi là cách điệu hết sức tân kỳ, nhưng vẫn còn giữ chút bóng dáng của lối cũ qua phần eo chỉ hơi lượn nhẹ mềm mại chứ chưa ôm sát cơ thể. Chính Sài Gòn và một đợt du nhập văn minh Tây phương khác đã làm nên hoàn chỉnh vóc dáng áo dài Sài Gòn.

Nửa cuối thập kỷ 1940, nước Pháp nói riêng và cả thế giới cũng đang hồi sinh từ bình địa của cuộc đại thế chiến. Nước Pháp gom góp những súc vải lộng lẫy nhất còn sót lại để làm nên cuộc bùng nổ chấn động lịch sử thời trang mang tên New Look mà công khai hỏa năm 1947 chính là Christian Dior tiên sinh.

Những chiếc eo chưa bao giờ siết nhỏ đến vậy và những tà váy chưa bao giờ xòe rộng diêm dúa đến như thế. Những đường nét thân thể được cường điệu hóa, những vòng hông phồn thực, những chiếc cổ thiên nga cao vút được coi là chuẩn mực thẩm mỹ mới, nhưng những bản tụng ca tôn giáo hưởng thụ bằng vải sợi và sắc màu.

Ảnh hưởng New Look kéo dài lừng lẫy đến giữa thập niên 1950 và đó cũng là điều tài tình xảy ra, khi các tiệm áo dài Sài Gòn khéo léo dung nạp tinh thần New Look vào cấu trúc của áo dài, được các bà các cô giới tân thượng lưu và các nữ minh tinh nhiệt tình lăng xê.

Vẫn trung thành với cấu trúc raglan và hai tà đăng đối trước sau, áo dài kiểu mới này siết thật chặt quanh vùng nhỏ nhất của eo, thậm chí luồn một sợi dây mảnh vào mặt trong để “gia cố” thêm độ hớp hồn nghẹt thở (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) cho nét “thắt đáy lưng ong”. Chiếc corsette “bánh ú” kiểu chóp nón của người phương Tây hãnh diện trưng trổ những bờ ngực như tượng nữ thần và tà áo phải cắt thật rộng phồng ra bên dưới vòng eo vô thực. Ngay cả những chiếc cổ áo được may thật cao theo lối áo dài Thượng Hải của các thím xẩm Chợ Lớn, gần chạm tới cằm và hồ cứng. Kiểu áo này khiến người mặc luôn ở trong tư thế đường bệ, sang cả nhất với ngực và cằm thật cao, vòng eo thật nhỏ và từ phần hông trở xuống lại tạo cảm giác nảy nở nhưng không hề dung tục. Vải áo cũng đa dạng hơn với tơ lụa ngoại nhập, những dịp trang trọng thì gấm vẫn là chất liệu được ưa chuộng bởi độ dày dặn, tạo khối dễ dàng và hàng vải sáng bóng sang trọng theo kiểu Á Đông. Ống quần cũng được cắt may nhỏ lại để tiện việc di chuyển, sinh hoạt.

Cứ như vậy, quý bà quý cô xứ ngọc Viễn Đông đường hoàng gia nhập cơn sốt New Look của toàn thế giới với một diện mạo kiêu hãnh của chiếc áo dài bản xứ gây không ít trầm trồ ngưỡng mộ đối với các quốc gia lân bang, khi này đang phân hóa rạch ròi giữa việc giới trẻ chuyển hẳn sang Âu phục cho hợp thời, khiến các mẫu quốc phục chỉ còn dành cho dịp lễ trọng.

Cũng vào giai kỳ này, sân khấu Sài Gòn với những tuồng cải lương xã hội bắt đầu nở rộ và được ưa chuộng. Những tuồng tích hiện đại được đưa lên sân khấu, các đào hát nhan sắc thượng thừa được dịp chưng diện những mẫu áo dài kiểu mới khiến công chúng rần rần ái mộ, phái đẹp Sài Gòn không tiếc tiền thửa cho bằng được những mẫu áo dài cầu kỳ không kém, hãnh diện trưng khoe sắc vóc qua những vòng eo ngày càng nhỏ đến ngặt nghèo, và mốt corsette chóp nhọn cũng theo đó bán chạy như tôm tươi.

