Chính trong khung cảnh mọi thứ đều vội vã như thế, ta sẽ không ngạc nhiên khi bắt gặp nhiều hơn các loại lỗi tiếng Việt nơi nhà báo thể thao xứ ta.
Đến hẹn lại sai
Dù cảm thông đến đâu cũng thật khó có thể phủ nhận giới báo chí thể thao thường là giới phạm các lỗi tiếng Việt nhiều hơn hẳn các giới làm báo khác.
Ngay từ giữa những năm 1980, tôi nhớ là dịp Mexico 1986, hoặc sớm hơn, Euro 1984, hay Espana 1982, nhiều bậc đàn anh đã nhắc nhở các bình luận viên (thực ra, trên phát thanh hay truyền hình, những người này làm bình luận ít hơn làm tường thuật trận đấu, xướng tên các cầu thủ, mô tả các tình huống bóng, nhưng nay người ta đã quen gọi tất cả là “bình luận viên”!) hãy nói “trận đấu giữa đội A và đội B”, chứ đừng nói “trận đấu giữa đội A gặp đội B”, vì các dạng ghép từ đúng phải dùng liên từ ghép với liên từ chứ không thể ghép liên từ với động từ. Một lỗi sơ đẳng về dùng tiếng Việt như thế, nhưng điều dư luận nhắc nhở vẫn như thể nước đổ lá môn, các bình luận viên từ thế hệ trước sang thế hệ sau vẫn chưa sửa được.
Ta có cảm tưởng các bình luận viên bóng đá cứ nối nhau làm sai, dường như với dụng ý một ngày nào đó cái sai của họ sẽ mặc nhiên được coi như đúng! Ví dụ với từ “dàn xếp”, các từ điển tiếng Việt đều ghi nghĩa của nó chỉ là “làm cho ổn thỏa (một xung đột nào đó) bằng cách bàn bạc, thương lượng”, chẳng hạn: dàn xếp cuộc xung đột; dàn xếp bên nguyên với bên bị (trong các xung đột dân sự). Thế nhưng khá nhiều bình luận viên lại dùng từ này để mô tả việc các cầu thủ đội đang tấn công dàn đội hình nhằm sút bóng vào khung thành đối thủ; tức là trong trường hợp này đúng ra nên dùng các từ “dàn quân”, “dàn trận”.
Trên thực tế những năm qua, trong giới bình luận viên thể thao cũng đã có những thảo luận nhất định về quy tắc diễn ngôn các tình huống trên sân đấu. Như khi nào thì nên (và không nên) mô tả bằng “được/bị”? Họ đã từng nói “bị phạm lỗi” về chính cầu thủ phạm lỗi (thay vì nạn nhân của pha phạm lỗi ấy), nói “bị việt vị” về chính cầu thủ đã việt vị! Sau những lầm lẫn và bối rối như thế, chính trong giới bình luận viên đã dứt khoát với nhau chỉ nói “đã việt vị” chứ không nói “đã bị việt vị” về chính cầu thủ việt vị; chính trong giới bình luận viên đã dứt khoát với nhau chỉ nói “phạm lỗi” chứ không nói “bị phạm lỗi” về chính cầu thủ gây ra lỗi.
Thế nhưng ngôn ngữ mô tả trận đấu, đến đấy vẫn chưa hoàn toàn… sạch!
Thì đấy, vẫn còn nghe thấy “trận đấu đã được diễn ra”, “hiệp hai đã được bắt đầu”! Những “diễn ra”, “bắt đầu” vốn là những động từ thông tin khái quát về động thái của sự vật, nên không thể đi sau “bị/được” vốn là những trạng từ gắn động thái của sự vật với mong muốn (hay không mong muốn) của chủ thể phát ngôn đối với động thái ấy. Về mặt này, dường như các bình luận viên thể thao của ta hiện vẫn còn dính líu nhiều với đêm trường bao cấp, với thế giới “xin và cho”, cái gì cũng “được” ai đấy cho phép, nên chi, để an toàn (?!) thì cứ gắn được trước các động từ mô tả các sự kiện, bất kể nhìn từ xa hay nhìn thật gần.
Trong chuyện đưa tin sự việc, nhà báo Việt xưa nay thường dùng từ “diễn ra” theo lối đặt nó trước các sự việc, sự kiện. Nhà báo Việt hiện tại đang làm ngược lại: họ kể tên các sự việc, sự kiện rồi mới đến “diễn ra”!
