Họa sĩ Lê Thiết Cương kể chuyện nhà, chuyện người và chuyện của một thời

 14:36 | Thứ sáu, 09/08/2024  0
Là một nghệ sĩ “chơi rộng, chơi đông”, trong hơn 20 năm qua, họa sĩ Lê Thiết Cương đã ghé thăm nhiều ngôi nhà của những người làm nghệ thuật, cũng như đi qua nhiều vùng đất khác nhau và anh đã viết lại những điều anh thấy có ý nghĩa để tập hợp thành cuốn tản văn "Nhà và Người" (NXB Hội Nhà văn, 2024).

Xuyên suốt cuốn sách, họa sĩ Lê Thiết Cương dành dung lượng lớn để nói về nhà và người với cái ý tưởng: nhà là người, người là nhà, cao hơn nữa nhà và người là một. Ý tưởng đó đã chạy dọc suốt trong tất cả những ngôi nhà mà anh đề cập đến trong cuốn sách.

Cuốn tản văn Nhà và Người của họa sĩ Lê Thiết Cương. 


Anh luôn chú ý quan sát ngôi nhà của những người bạn làm nghệ thuật xung quanh mình. Họa sĩ tin rằng những ngôi nhà chứa đựng vẻ đẹp tinh thần từ chủ nhân của nó, cho thấy cái cốt cách để làm nên phong cách nghệ thuật của họ. Hơn hết, khi khái niệm "nhà" được mở rộng thành nơi chốn, nó còn thể hiện mối quan hệ đặc biệt với cảm xúc của con người.

Anh hé mở cho độc giả biết tại sao đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về nhà tức là về quê, làng Chùa của ông, chỉ quê mới là nhà, nhà - quê? Tại sao nhạc sĩ Phú Quang lại lạc nghiệp mới an cư? Tại sao nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà của đạo diễn Đào Trọng Khánh là nhà “thích khách”? Tại sao nhà của thi sĩ Thụy Kha có gì đặc biệt mà vừa bần cư trung thị vừa “sơn lâm” nhưng vẫn quá đông tao nhân mặc khách ra vào, tá túc năm này qua năm khác?

Như tên gọi của cuốn sách, qua chuyện nhà cửa tác giả muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi nhà mỗi cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà.

Anh quan niệm, một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc một cách bày biện trong nhà của người ấy đều có dấu ấn của thời gian và mỗi thời mỗi khác.

Sau đó anh nghiệm ra rằng: “Chỉ có nếp người mới tạo ra được nếp nhà. Chuyện nhà chuyện người cũng là chuyện của một thời”.

Chương trình tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách


Dung lượng còn lại của cuốn sách anh nói về chuyện đất, đó là dấu ấn về những vùng đất mà anh đã đi qua với “Duyên Hà Nội”, “Duyên Đà Lạt”, “Sài Gòn - vùng văn hóa đa văn hóa” và cả những làng cổ ở Bắc bộ, một ngôi chùa, một cái
giếng làng, một con ngõ,…

Trong đó, anh thể hiện nhiều tình cảm sâu sắc với Hà Nội - nơi anh sinh ra, cũng là vùng đất trú ngụ, nuôi dưỡng những người tài đến với nó nhiều hơn. Anh hiểu Hà Nội đến độ anh thấy “vỉa hè Hà Nội luôn được design bằng những câu chuyện đời, những hình, những màu, nhưng âm như thế”.

Cũng như chuyện nhà, với Lê Thiết Cương, chuyện đất cũng là chuyện người. Anh viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, còn cái lõi của nó là chuyện người.

Nhà nào người đó, người nào nhà đó, đất nào người đó, người nào đất đó. Anh luôn tâm niệm, nhà cửa đất cát thuỷ thổ nào sẽ sinh ra tính tình, phong hóa, phong tục đó.

Trong buổi trò chuyện giao lưu nhân dịp ra mắt sách, tác giả Lê Thiết Cương chia sẻ: “Tôi là người đi qua rất nhiều vùng đất, trong cuốn sách này, bất kể viết về vùng đất nào, viết về người nào, ngôi nhà nào thì quan điểm viết của tôi không bao
giờ thay đổi, tôi không viết về 2 + 2 = 4 mà tôi sẽ đi giữa ranh giới sai - đúng, đúng - sai”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về cuốn sách đầu tay của mình. 


Nhà báo Yên Ba cho rằng, tư duy của Lê Thiết Cương rất độc đáo, anh viết không chỉ về nội thất mỗi ngôi nhà mà anh viết về nội thất trong mỗi con người, đó chính là cái làm cho tập sách này không đơn giản chỉ là tập hợp những bài báo, nó còn có tính văn và sâu trong đó còn lấp ló nhiều tư tưởng sâu xa khác.

Theo nhà văn Đỗ Bích Thúy, họa sĩ Lê Thiết Cương là người có rất nhiều tri thức về văn hóa, lại là một người sống rất kỹ lưỡng, luôn quan sát tất cả mọi thứ một cách cực kỳ chi tiết. “Bên cạnh là một họa sĩ, trong anh có một nhà văn, một nhà nghiên cứu, một nhà khoa học với tư duy độc đáo, với anh mọi thứ đều có lý lẽ của nó không có cái gì là tự nhiên”, nhà văn Đỗ Bích Thuý cho hay.

Mặc dù viết về nhà, về người, về kiến trúc, về đô thị, về làng, về phố nhưng Lê Thiết Cương dường như không viết dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, anh đi rất chậm, quan sát rất kỹ và đã nhìn ra được những ý nghĩa sâu xa trong mỗi nhà, mỗi người. Và có những điều, nếu không phải là Lê Thiết Cương thì không thể nhìn ra được.

Lê Thiết Cương sinh năm 1962 tại Hà Nội, anh tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, từ năm 1990 đến nay, anh hoạt động như một nghệ sĩ tự do tại Hà Nội. Anh được biết đến nhiều nhất với vai trò là một họa sĩ với nhiều triển lãm cá nhân ở nhiều nước từ năm 1995 đến nay và vẽ minh họa cho các báo, tạp chí.

Về việc viết, anh chuyên viết về đề tài văn hóa , nghệ thuật. Nhà và Người là cuốn đầu tiên trong một bộ 3 tản văn của họa sĩ Lê Thiết Cương, tiếp theo sẽ là cuốn Trò chuyện với hội họa và Trong hạt thóc có hạt gạo, là tập hợp những bài viết của anh về văn hóa Việt.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.