Chăm lo bữa ăn dinh dưỡng cho tuyến đầu và người nghèo
Rất khuya ngày 26.7 vẫn nghe tiếng chuông báo tin nhắn của Trưởng Nhóm thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing Nguyễn Thị Tranh: Hòa thượng Thích Trí Quảng biết tin nhóm, dù kiệt sức, vẫn đang huy động sức người sức của giúp các bệnh viện COVID-19 đã quyết định gửi ủng hộ 1 tỷ đồng.
Sau tin vui ấy là một tin nhiều cảm xúc lo lắng xen lẫn tin yêu: bếp ăn từ thiện Mãn Tự do bạn trẻ Đỗ Thị Ngọc Phượng chỉ huy, từ hôm có lệnh giãn cách vì dịch bệnh ngày nào cũng nấu 9.000 suất miễn phí cho người nghèo, giao đến tận các khu cách ly, phong tỏa; cách nay vài hôm, bếp ăn đã tạm dừng hoạt động vì 13 anh chị em nấu ăn, giao hàng và cả trưởng nhóm Ngọc Phượng đều đã thành F0, phải vào khu cách ly tập trung!
Từ khu cách ly, Phượng nhắn ra cho Chia Sẻ - Sharing: “Không thể để đứt quãng bữa ăn cho người nghèo đang khó hơn vì dịch bệnh, con đã tổ chức ngay một nhóm nấu khác để phục vụ, dù không thể đủ 9.000 suất như trước khi Mãn Tự tạm ngừng hoạt động. Và, con vẫn livestream vận động để cùng các cô chú của Chia Sẻ - Sharing thêm sức lực duy trì bếp ăn phục vụ y bác sĩ và hỗ trợ trang bị y tế cho các bệnh viện tuyến cuối”. Ngay sau đó Phượng đã thay mặt bếp ăn Mãn Tự chuyển đến tài khoản của Nhóm thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing 250 triệu đồng đóng góp chăm lo cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
“Bếp ăn cho y bác sĩ” đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm với 12.420 suất ăn, trị giá 5,5 tỷ đồng, duy trì hơn 30 ngày từ đầu tháng 7.2021.
Cũng là những dòng tin đêm khuya cho biết: chương trình Vòng tay Việt đã khẩn cấp huy động, chỉ trong ngày 20.7 chuyển tặng tận nơi các bệnh viện dã chiến ở phường An Khánh, Thủ Đức ít nhất 20.000 suất ăn dinh dưỡng chia thành các túi, mỗi túi 4 suất ăn cho 4 ngày cùng với hàng tấn hoa quả, sữa dinh dưỡng, nước trái cây đóng hộp.
Riêng chương trình Be Strong Vietnam, chỉ trong mấy ngày cuối tháng 7 cao điểm của dịch đã nhận được gần 20 tỷ 700 triệu đồng tiền huy động phòng chống dịch và các trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm trị giá 20 tỷ đồng. Điều quan trọng là đã giải ngân được đến 95% trong ngày.
Còn ở “Bếp ăn cho y bác sĩ” đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm do Nhóm thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing và Ban từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp điều hành hoàn toàn bằng kinh phí vận động, thì suất ăn cứ tăng lên theo đề nghị của các bệnh viện, và dù khó, nhưng chưa bao giờ bị từ chối. Đầu tháng 7, mỗi ngày chỉ nấu 1.000 suất ăn. Thế rồi từ đầu tháng đến ngày 30.7, số suất ăn do bếp này nấu đã từ 1.000 suất tăng lên 4.140 suất/ngày (40.000 đồng/suất) phục vụ bữa ăn cho y bác sĩ của 8 bệnh viện dã chiến và 3 bệnh viện tuyến cuối, trị giá 5,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng ngàn suất ăn miễn phí mỗi ngày tặng người nghèo các khu bị phong tỏa.
