Bên cạnh các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của nhà nước, nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cũng góp phần cứu giúp kịp thời những cảnh đời khốn khó. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể vẫn còn đây đó những hiện tượng tiêu cực, những bất cập từ chính sách, pháp luật trong quản lý, điều phối, giám sát hoạt động từ thiện, thiện nguyện - vốn rất dễ tác động lên niềm tin của xã hội. Trong đó, những quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động cứu trợ từ thiện (Nghị định số 64/2008) tạo ra nhiều thảo luận, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo sửa nghị định này theo hướng mở cánh cửa cho nhiều tổ chức xã hội cùng tham gia...
Như thường lệ, mỗi dịp xuân về Ban biên tập Người Đô Thị tổ chức Tọa đàm Mùa xuân. Năm nay, chủ đề là “Khơi thông nguồn lực từ những tấm lòng”. Tuy nhiên, khác với các lần trước, tọa đàm lần thứ 6 này diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn lảng vảng đâu đó ở Việt Nam. Để thích ứng thời cuộc, tọa đàm chọn hình thức trao đổi qua email với các khách mời: ông Nguyễn Tiến Lập (luật sư thành viên cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự); nhà báo Trần Đăng Tuấn (Chủ tịch Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao); bà Nguyễn Phương Linh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững), doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - “ông chủ ATM gạo”.
***
Vai trò của Nhà nước và hoạt động từ thiện
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trước hết tôi xin nói ngay là ở nước mình, chúng ta vừa lạm dụng vừa hiểu sai về khái niệm “quản lý”.
![]() |
Lạm dụng ở đây là lạm dụng và nhấn mạnh thái quá vai trò của Nhà nước trong việc quản lý mọi hoạt động của xã hội, là biểu hiện của cái gọi là “nhà nước hóa” toàn diện, vốn là một sản phẩm của thời kỳ trước nhưng còn rơi rớt trong suy nghĩ hay thậm chí ám ảnh nhiều người. Còn thái quá ở đây là nói về nhà nước, tại sao chúng ta vừa đòi hỏi vừa ỷ lại quá nhiều đối với nhà nước như vậy? Khởi thủy, nhà nước hay cụ thể hơn là chính quyền, được sinh ra để nhận sự ủy nhiệm của người dân làm những việc xã hội thấy cần, mà không phải ngược lại là nhà nước cho hay không cho người dân làm cái này, cái nọ.
Nói thế có nghĩa tôi xin kêu gọi tất cả chúng ta chấp nhận một chân lý, đó là cái gì người dân tự làm được hay thậm chí làm tốt thì nhà nước không can thiệp, không chỉ cho phép mà cần tạo điều kiện và hỗ trợ để họ tự làm. Cái đó chính là nguyên lý tự quản của người dân và cộng đồng, nó tồn tại và được thừa nhận như một lý thuyết quan trọng về xây dựng thể chế và quản trị xã hội.
Đối chiếu với hoạt động từ thiện, theo nghĩa rộng là thiện nguyện, tức tự nguyện làm từ thiện của mỗi người dân. Tôi nghĩ trước hết đó là quyền cá nhân, sau đó là hạnh phúc của con người, là đạo lý cho đi vật chất để nhận lại niềm vui tinh thần. Là bản chất của hoạt động yêu thương chỉ có ở con người. Như vậy, xét về mục tiêu hay phạm vi, nó không nên và không thể chỉ giới hạn vào các sự kiện, biến cố hay bối cảnh éo le nào đó như thiên tai, dịch họa, ốm đau, bệnh tật mà cần mở rộng và duy trì như một hoạt động thường xuyên, là một phần tất yếu của đời sống nhân văn trong một xã hội văn minh lấy các giá trị đạo đức làm trọng.
