Hải ngoại kỷ sự: Nóng lại sách xưa

 11:28 | Thứ năm, 09/06/2016  0

Tác giả Thích Đại Sán (1633 – 1705), tự Thạch Ông, đạo hiệu Thạch Liêm và Đại Sán, tục gọi là Thạch Đầu đà là một bậc ẩn giả đa nghệ, giỏi thơ phú, sành nhạc họa... Sử thần nhà Nguyễn tấm tắc xưng tụng (1): “học rộng tao nhã, uyên bác phi thường, phàm các môn thiên văn, luật lịch, nhâm độn lý số, viết chữ vẽ tranh không gì không biết, sở trường nhất là về thơ...”.

Chân dung hòa thượng Thích Đại Sán (1633-1704)

Mùa xuân năm Ất Hợi (1695), đáp lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán cùng tùy tùng từ Quảng Đông, Trung Hoa cỡi gió vượt sóng đến xứ Thuận Quảng (Huế và Quảng Nam bây giờ) và lưu lại nơi này đến mùa hạ năm Bính Tý 1696. Tại đây, hòa thượng truyền bá Phật pháp, giảng luận luân lý Nho gia, âm dương thuật số... Ông tường tận góp nhặt từng việc trong chuyến đi đưa vào cuốn sách đặt tên là Hải ngoại kỷ sự (Ghi chép sự việc ở nước ngoài).

Hơn 300 năm, kể từ khi san hành năm 1699, Hải ngoại kỷ sự có nhiều truyền bản, hoặc in riêng thành biệt tập hoặc gộp chung với các tác phẩm cùng loại thành vựng tập và được biên chép trong Tứ khố toàn thư tổng mục (2). Tại miền Nam, ngay từ năm 1963, nhận thức giá trị khảo cứu và hương vị khác lạ mà chỉ riêng nó mới có, Viện Đại học Huế đã cho quảng bá bản Việt ngữ (3). Hơn 50 năm, bản dịch được giới học thuật trân trọng dẫn dụng và thường xuyên có mặt trong thư mục lịch sử Việt Nam. Trải qua bao phong ba bão táp thời cuộc, dịch phẩm ấy trở nên khó tìm ngay ở những thư viện tương đối lớn. Mới đây, tạp chí Suối nguồn, Tu viện Huệ Quang sao chụp, nhân bản và đưa nó trở lại kệ sách độc giả phổ thông sau một thời gian dài vắng bóng. Và không lấy làm lạ, đầu năm 2016 này, gần như đồng thời, hai ấn bản Hải ngoại kỷ sự được NXB Khoa Học Xã Hội và Đại Học Sư Phạm giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Tự hào thấu suốt kiến văn kim cổ, thoảng đâu đấy người thượng quốc có giọng ngạo nghễ khi quyết đoán nét phong hóa nào lạ lẫm đều kém lịch duyệt, lúc này lúc khác người của thiên triều có hơi hướng kênh kiệu khi bàn đến nghĩa lý cương thường xứ lạ cần có ngọn đèn cảm hóa chỗ tối tăm. Tuy vậy, phớt lờ đi góc nhìn miệt thị ấy, giá trị đích thực của tập sách chính ở chỗ thấm quyện ít nhiều phong vị xã hội Đàng Trong hồi cuối thế kỷ XVII qua những sinh hoạt tinh thần và vật chất thường ngày. Từ lối sống, lễ nghi, phục trang, nhà cửa cho đến ăn uống, nói năng, đi lại... Rồi ma chay, cưới hỏi, luật tục đến thổ nghi, đinh sổ, trưng binh, sưu dịch, thuế lệ...

Tác giả không quên nhắc địa danh Vạn Lý Trường Sa và sự kiện các chúa Nguyễn từ Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) trở về trước sai binh thuyền ra nơi ấy thu lượm hải vật và phẩm vật sót lại của các tàu bị nạn về nộp cho chúa: “... bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “vạn lý trường sa”, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa (...) Quảng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào” (ấn bản 1963). Nhiều nhà nghiên cứu dựa vào đoạn văn này minh chứng các chúa Nguyễn trấn giữ biển Đông là một sự thật không thể chối cãi.

Xứ Thuận Quảng bàng bạc khắp chuyện kể của Thích Đại Sán.

Vạn vật phồn thịnh. Qua vạn dặm sơn khê hải hồ, người lữ khách ghé thuyền vào cửa Đà Nẵng, một vũ điệu nguyên sơ bên sườn non, trên mặt nước dãy Sơn Trà lúc ban mai biêng biếc. Sắc hương trời biển muôn trùng nhộn nhịp và trù phú hiện ra trước mắt: “Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương đông sáng bạch. Khoác áo choàng ngồi dậy, thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng, ở trong vòng núi bao quanh. Dọc bờ biển, đá lèn lởm chởm, trên cây vượn trắng nhẩy nhót từng bầy; trái đồi hoa núi, xanh đỏ sum sê. Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại cửa Hội An vậy”.

