Làng không có thành hoàng

 10:37 | Thứ hai, 04/07/2022  0
Một nhóm du mục thị thành bị đời đưa đẩy đến đây, mỗi người theo đuổi con đường học vấn hay mưu sinh đều biết có ngày cũng rời khỏi, nên chẳng buồn xây dựng kiên cố làm gì...

Chiếc xe buýt số hiệu 19 từ từ rời bến xe đối diện chợ Bến Thành. Đó là thời mà trước cửa cổng chính của chợ, tượng ông Trần Nguyên Hãn đang giơ tay đón lấy chim bồ câu truyền tin. Bến xe buýt này nay chỉ còn là một trạm dừng trong hành trình khá dài của tuyến xe số 19, xuôi từ Bến Thành qua Hàng Xanh, đi hết con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, vượt cầu Bình Triệu, đi ngang Suối Tiên và cuối cùng dừng chân ở “Làng Đại học Quốc gia TP.HCM”. 

Gọi Làng Đại học vì thật ra khi mới bước vào, nhìn nó cũng giống làng thật. Những con đường nhỏ rẽ nhánh đi khắp nơi, nhỏ hẹp đến mức như thể chúng đang cố lách mình, len lỏi giữa những ngôi nhà cấp bốn xây dựng tạm bợ, chủ yếu là những hàng quán phục vụ sinh viên đang theo học các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Làng Đại học Quốc gia TP.HCM là một địa danh với những kiểu truyền thuyết đô thị riêng. Ảnh: Thuận Thắng


Các căn nhà cấp bốn, mái tôn rỉ sét vây quanh các tòa nhà của mấy trường đại học tạo thành một hình ảnh tương phản giữa sự hiện đại của giảng đường, trường lớp với một bên là thế giới của sinh viên, những người lao động, thường là dân tứ xứ và bất định. 

Bất định vì họ dựng “cơ nghiệp” trên một mảnh đất không phải họ sở hữu, với vốn lận lưng đôi khi chỉ là cái khéo tay nấu được một món sở trường nào đó, thế là đẩy xe nép dưới tán cây trứng cá bất kỳ, bán hết thì đẩy xe về một khu trọ bình bình nằm ngả lưng. 

Nên có chuyện một cửa hàng giày dép, thoắt cái đã thành quán cơm bình dân, chớp mắt thêm một cái thì thành tiệm net. Vật đổi sao dời, đường cũ thay tên người cũ không còn là chuyện đâu cũng có nhưng ở Làng Đại học thì thường xuyên hơn hẳn. Bởi cũng do tính bất định của nó, cư dân ở Làng đều mang tâm thế khách trọ chứ không thể (không được) xem đây là trú xứ. 

Sinh viên trọ học ở đây vài năm rồi cũng đi. Người đến đây buôn bán dù lâu cỡ nào cũng có cảm giác thấp thỏm vì không biết khi nào quy hoạch, giải tỏa. Nên từ hàng quán đến các khu trọ đều có chung cảm giác tạm bợ, sơ sài. Một nhóm du mục thị thành bị đời đưa đẩy đến đây, mỗi người theo đuổi con đường học vấn hay mưu sinh đều biết có ngày cũng rời khỏi, nên chẳng buồn xây dựng kiên cố làm gì. Vì vậy mà Làng có “tiền hiền” khai khẩn nhưng hình như ít “hậu hiền” xây dựng, thành ra Làng cứ giống… làng, người người nương tựa nhau mà sống.

Giải tỏa khu chợ đêm tự phát trong Làng Đại học Quốc gia TP.HCM ngày 1.6.2022. Ảnh: Chinh Hoàng


Thú thật, tôi cũng không rõ Làng rộng bao nhiêu. Cái địa giới của nó cứ nhì nhằng giữa Bình Dương với Thủ Đức, khiến nhiều khi không biết mấy bước chân của mình đang lang thang trên địa giới xứ nào. Khi xưa Thủ Đức chỉ là một quận, Làng cũng ké được chút hương thị thành, coi như một vùng ngoại vi của Sài Gòn hoa lệ. Chính vì tính chất “vùng biên” này mà cũng xảy ra lắm vấn đề nhiễu sự. Nhưng thôi để khi khác nói tiếp. 

Đã nói đến làng thì phải nhắc đến mấy phiên chợ quê, mà “chợ quê” kiểu Làng Đại học thì cũng tự phát chứ chẳng được cái nhà lồng chợ nào. Cứ có người mua thì khắc có kẻ bán. Từ một sạp rau nho nhỏ dựng đại bên đường, qua một thời gian cũng bành trướng thành chợ. Người mua kẻ bán tấp nập, đến nỗi xe buýt vốn có tiếng là “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, vậy mà qua khu chợ Làng cũng rón rén từng chút. 