Cụ thể ở đây, ai sẽ cho và ai sẽ nhận? Không chỉ người giàu cho người nghèo, người mạnh cho người yếu đâu, bởi nếu đơn giản thế thì sẽ ám chỉ tính phân biệt, vụ lợi và vị kỷ, mặc dù nó có vẻ tự nhiên là thế. Dẫn đến trong mối quan hệ cho và nhận ấy sẽ không tạo ra niềm vui và hạnh phúc được thấu cảm và chia sẻ của cả hai bên. Cho nên, hơn thế chúng ta cần khuyến khích sự bình đẳng và công bằng ở chỗ bất kể ai có chút điều kiện và có nhu cầu đều có thể cho và bất kể ai cần đến đều có thể nhận. Thiện nguyện đích thực phải là như thế!
Lễ khánh thành cầu Biện Biếc 5 tại Giồng Trôm, Bến Tre do các đại sứ quán và nhóm Sharing đóng góp. Ảnh: Thế Thanh
Còn một câu chuyện khác là quy mô của hoạt động và năng lực của các bên tham gia. Pháp luật hay vai trò của quản lý chính là ở khía cạnh này. Nếu các cá nhân con người tự kết nối với nhau để cho và nhận thì là việc riêng tư của họ, được gọi là quan hệ dân sự và do Luật Dân sự chung điều chỉnh. Còn một khi hoạt động mở rộng ở quy mô lớn hơn, cần tới khâu trung gian (là bên tổ chức các khâu công việc phức tạp từ kêu gọi, tiếp nhận nguồn lực đến vận chuyển, lựa chọn và phân phối...) thì chắc chắn cần có khung khổ quản lý được quy định bởi luật pháp. Tại sao? Bởi đi kèm với các quyền còn là các nghĩa vụ và trách nhiệm được cam kết và bảo đảm bởi các thực thể trung gian ấy, hướng tới ba yếu tố quan trọng nhất là đúng mục tiêu, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
![]() |
Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Tấm lòng muốn đùm bọc trẻ thơ vùng khó khăn không phụ thuộc vào tên gọi, không phụ thuộc vào chuyện tư cách pháp lý của một hoạt động, một khi đó là hoạt động đúng tâm nguyện của mọi người.
Tôi nhớ lại Nghị định 64/2008 (NĐ 64) ra đời trong bối cảnh sau hoạt động hỗ trợ thiên tai ở miền Trung, do tự phát nên có những sự thiệt hại cả về người gặp tai nạn khi đi cứu trợ. Có những trùng lặp chồng chéo, và NĐ 64 có mục đích tập trung nguồn lực để tránh phân tán, lộn xộn. Cái hạn hẹp nhất ở NĐ 64 là quy các luồng ủng hộ vào một số kênh “chính thống”. Mà sự ủng hộ của cộng đồng, cá nhân lại muôn hình muôn vẻ và người ủng hộ có quyền chọn cách, chọn kênh ủng hộ. Cho nên về bản chất chưa bao giờ các quy định của NĐ 64 được thực hiện triệt để trên thực tế.
Từ chương trình Cơm Có Thịt, tôi đã quyết định chuyển đổi thành Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao (TNVC). Thành lập Quỹ là thể hiện sẵn sàng đón nhận giám sát không chỉ của người ủng hộ, mà của các thể chế quản lý nhà nước. Thành lập Quỹ để việc ủng hộ của các tổ chức thuận tiện hơn. Một ví dụ: các khoản ủng hộ của tổ chức cho Cơm Có Thịt được xác nhận từ Quỹ theo đúng quy chuẩn, thuận tiện cho khấu trừ thuế của tổ chức đó. Quan trọng nhất là chúng tôi muốn hoạt động này lâu dài, bền vững, vì chúng tôi hiểu còn xa ngày mà không còn sự cần thiết của việc hỗ trợ học sinh vùng cao, vùng khó khăn.
