Giải pháp cải thiện thu chi ngân sách và đầu tư công

 21:25 | Thứ hai, 07/11/2016  0

 dai-bieu-truong-trong-nghia-can-giam-sat-trach-nhiem-cua-ong-vo-kim-cu

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa -Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

1. Đọc Báo cáo về 5 dự án lớn do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện, chậm tiến độ, kém hiệu quả, đã tiêu tốn, thua lỗ hàng chục ngàn tỷ, chúng ta thấy điều gì? Nhiều sai lầm, khuyết điểm được trình bày như những điều đương nhiên, nghe rất quen thuộc như: nhà thầu năng lực hạn chế, giá và thị trường diễn biến không thuận lợi, xa vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không ổn định. Truy xét kỹ sẽ thấy rất nhiều khuyết điểm chủ quan của những người đệ trình, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án ấy.

Dự án thép Thái Nguyên đội vốn từ 3843 tỷ lên 8104 tỷ, thời gian thi công từ 30 tháng lên 9 năm mà vẫn chưa xong. Nhà thầu MCC Trung Quốc ký hợp đồng thi công EPC, giá trúng thầu phần C là 42.929.901 triệu USD lại đòi tăng lên 134.017.517 triệu USD, không được chấp nhận thì lại trở thành người bán thiết bị, và đã được thanh toán đến 93% gói thầu, phần còn lại chưa cung ứng lại là phần thiết bị điện và điều khiển tự động.  Báo cáo của Chính phủ không chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm, trong khi nhiều dự án vẫn đang bế tắc.  Cử tri sẽ đặt câu hỏi, Chính phủ chỉ báo cáo 5 dự án, hiện còn bao nhiêu dự án như vậy nữa chưa được nêu ra?

2. Ngân sách và đầu tư công có vai trò là nguồn lực và động lực cho phát triển, nếu không quản lý tốt thì thì sẽ trở thành nguồn lợi cho các cán bộ, công chức, doanh nghiệp tham nhũng xà xẻo, xâu xé; sau đó dự án trở thành những cái xác chưa chôn, đắp chiếu, nhưng vẫn tiếp tục ngốn ngân sách vì phải trả nợ vay, giải quyết việc làm cho người lao động, thậm chí thuê người bảo vệ cho những thiết bị đã trở thành phế liệu, mặt bằng trở thành đất bỏ hoang.

3. Tình hình trên đòi hỏi một cuộc cải cách toàn diện cơ chế quản lý ngân sách và đầu tư công. Trước hết về tạo nguồn vốn. PPP đã được đặt ra từ 15 năm trước, nhưng các cơ quan chức năng không mặn mòi, phải chăng vì có vốn tư nhân tham gia thì sẽ gây khó khăn cho các khoản “lại quả”, “lót tay”, tiêu cực phí? Huy động đầu tư của xã hội, của tư nhân, với rất nhiều cách thức sáng tạo, đa dạng, là hướng đi mà những quốc gia phát triển nhất thế giới đều áp dụng. Đó cũng là cách chống lãng phí, tiêu cực trong chi ngân sách và đầu tư công.

Chính phủ cần huy động các chuyên gia nghiên cứu và đề xuất các chính sách huy động nguồn lực trong dân, để họ mạnh dạn tham gia đầu tư công, chung sức với nhà nước, thay vì đầu cơ quá nhiều vào bất động sản hay chỉ biết gửi tiết kiệm hay cất giấu. Một trong những ví dụ về tạo nguồn là chính sách khoan sức dân, nuôi nguồn thu. Phải chi đủ để bồi dưỡng nguồn thu, nhất là những nơi có lợi thế so sánh nhiều mặt, dùng nguồn thu tăng lên ấy để điều tiết cho các nơi khác. Giống như khi nuôi bò sữa, cho ăn ít đi mà muốn vắt nhiều sữa hơn thì con bò đó sẽ đến ngày kiệt sữa.

