Chuyên đề  “Nguyên Ngọc vẫn đang trên đường”

Làm báo với Nguyên Ngọc

 17:03 | Thứ tư, 08/11/2017  0
Nguyên Ngọc không chỉ tinh tường phát hiện, cổ vũ những bài báo, những cây bút tài năng mà trong thời điểm xã hội còn nhiều khó khăn, trì trệ, anh còn nhạy bén điều tra, phát hiện những ách tắc, nổi cộm, đưa lên báo để xã hội tìm cách tháo gỡ...

LTS: Nguyên Ngọc là một trong số ít nhà văn Việt Nam mà văn nghiệp không bị đứt đoạn bởi bất cứ lý do nào: chiến tranh, biến động thời cuộc, tuổi tác... Mở trường, lập viện, làm giải thưởng, viết sách, dịch sách, nói chuyện với sinh viên và với công an, việc nào ông cũng làm rất nghiêm túc và tràn đầy năng lượng. Cho đến tận tuổi 85, Nguyên Ngọc đi lại “như con thoi” giữa các đô thị quen thuộc mà gần như cả đời ông gắn bó. Gọi ông là “thị dân” không hề sai vì sự am tường của ông về các đô thị và cũng vì ông từng có những bài viết rất hay về các thị dân tiêu biểu theo cách nhìn nhận của ông. Nhân nhà văn - thị dân Nguyên Ngọc vào tuổi 85 và nhân cuốn sách Có một con đường mòn trên Biển Đông của ông vừa được dịch ra tiếng Nhật, phát hành rộng rãi tại Tokyo, Người Đô Thị thực hiện chuyên đề  “Nguyên Ngọc vẫn đang trên đường”. Người Đô Thị online sẽ lần lượt giới thiệu các bài viết trong chuyên đề này của các tác giả Thái Bá Lợi, Lại Nguyên Ân, Bảo Ninh, Dạ Ngân, Ngô Thị Kim Cúc, Trần Huy Quang, PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, Suzuki Katsuhiko, Nguyễn Hàng Tình, PGS-TS. Phạm Thị Phương. Đây là bài viết của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai - nguyên Phó tổng biên tập tuần báo Văn nghệ.

Từ trái qua: Ngọc Trai, Doãn Minh (nhà báo), Lê Quang Trang, Lương Kỳ (nhà báo) và nhà văn Triệu Xuân. Ảnh T.L

Tôi vào nghề báo, nghề văn là do tình cờ như sự sắp xếp của số phận, chứ tôi biết mình không hề có năng khiếu về văn chương, nhưng với lương tâm nghề nghiệp, được sắp xếp vào việc nào tôi đều cố làm với hết trách nhiệm, qua đó cũng tìm được niềm vui trong công viêc.

Tôi về báo 15 năm (từ 1975 đến 1990) mà phải trải qua năm đời tổng biên tập. Báo Văn nghệ là tiếng nói của các nhà văn, luôn bị để mắt xoi mói nên dễ gặp tai nạn nghề nghiệp nhất và thường người đứng mũi chịu sào là tổng biên tập nên hễ Ban Tuyên huấn phát hiện “có vấn đề”, thế là báo phải kiểm điểm hoặc tổng biên tập phải rời khỏi ghế nhẹ như không .

Hồi anh Nguyên Ngọc được cử làm Bí thư Đảng Đoàn, Phó tổng thư ký Hội  Nhà văn Việt Nam; anh Giang Nam là Tổng biên tập báo Văn nghệ là thời kỳ mở đầu đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ văn nghệ sĩ hô hào “Hãy cứu mình trước khi trời cứu!”.

“Lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa”

Giới văn nghệ được cởi trói, ai nấy hồ hởi mừng. Nguyên Ngọc hăng hái bàn với báo một kế hoạch đổi mới hết sức bài bản nhằm định hướng đổi mới cho giới văn nghệ. Toàn bộ tòa soạn, ban nào cũng tìm những cộng tác viên gạo cội, đặt một loạt bài có chất lượng để làm sao cho nội dung, bộ mặt báo chuyển đổi mạnh mẽ.

Ban Lý luận - Phê bình của chúng tôi, sau một thời gian ngắn cũng có trong tay một lượng bài khá phong phú của các nhà văn hăng hái đổi mới như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Văn Bổng… các nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân… Nhưng rồi chúng tôi như bị dội gáo nước lạnh. Bài “Lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu vừa xuất hiện, lập tức Ban Tuyên huấn triệu tập các báo lên, chỉ đạo phải đấu tranh phê phán. Nguyên Ngọc - Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà văn cũng được ông Tố Hữu mời lên uốn nắn.

