Giáo sư Trần Văn Thọ và khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường

 10:54 | Thứ hai, 02/06/2025  0
Buổi giao lưu ra mắt sách "Trò chuyện với GS. Trần Văn Thọ: Hồi ức đến tương lai - Suy ngẫm về văn hóa, giáo dục và con đường phát triển của Việt Nam" và khách mời là chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chuyên gia Võ Quang Huệ và nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, vừa diễn ra cuối tuần qua tại Không gian Cà phê thứ bảy trẻ. Trong không khí thân tình, ấm cúng, những mối quan tâm xuyên suốt cuộc đời GS.Trần Văn Thọ đã được giãi bày...

Hai quê hương

Sinh ra tại Việt Nam, trưởng thành và thành công tại Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ có thể được coi là nhân chứng của những sự kiện, giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm của cả hai đất nước từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay.

Học xong trung học ở Quảng Nam, ông vào ghi danh vào Văn khoa Sài Gòn. Học được khoảng nửa năm thì đi du học với học bổng của Chính phủ Nhật vào năm 1968. Xa quê hương ở tuổi đôi mươi, ông mang theo tâm tình, hình ảnh của đất nước Việt Nam, những hình ảnh phần lớn hình thành qua sách vở về lịch sử, về văn hóa, văn học hay âm nhạc.

“Những hình ảnh đó in sâu vào tiềm thức, hun đúc thành tự hào dân tộc, thành tình yêu quê hương và khi viết về những vấn đề thời sự liên quan kinh tế, giáo dục hay chính trị, tự nhiên những hình ảnh ấy lại hiện về và được kết nối vào nội dung bài viết”, GS. Trần Văn Thọ bộc bạch.

GS. Trần Văn Thọ chia sẻ tại sự kiện giao lưu ra mắt sách "Hồi ức đến tương lai - Suy ngẫm về văn hóa, giáo dục và con đường phát triển của Việt Nam" ngày 31.5.2025 tại Không gian Cà phê thứ bảy trẻ (TP.HCM).


Quyết định định cư tại Nhật Bản sau khi học xong, ngoài nghiên cứu kinh tế, GS. Trần Văn Thọ dành tình cảm đặc biệt cho văn hóa và lịch sử của đảo quốc này. “Nhật Bản đi trước Việt Nam khá xa trong quá trình phát triển nên có nhiều kinh nghiệm phong phú mà Việt Nam có thể tham khảo”, ông viết và giải thích thêm, trong những bài viết bàn chuyện thời sự của Việt Nam như đào tạo quan chức, tinh thần thượng tôn pháp luật, văn hóa kinh doanh, hòa hợp dân tộc... thường giới thiệu những thí dụ điển hình của Nhật Bản trong quá khứ, như một bài học sống động cho Việt Nam.

Sau khi hoàn thành cấp bậc tiến sĩ kinh tế, vào những năm 1990, ông cũng tham gia chuyên môn trong hội đồng tư vấn kinh tế cho nhiều thủ tướng của Nhật Bản. GS. Trần Văn Thọ là Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản từ năm 2000. Ông nhận Huân chương Thụy bảo Tia Vàng của Chính phủ Nhật Bản năm 2018.

Sống ở Nhật Bản, nhưng GS. Trần Văn Thọ vẫn hướng về Việt Nam và không ngừng đóng góp vào tiến trình phát triển của đất nước từ khi đổi mới. Ông là một trong những người Việt Nam sống ở nước ngoài hiếm hoi có cơ hội gần gũi, đưa ra những ý kiến tư vấn, đóng góp giá trị tới một số lãnh đạo của Chính phủ trong nhiều năm. GS. Trần Văn Thọ là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau đó là cộng tác trong Ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải, và rồi tiếp tục tham gia Tổ tư vấn của của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Năm 2006, Tổ tư vấn được giải tán sau 13 năm hoạt động. GS. Trần Văn Thọ cùng các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài khác (các ông Trần Quốc Hùng, Vũ Quang Việt) vẫn tiếp tục nghiên cứu viết bài và đóng góp cho Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại sự kiện.