Những năm qua, giới bình luận viên thể thao đã có những thảo luận về quy tắc diễn ngôn các tình huống trên sân đấu. Ảnh TL
Nên biết là trong thông tin sự kiện, sau khi nêu địa điểm (ở đâu), thời gian (bao giờ) thì phải kể sự việc, sự kiện (cái gì), và các nội dung khác. Một dòng thông tin, giống như một câu kể, mỗi đoạn lời đưa ra là một phần của mệnh đề thông tin. Nhà báo Việt xưa nay thường viết theo thứ tự: ở đâu (địa điểm), bao giờ (thời gian) rồi đến từ “diễn ra” (động từ có chức năng khẳng định sự thông báo), rồi đến điểm mấu chốt là nội dung sự kiện. Đây là cách đưa ra dần dần một thông tin từ sơ bộ đến hoàn chỉnh; sự “dần dần” kiểu này đáp ứng tâm lý tiếp nhận là mỗi lúc được biết thêm một chút thông tin mới. Trái với tập quán ấy, nhà báo Việt hiện tại thường viết (hoặc nói) theo thứ tự ngược lại: ở đâu (địa điểm), bao giờ (thời gian), rồi đến nội dung sự kiện, rồi mới đến từ “diễn ra”.
Bạn thử nghiệm xem ý vị một câu theo kiểu cũ và theo kiểu mới: (1) Hôm qua tại sân Hàng Đẫy đã diễn ra trận đấu giữa Hà Nội T&T với Becamex Bình Dương. (2) Hôm qua tại sân Hàng Đẫy, trận đấu giữa Hà Nội T&T với Becamex Bình Dương đã diễn ra. Theo cách (2), “diễn ra” xuất hiện ở cuối câu trở nên nhạt nhẽo đến mức vô duyên đối với tâm lý tiếp nhận, vì có nó cũng được, không cũng được! Đã kể sự việc ra rồi thì thêm “diễn ra” ở sau là thừa!
Khổ vì khẩu ngữ
Làng báo thể thao, giống như tuổi trẻ các đô thị, mỗi lúc mỗi thích nhâm nhi một vài mốt nói năng thịnh hành. Thị dân Hà Nội những năm 1970 chốc chốc lại “xong ngay!” với nhau; những năm 1980-1990 thì lại chuộng lối “hơi bị đẹp”, “hơi bị hay”; chưa kể các lối trái khoáy dùng một chữ trong họ tên riêng một danh nhân khiến cho câu nói vừa như trật khớp lại vừa như trò chơi (“tớ lại ngô tất tố cậu với sếp bây giờ”!). Thời gian gần đây những người nói giọng Bắc thường tỏ ra mình có “giọng Hà Nội” bằng cách thêm “cả” vào trước tất cả các từ “với”. Rõ nhất là các MC dẫn chương trình thời tiết của truyền hình VTV. Họ thích cách nói “có gió mạnh với cả mưa to”, “mưa lớn với cả sạt lở đất”, v.v..
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh TNO
Từ “cả” này vốn chỉ là một hư từ, một tiếng đệm. Ai từ nơi xa mới đến Hà Nội hồi những năm 1960, sẽ thấy lạ tai khi nghe dân cư ở đây, chủ yếu là cư dân vùng ngoại thành, thường nói “mí cả... mí cả”! Chính là “với cả” đó! Và đó chỉ là những tiếng đệm; nó chỉ dùng để kể thêm, như từ “và”. Cư dân miền Bắc dường như cảm thấy “và” là một từ hơi... sách vở quá chăng, bèn thay bằng “với cả”. Chẳng rõ có phải do các cô bảo mẫu từ ngoại thành vào trông trẻ ở nội thành hồi 1970-1980 mà lối nói tiếng đệm “với cả” này phố biến dần ở trẻ em trong phố?
Từ “cả” ở tiếng Việt, theo các nhà ngữ học, có dạng tính từ và dạng trạng từ. Tính từ như trong “biển cả”, “đũa cả”, rồi “cả ghen”, “cả giận”... Trạng từ như trong “điếc cả tai”, “ai cũng biết cả”, “cả anh cả tôi”... Đấy là những thực từ. Ngoài ra, như trong kiểu nói ở dân gian một số vùng quanh Hà Nội, “cả” được dùng như một hư từ, một từ đệm. Có thể các MC truyền hình đã lầm tưởng “với cả” là dạng nói đặc biệt của vùng Hà Nội, họ bèn lạm dụng, đem dùng phổ cập trong những lần dẫn chương trình truyền hình, để luôn thể ngầm khoe “tớ người Hà Nội gốc”. Nhưng đó chính là một sự lạm dụng khẩu ngữ không cần thiết, lại có thể còn làm lây lan cách nói phi chuẩn mực ra công chúng.
***
Mùa hội bóng đá Euro 2016 sắp tới sẽ là mùa của thứ ngôn ngữ nói nhanh nói vội. Chỉ mong rằng nó đừng hứa hẹn những “thảm họa” ngôn ngữ, với một số biểu hiện lệch chuẩn tiếng Việt mà ta có thể dự đoán trước.
Lại Nguyên Ân