Nếu hoạt động diễn ra trong khuôn khổ sáng kiến của nhóm người, khi có sự biến động về con người cụ thể tham gia, hoạt động có thể đứt quãng. Mà mỗi người có một hoàn cảnh riêng, hôm nay có thể tham gia quản lý vận hành, mai có thể chỉ tham gia ủng hộ chứ không thể quản lý. Nếu là Quỹ, hoạt động có thể và sẽ được tiếp nối cả khi những người cụ thể quản lý hoạt động này thay đổi.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn “mang” Cơm Có Thịt đến trẻ em vùng cao. Ảnh: TLNV
Trong gần 10 năm qua, Cơm Có Thịt và Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao luôn nhận được sự hợp tác của các nhà trường, thầy cô giáo, địa phương. Tuy nhiên, với quỹ của chúng tôi, thách thức lớn nhất là kỹ năng, khả năng vận hành chặt chẽ, chuyên nghiệp. Chúng tôi hầu như không có đội ngũ quản lý toàn thời gian, trừ hai nhân viên kế toán. Toàn bộ Hội đồng quản lý, thành viên Ban giám đốc đều làm việc tự nguyện, nhiệt tâm có thừa nhưng kỹ năng và thời gian chuyên tâm quản lý thì thiếu. Việc vận hành như một tổ chức (quỹ) có những công việc hành chính, thủ tục... Cái đó chúng tôi còn yếu.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi xin không đi vào các nội dung cụ thể có tính chất kỹ thuật bởi về thực chất cả mục tiêu lẫn tinh thần của văn bản pháp luật này (NĐ 64) nói đến một câu chuyện khác mà không phải là thiện nguyện. Từ quan sát của một luật sư, tôi thấy ngay hai vấn đề: Thứ nhất, nghị định này được ban hành trên cơ sở Luật Ngân sách và Luật Mặt trận Tổ quốc, lại do Bộ Tài chính soạn thảo. Có nghĩa rằng nó bàn đến câu chuyện sử dụng ngân sách nhà nước để cứu trợ người dân và nếu ngân sách không đủ thì các cơ quan, tổ chức của nhà nước được quyền huy động đóng góp tự nguyện của người dân để bổ sung.
Thứ hai, bởi các hoạt động liên quan nói đến trong nghị định này đều mang tính công vụ (tức có yếu tố hành chính và gắn với chủ thể là cơ quan, đơn vị nhà nước), do đó việc không cho phép cá nhân và tư nhân tham gia để đóng vai trò trung gian như Mặt trận Tổ quốc hay cơ quan truyền thông là tất yếu và có thể hiểu được.
Có sự phối hợp của chính quyền tại các địa phương, việc cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh, với số tiền quyên góp hơn 177 tỷ đồng, đã diễn ra an toàn. Ảnh: Trường Nguyễn
Như thế, tôi muốn nói rằng trong thảm họa bão lũ miền Trung vừa qua, khi ca sĩ Thủy Tiên và một số cá nhân khác tự đứng ra kêu gọi từ thiện, tự tổ chức và phân phối tiền, hàng cứu trợ cho người dân là một loại hoạt động hoàn toàn mới, chưa có luật chuyên biệt điều chỉnh, ngoài các quy định chung của Luật Dân sự về quyền tặng cho và hợp đồng. Việc dư luận cho rằng các hoạt động đó bị cấm hay vi phạm NĐ 64 là không chuẩn về mặt pháp lý, nhưng đúng là nó gây nên sự hiểu lầm và e ngại cho nhiều người, thậm chí thắc mắc và bức xúc. Còn từ phương diện chính sách, tôi cho rằng đây là những hiện tượng và nhu cầu mới phát sinh từ đời sống xã hội mà Chính phủ chưa hề có cả chủ trương lẫn công cụ pháp lý để điều chỉnh một cách kịp thời.
Do đó, sau khi có các kiến nghị từ dư luận, Thủ tướng đã chỉ đạo việc xem xét lại các quy định của NĐ 64 là hoàn toàn đúng.
![]() |
Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh: Tôi không biết gì về NĐ 64 khi triển khai ATM gạo (máy phát gạo tự động - NV), nhưng theo tôi, minh bạch là yếu tố cơ bản tạo nên sự thành công của mô hình ATM gạo. Covid-19 đập bể chén cơm người nghèo. Giãn cách xã hội khiến nguồn lực từ thiện bị tắc nghẽn. Dịch bệnh chưa từng có khiến nhiều mạnh thường quân chùn tay. Sợ rủi ro lây nhiễm. Sợ vô tình vi phạm những quy định phòng chống dịch của Chính phủ. Lỡ xảy ra sự cố, chẳng hạn như bùng phát một ổ dịch.