Các anh ấy không khi nào ngưng suy nghĩ về Việt Nam dù sống và làm việc ở nước ngoài. Anh Thọ ở Nhật Bản, gần gũi với Việt Nam. Nước Nhật cũng có quan hệ thân, gần gũi với Việt Nam. Anh là người theo đuổi bền bỉ nhất, tiếp xúc thường xuyên nhất với các lãnh đạo Chính phủ của Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét.

Với nhiều người, đặc biệt là giới báo chí, GS. Trần Văn Thọ được khen là người làm việc chăm chỉ, cần mẫn, có sức viết "kinh khủng". Từ khi ra mắt và tham gia viết bài cho báo chí Việt Nam từ những năm 90, ông có gia sản "khổng lồ" các bài viết đăng trên các báo uy tín, báo chuyên ngành, cung cấp nhiều kiến thức, đề xuất tư vấn cho các chính sách của Việt Nam. Từ những chuyến thăm nhiều nước trên thế giới, ông có những bút ký như tấm gương phát triển ngoạn mục với tinh thần dân tộc cao độ của Hàn Quốc, hay các nước ASEAN là những nơi gợi sự đồng cảm lân bang và cảm nhận về các yếu tố cơ bản của một nước muốn phát triển.

Phần lớn các bài ông viết nằm trong tâm điểm thời sự, và mang tính chuyên môn cao đăng ở nhiều báo trong đó có: Nhân Dân, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Tuổi trẻ, Thanh niên, Doanh nhân sài gòn, Vnexpress và Người Đô Thị...

“GS. Trần Văn Thọ có thể được coi là nhà báo chính luận, có nhiều bài viết kịp thời và rất thời sự như về đặc khu kinh tế, hay bàn về việc không nên để các trường đại học hoạt động vì lợi nhuận. Mới nhất là bài đêm trước của kỷ nguyên đổi mới mà ở đó nhấn mạnh sự cần thiết phát triển kinh tế tư nhân. Những ý kiến của giáo sư và các anh chị khác viết trên báo công khai đã được người dân, bạn đọc đón nhận rộng rãi”, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến nhận xét.

Bên cạnh đó, ông cũng có những bài viết nhẹ nhàng, nói về các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa nhưng lồng ghép các suy nghĩ, quan sát và quan điểm về việc xây dựng, hình thành một đất nước phát triển, một xã hội văn minh.

Chuyên gia Võ Quang Huệ chia sẻ tại cuộc giao lưu.


“Đọc những bài viết gần đây của anh (GS. Trần Văn Thọ - NV), tôi học về tình thương yêu của người thân, tôi học về tình thương văn hóa Việt. Tôi học về nhiều chuyện khác, để áp dụng cho mình như muốn xây dựng công ty thì phải xây dựng một văn hóa công ty bền vững để hợp tác, cùng nhau phát triển mọi mặt”, chuyên gia Võ Quang Huệ, khách mời tham gia buổi nói chuyện, nhận định.

Là người hiểu sâu sắc cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam, không thể phủ nhận, GS. Trần Văn Thọ là người có những đóng góp nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp cho tiến trình phát triển của Việt Nam từ khi trong 30 năm trở lại đây, cũng như giúp cho người dân Việt Nam và Nhật Bản hiểu về nhau hơn. Ngoài những bài giảng trên giảng đường, những bài báo trên cả báo Việt lẫn Nhật, ông còn có nhiều đầu sách về kinh tế về Nhật và Việt Nam. Một số tên đáng chú ý như cuốn Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam (NXB Tri Thức, 2016), Việt Nam hôm nay và ngày mai (đồng chủ biên, NXB Đà Nẵng), Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 (NXB Đà Nẵng), Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh (đồng chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2023).

Chứng kiến một Nhật Bản phục hồi thần kỳ và vươn lên nhanh chóng sau thế chiến II, GS Thọ, một người con, với giọng nói đậm chất Quảng, luôn mong muốn quê hương có được lộ trình phát triển, vươn lên. Ông đã thực hiện điều đó qua những ý kiến đóng góp trong các bài viết, bài nói chuyện, tư vấn, báo cáo mà ông thực hiện.

