Hoàng Đạo Kính: Từ sứ mệnh kiến trúc đến tinh thần di sản

 20:47 | Thứ ba, 06/05/2014  0
Một ngàn năm Thăng Long, hơn 300 năm Saigon, 120 năm Đà Lạt… thì câu chuyện đô thị vẫn còn là một mớ hỗn độn, mà người ưu tư sẽ buộc phải bày tỏ, viết. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã bền bỉ làm cái điều ấy giữa thời buổi cơm áo gạo tiền tưởng chừng như bao trùm lên cuộc sống.

Hoàng Đạo Kính kiên trì đi truyền bá “ Triết lý đô thị”, Sứ mệnh kiến trúc, Tinh thần di sản, đến đâu là Lề thói chuẩn mực về nết ăn nết ở của dân thị so với dân nông… Chính cái lo ở thượng tầng kiến trúc của… kiến trúc, khiến ông sục sôi trong việc thiết lập tư tưởng cho đô thị, kiến trúc, xây dựng ở cái đất nước mà thứ gì cũng đang bề bộn, ngổn ngang của hàng ngày.

GS-TS-Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính. Ảnh: Báo CAND

Bằng sự điều nghiên xuyên thấu, từng trải, Hoàng Đạo Kính chỉ rõ ra đặc tính “nông dân” khi cư xử với đô thị vẫn đang là trạng thái của phố phường nước nhà. Ông chỉ ra đặc tính “tiểu nông” khi qui hoạch đô thị. Ông chỉ ra “tầm nhìn” nông nghiệp khi lèo lái đô thị mà như đang be bờ, tát nước, thu hoạch nông sản trên cánh đồng. Ông chỉ ra những ứ tồn dai dẳng của đô thị: nhà cửa xây nhiều mà không có “kiến trúc”/văn hóa; những đô thị tuổi thì nhiều mà không “tinh”, không trưởng thành, huống chi “tiến hóa”.

Những đô thị không giống ai, với đặc trưng lan tràn thứ kiến trúc lai căng, nhại cổ, học đòi, sao chép của thiên hạ, “trưởng giả học làm sang” từ nhà dân đến trụ sở công quyền. Một nỗi buồn đô thị “rất VN” đó, như kiểu: “Sống (phố phường và Thị dân ta ngày nay_NV) trong những căn nhà về cơ bản giống các côngtennơ chất lên nhau thành các tầng, diêm dúa. Họ bắt chứơc, họ đua đòi, đôi khi không hiểu những thứ lỉnh kỉnh ấy từ đâu, có công dụng gì.

Cả một nền văn minh rực rỡ, ra đời cách đây ngót 2.000 năm, được sản sinh bởi một dân tộc tài hoa kiệt xuất, có số phận bi tráng, một dân tộc dồn hết thảy cho tín ngưỡng và bởi vậy hóa thân thành những ngôi đền tháp…

Người thôn quê mùa đông vẫn ăn cơm với dưa, mùa hạ với cà muối”. Ông bảo rằng đó là sự lãng phí tiền của của quốc gia. Đó là sự “ Đi lạc hướng, sự tụt hậu của nền kiến trúc nước nhà”. Tất nhiên, để chỉ ra những “con đường lạc”, hay vòng luẩn quẩn ở cả hệ thống đô thị cả nước, đầy tắc trách và bế tắc đó, ông đã liệt kê rõ về tiềm năng đất đai, văn hóa, và cơ hội tiền bạc của thời bình để phát triển và gìn giữ đô thị ở mọi tỉnh thành, từ một thành phố trên Tây Bắc, Tây Nguyên, đến những thành phố ven biển, đồng bằng châu thổ, cố đô(Huế, Saigon- Gia Định), hay đương kim Thủ đô (Hà Nội). Ông miệt mài viết ra những tiểu luận như “sớ” đó để dâng ra “Triều đình”, đưa đến công luận. Cứ vậy từ đầu những năm 1990 đến giờ.

Và giữa buổi đô thị phát triển mà như mê sảng đó, Hoàng Đạo Kính chỉ ra sự tàn bạo hồn nhiên của phát triển mà không hẳn là phát triển. Nên nó không dừng lại chuyện nội đô của một thành phố, mà những điều “chiến lược”, tác động tương lai đó diễn ra ngoài đấy và xa hơn, đi tới những gì của quá khứ, ông cha để lại. Như ở một tác phẩm chuyển tải dưới dạng “sớ”/ thư kia được gọi là: “Mấy dòng gửi các nhà qui hoạch quốc lộ 1”, lúc người ta chuẩn bị mở rộng quốc lộ này vào năm 1995, bỗng uốn con đường cái quan dịch đến cụm di tích tháp Chăm 1.200 tuổi Hòa Lai ở tỉnh Ninh Thuận, ông năn nỉ họ đừng làm thế.