Tuy chưa thông suốt, nhưng Nguyên Ngọc cũng đủ tỉnh táo, anh về họp với tòa soạn báo yêu cầu chuẩn bị thật chu đáo để tổ chức cuộc hội thảo về những đổi mới trong sáng tác và phê bình của Nguyễn Minh Châu (chứ không chỉ đặt bài phê phán, phủ nhận). Nguyên Ngọc từng theo dõi chặt chẽ tình hình văn học sau chiến tranh và rất tâm đắc với sự trăn trở tìm tòi đổi mới của Nguyễn Minh Châu.

Theo tôi hiểu, anh yêu cầu tổ chức hội thảo, có tham luận của nhiều nhà văn, nhà lý luận phê bình sẽ có cách đánh giá khách quan, toàn diện hơn để giới văn nghệ, xã hội và bên trên nhìn nhận đúng về Nguyễn Minh Châu. Anh cũng chỉ đạo báo tạm dừng chưa đăng các bài theo định hướng đổi mới chúng tôi có trong tay mà anh đã được đọc. Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của Đảng Đoàn, xếp các bài báo đặt được với nhiều tâm huyết vào một cái cặp đặt biệt, hy vọng có lúc sẽ đăng.

Bẵng đi một thời gian, có lẽ quá tâm đắc với bài “Văn học phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến, Từ Sơn quên mất lời dặn của Nguyên Ngọc nên lôi bài này (vốn đã được xếp vào cặp đặc biệt) nộp vào số báo đăng, thế là Tổng biên tập Giang Nam bị Tuyên huấn thổi còi.

Chúng tôi buộc phải đặt bài phê phán Hoàng Ngọc Hiến đăng báo xem như tự kiểm điểm. Tôi là trưởng ban phải chịu một phần trách nhiệm về việc đưa bài lên báo nên định đặt anh Tô Hoài viết bài phê bình. Tôi rất quý trọng tài năng Hoàng Ngọc Hiến nên cũng có chút “láu cá” trong việc chọn mời Tô Hoài viết bài vì nhiều lần Tô Hoài giúp báo thoát nạn nhờ tài phê bình rất khôn ngoan, vừa đủ liều lượng để Tuyên huấn thấy báo biết lỗi nhưng lại ôn hòa không làm tổn thương nhiều đến người bị phê bình. Nhưng lần này tôi chậm chân vì nhà thơ Phạm Hổ, Phó tổng biên tập, đã đặt nhà thơ Chế Lan Viên viết bài.

Anh Chế Lan Viên vốn rất cực đoan nên khi biết “trên” chuyển hướng, đã viết bài phê bình Hoàng Ngọc Hiến thẳng cánh. Bài viết này đã gây tác dụng tiêu cực, không chỉ người bị phê bình mà cả người phê bình cũng bị tổn thương nặng. Vì lẽ anh em văn nghệ sĩ miền Nam vốn đang hào hứng với luồng gió đổi mới văn nghệ, đọc bài phê bình gay gắt của Chế Lan Viên họ tức giận nên bảo nhau cô lập Chế Lan Viên, không thăm hỏi, không mời Chế Lan Viên cộng tác trong mọi hoạt động của các Hội Văn nghệ từ TP.HCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, như trước đây họ thường ân cần mời mọc, quý trọng và kín đáo đỡ đần vật chất để giảm bớt khó khăn cho gia đình anh trong thời kỳ bao cấp.

Sau sự kiện đó, Nguyên Ngọc về làm tổng biên tập báo thay Giang Nam. Lần này Chế Lan Viên thay mặt Đảng Đoàn gọi tôi lên nhà, giao nhiệm vụ phó tổng biên tập cùng với Nguyên Ngọc. Quá bất ngờ, tôi năn nỉ xin Chế Lan Viên: “Em vốn có cái gót chân Achilles lớn lắm, em thành phần quan lại phong kiến, lại họ nhà vua, bị lên bờ xuống ruộng nhiều lần rồi, anh xin Đảng Đoàn cho em làm chuyên môn, không làm quản lý, vì nếu có sơ xuất gì trong quản lý lập tức em bị lôi thành phần, họ gọi tên bố em ra để moi móc khổ tâm lắm, em xin hứa ở cương vị nào cũng ủng hộ Nguyên Ngọc hết mình”.

Chị Vũ thị Thường thấy tôi trình bày thống thiết cũng nói giúp: “Trai nó thật lòng đấy, thôi anh nói lại với các anh trên Hội tìm người khác cũng được mà”.

Tìm kiếm những giá trị mới   

Tuy vậy cuối cùng tôi vẫn là người giúp việc cho Nguyên Ngọc trong cương vị phó tổng biên tập.

Phải nói rằng Nguyên Ngọc là một tổng biên tập có tâm và có tầm. Trong 15 năm làm báo, giai đoạn tôi được cộng tác với Nguyên Ngọc thật vất vả nhưng thật sôi động, nhiều lý thú và cũng không ít nỗi băn khoăn.