Mấy chục tấn rau củ quả cùng với gạo và các loại thực phẩm ngon sạch khác từ những tấm lòng từ thiện hàng ngày được vận chuyển về bếp chùa Vĩnh Nghiêm để các sư thầy và nhân viên tình nguyện quần quật nấu ăn ngày hai bữa với chi phí mỗi ngày mấy trăm triệu đồng.
Tiền và tình, cho và nhận
Khi nói không để người nghèo bị bỏ rơi trong những ngày giãn cách vì dịch bệnh thì đâu phải chỉ là hàng trăm tỷ ngân sách chi hỗ trợ cho lao động tự do với mức 1,5 triệu đồng/người; mà còn phải nói đến hàng vạn người tự nguyện cho đi tiền bạc, công sức, thời gian của riêng mình để chung tay chống dịch. Góp nhiều, góp ít không quan trọng, miễn là giúp được người nghèo lúc khốn khó và người đang xả thân phục vụ cộng đồng. Ngay trong một nhóm thiện nguyện 218 thành viên như Chia Sẻ - Sharing thôi, người có điều kiện hơn thì góp từ vài chục triệu đến năm, sáu trăm triệu đồng; những người khác góp một đến vài triệu, cảm động là có cả trường hợp ba, bốn người chung nhau góp được hơn 2 triệu đồng.
Đích thân Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, đã nhiều ngày chung tay cùng đội ngũ phục vụ chế biến, đóng hộp thức ăn, mang vác thực phẩm tươi từ xe vận chuyển vào bếp. Nhân lực để hoàn thành khối lượng lớn công việc hàng ngày đúng là cần. Nhưng cần hơn là sự dấn thân, sự khẳng định tư duy và tình cảm nhập thế của người tu hành. Vì sao nhà chùa lại có bếp nấu mặn bên cạnh bếp nấu chay ư? Bởi vì, các y bác sĩ trên tuyến đầu không thể đủ sức khỏe phục vụ bệnh nhân 24/24 nếu khẩu phần chỉ là bữa ăn khô khan, tô mì hoặc những bát cơm chay. Bữa ăn phải có thịt, cá được chế biến ngon lành bởi hướng dẫn của đầu bếp các nhà hàng tình nguyện đến chùa phục vụ. Bếp chay riêng, bếp mặn riêng và bếp mặn cũng chỉ tồn tại trong chùa cho đến khi chấm dứt giãn cách.
“Có máy thở là có công cụ điều trị cấp thời, hữu hiệu cho những bệnh nhân nặng đang tăng rất nhanh và nhiều bệnh viện gần như đã xẻ đôi nguồn lực để tham gia điều trị COVID-19. Xếp hàng chờ trang bị trong bối cảnh nhu cầu tỷ lệ nghịch với nguồn cung thì rất dễ xảy ra rủi ro cho người bệnh nặng. Thêm nhanh được thiết bị điều trị quan trọng nào là tăng nhanh năng lực giảm tử vong. Các y bác sĩ chúng tôi không ngại xả thân cứu bệnh nhân, nhưng nếu thiếu phương tiện thì...”
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM
Trong hơn 60 ngày TP.HCM âu lo vì dịch dữ và tình trạng giãn cách mỗi lúc lại siết chặt hơn, mới thấy mỗi đồng tiền góp vào phòng chống dịch là cần biết chừng nào. Tiền để lo suất ăn đủ dưỡng chất cho y bác sĩ, tiền để trang bị quần áo bảo hộ và trang thiết bị thực sự đang rất thiếu trong các cơ sở điều trị, chứ không hề dư thừa như ai đó đã rêu rao kiểu “tạt nước lạnh” vào công tác vận động thiện nguyện. Thế nhưng, điều quý hơn cả tiền và rất đáng trân trọng lại là tấm lòng, là cái tình, cái tâm của những người trực tiếp làm thiện nguyện và trực tiếp phục vụ trên tuyến đầu chống COVID-19.
