Trong số các di tích ấy, ngân sách Nhà nước cấp vốn tu bổ tôn tạo cho đình làng cũng cao hơn cả, trong năm 1998, chi đầu tư tôn tạo đình làng gần 1 tỷ đồng trong tổng số 1,7 tỷ đồng đầu tư tôn tạo các di tích. Đó là một hướng đầu tư có ý nghĩa sâu xa về phương diện lịch sử và văn hóa đối với dân tộc ta.
Đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã người Việt đã xuất hiện từ rất lâu đời. Giáo sư Hà Văn Tấn. Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết rằng nếu không phải là thời tiền sử thì là thời sơ sử của dân tộc Việt Nam đình làng đã có mặt rồi. Tất nhiên, vào thời xa xưa ấy, đình chưa được gọi là đình, vì mãi đến thời Lý-Trần mới xuất hiện từ đình trạm vay mượn của Trung Hoa. Về mặt thư tịch, từ đình làng xuất hiện còn muộn hơn nữa, vào thời Hậu Lê thế kỷ XV. Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng “Mạc Đăng Dung làm phản, chia quân làm hai đường thủy bộ tiến đánh Lê Chiêu Tông. Hai bên cầm cự thời gian, về sau nhà vua bị đánh úp vào ban đêm, hoảng hốt chạy lánh đến đình cũ làng Nhân Mục”.
Một cơ sở vừa làm nơi thờ tự chung của cả làng vừa làm nơi hội họp giải quyết việc làng và tổ chức hội hè vốn rất quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng làng xã người Việt, mà về sau này khi tiếp xúc với văn hóa người Hán, đã được thể chế hóa ngày càng hoàn thiện song song với sự hoàn thiện của bộ máy Nhà nước và các tổ chức xã hội trong nhịp điệu phát triển của các triều đại phong kiến phương Đông.
Các nhà nghiên cứu còn chứng minh rằng kiến trúc đình làng là kiểu kiến trúc Indonésien, kiểu kiến trúc thấy trên trống đồng Đông Sơn và kiểu kiến trúc nhà Rông của các dân tộc Tây Nguyên: Kiến trúc đình làng là sự phát triển của văn hóa Đông Sơn trên đặc trưng kỹ thuật trống đồng hay đồng cổ có nguồn gốc bản địa. Các nhà khảo cổ đã chứng minh rằng, văn hóa Đông Sơn Trống đồng có mặt trước khi nước ta chịu ảnh hưởng của văn hóa người Hán.
Tất cả những điều ấy cho biết rằng, dân tộc Việt Nam với ngôi đình làng có nguồn gốc và bản sắc đặc trưng văn hóa thuần Việt. Dù rằng về sau này từ ngữ có sự vay mượn của Nho học Trung Hoa cũng như ngày nay cả thế giới đều vay mượn Âu phục vì sự tiện lợi vậy. Có thể là từ ngôi nhà thờ của làng, người ta gọi quen là nhà làng, đến khi danh xưng đình làng xuất hiện, một danh xưng chuẩn xác vừa gọn vừa súc tích đã trở nên bền vững theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Văn Huyên sau khi khảo sát một cách công phu về lễ hội ở đình làng Bắc bộ đã rút ra một kết luận về nguồn gốc xa xưa của tín ngưỡng làng xã người Việt. Các ông nhận xét rằng có thể giả thiết những miếu thờ các vị thần Thành hoàng ấy đều là những vùng đất người Việt chiếm ở đầu tiên từ rất lâu đời. Cái giả thiết ấy được chứng minh bằng những di tích lịch sử cổ xưa đã được khám phá tại Phú Thọ, Vĩnh Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh mà về sau này với đền thờ các vua Hùng, nhà mồ Nghi Vệ, chùa Ngọc Khám, chùa Bút Tháp, Thành Cổ Loa, Động Hoa Lư…
Một nhà nghiên cứu nổi tiếng khác, ông Nguyễn Đăng Thục viết một tiểu luận “Văn hóa đình làng” cũng cho rằng, cái tục sùng bái Thành hoàng hay Thần đạo là một tín ngưỡng cố hữu của dân tộc ta vậy.