Tôi vốn chân chất, kém thông minh, không sắc sảo nhưng khi làm việc với người tổng biên tập tài hoa, năng nổ đầy tâm huyết với sự nghiệp văn học, yêu quê hương đất nước, có tầm nhìn xa trông rộng như Nguyên Ngọc tôi buộc phải thích nghi hoàn cảnh, trở nên xốc vác, năng động hơn trước nhiều.

Nguyên Ngọc không chỉ tinh tường phát hiện, cổ vũ những bài báo, những cây bút tài năng mà trong thời điểm xã hội còn nhiều khó khăn, trì trệ, anh còn nhạy bén điều tra, phát hiện những ách tắc, nổi cộm, đưa lên báo để xã hội tìm cách tháo gỡ. Những phóng sự “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?” của Phùng Gia Lộc, “Thủ tục để làm người còn sống” của Minh Chuyên… Những truyện ngắn “Con gái Thủy thần”, “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết”… của Nguyễn Huy Thiệp liên tục xuất hiện trên mặt báo. Mỗi bài phóng sự, mỗi truyện ngắn ấy như một sự kiện, gây tranh luận, báo nhận rất nhiều hồi âm, nhiếu câu hỏi, phản ứng của bạn đọc.

Là người phụ trách trị sự kiêm Trưởng ban Bạn đọc của báo, tôi thường phải về địa phương điều tra để có cơ sở thực tế trả lời bạn đọc.

Về Thanh Hóa, quê hương của Phùng Gia Lộc, tôi mới thấy hết cái đói nghèo khốn khổ, cảnh bị dồn nén của người nông dân trong hợp tác xã cũ, thế là phải đối mặt với Hà Trọng Hòa, một bí thư tỉnh ủy nổi tiêng độc quyền, lộng hành để dàn xếp đưa Phùng Gia Lộc vốn đang trốn tránh ở tòa soạn báo Văn Nghệ để tránh bị địa phương làm khó được trở về nhà.

Sau đó, do bị nhân dân, báo chí vạch ra nhiều vụ bê bối, Hà Trọng Hòa bị kỷ luật cách chức. Tôi còn nhiều lần đi về Thái Bình, lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tổng tham mưu Quân đội… để cùng với Minh Chuyên tìm lại quyền lợi cho anh thương binh bị báo tử nhầm… Bắt đầu đổi mới, nông dân vẫn còn nghèo đói, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Theo tác phong làm viêc của Nguyên Ngọc, từ phóng viên đến biên tập viên báo luân phiên nhau đi sâu sát cơ sở, phát hiện vấn đề, chủ động viết bài, đặt bài chứ không ngồi yên ở trụ sở báo chờ bài như trước đây.

Ở đâu, trên cương vị nào, Nguyên Ngọc cũng không quên phát hiện, cổ vũ, bồi dưỡng các tài năng viết trẻ. Cho đến bây giờ các cây bút được Nguyên Ngọc động viên cổ vũ mạnh mẽ ấy đều trở thành những nhà văn tên tuổi, tác phẩm của họ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được dịch ra nhiếu thứ tiếng và phát hành ở nước ngoài...

Ấn tượng nhất đối với tòa soạn báo Văn Nghệ là lần Nguyên Ngọc cử phóng viên về Hải Phòng, Thái Bình điều tra tình hình nông thôn, còn Nguyên Ngọc đích thân dẫn phóng viên, biên tập viên lên quê hương của ông Kim Ngọc tìm hiểu việc ông Lê Huy Ngọ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vẫn duy trì cuộc sống ổn định cho nông dân bằng cách khoán ruộng theo như Kim Ngọc đã làm.

Nguyên Ngọc như đã phát hiện được cách tháo gỡ nỗi bế tắc lâu nay của nông dân, nông thôn. Anh đi sâu trao đổi với các cấp ủy trong tỉnh, ông Quán - Bí thư Huyện ủy Yên Lãng giới thiệu nhiều sáng kiến rất hay, riêng ông Lê Huy Ngọ vẫn thận trọng, ông yêu cầu báo để yên cho ông nuôi dân tỉnh mình, nếu lộ ra sợ rằng số phận ông cũng như Kim Ngọc, sợ nhất là nông dân phải trở lại mô hình hợp tác xã cũ chịu cảnh bỏ ruộng hoang mà dân thiếu đói…

Trở về báo, tổng kết đợt điều tra về tình hình nông thôn Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nguyên Ngọc tính toán kỹ lưỡng, anh bảo báo Văn Nghệ chưa thể lên tiếng trước vấn đề khoán ruộng. Một số địa phương thấy rõ lợi ích của nông dân khi được tự chủ khai thác ruộng đất của mình nhưng “trên” vẫn chưa thấy. Anh mời gặp phóng viên các đài, báo trao đổi cặn kẽ để họ đi điều tra thêm và đề nghị báo Nhân Dân hoăc đài truyền hình lên tiếng ủng hộ trước vấn đề giao khoán ruộng cho nông dân, anh cử Trần Huy Quang chuẩn bị sẳn bài “Người biết làm giàu” khi báo Nhân Dân, đài truyền hình lên tiếng rồi thì báo Văn Nghệ cùng các báo đồng loạt đăng bài hưởng ứng.