Tình cờ, cấu trúc New Look của nhà mốt Christian Dior khi đưa vào áo dài lại tuân thủ tuyệt đối và thậm chí hoàn thiện cấu tứ âm-dương đăng đối của nguyên tắc áo dài từ xưa. Vòng hông và ngực phồn thực chính là vế dương đăng đối của vòng eo siết nhỏ và ống quần thu hẹp, trong khi đó, phần thân trên càng bó sát, khiến nửa thân trên luôn trong tư thế nghiêm chuẩn kiêu kỳ (tính âm), đối lập với vạt tà rộng uyển chuyển (tính dương) của thân dưới. Cũng như vậy, bản thân việc du nhập tinh hoa thẩm mỹ Tây phương (tính dương) cũng đối xứng với sự trung thành tuyệt đối trên cấu trúc căn bản của mẫu áo truyền thống (tính âm).

Chỉ đáng tiếc những ghi chép về đời sống đô thành khi đó còn chưa đủ cặn kẽ để biết được chính xác ai đã là người phụ nữ đầu tiên chưng diện mẫu áo dài này, hay tiệm may nào đã tài tình du nhập một trào lưu khuynh đảo Tây phương mà tôn tạo nên sắc vóc kiêu kỳ cho giai nhân bản xứ.

Thái Thúc Nha và những chiếc trâm ngọc trứ danh

Tưởng như hình mẫu “áo dài Sài Gòn” đã có thể định hình hoàn chỉnh ở đây, đại diện toàn mỹ cho chính bối cảnh đa chủng đặc thù của Sài Gòn thời kỳ này, với ảnh hưởng di dân Bắc kỳ từ kiểu áo raglan của họa sĩ Lê Phổ, ảnh hưởng thời trang tân trào của phong cách New Look, và cả kiểu cổ cheongsam của các minh tinh Thượng Hải, Đài Bắc...

Nhưng đến đầu năm 1961, một buổi trình diễn thời trang nội hóa do bà Trần Lệ Xuân điều hành đã được tổ chức. Người được giao việc phác thảo mẫu áo dài trình diễn tại đây chính là chủ hãng phim Alpha, đạo diễn điện ảnh Thái Thúc Nha - chú ruột ca sĩ Thanh Lan. Theo ý tưởng của bà cố vấn phu nhân, ông đã vẽ nên một kiểu áo dài cách tân, vẫn dựa trên vòng eo siết chặt và tà rộng của áo dài Sài Gòn, nhưng phần cổ cao hồ cứng được bỏ đi và thay thế bằng kiểu cổ thuyền đáy cạn. Tay áo được cắt ngắn tới giữa khuỷu để khoe đồng hồ và trang sức.

Kiểu cổ thuyền này cho phép người mặc thoải mái, dễ chịu hơn, lại khoe được sự thanh mảnh quý phái của chiếc cổ kiêu kỳ. Giai nhân Sài Gòn đầu tiên lăng xê mốt này tại buổi trình diễn chính là nữ minh tinh Kiều Chinh, 21 tuổi.

Hoa hậu Kiều Khanh (cuộc thi Hoa hậu áo dài do Báo Phụ Nữ tổ chức 1989). Ảnh tư liệu Báo Phụ Nữ

Kiểu cổ áo hơi giống kiểu cổ áo phụ nữ phương Tây thời Phục hưng, hay các tượng thần nữ Hy Lạp. Bà phu nhân họ Trần tâm đắc mẫu áo này đến mức nó lập tức mang tên bà. Ngoài ra, cho rằng phần cổ khoét rộng có phần “trống trải” quá, Trần Lệ Xuân luôn đính một chiếc trâm cài áo (brooch) cẩn ngọc lên vai hay trước ngực. Về sau mốt đeo brooch trở thành một nguyên tắc bất thành văn của người muốn ăn vận đúng mốt Sài Gòn. Cho đủ “lệ bộ”, phu nhân họ Trần đeo găng ngắn đến cườm tay theo mốt đang thịnh trên thế giới, cùng kiểu bới đầu phồng thật cao mà bà cũng là người tiên phong quảng bá, tạo nên một kiểu cách mẫu mực thời kỳ này.

