Tôi sống ở một nơi gọi là Toa Payoh. Nơi này nằm ở khu trung tâm của Singapore, gần Novena, Newton, Ang Mo Kio, và một địa điểm rất quen thuộc với tầng lớp thượng lưu của Việt Nam là Orchard. Những người khá giả ở Việt Nam hay qua mua sắm ở Orchard. Khu tôi ở ngày trước là một cái đầm lầy – Toa Payoh đọc theo giọng Phúc Kiến nghĩa là cái đầm lầy lớn. Phòng tôi thuê nằm ở tầng thứ 29 của một chung cư, buổi khuya đứng bên cửa sổ nhìn xuống thấy nhiều ánh đèn và hồ bơi, và đằng xa có một chiếc ô tô đang chạy lên cầu. Gần nhà cũng có một cái công viên, gọi là Toa Payoh Central Park. Giữa công viên có một cái hồ nhỏ, mọc nhiều cỏ lác cao ngang ngực. Công viên không đông, tối tối chỉ có vài người đeo tai nghe lững thững đi dạo. Cũng không có tiếng dế kêu. Đồng nghiệp của tôi nói, lần cuối cùng tao nghe tiếng dế kêu là năm tao bảy tuổi.
Tôi ở đây không có bạn. Đôi lúc cũng có một vài người bạn ở Việt Nam qua. Những lúc ấy thường thì chúng tôi đi uống bia ở Clarke Quay. Clarke Quay ngày xưa là một bến cảng để người ta bốc dỡ hàng, nay là một khu ăn uống sầm uất bậc nhất Singapore. Chúng tôi ngồi vừa uống bia vừa nhìn ra bờ sông, nơi có hai chữ CQ lớn, một chữ màu xanh da trời, một chữ màu xanh lá cây, và nói những chuyện cũ. Chuyện ngày xưa đường Nguyễn Huệ cũng là một con kênh dẫn ra bến sông. Hay chuyện bến Bình Đông. Bến Chương Dương. Bến Nghé. Bến Thành. Rồi nói sang kênh Tàu Hủ. Cầu Ông Lãnh. Rồi chuyện ông lãnh binh Thăng. Chuyện ông thủ Đức. Ông thủ Thừa. Bạn biết đấy, những người đã chết. Khi uống say người ta có thể nói đủ thứ chuyện trên đời, và tin là mình làm được đủ thứ chuyện trên đời. Xong rồi chúng tôi xuống ga tàu điện ngầm về. Bạn tôi quên mua vé, cứ thế đi thẳng qua cửa, và chúng tôi cùng cười ha ha vì tiết kiệm được một đô la hai mươi xu tiền Singapore.
Thỉnh thoảng tôi cũng về thăm nhà. Tôi về hai bữa rồi lại đi. Cha tôi đau chân mấy năm nay, không đi lại được nhiều. Mẹ tôi hay mất ngủ. Gan bàn chân phải của tôi có một nốt ruồi nhỏ. Tôi về chơi hai bữa cuối tuần, ăn bữa cơm trưa có gà xé và rau muống luộc là hai món tôi rất thích, rồi lại đi. Mẹ gọi điện cho tôi, hỏi con ăn tối chưa. Tôi nói dạ rồi. Mẹ hỏi sao hồi chiều gọi tôi hoài không được. Tôi nói con không biết, điện thoại con vẫn mở bình thường. Thành ra là lúc chiều điện thoại của mẹ tôi hết pin. Mẹ cứ bấm số gọi tôi mà không biết điện thoại của mình hết pin. Nhà ngoại tôi nghèo, mẹ tôi phải bỏ học để trông em khi vừa xong lớp nhất. Tôi ở đây đã được hơn một năm. Có lẽ vì sống xa nhà từ nhỏ đã quen, nên tôi ít khi nhớ nhà.
Chủ nhật tuần trước tôi ra bến xe, ngồi một mình trên tầng trên của chiếc xe buýt đầu tiên tôi bắt gặp. Chuyến xe số 31, đi từ Toa Payoh Interchange, điểm cuối là Tampines. Tôi đi lòng vòng ở bến Tampines được chừng mười phút, rồi lại xếp hàng lên chuyến số 28, đi ngược về Toa Payoh. Tôi thuê nhà ở Toa Payoh. Trời vừa mưa xong, cửa kính xe buýt còn đọng nước lờ mờ. Bên đường người ta trồng một loại cây gì đó nở hoa màu trắng và hồng nhạt, gần giống cây sầu đâu ở Việt Nam nhưng thấp hơn và hoa lớn hơn. Có một quãng, nguyên con đường toàn là hoa. Tôi ngồi đọc lại Người đua diều, đoạn người lái xe Farid nói với Amir "For you a thousand times over," và Amir bật khóc.
Tôi đã ở đây được hơn một năm. Nếu là một nhà văn trẻ yêu đời lãng mạn nào đó, chắc tôi đã viết được một cuốn tiểu thuyết, đặt tên là Cuộc tình Singapore, trong đó tôi làm nhân vật chính. Một cô người Singapore sẽ yêu tôi, đại để. Chúng tôi sẽ chèo thuyền trên sông Singapore, chỗ cây cầu gần sở cứu hỏa cũ, và nấp mưa dưới một mái hiên, và hôn nhau dưới một mái hiên. Nhưng tôi không phải nhà văn trẻ yêu đời lãng mạn nào cả. Lúc nãy tôi vào Seven Eleven mua một lon Budweiser, rồi ra ngồi trên chiếc ghế đá gần Toa Payoh Central uống một mình. Với lại, nhà ở đây toàn là chung cư, không có mái hiên. Cho nên nếu hỏi tôi Singapore có gì, tôi sẽ trả lời là có rất nhiều chung cư. Có một cái công viên vắng người. Có bến xe buýt, và ga tàu điện ngầm. Khi đi qua đường thì trụ đèn kêu tít tít. Có một chiếc xe hơi chạy lên cầu, mỗi khuya đứng bên cửa sổ nhìn xuống tôi vẫn thấy.
À, và có một con đường đầy hoa sầu đâu ở Tampines.
Phan An