Ở nhóm Chia Sẻ - Sharing, việc tổ chức nhận và chuyển các suất cơm hàng ngày từ “Bếp ăn cho y bác sĩ” ở chùa Vĩnh Nghiêm đến 8 bệnh viện dã chiến COVID-19 và 3 bệnh viện tuyến cuối được phân công cho chị Ngọc Thục - một phó tổng giám đốc doanh nghiệp. Trong nhóm vận chuyển của chị Thục còn có anh Nguyễn Bình Nam, chủ một sân tennis ở quận 2. Hàng ngày, các vị chủ doanh nghiệp này luân phiên cùng với chủ của 8 xe khác, ngoài việc tự lái xe của mình và tự đổ xăng, còn trực tiếp khiêng các khẩu phần cơm lên, xuống xe. Mưa gió mùa này thường vào giờ chuyển cơm, có những hôm bê hàng nghìn suất cơm từ xe hơi sang xe ba gác vì đường ngập nước. Đáng nói hơn là nguy cơ lây nhiễm chực chờ vì điểm nhận cơm là các bệnh viện điều trị COVID-19…
Bác sĩ Võ Đức Chiến (phải) trong niềm vui tiếp nhận các máy thở do Nhóm thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing tặng. Trước đó bệnh viện này đã được nhóm tặng một máy ECMO trị giá 2,6 tỷđồng.
Ngày 21.7, phóng viên Người Đô Thị năn nỉ mãi mới được theo xe Nguyễn Bình Nam đi nhận và giao cơm cho bệnh viện dã chiến số 6 ở phường An Khánh, Thủ Đức, chứng kiến những giọt mồ hôi ướt đẫm áo Nam vì giúp chuyển cơm lên hết các xe khác rồi mới đến xe mình. Khi xe đến nơi, phóng viên nhảy xuống để chụp ảnh các y bác sĩ trẻ từ trong bệnh viện ra mang các phần cơm vô thì bị một nhân viên y tế rất trẻ nhắc nhở rất kiên quyết: “Cô ơi, ở đây nguy hiểm chứ không phải chỗ nhìn ngắm chụp hình, mời cô vào xe đi ạ”. “Vậy còn các cháu cũng đang ở chỗ nguy hiểm mà”. “Dạ, nhiệm vụ của tụi cháu là bảo vệ tính mạng của dân nên phải ở đây dù biết nguy hiểm. Cô thông cảm vào ngay xe đi cô!”. Nghe những lời ấy của anh nhân viên y tế trẻ kia mới hiểu vì sao Ngọc Thục, Bình Nam, Đức và các bạn khác của đội “Phản ứng nhanh chống Covid” của Chia Sẻ - Sharing ròng rã mấy chục ngày qua đưa cơm cho y bác sĩ đã kiên nhẫn bỏ qua vất vả, hiểm nguy để không bỏ cuộc!
Như một ăng ten của tình yêu thương và sự chia sẻ, ngay trong 2 tuần đầu dịch bùng phát đợt thứ tư, nhóm Chia Sẻ - Sharing đã vận động, đóng góp hơn 7 tỷ đồng góp phần chống dịch. Trong số đó, 2 tỷ đồng được chuyển ngay giúp tâm dịch Bắc Giang; 2,6 tỷ đồng mua một máy ECMO tặng khẩn cấp cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa được thành phố giao thêm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19; còn lại chuyển đến các bệnh viện để góp phần chăm sóc sức khỏe y bác sĩ trực chống dịch 24/24. Sau đó, từ lúc dịch bùng phát ngày càng dữ dội ở TP.HCM, những người phụ trách nhóm quyết định khẩn cấp vận động tiền giúp theo yêu cầu trực tiếp và thiết thực của các bệnh viện: máy thở, trang phục bảo hộ, khẩu trang N.95.
