Khi chúng tôi vừa viết về vấn đề ô nhiễm phóng xạ do hoạt động khai thác titan thì tìm gặp được một thông tin. Một nghiên cứu của Sở Khoa học công nghệ (KHCN) Bình Thuận về “khảo sát, đánh giá và đề xuất biện pháp quản lý môi trường phóng xạ ven biển Bình Thuận” ở 6 khu vực mỏ, gồm: Bàu Dòi (153ha), Vũng Môn (260ha), Thiện Ái (58ha), Hòn Rơm (77ha), Suối Nhum (50ha) và Tân Thắng - Sơn Mỹ (200ha).
Kết quả cho thấy môi trường phóng xạ gamma và hàm lượng radon trong không khí và khí sinh ra trong đất tại các khu vực đều vượt ngưỡng của “mức hành động”.
Tuy nhiên, nhiều thông số về tổng hoạt độ phóng xạ, thành phần các hạt nhân phóng xạ trong các mẫu đất, nước, thực phẩm,… chưa được nghiên cứu.
Điều đáng nói, trao đổi với Người Đô Thị, theo một cán bộ Sở KHCN, nghiên cứu này đã được thực hiện xong từ năm 2010, nhưng không hiểu vì lý do gì, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã “ra lệnh”: không được cung cấp kết quả về ô nhiễm phóng xạ ra ngoài!
Bàu nước sâu cả hơn chục mét mà công ty TNHH Phú Hiệp để lại sau khi khai thác titan điểm này xong. Bàu nước ô nhiễm này sát nhà ông Nguyễn Văn Phú, mùa mưa thường tràn vào vườn nhà ông. Ảnh: Lê Quỳnh
Qua nghiên cứu này, các nhà khoa học khuyến nghị: để đảm bảo an toàn bức xạ ở khu vực khai thác titan, đơn vị khai thác cần theo nguyên tắc cuốn chiếu. Nghĩa là, khai thác đến đâu hoàn thổ đến đấy. Các phần đất cát thải (còn có chứa một lượng nhất định các nguyên tố phóng xạ mà hiện tại chưa thể tách được triệt để) phải được chôn sâu xuống vùng cần hoàn thổ, sau đó phủ phần đất cát sạch hơn lên trên. Tổ chức trồng cỏ, trồng cây xanh trên vùng đất đã được hoàn thổ.
Đặc biệt đối với việc khai thác và chế biến sa khoáng ven biển, cần thường xuyên tổ chức đo đạc, khảo sát kiểm tra môi trường phóng xạ, đảm bảo không làm rơi vãi, phát tán phần đuôi quặng sau khi tuyển thu hồi monazit vẫn còn chứa nhiều nhiều hạt nhân phóng xạ vào môi trường…
Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu tại 6 khu vực mỏ titan trên, và căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế tại các khu mỏ sa khoáng đã khai thác xong và đã hoàn thổ mỏ ở một số tỉnh miền Trung, các nhà khoa học nhận định: các khu mỏ có chứa quặng phóng xạ hoàn toàn có thể phục hồi môi trường sau khi khai thác xong, nếu tuân thủ đúng các nguyên tắc đảm bảo an toàn phóng xạ.
Vấn đề còn lại là các công ty khai thác khoáng sản có thực hiện đúng quy định, có dành đủ kinh phí cho việc phục hồi môi trường và kiểm soát môi trường hay không.
Tuy nhiên
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận vào tháng 6.2017, giai đoạn 2011 - 2015 đã có 75 trường hợp đến nay chưa hoàn phục môi trường, trong đó có 31 trường hợp không phải hoàn phục môi trường do giấy phép hết hạn, bị thu hồi nhưng chưa tác động khai thác; giấy phép hết hạn và đang nộp hồ sơ xin gia hạn,… (!?)
44/75 trường hợp còn lại cùng các khu vực khác được cấp phép khai thác đến nay đã hết hạn nhưng chưa hoàn phục môi trường.
