Hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam: Những điều trông thấy...

 16:55 | Thứ bảy, 21/05/2022  0
“Thách thức quan trọng với sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay là công nhận và coi trọng vai trò cũng như đóng góp của các tác nhân phi lợi nhuận, thiện nguyện và các tác nhân khác cho khối xã hội và xã hội nói chung”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, nhận định.

Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF) vừa công bố Báo cáo Khảo sát thực tiễn hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam(*) . Báo cáo được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu nhận thức chung và hiểu biết cơ bản về toàn bộ hệ sinh thái thiện nguyện, trong đó có sự hiện diện đa dạng của một loạt chủ thể và các bên liên quan trải rộng khắp toàn khối cộng đồng thiện nguyện – một chuỗi các loại hình hoạt động, từ hình thức thiện truyền thống đến thể chế thiện nguyện lớn nhỏ, cho đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) và thiện nguyện doanh nghiệp, đến kinh doanh vì xã hội, và đầu tư tạo tác động cho xã hội, môi trường. Điều này dẫn đến một thực tế là vai trò của khối xã hội/ phi lợi nhuận chưa được các cơ quan nhà nước và dư luận nói chung nhìn nhận một cách thích đáng như một yếu tố then chốt vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam chỉ có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành một nước phát triển vào năm 2045 nếu chiều kích xã hội và khối xã hội được tích hợp đầy đủ, thích đáng vào chiến lược phát triển tổng thể với tầm nhìn đến năm 2045.”

“Thách thức quan trọng với sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay là công nhận và coi trọng vai trò cũng như đóng góp của các tác nhân phi lợi nhuận, thiện nguyện và các tác nhân khác cho khối xã hội và xã hội nói chung”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch HPDF, nói.   

Thực tế, sau khi Việt Nam đã tiến lên nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2010, mức thu nhập bình quân tăng đã kéo theo sự giảm sút khối lượng viện trợ quốc tế cùng với sự chuyển dịch về lĩnh vực  và phương thức viện trợ, dẫn đến sự thay đổi cách hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái thiện nguyện của đất nước và khối xã hội nói chung theo hướng chủ động và hiệu quả hơn.

Trong khi Nhà nước chịu trách nhiệm chính về các vấn đề xã hội, khối doanh doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân) cũng như các chủ thể của hệ sinh thái thiện nguyện có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc đảm bảo sự phát triển của Việt Nam hướng tới mọi đối tượng và mang tính bền vững. Điều này được thể hiện rõ ràng trong bối cảnh đại dịch vừa qua tạo nên nhiều thách thức nghiêm trọng cho đời sống của người dân, xã hội và kinh tế ở nước ta.

Người Đô Thị lược trích nội dung Báo cáo tóm tắt về Khảo sát thực tiễn hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam. Tựa bài do toà soạn đặt.

* **

Còn nhiều nhầm lẫn, “định kiến”

Có sự nhầm lẫn, hiểu không đúng cũng như bất cập về khái niệm và thuật ngữ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái, trong các văn bản pháp lý và hành chính, và tất nhiên cả ngoài công chúng. Điều này gây khó khăn cho việc xác định vị trì và mối quan hệ qua lại giữa cá chủ thể và các bên liên quan trong phổ hệ sinh thái thiện nguyện.

Có nhu cầu cao về một môi trường tạo điều kiện thuận lợi hơn cùng với sự công nhận thích đáng từ các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam. Nhiều chủ thể của hệ sinh thái thiện nguyện ở Việt Nam mô tả những khó khăn khi hoạt động trong khung pháp lý hiện hành, do văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ hoặc yêu cầu thực thi luật pháp và quy định hiện hành không rõ ràng và/ hoặc không nhất quán về việc đăng ký, phê duyệt, gây quỹ, báo cáo, và chính sách thuế ưu dãi cho các loại hình chủ thể thiện nguyện khác nhau.

Thiếu thông tin tổng hợp và đáng tin cậy về các chủ thể của hệ sinh thái thiện nguyện, và không dễ dàng tiếp cận những thông tin này. Các cuộc thảo luận nhóm diễn ra với sự phân chia các thành viên hệ sinh thái thiện nguyện thành năm cụm: (1) đoàn thể quần chúng, (2) doanh nghiệp), (3) quỹ, (4) tổ chức phi lợi nhuận (NPO) và các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế, và (5) nhà thiện nguyện cá nhân.

Báo cáo và các điển hình cho thấy rõ mỗi cụm có nhiều loại chủ thể thiện nguyện, giải quyết các vấn đề khác nhau, hỗ trợ đối tượng hưởng thụ khác nhau, và báo cáo cho nhiều bộ ngành và cơ quan nhà nước khác nhau.

Việc thiếu cơ sở dữ liệu tổng hợp về các chủ thể và sáng kiến gây khó khăn cho việc xác định đối tác chiến lược, đặc biệt cho việc tìm được khả năng hợp tác vì mục đích chung với hiệu quả, tác động tốt hơn.

Tiếp cận sự hỗ trợ năng lực còn hạn chế. Các chủ thể của hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam hoan nghênh mọi sự hỗ trợ nhầm nâng cao tác động xã hội từ hoạt động thiện nguyện của họ. Mặc dù có những quan điểm khác nhau về việc xác định hình thức hỗ trợ nào là cần thiết, và các tốt nhất để xây dựng năng lực, các chủ thể hệ sinh thái thiện nguyện sẵn sàng học hỏi những phương cách hoạt động tốt nhất trong ngành, đón nhận sự đào tạo kỹ năng cứng và mềm, chia sẻ kinh nghiệm và nhiều hoạt động khác.

