Bài 7 - Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận:

Không khai thác chế biến khoáng sản khi chưa có công nghệ và quản lý tốt

 11:32 | Chủ nhật, 01/10/2017  0
Trao đổi với Người Đô Thị, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng: không nên khai thác chế biến tài nguyên khoáng sản khi chúng ta chưa có công nghệ và quản lý tốt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Ảnh: Lê Quỳnh

Thưa ông, hoạt động khai thác quặng titan trên địa bàn tỉnh sau hơn chục năm qua đã để lộ ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường, đời sống, sinh hoạt người dân, cùng những vi phạm trong quản lý như cấp phép, thuế, đất đai, không thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, khai thác sai thiết kế, không hoàn thổ phục hồi môi trường,... Theo ông đâu là những nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng trên?  

Tôi nghĩ rằng do nhận thức của các cơ quan, ngành trong quá trình quản lý, theo dõi hoạt động khai thác chế biến quặng titan. Nhận thức là một quá trình. Nếu bây giờ mà nhận thức lại, nhận thức đúng hơn thì cách làm sẽ khác. Nhận thức cả từ Trung ương đến địa phương về vấn đề này đều có mức độ nên vẫn còn bất cập, từ khâu quy hoạch, đánh giá tiềm năng, đánh giá trữ lượng, thị trường tiêu thụ, giá cả đầu vào, đầu ra; việc quản lý trong quá trình khai thác thô, chế biến sâu quặng titan vẫn còn nhiều hạn chế... 

Những hạn chế này qua va chạm thực tiễn, giờ mới phát hiện, bộc lộ ra. Nhận thức lại rồi thì cần có thái độ, ứng xử phù hợp hơn, trước hết là về công tác quản lý Nhà nước. 

Thứ hai là cần có những cơ chế chính sách cụ thể để điều chỉnh quá trình hoạt động, từ khâu quy hoạch, thăm dò, khai thác đến chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị thương phẩm, tiêu thụ. Việc này đang tồn tại ở cả một số cơ quan ở Trung ương lẫn địa phương. Một số quy định, hướng dẫn của Trung ương cần được cập nhận đầy đủ, đánh giá toàn diện hơn. 

Đồng thời, cơ quan các cấp, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp tốt hơn với địa phương trong công tác quản lý. Ngược lại, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Trung ương. Trong quá trình này, nếu thấy còn có vấn đề bất cập, chưa phù hợp thì cần xử lý tiếp. Tránh tình trạng cơ quan Trung ương không quán xuyến hết do quy mô quản lý rộng, còn địa phương thì ỷ lại, trông chờ Trung ương. Đây chính là nguyên nhân gây ra những vi phạm, thiếu sót như thời gian qua.  

Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho phép các doanh nghiệp khai thác titan không phải làm giấy phép xả nước thải theo điều kiện. Nhiều chuyên gia đã phân tích đây là việc làm sai luật. Còn nhận định của Tỉnh ủy? Tỉnh ủy có đồng ý với quyết định này của Bộ TNMT? 

Tôi cho rằng đó không phải là quyết định của Bộ TNMT, mà đây chỉ là văn bản thông báo về ý kiến chỉ đạo của một đồng chí lãnh đạo của Bộ TNMT. 
Trong quá trình khai thác khoáng sản, tuyển khoáng, chế biến sa khoáng, trước hết phải thực hiện theo các văn bản luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. 

Còn trong quá trình cấp phép nước thải thì cần bám sát Luật Tài nguyên nước, các văn bản quy phạm pháp luật quy định và các hướng dẫn thi hành cụ thể thực hiện Luật Tài nguyên nước. Luật có những quy định rất rõ về những trường hợp không phải làm giấy phép xả thải. 

Còn trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng, do đặc điểm đặc thù của các sa khoáng trong quá trình khai thác, tuyển quặng titan thì cần phải thực hiện cấp giấy cho phép xả nước thải.

Sống bằng nghề đi biển và trồng trọt, nhưng nhiều năm nay người dân khu vực huyện Bắc Bình bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động tiêu cực tới đời sống và sinh kế cho nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm phèn, mặn hóa; đất bị sa mạc hóa; cát bay; bờ biển bị bồi,… Nguy hiểm hơn, đa số công nhân, người dân ở những vùng khai thác titan đều không biết về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do hoạt động khai thác titan gây ra. Ảnh: Lê Quỳnh

Thưa ông, minh bạch và thượng tôn pháp luật là yếu tố cơ bản và quan trọng trong quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thông tin chúng tôi nắm được thì suốt gần chục năm qua và cho đến tận thời gian gần đây, chính quyền tỉnh đã có lệnh “không được đưa thông tin về ô nhiễm phóng xạ ra bên ngoài”. Thực tế, đa số người dân cũng không biết gì về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do hoạt động khai thác titan. Ông có biết tình trạng này không?

