Không chỉ gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân,… các dự án khai thác, chế biến titan suốt thời gian qua và hiện nay còn ảnh hưởng lớn đến các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là dải ven biển.
Titan chồng lấn 33 dự án
Theo Quy hoạch Titan năm 2013, tỉnh Bình Thuận có 25 khu vực mỏ. Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh mới đây cho thấy, hiện có 19/25 khu vực chồng lấn với 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã được chấp thuận đầu tư từ trước đó, trên diện tích 4.567 ha.
Các dự án bị chồng lấn gồm các lĩnh vực: điện gió, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trồng rừng kết hợp bảo vệ rừng, khu công nghiệp…
Khu vực khai thác của công ty Đức Cảnh. Tại thời điểm đi thực tế vào tháng 8.2017 của chúng tôi, dù theo cơ quan chức năng, các công ty tại khu vực này đều đang tạm dừng khai thác nhưng dấu hiệu hiện trường vẫn cho thấy công ty đang hoạt động. Ảnh: Lê Quỳnh
Có thể kể như, trên 357 ha cho khai thác titan chỉ của một công ty TNHH KS&TM Tấn Phát tại huyện Hàm Tân, thì đã có tới 320ha của 6 công ty về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và 1 khu công nghiệp bị “treo” vì chồng lấn.
Trên 800 ha khai thác titan của Tổng công ty Tài nguyên môi trường Việt Nam thì bị chồng lấn với 3 dự án trồng rừng có tổng diện tích là 328 ha.
Dự án điện gió của công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương bị lấn trên 73 ha khai thác titan của công ty cổ phần Đường Lâm.
Sáu dự án du lịch bị chồng lấn trên một nửa tổng diện tích khai thác titan (hơn 500 ha) của công ty TNHHTM Tân Cường Quang…
Thậm chí có những dự án đang trồng rừng, đã trồng rừng cũng bị chồng lấn với dự án khai thác titan.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư, hiện nay các dự án thuộc diện chồng lấn đều phải tạm dừng để chờ kết quả điều tra và quy hoạch khai thác titan của Trung ương.
Tuy nhiên, dù UBND tỉnh Bình Thuận đã có các văn bản tham vấn Trung ương, cũng như chỉ đạo các sở, ngành và các huyện triển khai việc quản lý, sử dụng đất tại các khu vực đưa vào quy hoạch titan, nhưng tình hình hiện nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết cụ thể.
Ngoài ra, hiện nay Bình Thuận cũng đang có 14 dự án điện gió, điện mặt trời có chấp nhận và quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 4.890 ha bị nằm trong 82.700 ha diện tích dự trữ khoáng sản quốc gia. Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia này đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt vào tháng 5.2014….
Đóng góp chưa tới 1% tổng thu ngân sách tỉnh
Theo Quyết định số 1546 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013, trong Quy hoạch đã được phê duyệt, tổng trữ lượng và tài nguyên titan đã được đánh giá ở Bình Thuận là 599 triệu tấn, chiến 92% tổng trữ lượng titan trên cả nước. Dựa trên số liệu điều tra địa chất của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (năm 2010), giá trị thương phẩm quặng tinh sau khi chế biến sâu tinh quặng titan ở Bình Thuận sẽ là gần 139 tỷ USD, tương đương với 1/3 GDP.
Đây là một trong những dự án điện gió ít ỏi hiện nay ở Bình Thuận, trong khi địa phương này là một nơi có rất nhiều tiềm năng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: Lê Quỳnh
Trao đổi với Người Đô Thị, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược và khoa học công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam cho rằng, đây là số liệu không đủ độ tin cậy, bởi kết quả điều tra địa chất mới chỉ dừng ở mức tài nguyên khoáng sản cấp 333 và 334a (là hai cấp thấp nhất và thiếu chính xác nhất trong hệ thống các cấp tài nguyên).
TS Sơn phân tích, theo công thức tính hiệu quả kinh tế tài nguyên – trữ lượng khoáng sản: với 100 tấn tài nguyên khoáng sản rắn thì trung bình chỉ thu được giá trị thương phẩm là 2,7 tấn, tương đương 2,7%. Do đó, đối với số liệu tài nguyên titan dự báo như hiện nay, tổng giá trị titan thương phẩm có thể thu được chỉ vào khoảng 3.762 tỷ USD.
Giả sử trong trường hợp khai thác hết trong vòng 50 năm, thì lợi nhuận bình quân thu được hàng năm từ titan của Việt Nam chỉ vào khoảng 1,28 triệu USD/năm, và đóng góp ngân sách chỉ vào khoảng 0,32 triệu USD/năm (nếu tính thuế suất 25%).