Đã có một số ít tổ chức hỗ trợ hoặc tác nhân phát triển năng lực xuất hiện ở Việt Nam và tìm cách phần nào giải quyết các nhu cầu nói trên.

Làm từ thiện ở Việt Nam xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Như ở nhiều nước, hành động thiện nguyện ở Việt Nam xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau. Ví dụ như từ ý thức phải giúp người, mong muốn thực hiện các giá trị mình trân trọn, thể hiện tinh thần đoàn kết, quảng bá hay nâng cao tiếng tăm hay thương hiệu, vì niềm tin tôn giáo, tâm linh, tập tục văn hóa và các phong tục, truyền thống khác, hoặc sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Nền thiện nguyện tại Việt Nam khát khao được tạo thuận lợi và phát triển năng lực. Các chủ thể hệ sinh thái thiện nguyện quan tâm và sẵn sàng dành thời gian, thậm chí nhiều nguồn lực khác, để cải thiện hệ sinh thái thiện nguyện ở Việt Nam.

Sự quan tâm và cam kết này thể hiện rõ qua mức độ tham gia của các chủ thể vào quá trình khảo sát, cũng như qua những quan ngại của họ về hệ lụy đối với thiện nguyện về việc thực hiện không đúng hoặc quản lý yếu kém.

Quan ngại gia tăng về tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động thiện nguyện. Với sự phát triển của các chủ thể hệ sinh thái thiện nguyện và phương thức gây quỹ cộng đồng tự phát ở Việt Nam, ngày càng có nhiều lo ngại liên quan đến tính minh bạch và hoạt động của các chủ thể hệ sinh thái thiện nguyện. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc xây dựng và duy trì lòng tin giữa các bên liên quan chủ chốt.

Hình ảnh người dân xếp hàng nhận gạo tại cây "ATM gạo" đầu tiên trên đường Vườn Lài, quận Tân Phú. “Ông chủ ATM gạo” là doanh nhân Hoàng Tuấn Anh. Sau mô hình "ATM gạo", "ATM khẩu trang"  trong đợt dịch lần thứ 4 này, Hoàng Tuấn Anh tiếp tục phát động mô hình "ATM Oxy" nhằm kịp thời hỗ trợ cho những bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà trở nặng, phải cần đến máy thở. Ảnh: Trung Dũng


Các khuyến nghị

Về khuôn khổ pháp lý và quy định: Chính thức chỉ định cơ quan đầu mối duy nhất cho các NGO/NPO trong nước (đã đăng ký hoặc đang nộp hồ sơ); Đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy định liên quan; Hướng đến một loại giấy phép/đăng ký duy nhất cho tất cả các NGO/NPO trong nước.

Xây dựng năng lực và niềm tin: Đưa ra các sáng kiến chung liên quan đến nhà tài trợ, các bên liên quan thụ hưởng và đơn vị hỗ trợ trong công tác lập kế hoạch và thực hành thiện nguyện; Tổ chức diễn đàn thiện nguyện toàn diện hàng năm với sự tham gia của tất cả các thành viên -  trong nước và quốc tế - của hệ sinh thái thiện nguyện cùng đại diện cơ quan nhà nước và các nhóm thụ hưởng liên quan.

Thông tin, truyền thông và giáo dục công chúng: Thiết lập cơ sở dữ liệu chính thức về các thành viên hệ sinh thái thiện nguyện và thường xuyên cập nhật để cộng đồng tham khảo; Xây dựng những nền tảng tổng hợp thông tin và cơ hội cho cộng đồng; Thông qua các kênh truyền thông đa dạng, bao gồm phương tiện truyền thông và môi trường học tập như trường học phổ thông, đại học nhầm phổ biến kiến thức, sự hiểu biết và hỗ trợ cho các hoạt động thiện nguyện; Tiến hành một đánh giá tổng quan và có hệ thống về khung pháp lý và quy định quản lý công tác thiện nguyện ở Việt Nam.

Lê Quỳnh (ghi)

____________

(*) Nghiên cứu được sử dụng phương pháp định tính, tập trung vào tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với các thành viên cộng đồng thiện nguyện, thông quan 68 cuộc phỏng vấn, hầu hết trực tiếp, 5 cuộc trao đổi nhóm với hơn 90 người tham gia, và phiên thảo luận tổng kết nhằm thu thập ý kiến phản hồi về dự thảo Báo cáo cũng như đề xuất kiến nghị.

Khảo sát tiếp cận các loại hình tổ chức gồm NPO/NGO (28,57%), doanh nghiệp (23,08%), quỹ (14,29%), doanh nghiệp xã hội (7,69%), cơ quan nhà nước đoàn thể (7,69%), doanh nghiệp tạo tác động (3,3%) và khác (15,38%).

Có 70,51% người là CEO, giám đốc, nhà sáng lập, 26,92% là phó giám đốc, quản lý dự án chương trình, trưởng phòng, và 2,52% là điều phối dự án chương trình tham gia phỏng vấn, trao đổi nhóm của Khảo sát.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.