Chính sách khoán 10 ở nông thôn, trao cho nông dân quyền tự khai thác cày cấy mảnh ruộng của mình là sự đổi mới bước đầu, đem lại cuộc sống khởi sắc cho nông dân, nông thôn, trong đó có sự  đóng góp một phần không nhỏ của các báo theo gợi ý của Nguyên Ngọc.  

Ở đâu, trên cương vị nào, Nguyên Ngọc cũng không quên phát hiện, cổ vũ, bồi dưỡng các tài năng viết trẻ. Riêng trong khoảng thời gian ngắn làm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Nguyên Ngọc đã tham gia tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác, nhằm phát hiện, có khi phải đấu tranh quyết liệt để bảo vệ các tài năng viết trẻ, như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh…

Cho đến bây giờ các cây bút được Nguyên Ngọc động viên cổ vũ mạnh mẽ ấy đều trở thành những nhà văn tên tuổi, tác phẩm của họ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được dịch ra nhiếu thứ tiếng và phát hành ở nước ngoài như: Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Ngọc Tư…

“Sao anh ấy cực đoan thế nhỉ!”

Phần đời sống riêng tư, Nguyên Ngọc sống lành mạnh, liêm khiết, nhiều khi anh quá khắc khổ đến cực đoan làm gia đình, vợ con cũng phải khắc khổ theo anh.

Làm Phó Tổng thư ký Hội, Nguyên Ngọc phải chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ, nhân viên cơ quan, tiếng nói của anh cũng có uy tín nên khi anh ký công văn gửi Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) xin cấp đất làm nhà cho các nhà văn, nhà báo và cán bộ  nhân viên Hội Nhà văn, được Nhà nước cấp cho Hội hai khu đất.

Đầu tiên ở Ngọc Khánh, khu đất nhỏ, chỉ xây được vài chục căn hộ, Nguyên Ngọc tuy vẫn ở trong căn hộ chật chội tại Lý Nam Đế anh vẫn không xin đổi nhà. Anh còn vận động ai có nhà rồi thì vẫn ở nhà cũ, nhường cho anh chị em nhà văn trẻ chưa có nhà và nhân viên văn phòng còn nhiều khó khăn. Nhưng đến khu đất thứ hai ở Thanh Xuân Bắc rộng rãi hơn, nhiều nhà văn tuy đã có nhà rồi vẫn xin nhận thêm một nhà nữa hoặc đổi sang căn hộ rộng hơn, riêng Nguyên Ngọc chỉ mỗi căn hộ ở Lý Nam Đế vừa chật chội, vừa dột nát anh vẫn nhường, không yêu cầu gì cho riêng mình.

Với bạn bè đồng nghiêp, Nguyên Ngọc quan tâm săn sóc hết sức tận tụy như viêc chạy đôn chạy đáo tìm thầy, thuốc thang cho Nguyễn Minh Châu, săn sóc vợ con Nguyễn Thi, Trọng Oánh… Nguyên Ngọc đối với bạn bè đồng nghiệp thật bao dung, chân thành, tôi chứng kiến nhiều lần anh tranh cãi kịch liệt với Nguyễn Khải nhưng biết Nguyễn Khải ốm đau anh tức tốc đến thăm nom, chia sẻ. Bất đồng quan điểm với Chế Lan Viên nhưng lại trân trọng tài năng của anh ấy, nên trong lúc nhiều người hẹp hòi xa lánh, Nguyên Ngọc vẫn vô tư, ân cần thăm hỏi.

Tôi cũng như nhiều nhà văn trẻ ở Hội ai cũng yêu mến, kính trọng tài năng, tâm huyết của Nguyên Ngoc, nhưng đôi lúc e ngại, băn khoăn trao đổi với nhau: “Sao anh ấy cực đoan thế nhỉ!" Cực đoan cả trong lý luận, suy nghĩ cả trong phong cách sống, nhưng rồi lại cười xòa vui vẻ, là Quảng Nam hay cãi ấy mà!

Ngọc Trai

Hà Nội, tháng 10.2017

Kỳ sau: Cuộc trò chuyện của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc với Nguyên Ngọc.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.