Các cơn mưa lớn bất thường và lũ lụt lớn đã đổ vào tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, làm vỡ bờ sông, tràn ngập các con đập và hệ thống giao thông công cộng cùng với việc làm gián đoạn hoạt động thường nhật của hàng chục triệu người.
12 người đã thiệt mạng tại thủ phủ của tỉnh Hà Nam là Trịnh Châu, nơi có lượng mưa hơn 20 cm đổ xuống trong một giờ vào ngày 20.7. Khoảng 100.000 người đã được chuyển đến các nơi trú ẩn, Tân Hoa xã dẫn lời chính quyền địa phương. Lượng mưa đã làm tê liệt hệ thống tàu điện ngầm của thành phố, khiến hành khách bị mắc kẹt trong mực nước cao đến thắt lưng.
Trụ sở kiểm soát lũ lụt của Trịnh Châu cho biết rằng trữ nước tại hồ chứa Guojiazui có "nguy cơ lớn" sẽ xảy ra vỡ đập và chính quyền địa phương đang ra lệnh sơ tán.
Tại thành phố Lạc Dương, chính quyền địa phương cho biết lượng mưa đã khiến đập Yihetan bị thủng 20 mét và con đập này “có thể sụp đổ bất cứ lúc nào”.
Các nhà chức trách cho biết thêm rằng một bộ phận quân đội của Trung Quốc đã được cử đến thành phố để chống lại lũ lụt và thực hiện các sứ mệnh giải cứu.
Trận mưa lớn trên khắp Hà Nam bắt đầu vào ngày 17.7. Vào ngày 20.7, giới chức phụ trách về thời tiết đã ban hành mức cảnh báo cao nhất cho tỉnh này và các chương trình dự báo thời tiết của Trung Quốc dự đoán sẽ có những trận mưa như trút nước.
Từ ngày 17.7 đến ngày 20.7, 3.535 trạm thời tiết ở Hà Nam, một trong những tỉnh đông dân nhất Trung Quốc với 94 triệu người, đã báo cáo lượng mưa vượt quá 5 cm. Trong số các trạm này có 1.614 báo cáo lượng mưa vượt trên 10cm và 151 trạm báo cáo lượng mưa vượt trên 25cm, chính quyền cho biết.
Các đoạn video trên phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc cho thấy chùa Thiếu Lâm nổi tiếng trên thế giới, được biết đến về mảng võ thuật, cũng như các địa điểm văn hóa khác bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng trăm cư dân bị mắc kẹt ở Hà Nam đã kêu gọi sự giúp đỡ trên mạng Internet khi lũ lụt gây mất điện tại các hộ nhà của họ.
Lũ lụt thường xảy ra vào mùa mưa ở Trung Quốc, nhưng tác động của chúng đã trở nên tồi tệ hơn trong nhiều thập kỷ, một phần do quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Các hiện tượng thời tiết trầm trọng đã xảy ra ở nhiều vùng của Trung Quốc trong mùa hè này. Hàng trăm nghìn cư dân ở tỉnh Tứ Xuyên đã phải di dời trong tháng này do lũ lụt và lở đất.
Vào tháng 6, thành phố Hotan, ở vùng xa về phía tây của Tân Cương, có lượng mưa kỷ lục, khiến một người dân bình luận trên mạng xã hội rằng “lượng mưa [tháng này] tương đương với lượng mưa tổng cộng trong hai năm vừa qua”.
Tổ chức Hòa bình xanh cho biết nguy cơ thời tiết nghiêm trọng hiện cao nhất ở Trung Quốc, tại các trung tâm thành phố đông dân cư nhưng nó cũng đang tăng lên nhanh chóng đối với các vùng ngoại ô của các thành phố lớn do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Liu Junyan, thuộc Tổ chức Hòa bình xanh Quốc tế, nói với truyền thông Trung Quốc: “Do dân số, cơ sở hạ tầng và hoạt động kinh tế tập trung cao, mức độ phơi nhiễm và mức độ dễ bị tổn thương của các hiểm họa khí hậu cao hơn ở các khu vực thành thị. Các thành phố là khu vực phát thải khí nhà kính quan trọng trên toàn cầu, chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải”.
Hoài Phương