Kháng sinh - morphine Thông tư 09
Kháng sinh - morphine Thông tư 09/2014/TT-NHNN được dùng lần này để thay thế bốn liều lượng kháng sinh-morphine đã được dùng trước đây:
(i) Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 17.9.2013 phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ xấu;
(ii) Thông tư số 12/2013/TT-NHNN ngày 27.5.2013 sửa đổi một số điều của Thông tư 02;
(iii) Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21.1.2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; và
(iv) Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23.4.2012 phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.
Cho đến nay, những ai có những mối quan tâm đến đời sống của nền kinh tế “thật” nói chung và kinh tế tiền tệ ngân hàng “thật” nói riêng, đã phải biết rằng căn bệnh “nợ xấu - nợ bẩn-nợ độc hại” đã trở thành hoặc có khả năng trở thành những hệ rễ bị thối chứ không phải chỉ là những nhánh rễ thối rời rạc và những hệ rễ thối này đã và đang làm suy yếu hệ thống ngân hàng - thị trường tín dụng. Cây mà bị thối rễ (rễ thối) thì không thể có lá xanh và trái tốt được.
Việc thay đổi kháng sinh 09/2014/TT-NHNN tại thời điểm này sẽ có ý nghĩa gì và như thế nào với căn bệnh và chứng tật “nợ xấu - nợ bẩn - nợ độc hại” trong hệ thống ngân hàng?
Ngân hàng được và mất gì - Kinh tế được và mất gì
Nhìn lại những mục tiêu và mục đích chính của đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” theo Quyết định 254 và đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng” theo Quyết định 843 của Thủ tướng Chính phủ thì liều lượng của lần thay kháng sinh - morphine này sẽ được xem là tăng hoặc giảm, sẽ có những mặt tích cực hoặc tiêu cực gì, sẽ có những lợi ích hoặc phản tác dụng gì, sẽ làm khó thêm hoặc giúp nhẹ bớt cho hệ thống ngân hàng, cho nền kinh tế thì còn tuỳ vào góc nhìn, người nhìn và đặc biệt người nào được phép nhìn.
Theo tôi, có lẽ góc nhìn và ai được phép nhìn “nợ xấu - nợ bẩn - nợ độc hại” là vấn đề của mọi vấn đề của giải pháp tổng thể và lớn về nợ hiện nay. Vấn đề lớn của những vấn đề trong việc xử lý “nợ xấu - nợ bẩn - nợ độc hại”, ngay cả tại nền kinh tế của Mỹ và các nền kinh tế tiền tệ khác, là định lượng - là tìm và nhìn ra những con số - là ghi nhận và chấp nhận những con số “quá nhức nhối”.
Trước tiên và bắt đầu từ một vài ngân hàng có vài vấn đề, từ những ngân hàng có nhiều vấn đề, từ nhiều ngân hàng có những mảng vấn đề, và những mảng vấn đề liên kết - cấu kết thành những hệ thống vấn đề để rồi trở thành vấn đế của toàn hệ thống. Hầu hết các vấn đề, mảng vấn đề và hệ thống vấn đề là những con số “quá nhức nhối” cho nên ngân hàng thường tìm đến những giải pháp tạm thời với kháng sinh - morphin để giảm nhanh những cơn đau quá nhức nhối.
Kế đến và đáng phiền là những người và cơ quan quản lý có trách nhiệm thường rất e ngại và rất sợ phải đối diện với những ngân hàng và hệ thống ngân hàng với những con số mang cái vận mạng “quá nhức nhối” đó. Đáng tiếc, đôi khi, cũng tìm đến những giải pháp thoả hiệp và tạm thời với kháng sinh - morphin.
Morphine là một dạng nha phiến-ma tuý (heroin) và nếu lạm dụng thì rất dễ bị nghiện.