Kiểu áo bà Nhu về sau cũng có ít nhiều chỉnh sửa so với nguyên mẫu của ông Thái Thúc Nha. Chiếc cổ thay vì khoét cạn thì được biến thành dạng cổ tim nhọn, cài khuy từ chính giữa phần khoét cổ, vắt chéo qua thân trước, hơi giống lối đắp tà của áo kimono. Đến đây, chiếc áo dài Sài Gòn thật sự định hình, kiểu cách nhưng không cồng kềnh, gợi cảm nhưng vô cùng lịch duyệt.

Nay cả người vẽ kiểu đầu tiên, đạo diễn Thái Thúc Nha lẫn người đàn bà đã tặng lại tên mình cho tà áo ấy đều ra người thiên cổ, nhưng trên đường phố Sài Gòn, thi thoảng khi bắt gặp một dáng eo thon thắt đáy, một chiếc trâm mỹ ký lấp lánh trang hoàng dưới cần cổ thiên nga, hay một mái tóc bới cao sang cả, người ta vẫn thấy nghiễm nhiên một cốt cách Sài Gòn.

Bí ẩn nền văn minh đại thị

Sau này, với ảnh hưởng sack dress (váy không eo) và phong trào hippy, áo dài Sài Gòn còn qua thêm một lần biến đổi vào đầu thập niên 1970, với kiểu cổ áo truyền thống được may hẹp, áo không eo, vạt ngắn bằng vải in họa tiết hoa hoặc lập thể. Vạt áo có khi ngắn trên đầu gối và có thể mặc với quần Âu phục ống patt. Các cô gái Sài Gòn diện áo dài hippy, tóc suôn cài bandeau vải, đeo mắt kiếng gọng to màu trà lợt, bông tai hình bông cúc trắng, chiều chiều lượn phố trên Honda dame vô Hầm Gió đường Võ Tánh nghe nhạc hay vô thương xá Tax ăn kem Pole Nord… đã thành hoài niệm tuổi hoa niên của không ít người Sài Gòn xa xứ.

Mãi tới tận tháng 3.1989, áo dài mới chính thức tái xuất qua cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên do Báo Phụ Nữ tổ chức và việc nữ sinh Sài Gòn được mặc áo dài trắng đồng phục. Chiếc áo dài đăng quang của hoa hậu Kiều Khanh vẫn còn mang ít nhiều hơi hướm của mẫu áo dài hippy đầu thập niên 90. Nữ sinh trung học những năm 1990-1991 vẫn giữ thói quen trang sức bằng trâm cài áo, nhưng thường đính vào chính giữa kiểu cổ áo dài truyền thống.

Về sau, một số trào lưu cải biên áo dài cũng xuất hiện nhưng không tồn tại lâu, trong khi áo dài kinh điển với tay raglan kiểu Lê Phổ vẫn được coi là chuẩn mực. Những ống quần được may xòe rộng để giống với soiree phương Tây hơn, do áo dài chỉ còn được mặc vào dịp lễ trọng chứ không xuất hiện thường nhật như trước. Hàng vải, kiểu vẽ, mẫu thêu, đính cũng đa dạng hơn xưa rất nhiều.

Nhưng người ta không còn mặc áo dài nhiều nữa.

Để khích lệ dân tộc tính trong nếp ăn vận, nhiều người đã lăng xê mốt áo dài may sẵn, áo dài size rộng cho thoải mái, áo dài không tay, áo dài vạt ngắn gần như áo bà ba, mặc với quần tây, quần bó, thậm chí quần... ngắn đến rất ngắn. Đáng tiếc, những biến thể này chỉ khiến chiếc áo dài Việt Nam trông giống trang phục truyền thống của một số quốc gia Trung Á hay áo xẩm Trung Hoa. Sự đăng đối âm - dương trong cấu trúc áo dài bị phá vỡ, nét tha thướt kiêu hãnh của nét ngọc Viễn Đông cũng lu mờ.