Đặc biệt cùng với khuyến khích của thân hữu và tình yêu sâu đậm dành cho quê hương, cuốn Hồi ức đến tương lai ra đời và chính thức đến tay bạn đọc trong năm nay.

Nhân dịp tham gia những chuyến giao lưu, giới thiệu về sách do Omega+ tổ chức tại Đà Nẵng, Bình Dương, TP.HCM và Hà Nội trong tháng 5 và 6, GS. Trần Văn Thọ đã có nhiều dịp trao đổi và chia sẻ với bạn bè, bạn đọc tại Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội hiếm để bạn đọc gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp GS. Trần Văn Thọ, nghe những suy ngẫm của ông về giáo dục, văn hóa, đạo đức xã hội và chiến lược phát triển đất nước từ một người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của quê hương.

Đông đảo bạn đọc nhiều lứa tuổi đã tới nghe cuộc trò chuyện của GS. Trần Văn Thọ.


Nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu

Đến buổi giao lưu gặp gỡ với bạn bè và độc giả tại TP.HCM vào một buổi chiều cuối tháng 5, GS. Trần Văn Thọ ngạc nhiên khi mọi người có mặt rất đông. Mang phong cách của người Nhật về độ chính xác thời gian làm việc, hẹn hò, ông nói rằng: “Người ta cứ nói người Việt dùng giờ dây thun, nhưng có vẻ giờ đã khác, mọi người đã rất đúng giờ thậm chí còn sớm hơn tôi nghĩ”.

Có thể đây là một lời khen, cũng có thể là đúc kết từ quan sát, khi người Việt ngày nay đã dần học được tác phong của văn hóa công nghiệp, tôn trọng thời gian của mọi người cũng chính là tôn trọng bản thân.

Khán phòng chật kín bạn đọc nhiều lứa tuổi. Hứng thú và quan tâm đến các bài viết của GS. Thọ, các bạn trẻ thế hệ 8x, 9x hào hứng đặt câu hỏi cho khách tham dự. Đặc biệt các câu hỏi sâu vào những nội dung đổi mới giáo dục, học tập kinh nghiệm thế giới để phát triển đất nước, làm sao để hợp tác với đối tác nước ngoài trong việc phát triển bản thân, nhìn vào những kinh nghiệm quá khứ để rút ra bài học cho tương lai. Nội dung trao đổi ẩn chứa nhiều tâm tư, hoài bão và sự quan tâm của mọi thế hệ dành cho sự phát triển của đất nước.

Họ đến, muốn được học hỏi, được nghe chia sẻ của những bậc tiền bối, các bậc trí thức, các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm. Họ mong muốn lĩnh hội kiến thức rộng và sâu từ người đi nhiều, đi trước, cùng chung một tâm tình làm giàu kiến thức bản thân, hình thành một thế hệ người Việt Nam tự tin, có đủ sức mạnh nội lực bước vào kỷ nguyên mới.

Một bạn đọc chia sẻ cảm nghĩ và đặt câu hỏi giao lưu với GS. Trần Văn Thọ.


Trả lời thắc mắc cho một bạn đọc là Việt Nam nên học mô hình nào để phát triển đất nước, GS. Trần Văn Thọ chia sẻ ưu tư và dường như cũng là điều nuối tiếc: “Tất cả những nước đi trước Việt Nam đã thành công, đều có điều tốt mình có thể học hỏi được. Đặc biệt như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc là những nước rất gần với Việt Nam về văn hóa, địa lý nhưng rất tiếc chúng ta lại chưa học được bao nhiêu.” Ông đưa thí dụ về nước Nhật với chính sách phát triển công nghiệp cả lý luận và thực tiễn rất có hệ thống. Hàn Quốc đã học và áp dụng sáng tạo nên làm rất tốt. Trung Quốc thì dùng vốn đầu tư nước ngoài nhiều, cũng áp dụng sáng tạo. Nhưng Việt Nam thì...

Điều này được chuyên gia Võ Quang Huệ, từ kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, giải thích thêm rằng do vẫn thiếu một lộ trình phát triển. 

Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn, khi kỷ nguyên vàng về dân số sắp kết thúc chỉ còn khoảng 7 năm, khi thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt mức trung bình cao theo ước tính. Để có được một quốc gia hùng mạnh phát triển, lý tưởng nhất là phải đạt được thu nhập đầu người ở mức cao trong khi kỷ nguyên vàng về dân số còn kéo dài nhiều năm. Thí dụ như ở Nhật, người dân đạt mức thu nhập đầu người đã đạt mức cao trong khi kỷ nguyên dân số vàng vẫn còn 20 năm mới tới thời kỳ kết thúc. “Việc chuyển từ thu nhập bình quân trung bình cao lên cao là một thách thức rất lớn cho Việt Nam,” GS Thọ giải thích.

Bạn đọc đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.


Bổ sung thêm, chuyên gia Võ Quang Huệ cho biết, gần đây chúng ta hay nhắc tới việc tiến vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, “nếu muốn phát triển đất nước mà chúng ta gọi là kỷ nguyên mới thì phải thấy rằng chúng ta đang đi qua một kỷ nguyên cũ với nhiều vấn đề, vấn đề về đạo đức, vấn đề về tinh thần, về giáo dục, cần phải giải quyết nhanh”, ông nói.

Tham gia ý kiến trao đổi, TS. Bùi Trân Phượng cho biết đã nhiều lần bà nhắc lại lời của GS Hoàng Tụy rằng Giáo dục Việt Nam từ sau năm 1957 đến nay còn rất nhiều bất cập "nhưng tôi tin vào con người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, có khả năng tự giáo dục để trang bị hành trang kiến thức và nội lực,  mọi thứ sẽ được bắt đầu từ giáo dục trong gia đình”, bà nói.

Nhà báo Kim Hạnh cũng nhấn mạnh thêm: "Các bạn trẻ ngày nay tự tin, biết tìm kiếm kiến thức và tự trang bị cho bản thân, có đam mê, sẵn sàng chia sẻ, hợp tác và muốn khẳng định vai trò trong hành trình chung tay xây dựng đất nước. Quan trọng là có người tổ chức, hỗ trợ, tư vấn và tạo không gian cho họ."

Chia sẻ về thông điệp cuốn sách mới, GS. Trần Văn Thọ cho biết: "Một phần tương ứng với mối quan tâm của tôi trong nửa thế kỷ qua, tìm điều kiện phát triển, làm sao để Việt Nam thoát nghèo, trở thành quốc gia thu nhập cao. Và một phần thể hiện quan tâm hiện nay liên quan tầm nhìn về tương lai của Việt Nam - hình ảnh lý tưởng của một đất nước phát triển - nơi người dân sống hạnh phúc, có văn hóa, được thế giới kính trọng".


Những mong muốn còn dở dang  

“Các bạn cần ý thức được dân tộc ta phải ganh đua quyết liệt với những dân tộc khác để có được cơ hội phát triển nhanh và không bị lệ thuộc vào các cường quốc ngay từ hôm nay - Đây là câu trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ từ năm 1993 của GS. Thọ, và đến giờ nó vẫn còn giá trị”, nhà báo Phúc Tiến nhắc lại, khi giải thích giá trị của việc thực hiện cuốn sách Hồi ức đến tương lai mà GS Thọ dụng công thực hiện để giới thiệu đến bạn đọc.  

Hồi ức đến tương lai tập hơn 80 bài viết trên báo trong vài chục năm qua, có cập nhật thông tin và bổ sung khi in thành sách. Nội dung trải dài nhiều đề tài nhưng tập trung thành hai nhóm.

Bìa cuốn sách Hồi ức đến tương lai.


“Một phần tương ứng với mối quan tâm của tôi trong nửa thế kỷ qua, tìm điều kiện phát triển, làm sao để Việt Nam thoát nghèo, trở thành quốc gia thu nhập cao. Và một phần thể hiện quan tâm hiện nay liên quan tầm nhìn về tương lai của Việt Nam - hình ảnh lý tưởng của một đất nước phát triển - nơi người dân sống hạnh phúc, có văn hóa, được thế giới kính trọng. Chắc chắn trong tiềm thức luôn ẩn hiện hai vấn đề ấy nên đã thể hiện trong khi chọn đề tài viết cho các báo ở Việt Nam và có kết quả như thế”, GS. Thọ chia sẻ.