4. Khâu đầu tiên phải cải cách là cơ chế xét duyệt mục đích và chủ trương đầu tư. Không quốc gia nào, kể cả những nước phát triển, có đủ ngân sách đáp ứng nhu cầu đầu tư công. Nếu chỉ  xét về tính cần thiết thì không dự án nào không cần thiết: sân bay, bến cảng, đường sá, trường học, bệnh viện, công viên, thậm chí vệ tinh, tàu ngầm, thám hiểm vũ trụ đều cần thiết. Đường sắt cao tốc cũng cần như cầu treo cho đồng bào miền núi.

Điện hạt nhân cũng cần như đường điện đến tận xóm làng xa xôi. Do đó, việc chọn và xét duyệt mục tiêu đòi hỏi nhận thức và tầm nhìn chiến lược đúng đắn, cách làm khách quan, hợp lý, hài hòa. Trong việc này, cách xét duyệt và người xét duyệt là rất quyết định. Đây là một trong những khâu cần đến sự liêm chính của Chính phủ.

5. Nhiều dự án có vấn đề về nguồn vốn, về hiệu quả, về năng lực nhà thầu, về năng lực chủ đầu tư, nếu khâu xét duyệt làm kỹ thì phải bác bỏ hoặc chưa cho triển khai, từ đó tránh được tổn thất, lãng phí, phát sinh công nợ. Người xét duyệt phải liêm khiết, chí công vô tư, từ khâu thông qua chủ trương đến phê duyệt luận chứng khả thi, phê duyệt tổng vốn và thiết kế cơ sở. Ngoài ra, phải có cơ chế giám sát chặt quá trình triển khai dự án, thi công, nghiệm thu, để kịp thời chấn chỉnh, ứng phó các vấn đề phát sinh, nếu cần thì mạnh dạn “trảm tướng” hay “thay tướng”.

6. Có những khi, các đại biểu Quốc hội không tán thành dự án nào đó không phải vì nó không cần thiết. Nhưng chỉ lấy tiêu chí “cần” thôi để thông qua dự án thì không đủ. Chúng ta đã từng biết và trả giá cho căn bệnh “duy ý chí”. Nhà máy điện hạt nhân rất cần thiết, nhưng đầu tư mà không hội đủ điều kiện cần và đủ thì không chỉ thua lỗ như 5 nhà máy kia, mà còn dẫn đến thảm họa môi trường và sinh mạng của hàng triệu dân mà hàng chục năm sau vẫn chưa khắc phục xong, như nhà máy điện hạt nhân Fukushima mà tôi đã có dịp tìm hiểu trực tiếp.

7. Trước tình hình nợ công cao và tăng nhanh, ngân sách eo hẹp, để tránh khủng hoảng, tôi đề nghị xem lại việc phân cấp phê duyệt đầu tư công giữa Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và các chính quyền địa phương, siết chặt lại thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tôi đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc chi ngân sách và đầu tư công. Các đại biểu Quốc hội ở từng địa phương cũng phải có trách nhiệm đối với việc chi ngân sách và đầu tư công của địa phương mình ứng cử, vì đó là trách nhiệm hiến định và luật định của mình.

8. Muốn đầu tư công, sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu quả, thì phải triệt để chống tham nhũng, kiên quyết “nói không” với những dự án đầu tư công có “mùi lợi ích nhóm”,  những luận chứng khả thi với số liệu lắp ghép, những báo cáo DTM  sơ sài, thậm chí sao chép. Phải sửa lại quy định và cơ chế xét duyệt để tạo ra được sự rà soát và kiểm định nghiêm khắc về 04 yếu tố: tính khả thi, tác động môi trường, chất lượng và hiệu quả của dự án. Phải trả lời được câu hỏi của cử tri: vì sao đầu tư tư nhân làm được, thế giới làm được, mà nước ta với thể chế chính trị hiện nay lại không làm được?

9. Không xây dựng được chính phủ liêm chính, không chống được tham nhũng trong cán bộ, công chức thì mọi giải pháp cải thiện đầu tư công đều chỉ là “những tiếng vang trong không khí”, như Lenin đã từng ví von về sự bất lực của luật pháp.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.