Đây là dự án thủy điện thứ 3 Lào xây dựng trên dòng chính sông Mekong, sau Xayabury và Don Sahong.
Theo thứ trưởng bộ Năng lượng và Mỏ, ông Viraphon Viravong, dự án thủy điện Pak Beng nằm ở đoạn sông phía thượng lưu của sông Mekong ở huyện Pak Beng (tỉnh Oudomxay, Lào). Đây là một trong 5 dự án dòng chính Mekong ở phía bắc Lào.
Trao đổi với báo chí và các ngành liên quan của Lào vào ngày 13.7, Tổng cục trưởng Cục Quy hoạch và chính sách năng lượng, ông Daovong Phonekeo, cho biết: Pak Beng là dự án đập dâng, nằm khoảng 14 km phía trên trung tâm huyện.
Tổng công suất là 912MW với sản lượng điện hàng năm là 4.775 GWh.
Mục đích của dự án này là sử dụng tài nguyên thủy điện to lớn mà Lào được ban tặng để sản xuất điện sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn tất trước năm 2023, và đưa vào vận hành thương mại vào đầu năm 2024.
Theo vị quan chức Lào này, doanh thu từ dự án Pak Beng sẽ làm mạnh ngân sách quốc gia và đóng góp cho sự phát triển đất nước nước, với mục đích cuối cùng là để Lào thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển nhất.
Ngoài ra, dự án này sẽ tạo động lực mạnh trước mắt và lâu dài cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Lào.
Khu vực trước khi Lào xây dựng thủy điện Don Sahong tại đây. Ảnh: Suthep Krisnavarin
“Dự án thủy điện Pak Beng nằm trên sông Mekong, vì vậy nó sẽ tuân thủ theo nguyên tắc của Hiệp định Mekong 1995, đặc biệt là Thủ tục Tham vấn trước, đòi hỏi ít nhất 6 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Viraphon nói.
Được biết, trước đó Lào đã xây dựng tiến hành xây dựng đập Xayabury và Don Sahong. Tuy nhiên, việc xây dựng cả hai đập này đều vấp phải sự phản đối của các nước VN, Campuchia, Thái Lan và các tổ chức quốc tế do những tác động khôn lường không thể đảo ngược của nó.
Đặc biệt, khác Xayabury, với đập Don Sahong sau đó, dù Lào đã chấp nhận làm Tham vấn trước (PNPCA) theo Hiệp định Mekong 1995, nhưng kết quả vẫn không tạo được thuyết phục và sự đồng thuận từ các nước.
Quá trình Tham vấn trước cả cấp quốc gia và cấp vùng với Don Sahong đã đi đến kết luận rằng: các thông tin do chủ đầu tư cung cấp chưa đầy đủ, thiếu nhiều số liệu, chưa đề xuất được các biện pháp phù hợp để giảm thiểu các tác động, đặc biệt là giải pháp cho đường di cư của cá.
Vì vậy, cả ba nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều cho rằng cần có thêm thời gian và thông tin, dữ liệu để các đối tác của Ủy hội nghiên cứu, đánh giá sâu và chi tiết hơn về các tác động xuyên biên giới, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đường di cư của cá, cũng như có đánh giá về hiệu quả các biện pháp giảm thiểu do chủ đầu tư đề xuất.
Phớt lờ, Lào vẫn giữ vững quan điểm: quy trình PNPCA đã kết thúc. Don Sahong đã được khởi công xây dựng vào đầu năm 2016.
PNPCA đã trở nên bất lực trước kế hoạch xây dựng thủy điện trên dòng chính Mekong của Lào.
Theo Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện trên dòng chính sông Mekong (do Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường ICEM thực hiện năm 2010), các quyết định về các con đập dòng chính cần được hoãn lại trong khoảng thời gian 10 năm, đồng thời thực hiện đánh giá 3 năm một lần để bảo đảm các hoạt động chính trong thời gian này được tiến hành một cách hiệu quả.
Đồng với kiến nghị trên, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF cũng cho rằng, 10 năm là khoản thời gian cần thiết nhằm có thể thu thập đầy đủ dữ liệu thiết yếu. Sau khi có được những dữ liệu như thế rồi sẽ bắt đầu tiến hành phân tích khoa học rồi mới có được quyết định đúng đắn.
H.Thiện – L.Quỳnh
» Nguồn nước: để mâu thuẫn thành cơ hội hợp tác
» Cộng đồng Thái Lan đề nghị tòa án đình chỉ hợp đồng mua bán điện đập Xayaburi
» Quốc hội Lào phê duyệt Don Sahong trên dòng chính Mê Kông
» Hồi hộp chờ đợi số phận sông Mê Công vào quyết định ngày mai?
» Chưa thể chấm dứt tranh chấp khu vực bởi Don Sahong?
» Mekong - dòng sông bị bức tử
» Xây thủy điện trên dòng Mekong: Không khả thi về mặt kinh tế
» Thủy điện trên dòng Mê Kông: Cần đặt quyền lợi người dân lên trên các dự án
» Triển vọng mới cho dòng Mê Kông?
» Liên Hiệp Quốc quan ngại về tác động của thủy điện Don Sahong
» Phỏng vấn Ngô Thế Vinh - người đi dọc 4.800km sông Mekong