Cá nhân tôi cũng không tránh khỏi cảm giác bất an nhiều bề vì thiếu những chuyên môn cần thiết trong điều kiện dịch bệnh hoành hành. Chủ động kết hợp với chính quyền và nhận được sự ủng hộ tích cực từ cấp quận đến cấp cơ sở là giải pháp. Quyền lực nhà nước là lợi thế, ngoài tầm với của doanh nghiệp, chẳng hạn như thẩm quyền đảm bảo an ninh trật tự.
Nguồn lực hữu hạn, tôi dự định làm quy mô nhỏ, mỗi ngày chừng 500kg gạo. Thời gian nhận gạo rải ra 24/24, dễ kiểm soát. Giải pháp kỹ thuật khuyến khích minh bạch, truyền cảm hứng cộng đồng. Kể từ cuối ngày thứ hai, gạo từ các mạnh thường quân ồ ạt đổ về, chất đống tại trụ sở Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh (doanh nghiệp mà ông Tuấn Anh là CEO - NV). Cộng đồng tiếp sức khiến lượng gạo đến tay người dân tăng gấp 10 lần so với kế hoạch. Điểm phát gạo đầu tiên có dấu hiệu quá tải. Cây ATM gạo thứ hai khẩn trương đi vào hoạt động tại huyện Bình Chánh với sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền. Tấm lòng chia sẻ với đồng bào trong cơn hoạn nạn là một dạng vốn xã hội. Hoạt động từ thiện càng minh bạch, càng khuyến khích nhiều thành phần tham gia, xã hội càng có lợi.
Xây hành lang pháp lý cho hoạt động thiện nguyện
Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Tôi không có trong tay toàn bộ văn bản dự thảo sửa đổi NĐ 64 nên chưa có cái nhìn tổng thể được. Nhưng qua thông tin thì tôi có cảm giác hướng thay đổi chủ đạo chưa rõ. Có vẻ là đi vào chỉnh sửa những cái hạn hẹp, không phù hợp của NĐ 64. Bỏ cái hạn chế này, mở điểm thông thoáng thêm chỗ khác. Nhưng chưa phải là tạo ra hành lang mới, nền tảng mới. Tôi nghĩ cái gì hợp lý từ NĐ 64 thì dĩ nhiên tiếp nhận, nhưng không nên “chỉnh sửa” NĐ 64 mà nên xây dựng một nghị định tạo ra nền tảng mới cho hoạt động từ thiện, cứu trợ.
Nếu chỉ là nới ra, chỉ là chỉnh sửa, những chỉnh sửa có thể đáp ứng tháo gỡ vài bất hợp lý đang có. Nhưng rồi với thời gian bản thân những chỉnh sửa đó lại bộc lộ ra còn bất hợp lý.
Xếp hàng nhận gạo tại cây ATM đầu tiên trên đường Vườn Lài, quận Tân Phú. Ảnh: Trung Dũng
Ví dụ: Tại sao hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo lại nhất định là “các trường hợp cụ thể”, “đối tượng cụ thể”? Hồi còn làm ở VTV, chúng tôi đã tham gia làm chương trình Trái tim cho em cùng các đơn vị khác. Hỗ trợ cho một em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh - đó dĩ nhiên là việc thường làm. Nhưng hỗ trợ về thiết bị còn thiếu, về kinh phí đào tạo tăng thêm công suất mổ tim có bệnh bẩm sinh... cũng là việc đã thực hiện. Và nó rất cần thiết. Nếu một chương trình nào đó hướng tới hỗ trợ các đổi thay lớn nhưng không gắn với tên bệnh nhân cụ thể, thì vẫn là hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo, sao lại không?