Với các ý kiến và cứ liệu như trên cho ta biết đình làng và tục thờ Thành hoàng làng vốn là một tín ngưỡng lâu đời, riêng có và mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp ông P.Giran nghiên cứu về đình làng Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, thời kỳ mà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc ta còn đậm nét tại xã thôn nước ta, đã cho rằng đình là nơi cư ngụ của vị thần bảo hộ làng và là trung tâm của đời sống cộng đồng làng. Đó là nơi cúng tế theo lễ nghi của một tôn giáo còn là nơi hội họp của hương chức để bàn bạc các vấn đề cai quản làng xã và giải quyết các vấn đề tranh chấp nội bộ.
Còn hơn thế nữa, ngôi đình làng Việt không chỉ là cơ sở tín ngưỡng và nhà hành chánh xã thôn thông thường mà chính là linh hồn của làng. Tất cả các sự kiện xảy ra ảnh hưởng đến dân làng đều có liên quan đến ngôi đình làng. Từ tình hình đời sống hưng thịnh hay suy bại, được mùa hay thất mùa, hanh thông hay khó khăn, được tiếng tốt hay tiếng xấu… cho đến những việc sinh nhai, ăn ở, thi cử, sức khỏe, giao tiếp… của toàn thể dân làng tất thảy đều được cho là có nguyên do từ ngôi đình làng.
Người ta nuôi dưỡng tinh thần quê hương nguồn cội thông qua tục sùng bái đình làng đã trở thành truyền thống của dân tộc. Mỗi người dân không nhiều thì ít, không lúc này thì lúc khác rất tất thảy một lòng một dạ chăm lo cho ngôi đình làng mình vì sự thịnh suy của chính bản thân gia đình, họ tộc mình. Người ta quan niệm rằng, vị thần Thành hoàng làng mình là người có quyền lực siêu nhiên, đủ khả năng ngăn chặn mọi sự xâm hại đến làng mình, bảo vệ hữu hiệu cho cả làng và đồng thời cũng thực thi quyền lực trong việc thưởng phạt dân làng để duy trì giềng mối đạo lý riêng của làng mình, tức lệ làng.
Lệ làng được quy định bằng Hương ước của từng làng là giáo lý của tôn giáo đình làng vậy. Người ta tổ chức cúng tế tại đình làng theo định kỳ hàng tháng hàng năm như một nghi lễ tôn giáo thực thụ. Tôn giáo ấy khác biệt với mọi tôn giáo thông thường vì nó quá gần gũi và quá thực tế. Tôn giáo ấy không khuyến khích cầu xin những gì cao xa quá tầm tay và ở những tương lai xa vời sau khi chết, mà nó chỉ cầu được mùa, đời sống ấm no, làng xóm được bảo vệ, dân làng sống với nhau thuận thảo, duy trì được thuần phong mỹ tục…
Làng Việt là cấp cơ sở của nước. Làng Việt đặc biệt là một chỉnh thể kinh tế, văn hóa, xã hội, có tính cộng đồng cao về lãnh thổ, kinh tế và văn hóa. Làng Việt với cơ cấu tôn giáo, tín ngưỡng đã được định hình vững chắc hơn tất cả loại hình làng nào trên thế giới. Bên cạnh sở hữu cộng đồng của làng bao gồm các cơ sở kinh tế xã hội, những cơ sở tôn giáo phổ biến, thì mỗi làng Việt đặc biệt hơn, còn sở hữu ngôi đình làng làm nơi thờ các vị thần riêng của làng mình.