Tôi trả lời cũng được, nhưng chị nên đặt vấn đề này với UBND tỉnh Bình Thuận.

Ông nhận định gì về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ cho công nhân ở mỏ khai thác quặng titan và khu vùng dân cư, du lịch xung quanh mỏ? Xin hỏi, tỉnh đã có kế hoạch gì giải quyết chưa?

Các khu vực có quặng titan nếu chưa tiến hành khai thác và làm giàu quặng thì có thể có phóng xạ nhưng ở mức rất thấp. Nhưng khi đã tiến hành khai thác và làm giàu quặng thì mức độ phóng xạ có thể cao hơn và vượt ngưỡng cho phép. Khi đã chạm hoặc vượt ngưỡng cho phép thì cần có các biện pháp cần thiết để tránh sự tác động, tránh làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Đặc biệt tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân, và ảnh hưởng đến những người khác có tiếp xúc. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo một số cơ quan chức năng theo dõi, đề xuất xử lý tình hình này, và nhìn nhận vấn đề này một cách cầu thị. 

Thời gian qua, địa phương cũng không phải biết tất cả. Thời gian tới cần dựa trên các cơ sở, căn cứ khoa học, đặc biệt là các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để nắm hiểu và thực hiện cho tốt hơn. Cần có những động thái phù hợp để trong quá trình khai thác, tuyển quặng, chế biến sâu quặng titan không làm ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe của công nhân, sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực khai thác, tuyển và chế biến sâu quặng titan.  

Có nhiều ý kiến nhận định: Bình Thuận còn khai thác quặng titan thì còn mãi nghèo. Còn nhận định của ông? Theo ông tỉnh có nên tiếp tục khai thác titan nữa không? Tại sao? 

Khai thác tài nguyên là một trong những vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Có tài nguyên khoáng sản thì cũng phải xem xét sử dụng một cách hợp lý và cần xem xét tính chất cũng như mức độ giàu khoáng sản để có cách ứng xử cho phù hợp. Tôi cho rằng, việc khai thác quặng titan ở Bình Thuận cần nhìn nhận một cách khoa học hơn, bảo đảm góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Khai thác quặng titan với cách làm cũ đóng góp rất ít cho ngân sách nhà nước. Quá trình khai thác, tuyển quặng đã làm thay đổi địa hình địa mạo, ảnh hưởng đến mực nước ngầm, tình trạng cát bay, cát chảy, khó phục hồi môi trường. Nếu chấp thuận khai thác thì phải sử dụng một diện tích đất đủ lớn. Với diện tích đất này, nếu giao để phát triển các dự án đầu tư khác thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh lớn hơn rất nhiều. 

Theo tôi được biết, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp khai thác, chế biến sâu titan nhưng giá trị thương phẩm sau chế biến chưa cao dẫn đến đóng góp cho ngân sách địa phương, nhà nước rất thấp. Hiện nay giá bán quặng titan thô rất thấp. Nếu yêu cầu chế biến sâu hơn để nâng cao giá trị thương phẩm thì chúng ta chưa nắm công nghệ.

Tôi nghĩ rằng, cứ để tài nguyên khoáng sản titan đó cho các thế hệ mai sau, khi đã có trình độ quản lý giỏi hơn, có công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị thương phẩm. Còn bây giờ, nên quản lý, đưa vào dự trữ, chưa khai thác để tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. 

Trên vùng dự trữ quặng titan hiện nay của tỉnh Bình Thuận có chồng lấn với 49 dự án đã được chấp thuận đầu tư. Nếu không vướng quặng titan, Bình Thuận có thể triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời) và các dự án du lịch,.. Nếu tháo gỡ được những khó khăn này thì các dự án khác sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận hơn rất nhiều lần so với dự án khai thác quặng titan hiện nay. 

Tình trạng khai thác quặng titan hơn chục năm qua có thể là bài học kinh nghiệm cho những tỉnh thành khác đang khai thác quặng titan nói riêng, khoáng sản nói chung không, theo ông?

Tôi nghĩ rằng thông qua quá trình cọ sát thực tiễn, không chỉ Bình Thuận rút ra bài học này. Một số địa phương trong cả nước nếu có những sa khoáng tương tự như Bình Thuận cũng sẽ rút ra được những kinh nghiệm trong quản lý.

Tinh thần là, mình có tài nguyên, khoáng sản thì phải nhận thức đúng về tài nguyên, khoáng sản đó, về giá trị của nó, đặc biệt là giá trị chế biến sâu theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chỉ chế biến sâu để nâng cao giá trị thương phẩm và xuất khẩu khi chúng ta đã nắm vững công nghệ. Còn khi chúng ta chưa có công nghệ tốt thì tốt nhất chưa nên khai thác vội. Không khai thác để bán thô, mà cứ để đấy và tập trung phát triển các lĩnh vực khác có hiệu quả hơn.

Cám ơn ông!

Lê Quỳnh thực hiện

 

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.