Nghiên cứu được tiến hành trong 3 năm cho biết dự án thủy điện Sambor do Công ty Lưới điện Hoa Nam (CSPG) thiết kế với hồ tích nước có diện tích đến 620 km2. Với quy mô này, dự án vượt lên nhà máy thủy điện lớn nhất sông Mekong, Xayaburi, đang được xây dựng tại Lào, theo AP.
Các chuyên gia tại Viện Di sản Tự nhiên Campuchia, tác giả nghiên cứu, đã kiến nghị với chính phủ Campuchia hồi cuối năm ngoái rằng nước này nên trì hoãn dự án để tìm ra phương án "tốt hơn", như sử dụng năng lượng mặt trời bên cạnh các đập thủy điện hiện có.
Kế hoạch xây đập thủy điện lớn nhất sông Mekong tại Campuchia được Trung Quốc ủng hộ. Ảnh: AP.
Vấn đề thủy điện trên sông Mekong đã gây nhức nhối từ lâu. Những con đập đã, đang và sẽ được xây dựng và đưa vào sử dụng nằm dày đặc trên tuyến đường thủy huyết mạch Đông Nam Á.
Ở thượng nguồn, phần thuộc Trung Quốc, hàng loạt con đập lớn nhỏ là nỗi đau đầu của các nước ở hạ nguồn dòng sông trong nhiều năm qua, nhất là trong bối cảnh tình trạng hạn hán đang ngày một nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu nói trên, một khi được xây dựng, đập Sambor sẽ ngăn chặn dòng di chuyển của cá từ Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia. Biển Hồ đóng vai trò quan trọng trong việc tái sinh nguồn thủy sản của sông Mekong.
Người dân sống bên sông Mekong gần thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Ảnh: AP.
Đập thủy điện cũng sẽ ngăn chặn dòng di chuyển của lớp trầm tích đáy sông vốn có tác dụng làm màu mỡ vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang bị tàn phá vì xâm thực mặn. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng và mối quan hệ tại khu vực có thể trở nên căng thẳng nếu dự án này được triển khai.
"Con đập và hồ tích nước sẽ tạo thành rào chắn, tiêu diệt các đàn cá di cư", nghiên cứu kết luận.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng quần thể khoảng 80 con cá heo sông Irrawaddy đặc hữu sẽ có thể bị xóa sổ vì những vũng nước trên sông trong mùa khô nơi chúng đến cư trú sẽ không còn nữa vì bị trầm tích phủ lấp.
Đông Phong