Bây giờ nếu sửa NĐ 64 theo hướng “nới ra”, thêm loại tổ chức này được kêu gọi, không cấm cá nhân cứu trợ... thì là tốt hơn đấy, nhưng cũng chưa hẳn tạo ra nền tảng mới, tư duy mới cho hoạt động hỗ trợ, cứu trợ thiện nguyện. Theo tôi, nghị định mới nên xây dựng trên nền tảng thời đại 4.0. Có nghĩa là:
Mọi tổ chức, mọi cá nhân đều có thể làm công việc hỗ trợ, cứu trợ thiện nguyện, bao gồm cả hoạt động tham gia cứu trợ, kiểu như các vận động viên thuyền bơi thể thao có thể tham gia cứu nạn. Các tổ chức chính quyền, tổ chức xã hội lớn như Mặt trận Tổ quốc hay Hội Chữ Thập Đỏ chuyển trọng tâm sang công tác cung cấp thông tin. Điều hướng của nhà nước là bằng thông tin - điều mà các cá nhân, tổ chức, cộng đồng làm từ thiện rất cần nhận được từ chính quyền và tổ chức chính thống. Chúng ta có đủ các công cụ pháp lý để xử lý mọi hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tiền của quyên góp, lãng phí tài sản quyên góp. Không hạn chế ai làm từ thiện nhưng ai lợi dụng từ thiện hoặc làm thiệt hại tiền của quyên góp thì xử lý theo pháp luật.
![]() |
Bà Nguyễn Phương Linh: Các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đang đóng vai trò rất hiệu quả để đảm bảo việc từ thiện đáp ứng đúng nhu cầu của người được tiếp nhận từ thiện, đúng mục đích, đảm bảo sự tham gia và phát triển, cải thiện cuộc sống của cộng đồng và đảm bảo minh bạch, cùng trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản về chính sách pháp luật giúp thúc đẩy và đảm bảo hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong huy động và thực hiện hoạt động thiện nguyện một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, tôi cho rằng các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ cần được ghi nhận là chủ thể chính thức đóng góp cho tiến trình phát triển, thúc đẩy môi trường từ thiện tại Việt Nam lành mạnh, hiệu quả. Không chỉ là việc sửa đổi NĐ 64 để “cởi trói” và phá vỡ tính độc quyền của các hoạt động từ thiện, chúng tôi tin rằng đó vừa là tính cấp thiết, vừa là xu hướng phát triển cần có của đất nước.
Chúng ta cần có các công cụ pháp lý mạnh mẽ hơn như luật về hoạt động từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận. Đó sẽ là khuôn khổ pháp lý cho một khối các tổ chức phi lợi nhuận, tập trung vào từ thiện, được khuyến khích, phát triển năng động, khỏa lấp các khiếm khuyết của thị trường, cung ứng các dịch vụ xã hội, đặc biệt đảm bảo quyền lợi cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương mà nhà nước khó với tới hoặc không phải khách hàng mục tiêu để phục vụ của doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Theo cách hiểu và đặt vấn đề của tôi như đã nói thì vấn đề nảy sinh không thể được giải quyết bằng sửa đổi NĐ 64, hơn nữa lại sửa theo cách sơ lược và thiếu bài bản, thậm chí có tính ứng phó với dự thảo.
Chẳng hạn có những vấn đề như: Tại sao lại chỉ “cho phép” cá nhân và tư nhân tổ chức làm từ thiện khi có sự cố, thiên tai, dịch bệnh? Ai sẽ xác định và công bố các sự cố này? Tại sao khi thực hiện hoạt động từ thiện, nhà tổ chức chỉ cần thông báo cho UBND địa phương, nhất là một khi có sự đóng góp tài chính, vật chất ở quy mô lớn và việc lựa chọn đối tượng cứu trợ cũng như công tác phân phối diễn ra trên địa bàn rộng và có quy mô phức tạp?
Sáng kiến thiện nguyện “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” hỗ trợ người khó khăn trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Chí Hùng
Xin thưa rằng không nên quan niệm hoạt động từ thiện hay thiện nguyện một cách rất hẹp như vậy, tức chỉ là cho và nhận tiền hay hàng hóa. Hoạt động cứu trợ nói chung luôn luôn bao gồm các công việc cứu giúp, khắc phục và khôi phục cho cả mục tiêu khẩn cấp trước mắt trong sự cố và lâu dài sau đó. Trong khi đó, cả nguồn lực lẫn nhu cầu thiện nguyện từ xã hội cũng luôn luôn đa dạng và phong phú. Chẳng hạn, tại sao chỉ kêu gọi đóng góp tiền của người dân mà không huy động các năng lực chuyên môn cụ thể của tình nguyện viên cho các lĩnh vực khác nhau khi các nạn nhân cần khôi phục hiện trạng để ổn định cuộc sống sau biến cố?
Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có một cách tiếp cận vấn đề ở tầm vóc và quy mô khác. Theo đó, rất cần thiết xây dựng và ban hành một đạo luật chung về tổ chức và hoạt động thiện nguyện - phi lợi nhuận.
Mặc dù đã có quan điểm nhấn mạnh tính tự chủ và tự quản của người dân và cộng đồng trong lĩnh vực thiện nguyện, tôi vẫn cho rằng nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động này. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng đó không phải là vai trò can thiệp, quản lý để hạn chế và kiểm soát bằng cấp phép của cơ quan công quyền mà là vai trò điều phối, hỗ trợ và tạo điều kiện. Thay vì xin phép và cấp phép hay chỉ thông báo một cách đơn giản, cá nhân, đơn vị làm từ thiện cần đăng ký với cơ quan chính quyền để công khai hóa và có kế hoạch, chương trình phối hợp. Mỗi cơ quan chính quyền sẽ là đầu mối để điều phối các bên tham gia và các khâu hoạt động khác nhau trong các tình huống cụ thể. Chính quyền cũng là đầu mối để xử lý các vấn đề phát sinh như bảo đảm an toàn cho các tình nguyện viên, giải quyết các bất đồng và tranh chấp giữa các bên, cung cấp cơ sở vật chất và hậu cần, bảo đảm sự công bằng trong tiếp nhận tài trợ v.v..
Tóm lại, qua ví dụ của vụ việc làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên vừa qua, chúng ta đã thấy sự phối hợp của cơ quan chính quyền tại địa phương quan trọng thế nào. Vấn đề ở chỗ cần có khuôn khổ pháp luật để ràng buộc các trách nhiệm chung đó, hơn là sự tùy thuộc vào thiện ý của các cá nhân lãnh đạo chính quyền cụ thể ở từng nơi, từng chỗ.
Bà Mai Thị Hạnh (phu nhân nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang):
“Điều quan trọng nhất của hoạt động cứu trợ nhân đạo là minh bạch và hiệu quả”
![]() |
Khi một nhóm bạn bè và gia đình chúng tôi khởi động việc làm từ thiện từ nhiều năm trước, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ đơn giản: dân mình còn nhiều người nghèo, vậy sao mình không cùng nhau và cùng với rất nhiều người khác chia sẻ bớt khó khăn với họ từ chính những gì mình có được từ lao động, dành dụm? Biết người nghèo ở đâu cần học bổng, cần nhà ở, cần phương tiện đi lại, cần cây giống vật nuôi là chị em lại rủ nhau góp tiền góp công đi giúp.
Càng về sau này, nhóm chúng tôi thu hút được đông người tham gia hơn, nguồn lực nhiều hơn và mục tiêu trợ giúp nhân đạo cũng nhiều hơn, nên thay vì chỉ phối hợp với địa phương tổ chức các đợt cứu trợ, nhóm đã phối hợp dài hạn với Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, Quỹ Hoa Hòa Bình và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các bên phối hợp phát hiện, đề xuất các địa chỉ cần giúp, sau đó phân công trách nhiệm cho các Hội Chữ Thập Đỏ địa phương khảo sát cụ thể nhu cầu và lập kế hoạch thực hiện (ví dụ: cần bao nhiêu căn nhà, mỗi căn bao nhiêu tiền, ai chịu trách nhiệm xây dựng và bao giờ nghiệm thu, bàn giao nhà cho người cần được nhận…).