Khi cứu không được thân thể di tích ấy, đành than khóc: “Cả một nền văn minh rực rỡ, ra đời cách đây ngót 2.000 năm, được sản sinh bởi một dân tộc tài hoa kiệt xuất, có số phận bi tráng, một dân tộc dồn hết thảy cho tín ngưỡng và bởi vậy hóa thân thành những ngôi đền tháp…"

Cái gì phải đổ đã đổ rồi. Cái gì phải bị tháo gỡ, đã tháo gỡ rồi. Nhưng những tháp cổ còn lại như những cốt lõi của sự bất tử, hiên ngang mang trong mình linh hồn của một dân tộc đã một thời vang bóng”. Mà không chỉ bao di tích Chăm, tiếng lòng của Hoàng Đạo Kính còn vang lên cho những Kinh thành đã chết Huế, Gia Định, và cả Thăng Long xưa với những bảo bối cụ thể còn lại như di tích Lam Kinh của thời Lê sơ, hay cầu Long Biên ở thời thuộc Pháp.

Giữa lúc người ta đang thô bạo muốn làm “trẻ” di tích Lam Kinh ấy, vào năm 2000 ông viết: “Hễ làm mất mát thêm, hễ làm sai lệch đi những dấu vết vật chất quí giá ấy, chúng ta sẽ làm tiêu tan những chiếc cầu nối cuối cùng dĩ vãng văn hóa vốn đã đứt đoạn… Mọi chủ trương trùng tu không những vô nghĩa mà còn đi ngược lại bản chất của vấn để ”. Hoàng Đạo Kính viết: “Họ ứng xử với di tích như những lái buôn. Bảo tồn thực dụng, họ đang biến thật thành giả-kinh doanh dĩ vãng”.

Với cơn bạo liệt trong chuyện làm đô thị như hiện thời, ông can khuyên: “ Chớ để tư duy bà hàng xén phố cũ dẫn dắt tư duy người đương đại. Chớ để tư duy phân lô, chia mảnh chiếm cứ tư duy nhà quản lý. Chớ để tư duy ngõ ngách chi phối tư duy nhà chiến lược. Hễ tư duy theo lối cũ, có thể đường phố Hôm nay sẽ trở thành ngõ ngách của Ngày mai”.

Tất cả những cà kê ở trên nằm ngay trong cuốn sách được gọi tên ngắn gọn là “Văn Hóa Kiến Trúc” vừa ra đời của Hoàng Đạo Kính, do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành.

Có 78 cái “sớ” (gọi là Tiểu luận cũng được) như trên trong một cuốn sách gần 500 trang. Đọc, thấy mình liên đới, hoặc nó nói thay mình, vào thời đại của mình. Đọc nó, biết đâu sẽ nâng tầm lên, chấm điểm được nhà đương cục, cùng ưu tư và tháo gỡ, hay đòi hỏi có cơ sở hơn về thành phố mình đang cư trú, và thiết thân nhất là tự nhiên thích sống phong lưu, yêu quí những cái gì tinh tế trên đời. Trong sự nháo nhào của phát triển hôm nay trên khắp đất nước, rất cần những con người rung chuông thâm hậu như Hoàng Đạo Kính và nhìn ở một góc độ nào đó cuốn sách đã vượt ra khỏi sứ mệnh kiến trúc đặt ra ban đầu của tác giả.

GS-TS-Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính tốt nghiệp trường ĐH kiến trúc Moscow, Nga, là Chuyên gia kiến trúc, bảo tồn Văn hóa, nhiều năm là Chủ tịch Hội đồng kiến trúc thuộc Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Ông chủ trì, tham gia nghiên cứu, thiết kế và trùng tu nhiều di tích ở trong nước, đặc biệt ở Hội An, Huế, Hà Nội, Mông Cổ và Ba Lan; thường thỉnh giảng tại các trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến Trúc TP.HCM, ĐH Xây dựng Hà Nội…

Nguyễn Hàng Tình

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.