Các công ty ở khu mỏ Thiện Ái đã ngưng hoạt động từ lâu nhưng đến nay vùng này vẫn chưa được hoàn thổ đúng quy định. Ảnh: Lê Quỳnh
Qua kết quả rà soát, theo UBND tỉnh, hiện có 39 khu vực phải hoàn phục môi trường trong thời gian tới, chậm nhất là hết quý I năm 2018.
Lật lại hồ sơ những thanh kiểm tra từ năm 2009 tới các năm sau này của cơ quan chức năng tỉnh, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), Thanh tra Chính phủ, kết quả phân tích mẫu nước thải ra môi trường tại khu vực khai thác, giếng khoan nhà người dân đều cho thấy hoạt độ phóng xạ α, β đều bị vượt ngưỡng cho phép, thậm chí có nơi vượt tới 150 lần.
Chưa kể là hàng loạt các sai phạm về quy định quản lý, phân loại chất thải nguy hại, giấy phép xả thải, thiết kế mỏ, không thực hiện đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường,…
Thậm chí năm 2013, đã có một cuộc giám sát riêng công ty TNHH Phú Hiệp với 3 đợt lấy mẫu phân tích khác nhau tại khu khu vực khai thác, nhà dân,… để đối chứng, nhằm có cơ sở làm “bàn đạp” cho việc giám sát, xử lý ô nhiễm phóng xạ tại các mỏ khác trên toàn tỉnh. (Kết quả giám sát này có hoạt động α, β vượt tiêu chuẩn cho phép).
Vậy nhưng sau tất cả những báo động suốt chục năm qua, cho tới nay tỉnh Bình Thuận vẫn chưa có một cuộc rà soát, chấn chỉnh và khắc phục lại toàn bộ các dự án titan trên toàn địa bàn về vấn đề ô nhiễm phóng xạ.
Đa số người dân thì đều không hề biết đến nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do hoạt động khai thác titan!
Còn Bộ TNMT, cơ quan đầu ngành về môi trường, đã ở đâu trước những báo động này?
Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, gần chục năm nay, nhà ông Mai Văn Nô phải chấp nhận sống chung với nguồn nước đã bị nhiễm mặn và phèn. Ảnh: Lê Quỳnh
Không kể những thanh kiểm tra của Bộ TNMT, Chính phủ những năm trước đây đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp (là nguyên nhân khiến nước thải, khí thải bị ô nhiễm phóng xạ), thì những báo động ô nhiễm phóng xạ do hoạt động khai thác và sơ chế titan - zircon ở các tỉnh thành khác đã được các nhà khoa học báo động rất sớm, từ năm 2005.
Theo kết quả nghiên cứu của GS.TS Lê Khánh Phồn, khoa Dầu khí Trường Đại học Mỏ Địa chất và ông Nguyễn Văn Nam, Liên đoàn Địa chất xạ hiếm, các cơ sở sàng tuyển cát lấy titan thải ra lượng lớn hỗn hợp khoáng chất, trong đó có monazit phát ra tia phóng xạ với cường độ rất nguy hiểm.
Đây là khảo sát thực địa, đo mức phóng xạ tại hơn 1.000 điểm ở một khu khai thác quặng titan ven biển Nam Trung Bộ đang khai thác titan (với hàng trăm mẫu đất, mẫu quặng, hàng chục mẫu nước, mẫu lương thực, thực phẩm được thu thập).
Cát thải, nước thải từ xưởng tuyển quặng đã thải ra biển, sông ngòi lân cận khu mỏ thì có mức phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn an toàn cho phép. Khu mỏ nghiên cứu ở gần một thị xã đông dân và cảng cá của địa phương, gần ruộng muối. Do đó, sự ô nhiễm phóng xạ nước biển khu vực lân cận các mỏ sa khoáng chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.
Báo cáo cũng chỉ rõ, ô nhiễm phóng xạ do khai thác sa khoáng titan đã làm tăng hàm lượng một số nhân phóng xạ như Ra-226, Po-210 trong cá, nước biển và có khả năng gây ảnh hưởng đến vùng dân cư.
Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia thuộc khoa Y học lao động Viện Pasteur Nha Trang, cường độ phát xạ tại bề mặt chất thải monazite (thường đổ thành đống lộ thiên tại những cơ sở sàng tuyển cát đen) cao gấp hàng chục lần, thậm chí gấp hàng trăm lần so với mức cho phép đối với khu vực dân cư. Mỗi khi có gió, bụi monazite phát tán rộng ra môi trường, dần dần thấm vào đất, hòa lẫn vào các nguồn nước, ruộng đồng... Ở nhiều cơ sở khai thác, chế biến titan, người lao động không có phương tiện bảo hộ an toàn phóng xạ, tiếp xúc với monazite như với cát bình thường.
Còn GS Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho biết: quá trình khai thác, chế biến quặng titan ở Bình Định đã làm phát tán các chất phóng xạ tại các đống quặng sau tuyển qua vít xoắn với hoạt độ phóng xạ vượt ngưỡng từ 5-8 lần (theo Tiêu chuẩn CHLB Nga); Cường độ phóng xạ cao nhất tại các xưởng tuyển tinh vượt ngưỡng an toàn 4 - 70 lần; Chỗ để tinh quặng Monazit cường độ phóng xạ vượt ngưỡng 100 lần;…
Những số liệu, chứng thực thực sự báo động đỏ!
Khu vực khai thác của công ty Đức Cảnh. Tại thời điểm đi thực tế vào tháng 8.2017 của chúng tôi, dù theo cơ quan chức năng, các công ty tại khu vực này đều đang tạm dừng khai thác nhưng dấu hiệu hiện trường vẫn cho thấy công ty đang hoạt động. Ảnh: Lê Quỳnh
Vậy nhưng, tháng 9.2016, Bộ TNMT lại ra một công văn số 86/TB-BTNMT kì quặc đến khó hiểu. Nội dung: các dự án khai thác titan thực hiện tuần hoàn, tái sử dụng nước từ quá trình tuyển quặng, không sử dụng bất kỳ hóa chất, phụ gia nào và không thải nước thải ra ngoài khu vực khai thác thì không phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả thải.
Đối chiếu với Luật Tài nguyên nước, “chỉ thị” này không nằm trong 4 trường hợp không cần giấy phép xả nước thải.
Cần biết, Bộ TNMT không có thẩm quyền “đẻ” thêm luật ngoài quy định của pháp luật hiện hành.
Ai chịu trách nhiệm?
Lùi lại lịch sử, tại Hội đồng thẩm định dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi (tháng 8.2011), chính Bộ TNMT đã đề nghị giữ nội dung quy định về cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, nhằm đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát và đảm bảo chất lượng nước thải ra môi trường.
Tuy nhiên, trong vấn đề khai thác titan ở Bình Thuận, thì Bộ này đã không áp dụng quy định về cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, mà mập mờ theo hướng doanh nghiệp không phải xin cấp phép theo quy định; đồng thời đẩy trách nhiệm xử lý nước thải về địa phương và cộng đồng dân cư; hướng thiệt hại cho dân và đổ trách nhiệm, hậu quả cho địa phương.
Nói như đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Toàn Thiện: “ở đây có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát an toàn phóng xạ; coi thường sinh mạng, sức khỏe của nhân dân”.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay Bộ TNMT đã cấp 6 giấy phép khai thác titan với diện tích 1.960 ha; cấp thêm 7 giấy phép thăm dò với tổng diện tích 9.930 ha. Điều này cũng có nghĩa sẽ có hàng trăm ngàn khối nước thải chưa được xử lý (trong đó có hoạt độ phóng xạ α , β vượt ngưỡng) hàng ngày được đổ vào tầng chứa nước ngầm và vùng biển ven bờ Bình Thuận…
Theo tài liệu của Uỷ ban Quốc tế về an toàn bức xạ (ICRP), ở các cấp độ nhiễm phóng xạ khác nhau, con người sẽ bị ảnh hưởng khác nhau. Mức độ tác hại phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và cường độ của phóng xạ. Phóng xạ có khả năng phá hủy cơ thể ở cấp độ tế bào, làm hư hại phân tử AND, dẫn đến sự hình thành của các tế bào ung thư…
Lê Quỳnh (Còn tiếp)