Khoảng đôi năm trở lại, đã bắt đầu có những nhà thiết kế tìm tòi tái hiện phong cách áo dài Sài Gòn lừng danh một thuở. Có nơi dùng kỹ thuật nguyên bản là luồn dây vải trong thân áo, có nơi chọn cách may lưng quần và eo nhỏ hơn số đo chuẩn, hoặc may đường ráp v.v.. chung quy cũng là một tín hiệu cho thấy áo dài Sài Gòn đang tìm đường phục dựng hình thái hoàn chỉnh nhất từng có trong quá khứ.

Áo dài là trang phục phổ biến của nữ giới Sài Gòn trước 4.1975

Nhân tiện, người viết cũng xin có đôi lời mách với nữ độc giả có lòng muốn thửa cho mình kiểu áo dài Sài Gòn như hoài niệm, rằng việc kén chọn cửa tiệm hạng sang vẫn không bảo đảm cho một chiếc áo dài đẹp, bởi bản thân người viết từng đặt may ngẫu hứng ở những tiệm nhỏ trong hẻm mà vẫn có chiếc áo đúng điệu Sài Gòn, chỉ cần biết cách dặn dò thợ làm cho hạp ý. Muốn eo thật nhỏ thì dặn thợ may eo thấp, lưng quần cao, sao cho vừa vặn nơi nhỏ nhất của eo. Xin chớ ham khoét hông cao khoe da thịt, chỉ báo hại khoe mỡ hông mà dáng người hóa ra suôn đuột. Nếu là hàng tơ lụa thì “đúng điệu” nhất phải là lụa “hồng hoa” nội hóa, eo nhỏ vạt to. Bóp đầm cầm tay phải là loại nhỏ, tránh dáng vẻ mang vác tất tưởi. Rồi còn việc đứng ngồi cho lịch duyệt chừng mực mà khoan thai thoải mái... Bước đầu mắc cỡ chưa quen, nhưng chỉ đôi lần là thành quen, thành nếp.

Những năm gần đây, ngày Tết ra đường càng thấy thưa đi những bóng hồng tha thướt kiêu hãnh trong những tà áo dài, người viết buồn một, nhưng nhìn các chị em lúng túng trong chiếc áo dài của chính xứ mình, các món lệ bộ cọc cạch vụng về thì thật là buồn tới mười. Phụ nữ xứ mình từng hãnh diện rằng trong khắp các xứ, dẫu đàn bà con gái họ đẹp tới đâu, khi xỏ tay vô áo dài Việt Nam dẫu may vừa khít vẫn không sao duyên dáng tao nhã mà tự nhiên bằng chính đàn bà con gái Việt Nam.

Chiếc áo dài siết eo ngày xưa đã dạy đàn bà nước Nam thẳng lưng, vươn ngực, kiêu hãnh khoe vẻ sang quý mà mực thước, khiêm nhu. Chiếc áo dài tà rộng dạy con gái không sấp ngửa hấp tấp quáng quàng trên cặp gót chênh vênh, dạy người đàn ông phải biết lịch duyệt dìu đỡ để hai tà lụa được thảnh thơi bay mát điểm trang phố thị. Dù ắt hẳn các quý vị đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng giới sẽ cực lực phản đối, tôi vẫn tha thiết tin vào ranh giới ngặt nghèo của những gì là đặc quyền phái đẹp.

Bởi điều làm nên kiểu áo dài Sài Gòn đâu chỉ là vuông vải đường may, mà phải là cả cung cách thông tuệ điệu đàng xứng tầm đàn bà đại thị - điều đã và sẽ vĩnh viễn làm nên nhan sắc Sài Gòn trong lòng kẻ tương tư.

Trác Thúy Miêu

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.