Tẩy sai, răng vàng vĩnh viễn
Hydrogen peroxide, thành phần chính yếu trong các sản phẩm tẩy trắng răng hiện nay, là một chất ôxy hoá mạnh. Về lý thuyết, đây là chất tẩy trắng răng hiệu quả nhất, không làm hư răng, nhưng nếu sử dụng với nồng độ quá cao, lâu dài, sẽ gây hại cho răng, lưỡi, lợi...
Bản chất của thuốc tẩy trắng răng là sử dụng phản ứng ôxy hoá khử để cắt đứt các chuỗi protein màu trong răng, giúp không còn nhìn thấy màu dưới ánh sáng tự nhiên nhưng không lấy đi bất kỳ yếu tố nào trong răng hay làm tổn thương bề mặt men răng. Tẩy trắng răng có hai hình thức: thứ nhất là dùng thuốc làm trắng có nồng độ hydrogen peroxide thấp (10-15%), thường do người sử dụng tự làm lấy; thứ hai là dùng nồng độ cao (15-35%), thường do các bác sĩ thực hiện. Trước khi làm trắng răng, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng răng và căn cứ vào đó mà quyết định nồng độ thuốc dùng phù hợp. Ngoài ra còn phải kiểm tra sức khoẻ răng miệng, tiến hành làm sạch, vô trùng rồi mới dùng thuốc. Đối với răng sâu, bác sĩ phải cho thuốc chống viêm tuỷ, sau đó mới sử dụng thuốc tẩy trắng.
Điều đáng nói là nhiều người thay vì đến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách làm trắng răng an toàn, phù hợp thì lại tuỳ tiện mua thuốc, miếng dán, kem bôi… bán trên thị trường về tự tẩy. Nếu là sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì rất khó kiểm chứng để biết nồng độ hydrogen peroxide là bao nhiêu. Ngoài ra, cũng cần cẩn thận với một số loại kem đánh răng tẩy trắng có chứa hydrogen peroxide nồng độ thấp nhưng có chất mài mòn. Nếu thường xuyên dùng kem có tính mài mòn cao, lớp men răng có thể mỏng dần, thậm chí bị vàng vĩnh viễn!
Khám trước tẩy sau
Bất kỳ loại thuốc tẩy trắng răng nào cũng chỉ có tính tương đối. Hiệu quả sử dụng thuốc còn phụ thuộc men răng, sự khoáng hóa của mỗi người, cũng như lứa tuổi. Người dùng không nên kỳ vọng răng sẽ trắng tinh sau khi tẩy. Chỉ nên làm trắng răng từ 16 tuổi trở lên. Tuổi càng lớn răng càng khó làm trắng do men răng đã kém, thời gian làm trắng kéo dài hơn. Trẻ em, phụ nữ mang thai, đang cho con bú… không nên sử dụng thuốc làm trắng răng vì không thể đảm bảo trong quá trình làm trắng răng, người dùng không nuốt thuốc. Người có men răng yếu, dễ tổn thương cũng nên tránh sử dụng thuốc tẩy trắng răng.
Để đảm bảo tẩy trắng răng an toàn và hiệu quả cao, nên đến nha sĩ khám răng miệng trước để biết răng có màu là do nguyên nhân gì, mức độ nhiễm ra sao mới có chế độ điều trị phù hợp. Men răng mỗi người có một độ trắng giới hạn riêng, nếu tẩy nhiều lần mà không trắng hơn thì có thể đã tới hạn, không nên tẩy nữa. Ngoài ra, không phải tẩy trắng răng một lần là xong mà sau khi tẩy vài năm, răng vẫn có thể nhiễm màu lại. Thời gian bị nhiễm màu lại tuỳ vào chế độ ăn uống, chăm sóc răng miệng và bản chất răng của từng người. Nếu muốn cải thiện chất răng trắng hẳn, chỉ có cách thay men.
Việc tẩy trắng răng tại phòng nha cần một lần hoặc vài lần tuỳ mức độ nhiễm màu. Độ trắng có thể duy trì tối đa năm năm tuỳ men răng. Hiện tượng ê buốt trong và sau tẩy trắng răng chỉ là tạm thời và sẽ chấm dứt ngay sau khi kết thúc điều trị. Tẩy trắng răng tại nhà cũng là một cách làm tốt nhưng phải được sự chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt phải tránh để thuốc bám vào lợi, lưỡi… Nếu thấy có bất thường nào, cần ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ. Với những loại thuốc, kem làm trắng răng… không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần, liều lượng thì tốt nhất không sử dụng.
TS.BS Phạm Như Hải, trưởng khoa Răng, bệnh viện Việt Nam – Cu Ba.