Ấn bản Hải ngoại kỷ sự trước đây

Cảnh vật đượm buồn. Vị hòa thượng trầm tư với hồi chuông triêu mộ cảnh tỉnh chúng sinh giữa sông mê, bể khổ mỗi sớm, mỗi chiều hay kể chuyện thần nữ xuống báo mộng đại nghiệp nhà Nguyễn gắn liền với ngôi cổ tự được xếp vào hàng đệ nhất danh lam đất thần kinh: “Trích tiên chuyện cũ truyền Thiên Mụ, hồn mộng mơ màng trở lại đây”.

Không biết tự bao giờ, một số cây bút thường dẫn hai câu thơ Tứ thời giai thị hạ, nhất vũ tiệm thành đông như cái cớ nhớ về biến tấu mưa rơi neo đậu trong tình ý và hồn thơ xứ Huế. Nhưng bà chúa thời tiết đất thần kinh đâu đến độ tĩnh lặng và đơn sơ đến thế. Bản thân bà chúa vốn không thể “bốn mùa đều là mùa hạ” lại càng không hề “một cơn mưa là từ từ thành mùa đông”. Một người Huế, xa Huế và cũng rất yêu Huế, nhà văn Trần Kiêm Đoàn trong một tùy bút in trong Chuyện khảo về Huế (2000) dẫn hai câu thơ trên và có ý trách Thích Đại Sán chưa đủ tinh tế để “sờ chạm” sự run rẩy chuyển mình của đất trời. Thực ra, Hải ngoại kỷ sự đâu có hai câu thơ đó. Chẳng trách ngộ nhận đáng yêu ấy, bởi lẽ nó thấm đượm chút hương vị tình yêu xứ Huế.

Và chợt nhiên một ý niệm ngộ ngộ. “Nước Đại Việt (...) con trai thông minh không bằng con gái”. Nước Đại Việt chính là xứ Huế (và Quảng Nam bây giờ) đó. Có nàng tiểu thư nào cười tủm tỉm “răng mà như rứa”? Mà chắc cũng chẳng có trang nam tử nào buồn lườm nguýt vị cao tăng thăm thú thời gian ngắn ngủi, liệu thông hiểu được bao nhiêu ngõ ngách lạ lẫm ở vùng đất xa xôi này? Nhận xét đâu đâu ấy chẳng can hệ gì, như là chút men ý nhị đưa lối tìm về hình sắc thuở xa xăm, tiết tấu ngày xưa cũ trầm lắng nơi nào.

Ấn bản Hải ngoại kỷ sự trước đây

Hải ngoại kỷ sự chộp bắt được sắc diện đa chiều của núi sông, con người, tập quán... xứ Đàng Trong những năm khép lại thế kỷ XVII. Ở nơi này là chỉnh đốn binh bị pháp lệnh. Ở chỗ kia thóc mách đôi điều tuyển trạch nhân tài, trị quốc an dân. Đây đó kể lể dăm bảy chuyện chính sự, tín ngưỡng, bang giao đến nếp sống diễm lệ chốn cao môn quyền quý cũng như cuộc đời cơ cực của chúng dân. Và tác giả cũng trích lục nhiều áng thơ văn ảo diệu của chính mình và một ít của các quan viên quý tộc Thuận Quảng thuở ấy, khắc chạm được đôi nét diện mạo nguyên sơ văn chương xứ Đàng Trong.

Nguyễn Duy Long


 (1) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện tiền biên. Cao Tự Thanh dịch, giới thiệu. NXB KHXH. Hà Nội 1995.

(2) Nguyễn Thanh Tùng. Thích Đại Sán và cuốn Hải ngoại kỷ sự. Trong: Thích Đại Sán. Hải ngoại kỷ sự. Hải Tiên Nguyễn Duy Bột, Nguyễn Phương dịch (1963), Nguyễn Thanh Tùng hiệu chú, giới thiệu (2015). NXB Đại Học Sư Phạm. Hà Nội 2016.

(3) Thích Đại Sán. Hải ngoại kỷ sự (Sử liệu nước Đại Việt khoảng thế kỷ XVII). Hải Tiên Nguyễn Duy Bột, Nguyễn Phương phiên dịch với sự cộng tác của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam. Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế 1963.


 » 9 câu hỏi lớn trong vụ Philippines kiện Trung Quốc

» Tìm thêm 2 tập bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.