Nhóm chúng tôi căn cứ kế hoạch đó mà vận động đóng góp theo mục tiêu công khai và tổ chức đoàn đi trao và tặng thêm tiền, vật dụng cho người nghèo tại địa phương. Sau mỗi đợt cứu trợ nhóm lại báo cáo công khai kết quả đã thực hiện trước khi mở cuộc vận động mới đáp ứng nhu cầu, mục tiêu mới. Hàng ngàn ngôi nhà, cây cầu, con giống, học bổng, xe đạp… đã được trao tận tay người cần cứu giúp theo cách làm này của nhóm. Nếu có điều gì làm chúng tôi cảm thấy hài lòng thì đó chính là nhóm chúng tôi đã không làm sứt mẻ một đồng nào từ nguồn vận động cứu trợ cho các chi phí tổ chức, quản lý các đợt đi cứu trợ gần, xa; cũng không tốn kém bất cứ khoản tiền nào cho trụ sở, phương tiện làm việc và truyền thông. Tất cả đều được các thành viên tự nguyện bỏ công sức và tiền riêng để tham gia theo tinh thần thiện nguyện.
Đáng mừng nhất là các dự án nhân đạo của nhóm đều đạt chất lượng và đúng người, đúng nơi cần cứu giúp; người nghèo đã không chỉ được cho “con cá” mà là cái “cần câu” để vượt nghèo khó và sống căn cơ hơn. Chúng tôi tự rút ra bài học cho chính mình: hoạt động nhân đạo phải minh bạch và hiệu quả là trước hết, thay vì chọn một đoàn thể nào để ký gửi tập trung.
Nguyễn Thế Thanh ghi
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (Chủ tịch Danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, phu nhân Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh):
“Mục tiêu cụ thể và hiệu quả thiết thực sẽ tạo được nguồn lực xã hội, kể cả ở khu vực ngoại giao”
![]() |
Từ 8 năm trước, khi tổ chức Liên hoan Ẩm thực Quốc tế tại Hà Nội, mục đích của Bộ Ngoại giao là tạo ra một kênh giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam đến bè bạn quốc tế, thông qua cầu nối rất quan trọng là chính các đại sứ quán và các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Hoạt động này cũng tạo ra cơ hội quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của nước ta đến các nước bạn.
Mỗi lần tổ chức, Liên hoan Ẩm thực Quốc tế thu hút trên dưới 100 gian hàng và mục tiêu chính tất nhiên không phải là doanh thu. Nhưng rồi, cũng chính từ hoạt động thường niên này, ban tổ chức chúng tôi nhận thấy, vì sao nhân dịp này không mời các nhà ngoại giao nước ngoài dùng chính doanh thu, tuy không nhiều, từ việc bán đồ lưu niệm và sản phẩm ẩm thực để làm các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam.
Thăm dò thì được biết các bạn nước ngoài rất sẵn sàng, nhưng họ luôn muốn biết: Các hoạt động nhân đạo cụ thể là gì? Thực hiện ở đâu? Từ nhu cầu đó, chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng là cần kết hợp với chính quyền địa phương, với một tổ chức nhân đạo tại Việt Nam (không nhất thiết phải là tổ chức trong hệ thống chính trị), nằm trong khuôn khổ pháp luật, có kinh nghiệm và thành quả chăm lo cho cộng đồng cụ thể, để sử dụng đúng số tiền đã thu được trong Liên hoan Ẩm thực Quốc tế. Với cách làm này, ngoại giao đoàn cùng các đại sứ quán đã dùng số tiền 2,6 tỷ đồng thu dồn từ mấy năm liền tổ chức Liên hoan Ẩm thực Quốc tế để chăm lo cho phụ nữ nghèo, trẻ mồ côi, phần lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Năm 2020, bằng sự phối hợp thân tình trong nhiều năm với nhóm thiện nguyện của chị Mai Thị Hạnh, phu nhân của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Chương trình Ẩm thực Quốc tế của Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán, bè bạn quốc tế đã đóng góp xây dựng và khánh thành cầu Biện Biếc 5 tại xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre với kinh phí 1,303 tỷ đồng. Những hoạt động này là kết quả của phương thức “kết nối ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân đạo”.
Nguyễn Thế Thanh ghi
Duy Thông - Thượng Tùng thực hiện
* Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021