Dạo tôi còn “du học” ở Làng là thời điểm hưng thịnh của các khu chợ, nhất là chợ đêm, một khu vực buôn bán từ tầm chiều đến khoảng mười một giờ khuya vì sinh viên ở ký túc xá nhiều, gần giờ giới nghiêm là rút hết, nên người bán cũng không mặn mà đợi chờ thêm. Các khu chợ đêm này thường không phải là cửa hàng cố định, nhiều khi chỉ là các quầy, các sạp đến chiều tắt nắng mới dọn ra. Các “trưởng quầy” ở chợ đêm Làng Đại học không thiếu những khuôn mặt sinh viên, kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học. Khách hàng của chợ đêm cũng là sinh viên, với giờ giấc như thế, sinh viên mới hợp nhất với vai người mua lẫn kẻ bán. 

Mặt hàng của chợ đêm cũng khá đa dạng, từ nhu yếu phẩm đến xa xỉ phẩm. Mà xa xỉ đến mấy thì cũng phải vừa vặn hầu bao của các bạn sinh viên. Và nhất là ẩm thực chợ đêm thì có thể vẽ hẳn một bản đồ để có lỡ lạc bước đến thì cũng không bỏ qua các món bình dân đảm bảo tiêu chí ngon - rẻ (vì rẻ quá nên chắc không bổ). 

Khu chợ đêm Làng Đại học là điểm hẹn hò, nên duyên của biết bao mối tình sinh viên, nơi mà những câu kiểu “đi chơi với người yêu mà đem có 100 ngàn” trở nên không mấy ý nghĩa. Không biết đã có bạn nào thử thách ăn sập chợ đêm Làng Đại học với chỉ 100 ngàn chưa?

Và nhiều khi mấy sạp hàng khu chợ đêm Làng Đại học chính là “dự án khởi nghiệp” đầu tiên của nhiều bạn sinh viên dù là trường Nhân văn, Bách khoa hay Tự nhiên… Từ mấy sạp hàng nhỏ đó mà gánh nặng trên vai của cha mẹ ở quê nhà biết đâu cũng nhẹ bước chừng nào. 

Những sạp hàng trong khu chợ đêm có khi chính là “dự án khởi nghiệp” đầu tiên của nhiều sinh viên. Ảnh: Lương Khải


Như đã nói ở trên, một tính chất ở Làng là tự phát. Các khu chợ đêm cũng thế, dù cũng đã cố cho ngay lối thẳng hàng hay có bãi giữ xe riêng, nhưng vẫn không rũ bỏ được tính tạm bợ nên cũng không lạ gì khi chúng nằm trong diện giải tỏa và cuối tháng 5.2022, khu chợ đêm Làng Đại học chỉ còn là ký ức. Việc tháo dỡ đã xong, giờ trên nền cũ còn sót lại gì cũng chỉ là phế tích của một khu chợ đêm từng có thời sầm uất. 

Biết bao chuyện từ ngày tôi rời Làng Đại học. Như bức tượng Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành đã kịp dời đi và nay tính chuyện đưa về chỗ cũ. Sinh viên từ độ ra trường, không biết có mấy người trở về chốn từng gắn bó này. 

Nó là một địa danh và có những “danh lam thắng cảnh” của riêng nó, với những kiểu truyền thuyết đô thị của riêng nó, nhưng có lẽ chính vì đó là nơi hội tụ, rồi hợp tan của biết bao con người mà thành thân thành quen, thành kỷ niệm của những sinh viên thuộc các trường của Đại học Quốc gia. 

Như cái Xóm Cầu Mới của ông Nhất Linh, xoay quanh cây cầu mới, thì Làng Đại học chắc hẳn xoay quanh những ngôi trường, cứ thế phì ra, thành các dãy nhà trọ, thành chợ, thành hàng quán… 

Nhưng mỗi khi nghĩ về nó, tôi vẫn hình dung nó như một cái làng thiếu ông thành hoàng nhưng vẫn trơ trơ giữa trời đất. Những ngày thi mệt ghé tiệm cơm với cơm thêm miễn phí, những bình trà đá dọc đường, sửa xe miễn phí, hay hình ảnh một cụ già ngồi ngáp ngắn ngáp dài sau quầy sách cũ (mà mỗi năm những quầy sách vậy thưa dần), tất cả hiện về như một bức tranh quê được vẽ bằng nét bút Tế Hanh:

Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang 
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng 
Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng 
Hương đồng quyến rũ hát lên vang. 

Huỳnh Trọng Khang

Đại học Quốc gia TP.HCM thành lập ngày 27.1.1995 nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch của Đại học Quốc gia TP.HCM được hình thành từ quy hoạch Làng Đại học Thủ Đức do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và bắt đầu xây dựng từ những năm 1960.

Tọa lạc trên diện tích 643,7ha thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM) và TP. Dĩ An (Bình Dương), Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 38 đơn vị, trong đó có 7 trường đại học thành viên (Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Quốc Tế, Công nghệ Thông tin, Kinh tế - Luật, Đại học An Giang). 

Từ nhiều năm nay, Đại học Quốc gia TP.HCM đã cùng với chính quyền các địa phương liên quan tìm nhiều giải pháp giải tỏa các khu dân cư tạm bợ để trả lại không gian cho học đường. Ngày 1.6.2022, lực lượng chức năng TP. Dĩ An đã tiếp tục tiến hành tháo dỡ các hạng mục công trình tại khu chợ đêm.

Minh Hoàng

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.