Tại dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, khoản 3, Điều 19 quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị loại bỏ quy định này. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), luật sư mà tố giác thân chủ thì có thể vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.
"Theo nguyên tắc này, một người coi là có tội chỉ khi bản án có hiệu lực của Tòa án, còn việc chứng minh tội phạm là việc của cơ quan điều tra và công tố. Chính người đó cũng không phải chứng minh mình là vô tội mà luật sư lại đi tố giác", đại biểu Nghĩa nói.
Theo đại biểu Nghĩa, tố giác có bằng chứng thì luật sư lại góp phần với công tố. Tố giác không có bằng chứng hay dựa vào lời khai nào đó của họ thì luật sư lại vi phạm nghĩa vụ công dân của nghề nghiệp.
"Luật sư tố giác thân chủ có thể vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo. Vì theo Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, bị can bị cáo không buộc phải khai báo những điều bất lợi và không buộc phải nhận tội trong khi luật sư thì lại tố giác họ. Luật sư đi tố giác thân chủ là trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp vì phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo, trái với thiên chức của luật sư là gỡ tội", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Nghĩa, quy định này có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Bởi doanh nhân hay công nhân nước ngoài có thể nói với nhau hãy cảnh giác khi sử dụng luật sư Việt Nam vì họ có nghĩa vụ tố giác thân chủ, vì nếu không chính họ sẽ bị khởi tố hình sự.
"Ở các nước khác, quan hệ giữa luật sư và thân chủ là quan hệ được đặc quyền bảo mật. Quy định này nếu mở rộng như thế thì có thể ảnh hưởng đến nhiều người, họ hoang mang và không muốn làm nghề luật sư", đại biểu Nghĩa nói.
Cũng góp ý về điều khoản trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cho rằng quy định này không chỉ ảnh hưởng luật sư tham gia bào chữa, mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng luật sư và nghề luật sư.
"Các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng chúng tôi đề nghị vì các tội này quá rộng, tới 84 tội thì không có luật sư nào có thể biết hết được và rất dễ dẫn đến việc "tai nạn nghề nghiệp" của luật sư", bà Thịnh nói.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Đại biểu Chiến cho rằng, các tội “xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác” được quy định ở đây bao gồm tới hơn 80 tội.
“Như vậy, phạm vi các tội mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự (nếu không tố giác) là rất rộng, tác động không nhỏ tới tâm lý người bào chữa, dẫn đến việc bào chữa có thể sẽ hình thức, vì sợ tai nạn nghề nghiệp. Quy định này cũng mâu thuẫn với Luật Luật sư 2012”, ông Chiến nói và đề nghị miễn trừ trách nhiệm tố giác thân chủ của mình cho người bào chữa trong mọi trường hợp.
Cũng theo vị đại biểu này, luật sư đi tố giác thân chủ khác nào cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội. "Chỉ một vụ luật sư tố giác thân chủ thôi, xã hội có còn tin để nhờ luật sư bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ nữa hay không?”, đại biểu Nguyễn Chiến nhấn mạnh.
N.Mạnh
Theo BizLive