Hẻm gác gỗ

 15:02 | Thứ sáu, 06/06/2014  0

Vẫn nằm vùi trong mền gối, nhưng tôi biết trời đang rạng dần. Tiếng dép lê lệt xệt chậm và nặng là của gánh xôi dì Chín Ú. Tiếng chân trần thậm thịch bước gấp cùng tiếng va khua rổn rẻn là của anh Tư Thôi đang dọn đồ nghề vá xe ra đầu hẻm… Tôi chờ bàn tay mềm, mát lạnh nắm lấy ngón chân cái lay lay: “Sáng rồi”, mới vùng dậy khỏi đống mền gối. Xuống gác, ngược ra đầu hẻm, qua hai cua quẹo, rẽ vô con hẻm nhỏ mang số 520/17 nằm kẹp bên ngôi miếu cổ, là quán cà phê. Ông Từ già giữ miếu đã ngồi sẵn ở chiếc bàn khuất đợi tôi, ngày nào cũng thế. Tôi là người nghe chuyện trung thành của ông.

Hình ảnh hiếm hoi về khu Mả Nguỵ ở trung tâm đất Gia Định xưa do một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp lại

Ông Từ là bộ sử sống về con hẻm này từ thuở xa xưa, khi nó còn là vùng đất thuộc Đồng Mả. Đồng Mả là do người Pháp gọi (Plaine des Tombeaux). Khi người Pháp đến, từ đây kéo dài đến khỏi trường đua Phú Thọ là một vùng rải rác mồ mả, cả người Việt lẫn người Hoa. Đường ray xe điện đầu tiên nối hai vùng đô thị Bến Nghé và Chợ Lớn cũng đi ngang qua đây. Ông Từ nói, khi người Pháp chưa đến, khu vực này có tên là đồng Tập Trận, nơi thao dượt của quân lính ông Thượng, tức Tả quân Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Năm 1835, sau khi bình định được cuộc dấy loạn của Lê Văn Khôi, triều đình Minh Mạng đã làm một cuộc khủng bố rùng rợn với những người nổi dậy: chém ngang lưng 1.831 người rồi chôn xác họ chung một hố (theo Trần Trọng Kim) tại đồng này. Dân trong vùng gọi hố chôn gần 2.000 xác người ấy là mả nguỵ hay mả biền tru (biền tru: chém ngay không cần xét xử). Đồng Tập trận cũng thành đồng Mả Nguỵ từ đó. Dân gian còn lưu truyền bài thơ: Chiều giông Mả Ngụy cũng giông/Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây/Sống thời gươm bén cầm tay/Chết thời một sợi lông mày cũng buông/Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn… Trở thành “đất của những oan hồn”, người sống không ai dám bén mảng tới, Mả Nguỵ và cả vùng đồng Tập Trận xưa trở nên hoang vu, cây cối mọc thành rừng. Sau này, khi Sài Gòn - Gia Định đã phát triển hơn, cả vùng đồng Mả Nguỵ vẫn rất ít người qua lại. Có thời, vùng này còn là nghĩa địa tự phát được coi là lớn nhất Sài Gòn...

Ngôi miếu cổ toạ lạc trong hẻm 528 Điện Biên Phủ, quận 10 - TP.HCM có từ năm 1802. Ảnh: Trung Dũng

Ngôi miếu cổ có tên là Thành Hoàng Bổn Cảnh, nhưng người ta vẫn gọi là miếu Cô Hồn. Ông Từ cho biết, miếu có từ năm 1802, được lập để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, là nơi tưởng vọng những tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai hoang. Những biến cố tang thương quanh cánh đồng này khiến miếu trở thành mái nhà nương tựa của những linh hồn phiêu dạt. Cũng vì thế, quanh năm miếu có rất nhiều ngày cúng kiến. Lễ cúng thu hút nhiều khách thập phương xa gần là rằm tháng bảy, ngày người Việt vẫn dành để thương xót những linh hồn không chốn đi về. Ở đây, trong đêm giáng sinh, còn có lễ cúng Cố Du (một linh mục người Pháp làm cố vấn cho cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi và chịu chung số phận bị chém ngang lưng), trong lễ vật có cả rượu sâm banh và thuốc xì gà.

Ông từ giữ miếu bây giờ là một người trẻ, tên Bình.

Sau lúc ngập ngừng, tôi lại xuôi theo con đường một chiều Điện Biên Phủ, thầm hẹn với những bậc cầu thang gỗ một ngày nào đó. Một ngày nào đó, như một ngày của mười chín năm trước, sau cơn say không còn biết trời đất gì tận bên quận tám, sáng ra ngạc nhiên thấy mình vẫn nằm vùi trong mùi thơm quen thuộc của tóc và mền gối…

Mà chẳng biết căn gác gỗ ấy giờ có còn không. Cũng không sao, dù còn hay không thì ở đó vẫn còn bốn năm cuộc đời sinh viên của Thuyên và tôi không bao giờ mất. Ở đó, tôi có những ngày thật đáng sống...

Nguyễn Trọng Tín

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.