Đã có ý kiến gửi đến nhóm: bệnh viện đâu có thiếu máy thở, mà nếu có thiếu thì để nhà nước lo chứ. Không có thời gian giải thích cho những ý kiến lẻ loi đó, người phụ trách nhóm lẳng lặng công bố chính xác tên những bệnh viện và người đứng đầu bệnh viện mong muốn và sẵn sàng tiếp nhận máy thở, vì như bác sĩ Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nói thay các đồng nghiệp khác của mình: “Có máy thở là có công cụ điều trị cấp thời, hữu hiệu cho những bệnh nhân nặng đang tăng rất nhanh và nhiều bệnh viện gần như đã xẻ đôi nguồn lực để tham gia điều trị COVID-19. Xếp hàng chờ trang bị trong bối cảnh nhu cầu tỷ lệ nghịch với nguồn cung thì rất dễ xảy ra rủi ro cho người bệnh nặng. Thêm nhanh được thiết bị điều trị quan trọng nào là tăng nhanh năng lực giảm tử vong. Các y bác sĩ chúng tôi không ngại xả thân cứu bệnh nhân, nhưng nếu thiếu phương tiện thì...”.
Sáng 11.8.2021, Nhóm thiện nguyện Chia Sẻ- Sharing đã trao tặng bệnh viện quận 4 (TP.HCM) máy X- quang di động trị giá 400 triệu đồng. Số tiền mua máy do Hòa thượng Thích Trí Quảng ủng hộ. Từ nay bệnh viện không còn phải thuê xe chở thiết bị đặt ngoài sân mỗi khi cần sử dụng máy X-quang. Trong ảnh là Ban giám đốc và các bác sĩ bệnh viện quận 4 trong buổi tiếp nhận máy X- quang đi động.
Còn y bác sĩ ở Bệnh viện Long An thì tâm sự: “Tụi em không đủ loại khẩu trang N.95, chỉ toàn được phát khẩu trang y tế, nhiều bác sĩ bị nhiễm virus vì đồ bảo hộ không đạt chuẩn”. Vì những lý do rất xác đáng và nhân văn ấy mà chỉ trong tuần cuối tháng 7, nhóm Chia Sẻ - Sharing đã vừa vận động được 10 tỷ đồng, vừa lắng nghe ý kiến tư vấn chuyên môn của các bệnh viện, vừa liên hệ nhà cung cấp để mua 27 máy thở HFNC AIRVO & VUN 001 có xe đẩy (trị giá từ 80 triệu đồng đến 135 triệu đồng/máy) để tặng cho các bệnh viện: Trưng Vương, Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, Nhiệt Đới, COVID-19 Củ Chi; Bệnh viện Đại học Y Dược; Bệnh viện Long An… Ngoài máy thở, Chia Sẻ - Sharing cũng đã tặng các bệnh viện 2 máy X-quang di động, máy hút dịch, 26 máy nước nóng lạnh, 50.000 khẩu trang cao cấp N.95, 2.200 bộ đồ bảo hộ y tế.
Nhìn lại hơn 60 ngày cao điểm chống chọi với đại dịch COVID-19 tại TP.HCM, hơn 17 tỷ đồng mà Chia Sẻ - Sharing đã vận động tổng cộng (không kể hiện vật), hơn 20 tỷ đồng từ Be Strong Vietnam và rất nhiều trăm tỷ, nhiều nghìn tỷ đồng của biết bao tấm lòng thiện nguyện khác trong cả nước đóng góp cho quỹ vaccine phòng chống COVID-19, mới thấy sức mạnh khó lường của xã hội công dân. Sức mạnh ấy đã góp phần rất quan trọng giữ cho sự an toàn của con người và sự ổn định đến giờ này của toàn xã hội. Sức mạnh ấy cần và phải được coi trọng không chỉ bằng những lời biểu dương trong một đợt, hai đợt chống dịch, chống thiên tai mà còn phải được sử dụng thật hiệu quả, phải được trở thành một chính sách kinh tế - xã hội, được bảo vệ vững chắc bằng một hành lang pháp lý.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Thanh