Toàn cảnh ĐHQG TP.HCM.
Đô thị đại học - không thể nghĩ đơn giản chỉ là nơi mà nhiều đại học được tập trung lại, làm công việc giảng dạy, mà còn là cái lõi thực thể của một vùng đô thị chung quanh nó, với những tương tác về giáo dục, công nghệ, văn hóa, lối sống… Vì vậy, có ba vấn đề lớn đặt ra nếu nhìn đô thị đại học trong tương tác với địa phương: thứ nhất, đại học là gì và vai trò đại học với tác động tới địa phương; thứ hai, đại học và tương tác của nó với sự phát triển đô thị; thứ ba, cần định nghĩa khu đô thị đại học là gì?
Đại học là gì?
Thế nào là một trường đại học với những yêu cầu và khái niệm hiện đại? Văn miếu là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nhưng chủ yếu chỉ đào tạo con em quan lại, vua chúa. Qua thời Pháp thuộc, những khái niệm đại học hiện đại bắt đầu được đưa vào, nhưng vẫn đào tạo lượng ít đáp ứng bộ máy quản lý và tập trung ở Hà Nội. Đến thời kỳ chiến tranh, đại học trong một điều kiện xã hội chưa hoàn thiện thì khó hoạt động một cách đúng nghĩa.
Trước năm 1975, Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn rất độc lập mà ngay đô trưởng cũng phải tôn trọng. Trên thế giới, vai trò đại học đối với địa phương là rất quan trọng, đây là nơi tập trung của trí tuệ và tư duy độc lập. Tại nhiều địa phương, cộng đồng công nhận hai trung tâm quyền lực: quyền lực quản lý nhà nước và quyền lực của tư duy khoa học. Vì vậy, khi đi thăm các nước, nhiều thủ đô có hai địa điểm giới thiệu cho khách du lịch là tòa nhà quốc hội và trường đại học uy tín, lâu đời nhất.
Từ xưa, phương Tây đã nhận thức rất rõ về đại học, đó là phần hồn trí tuệ của xã hội. Trước hết và giá trị nhất của đại học là tư duy sáng tạo, sau đó mới đặt ra hướng dẫn xã hội. Quan niệm ấy hiện phát triển ở mức cao hơn, đại học phải tham gia dẫn dắt, xây dựng, thiết kế xã hội mới. Từ tư duy ấy để vào được thực tế, cần một tổ chức, một cơ cấu đại học đủ mạnh để tác động vào xã hội.
Với sự nhạy cảm của một người làm chính trị, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau nhiều chuyến tham quan mô hình đại học trên thế giới, đã quyết định thành lập hai ĐHQG ở miền Bắc và miền Nam từ góc nhìn mới mẻ đó. Năm 1995 khi sáp nhập các trường đại học tại TP.HCM, vốn đơn ngành và quy mô còn nhỏ, để xây dựng ĐHQG TP.HCM, quá trình này đã gặp không ít ý kiến phản đối, nhưng thật sự đây là một khuynh hướng phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Và ĐHQG, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, từng bước hội nhập một cách bình đẳng vào hệ thống giáo dục thế giới.
Xã hội đang đặt ra cho đại học nhiệm vụ tác động lại địa phương nó trú đóng và tham gia dẫn dắt, xây dựng địa phương trong quá trình cạnh tranh và hợp tác thời đại toàn cầu hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thành phố hội nhập thế nào thì trường đại học tham gia, chịu trách nhiệm vấn đề đó.
Đại học và tương tác với phát triển đô thị
Dễ thấy nhất là tác động về tư duy như trình bày ở trên. Thứ đến là tác động trực tiếp của đại học với xã hội và điều này là bình thường bởi cuộc sống đại học tỏa ra ngoài và có nhu cầu bên ngoài tác động vào, đặc biệt là tác động văn hóa. Với ý nghĩa này, đại học Harvard yêu cầu giáo viên mỗi tuần phải có buổi đi ra ngoài hoạt động xã hội.
Một đơn vị đại học đóng ở địa phương, chắc chắn sẽ có những tương tác xã hội và chịu ảnh hưởng của bản sắc văn hóa địa phương đó. Chẳng hạn ĐHQG, nằm ở vị trí đặc thù, giữa TP.HCM, Đông Nam bộ và ĐBSCL sẽ có một vai trò và tương tác mạnh mẽ với cả ba vùng tiếp cận đó. Hình dung trong tương lai, một khu đô thị đại học 60.000 sinh viên, cộng thêm 10.000 người phục vụ và thầy cô giáo, tạo ra một trung tâm dịch vụ trí tuệ, cộng đồng giữa một vùng kinh tế trọng điểm và năng động của cả nước thì hiệu quả tương tác sẽ quan trọng như thế nào. Trên tư duy đó, chúng tôi đã kiến nghị chia thành phố làm năm khu đô thị, trong đó ĐHQG trú đóng khu Đông Bắc (quận 2, 9, Thủ Đức). Nếu quận 2 quy hoạch theo hướng tài chính thì khu này sẽ có tài chính - khoa học giáo dục - văn hóa. Trong sự tương tác đó, cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM sẽ là khu đô thị giáo dục - khoa học- văn hóa.
Đường vào khu ký túc xá làng đại học.
Trở lại quy hoạch khu đô thị ĐHQG, quy hoạch chia làm năm khu chức năng lớn: khu hành chính và dịch vụ; khu đào tạo; khu viện nghiên cứu - chuyển giao công nghệ bao gồm khu phần mềm, công viên khoa học; khu ký túc xá (quy mô 50.000 chỗ) và khu thể dục thể thao. Trong đó hai khu chuyển giao công nghệ được quy hoạch nằm vị trí mặt tiền tiếp giáp với địa phương, hướng đến triển khai ý tưởng nghiên cứu, tiếp thị và hướng vào ứng dụng. Khu chuyển giao thứ nhất hướng về phía Khu Công nghệ cao TP.HCM, khu thứ hai nằm tỏa về phía Bình Dương - Đồng Nai.
Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn khoảng cách trong nhìn nhận về vai trò tham gia của đại học đối với sự phát triển của địa phương; thứ hai, cơ chế hành chính còn rất khó để liên kết với nhau. Địa phương phấn đấu để làm tăng giá trị tổng sản phẩm của địa phương và không có cơ chế đầu tư cho các đơn vị không thuộc địa phương đó. Sự phát triển của ĐHQG có thể tác động vào sự phát triển của địa phương, ai cũng thừa nhận đầu tư vào ĐHQG có lợi nhưng nhìn nhận về hiệu quả không rõ và chưa thấy ngay. Bởi hiệu quả tác động của đại học là lâu dài. Trong khi đó, địa phương cần có những nhìn nhận trước mắt, thậm chí được công nhận của cấp trên... Ngay cả việc đặt vấn đề phát triển ĐHQG thuộc trách nhiệm địa phương như thế nào cũng rất mơ hồ. ĐHQG phải được coi như một thực thể của thành phố, của địa phương.
Tác động của một đại học đối với một địa bàn là rất rõ, có nhiều minh chứng trong thực tế của thế giới. Từ đó hình thành xu hướng thế giới và hướng tới việc xây dựng đại học hiện đại như hiện nay. Khi bàn về chiến lược phát triển của một địa phương, ngay từ đầu đại học được tham gia, chia sẻ để nhận ra vai trò và trách nhiệm của các phía, không thể là việc đặt hàng...
Như vậy, không cách nào khác là địa phương phải nhận thức được xu hướng này và về phía đại học, phải biết vươn lên.
Khu đô thị đại học là gì?
Trong Luật Xây dựng không có khái niệm khu đô thị đại học. Khi đặt ra khái niệm này, có nhiều người chia sẻ ý tưởng, nhưng phản ứng cũng không ít. Chúng tôi chủ trương trong tương lai khu đô thị ĐHQG sẽ là khu đô thị mở (có dân cư), nhưng trước mắt không có người dân ngoài sinh viên và giảng viên. Chúng tôi hình dung và ước mơ, một sinh viên 18 tuổi khi vào đây, nhìn cuộc đời màu hồng nhiệt huyết nhưng chưa có đủ kiến thức, kỹ năng, sau bốn đến năm năm trở ra thành những trí thức trẻ của đất nước. Thị dân do vậy phải là sinh viên và thầy cô, và khu đô thị phải có các dịch vụ đầy đủ của một khu đô thị đúng nghĩa, đô thị của những con người tương lai. Đây là một quá trình đào tạo thị dân, trí thức mới cho đất nước.
Khu đô thị ĐHQG do vậy sẽ là khu dành cho sinh viên.
Trong khuôn viên làng đại học này khu chức năng đã dần hình thành như khu dịch vụ, có ký túc xá, phòng chiếu phim, hàng quán, sân tập thể dục thể thao, thư viện đủ điều kiện phục vụ cho cả khu vực... Trong tương lai, khi metro Sài Gòn - ĐHQG hoàn thành, một gia đình khi xuống đây thì trẻ nhỏ có thể qua Suối Tiên chơi, còn người lớn có thể vào khu đô thị đại học bởi khu này yên tĩnh, có thư viện, bờ hồ kèm các dịch dụ...
Tòa nhà trung tâm của khu đô thị ĐHQG cao 30 tầng trên đó sẽ bố trí kính thiên văn cho học sinh sinh viên lên xem. Khu bờ hồ có dịch vụ văn hóa, những quán rượu theo phong cách “tửu đạo”, bán đủ các loại rượu đặc sản các địa phương, nhưng không bán để uống say. Nếp ăn, cách sinh hoạt vào đây phải theo chuẩn mực do đại học quy định. Do vậy, đây không chỉ là đại học mà là điểm văn hóa - văn hóa đại học, văn hóa Việt Nam.
Khu đô thị ĐHQG do vậy sẽ là khu dành cho sinh viên, trong đó có tất cả các hoạt động để đào tạo nên con người tri thức. Khu này sẽ là khu mở trong tương lai và tác động ra bên ngoài, từ giáo dục, văn hóa, lối sống...
Đô thị ấy đã có nền móng và đang thành hình.
Khu quy hoạch ĐHQG TP.HCM được hình thành từ năm 1995, qua nhiều lần thay đổi mô hình, tách, nhập và điều chỉnh quy mô, diện tích, cơ cấu các trường thành viên và đơn vị trực thuộc.
Đến năm 2003, khu quy hoạch ĐHQG TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 643,7 ha, nằm trên hai địa phương là thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương 522 ha và quận Thủ Đức TP.HCM 121,7 ha.
Đến nay, ở đây đã là một hệ thống bao gồm 33 đơn vị, trong đó có 7 đơn vị thành viên (6 đại học: Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Quốc tế, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật), một viện nghiên cứu (Viện Môi trường tài nguyên), một khoa trực thuộc (khoa Y), 26 đơn vị trực thuộc (đào tạo, chuyển giao công nghệ, dịch vụ phục vụ).
Hằng năm, ĐHQG cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 kỹ sư, cử nhân, trên 1.500 thạc sĩ và khoảng 40 tiến sĩ thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề; góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
PGS-TS. Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ảnh: Nguyễn Minh Tân, Đinh Bá Phú, Trần Thanh Thông