Như một lời cám ơn nhẹ nhàng, một nét đẹp trong truyền thống giáo dục của từng gia đình, tác giả Trần Văn Thọ xếp bài viết Ông nội tôi ngay đầu chương một, như một lời nhắn nhủ: sách là cánh cửa qua trọng mang con người ra đi, thành công và trở về. Nhưng để có thói quen tốt và quý giá này, những người thân trong gia đình, luôn là những tấm gương và động lực đầu tiên hình thành văn hóa đọc. Không chỉ thế, mối liên kết và những kỷ niệm hay ký ức về họ sẽ là động lực thôi thúc mỗi con người vượt qua nghịch cảnh và vươn tới những nấc thang cao hơn trong hành trình cuộc đời.

Ngoài ra, còn có nhiều bài viết về kỷ niệm, về thơ văn, về tiền bối và bạn bè nhưng tất cả đều gói ghém tâm tình về quê hương giai đoạn chưa phát triển rồi đến giai đoạn trên đường phát triển. Những kỷ niệm, ký ức này, từ người ông, người thầy, người bạn, đến những người lãnh đạo, những biến cố, sự việc những chiêm nghiệm, những quan sát, đều được lồng ghép, hoặc dẫn đến những suy ngẫm về giáo dục, văn hóa, đạo đức trong công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước, thông qua lăng kính của một nhà giáo, nhà nghiên cứu kinh tế, nhà quan sát kinh tê xã hội với hơn nửa đời người gắn bó với hai nước Việt - Nhật.

Không gian buổi giao lưu ra mắt sách "Trò chuyện với GS. Trần Văn Thọ: Hồi ức đến tương lai - Suy ngẫm về văn hóa, giáo dục và con đường phát triển của Việt Nam". 


Đánh dấu lần đầu viết sách báo tại Nhật Bản, theo GS. Thọ, ở Nhật “viết sách báo không cần xin phép xuất bản, ai cũng tự do viết sách, xuất bản sách và xã hội sẽ đánh giá nội dung và giá trị cuốn sách đó. Do đó xuất bản sách ở đây không mất thì giờ cho khâu xin giấy phép, khâu kiểm duyệt, thay vào đó là dành thời gian cho khâu chuẩn bị và hiệu đính sao cho nội dung và hình thức cuốn sách được hoàn hảo.” Đó không chỉ đơn thuần là đưa ra một kiến thức, nhưng lại chuyển tải một thực tế về tự do phát triển cá nhân và tự chịu trách nhiệm với sản phẩm sách báo được viết ra từ suy nghĩ, kiến thức của mình. Bạn đọc sẽ là người đánh giá công tâm nhất với mỗi sản phẩm được phát hành.

Hồi ức đến tương lai là những hồi tưởng cá nhân không liền mạch, nhưng lại có sức mạnh kết nối quá khứ và hiện tại để chuẩn bị cho tương lai, ẩn chứa một khát vọng mãnh liệt về những thành tựu phát triển của một đất nước một xã hội mà tác giả muốn được nhìn thấy. Sự thôi thúc cống hiến cho một Việt Nam vươn lên, từ trải nghiệm lĩnh hội tại Nhật Bản, đã khiến GS. Thọ không ngừng nghỉ đóng góp cho Việt Nam suốt thời gian qua, thông qua ngòi bút và những bài diễn thuyết của mình.

 Nhiều lần GS. Thọ đã nói, ông mong muốn Việt Nam phát triển nhanh hơn. Ông vẫn nhiều lần đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam lại bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian qua, trong khi nhiều nước cùng chung bối cảnh, từng cùng xuất phát điểm, đã có những thành tích đáng nể trong khi Việt Nam dường như vẫn chưa biết mình nên làm gì.  

Với Hồi ức đến tương lai, GS. Trần Văn Thọ một lần nữa tập hợp các ý kiến, chia sẻ, kiến thức ông đã chuyển tải, thuyết phục hơn nửa đời người, dành cho một quê hương mà ông rất yêu thương, một nơi mà ông không khi nào ngưng nghĩ về và nhớ về.

Lan Chi lược thuật

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.