Điều này cho thấy, TS Sơn kết luận: số liệu về hiệu quả kinh tế không chính xác, có thể dẫn đến những kỳ vọng “không có thật” về khả năng đóng góp từ khai thác titan vào nguồn thu ngân sách hay cho nền kinh tế Việt Nam
Thực tế, theo số liệu Cục thuế tỉnh Bình Thuận năm 2017, trong 5 năm qua (từ năm 2011 -2016), đóng góp ngân sách từ titan của các doanh nghiệp tại Bình Thuận chỉ đạt 0,5 - 1% tổng thu ngân sách. Lý do: các cơ sở khai thác đã dừng hoạt động, hoạt động không thường xuyên, hoặc đang ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học, các số liệu về tài nguyên, trữ lượng của titan Việt Nam nói chung, của tỉnh Bình Thuận nói riêng trong Quy hoạch Titan 2013 mới dừng ở mức điều tra cơ bản về địa chất, mà chưa có các nghiên cứu về khả năng kỹ thuật, công nghệ trong khai thác, chế biến.
Đặc biệt, toàn bộ phần tài nguyên và trữ lượng hiện nay cũng chưa được đánh giá tổng thể về ý nghĩa kinh tế.
Thực tế phần lớn các mỏ sa khoáng ở Bình Thuận là quặng nghèo và quy mô khai thác chủ yếu nhỏ lẻ, nên chi phí khai thác tuyển thô cao đã làm giảm hiệu quả đầu tư chế biến.
Ví dụ, để đạt được sản lượng khai thác khoáng vật nặng như một số mỏ giàu (với hàm lượng cao từ 250 - 490kg/m3) ở Phù Cát, Phù Mỹ, Bình Định, thì ở Bình Thuận với hàm lượng khoáng vật nặng trung bình cao nhất ở tầng cát đỏ khoảng 0,81% ~ 24kg/m3, chi phí khai thác và tuyển khoáng phải tăng hàng chục lần.
Bên cạnh đó, các số liệu về tính toán hiệu quả kinh tế của việc khai thác, chế biến titan sa khoáng trong tầng cát đỏ chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Các chuyên gia phân tích, nếu sử dụng nước ngầm tại chỗ hay nước biển để khai thác, chế biến các khoáng vật nặng thì chi phí phục hồi môi trường sẽ rất lớn, doanh nghiệp không thể chi trả được. Ngược lại, việc cải tạo, phục hồi môi trường bị “bỏ rơi” như hiện nay thì hậu quả là rất lớn mà người dân địa phương phải gánh chịu.
Cấp phép cho nhà đầu tư trái nghề
Khi chúng tôi rà soát báo cáo về cấp phép khai thác ở Bình Thuận hiện nay cho thấy, có nhiều trường hợp cấp phép cho cả những nhà đầu tư trái nghề, không đủ năng lực tài chính, năng lực chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt không gắn với chế biến.
Nhiều doanh nghiệp khai thác sa khoáng titan không những không thể thu hồi titan ở mức hàm lượng thấp (1- 2%), mà còn bỏ sót một số thân quặng, gây tổn thất tài nguyên trong lòng đất.
Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tuyển tinh (không đầu tư xưởng tuyển tinh) để thu hồi được các khoáng vật có giá trị đi kèm, dẫn đến lãng phí tài nguyên khi phải xuất bán quặng ở dạng nguyên liệu thô.
Đây là hình tại điểm du lịch Suối Tiên mà chúng tôi đã ghi lại được từ năm 2012. Thật sự rất kinh ngạc bởi vẻ đẹp ngoạn mục, kì lạ của tạo hóa nơi đây. Suối Tiên là một trong những “sợi chỉ đỏ về du lịch” mà cho đến nay, bất cứ du khách trong nước hay nước ngoài nào khi du lịch ở Bình Thuận đều quan tâm.
Khu vực suối tiên này cũng có các dự án titan (theo quy hoạch). Ảnh: Lê Quỳnh
Theo PGS TS Đoàn Văn Cánh, Giảng viên cao cấp trường Đại học Mỏ Địa chất, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam: Suối Tiên được hình thành do nước ngầm từ các thành tạo cát đỏ, cát trắng chảy ra. Nếu các tầng cát xung quanh bị phá mất, nghĩa là làm mất nơi hình thành và lưu giữ nước, dẫn đến mất nước trong các dòng suối, mất cảnh quan thiên nhiên kỹ vĩ này.
Theo các nhà khoa học, khai thác mỏ titan đồng nghĩa với việc phải đánh đổi phá huỷ nhiều cảnh quan môi trường trên đất như thảm thực vật rừng gắn với phong cảnh thiên nhiên, đa dạng sinh học; cảnh quan vùng ven biển… Thay đổi địa hình diễn ra nhiều nhất ở các khu vực có khai thác lộ thiên vùng danh lam thắng cảnh, các bãi đổ thải đã tạo nên những khu đồi cao nhân tạo 200 - 300 m.
Lê Quỳnh