Những gì đang thấy, nghe và hiểu về phương án trị liệu và những liều lượng kháng sinh - morphine, tôi biết và tin rằng: ngân hàng và hệ thống ngân hàng nếu có tổn thất chỉ bị tổn thất một phần doanh thu và chỉ bị tổn thất phần lợi nhuận - trong suốt bảy năm qua chưa một ngân hàng nào có báo cáo tổng kết cuối năm bị lỗ. Phần còn lại, trong từng ngóc ngách đời sống kinh tế và xã hội thì đang phải chịu những tổn thất lớn về tài chính cũng như những cơ hội phát triển; và đang trả những cái giá quá cao và không đáng phải trả.
Lần này nữa rồi thôi luôn?
Chính vì vậy, với bất cứ lý do gì, nếu vấn đề định lượng bị chậm trễ, bị kéo dài, bị méo mó, rồi tránh né hoặc không ghi nhận và chấp nhận những con số “quá nhức nhối” thì những tác hại cộng hưởng và dây chuyền sẽ lan toả nhanh và rộng hơn nhiều. Tổn thất nguồn lực tài chính, kinh tế trì trệ và xáo trộn về an sinh xã hội là những phí tổn, giá phải trả, cũng là những điều không thể tránh được.
Từ ngày 23.4.2012 bắt đầu với Quyết định 780/QĐ-NHNN, phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, đã là một liều thuốc kháng sinh - morphine bị trễ nếu so với tình hình nợ xấu đã bộc phát từ năm 2009 - 2010.
Với kháng sinh - morphine Thông tư 09/2014/TT-NHNN lần này, sau bốn lần thay đổi liều lượng kháng sinh - morphin và kéo dài thời gian trị liệu đến 1.4.2015, khiến tôi có vài tí boăn khoăn: phải chăng morphin đã giúp chúng ta không chịu nhận ra và chấp nhận những con số “quá nhức nhối”? Mong rằng không phải vậy.
Phải chăng liều lượng morphine lần này nhiều hơn những lần trước? Mong rằng không phải vậy. Phải chăng “nợ xấu - nợ bẩn - nợ độc hại” của nền kinh tế đang bị nghiện morphine? Mong rằng không phải vậy.Từ ngày 23.4.2012 bắt đầu với Quyết định 780/QĐ-NHNN, phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, đã là một liều thuốc kháng sinh - morphine bị trễ nếu so với tình hình nợ xấu đã bộc phát từ năm 2009 - 2010.
Giảm đau cho nền kinh tế và xã hội trong từng giai đoạn là cần thiết và nhất thiết. Nhưng không vì vậy mà phải chấp nhận những liều lượng morphin không cần thiết và nhất thiết. Cơn đau “quá nhức nhối” của “nợ xấu-nợ bẩn-nợ độc hại” trong hệ thống ngân hàng và trong nền kinh tế chắc rồi sẽ phải qua và hết. Muốn thế, không có gì khác và tốt nhất, hãy giảm tối đa lượng morphin trong phương án trị liệu hiện nay. Các ngân hàng phải chấp nhận và biết đau vì chính sự tồn tại của mình - điều này là rất rất khó. Cơ quan quản lý phải biết và chấp nhận đau vì nền kinh tế và an sinh xã hội - rất khó nhưng không quá khó. Biết rằng không đơn giản với cơ chế hiện nay nhưng có thể đó là một phương án an toàn và đàng hoàng nhất.
Kháng sinh - morphine Thông tư 09/2014/TT-NHNN đến 1.4.2015. Lần này nữa rồi thôi luôn? Rất mong là như vậy.
Một lộ trình trì hoãn
Theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (ngân hàng) được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước đây khi đáp ứng một số điều kiện. Đó là: việc cấp tín dụng cho khoản nợ không vi phạm pháp luật; việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với mục đích vay vốn và khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích; khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay hoặc không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay nhưng có phương án trả nợ mới khả thi.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ này có hiệu lực từ 20.3.2014 đến 1.4.2015.
Trước đó nữa, Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đáng lẽ có hiệu lực từ 1.6.2013 nhưng việc này đã được Thông tư 12/2013/TT-NHNN “sửa” thời hạn thi hành tới 1.6.2014.
Lê Trọng Nhi