Tại một làng Việt cổ truyền ngoài ngôi đình có thể còn có chùa thờ Phật, văn chỉ thờ chư hiền Nho giáo, điện miếu thờ chư vị Lão giáo… Trong làng có người đi lễ Văn chỉ mà không đi lễ chùa, có người đi lễ chùa mà không đi lễ Văn chỉ, không đi lễ điện miếu, nhưng tất cả đều đi lễ đình. Đó là điều rất tự nhiên vì đình là cơ sở tôn giáo chung của toàn thể dân làng.
Ban đầu, chính ý thức về nòi giống, cộng đồng dẫn tới việc thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình, họ tộc và thờ cúng vị thần làng của cộng đồng làng. Tín ngưỡng này đã phát triển trở thành một hệ thống sùng bái hoàn chỉnh từ nhà đến nước, có tên gọi, có nghi thức tưởng niệm tương ứng rõ ràng, có cơ sở vật chất thực hiện nghi thức định kỳ là ngôi đình làng.
Về sinh hoạt văn hóa làng xã Việt Nam cổ truyền thì đình và chùa là hai loại cơ sở văn hóa trọng tâm và phổ biến. Tuy rằng trong đời sống hằng ngày, mọi người có vẻ gắn bó chặt chẽ với chùa và có vẻ thờ ơ với đình, nhưng thực sự không phải như vậy, lễ hội đình là hoạt động văn hóa duy nhất tập họp được đầy đủ toàn thể dân làng.
Vì vậy, trong hiện tượng bề mặt cũng như ký ức của dân làng, ngôi đình có ảnh hưởng sâu lắng hơn nhiều. Trong tâm hồn người nông dân Việt, ngôi đình thân thiết, lung linh, in sâu vào tâm khảm.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Qua đình giở nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói dạ thương mình bấy nhiêu
Đêm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
…
Làng là nơi sinh của những con người tài năng của đất nước và ngược lại, chính các nhân tài của đất nước có điều kiện tốt nhất nối kết làng với nước, làm cho làng không ngừng phát triển về kinh tế, văn hóa và xã hội. Làng là đất Tổ, là quê hương vì là nơi gia đình, họ tộc, bà con xóm giềng của họ đã sinh ra, lớn lên và cũng là nơi yên nghỉ ngàn thu.
Dù đi đâu xa, người ta vẫn nhớ đến làng, vì làng là tấm mạng ký ức có bề dày và chiều dài vô tận khó thể phai mờ.
Ngôi đình làng còn là cơ sở biểu tượng của lòng nhân nghĩa, đạo lý tự giác uống nước nhớ nguồn. Lễ hội đình làng là sự liên kết con người gắn bó với cộng đồng dân tộc.
Tại Nam bộ, làng xã hình thành có nơi từ những nhóm lưu dân có một nguồn gốc và ngôi đình được dựng lên bằng tất cả nỗi nhớ quê hương bất tuyệt. Ngôi đình làng trở thành nơi lưu trữ truyền thống của quê cha đất tổ, là hình ảnh của nước nhà mà qua lễ hội hàng năm lặp đi lặp lại những nghi tiết cổ truyền không bao giờ nhàm chán vì nó gợi đến tình quê hương và nghĩa cử của người công dân đối với quốc gia dân tộc.
Tại mỗi làng Việt thờ một hay nhiều vị thần được dân làng chọn làm thần bảo hộ làng gọi là thần Thành hoàng làng. Tôn giáo ấy quá quen thuộc với ta đến nỗi ta không hề nghĩ rằng, đó là một tôn giáo có nội dung tư tưởng triết lý sâu sắc. P. Giran có nhận xét thú vị như sau:
“Vị thần bảo hộ làng thể hiện cái cảm nghiệm chung của ký ức và nguyện vọng cộng đồng. Ký ức và nguyện vọng ấy hóa thân vào các nguyên tắc, phong tục, luân lý của làng và cả việc thưởng phạt. Chung quy, lấy việc nhân cách hóa cái quyền lực tối thượng ấy để làm động lực tỏa ra sức mạnh tổng lực của cả cộng đồng và làm sợi dây thiêng liêng nối kết các thành viên của làng thành một khối”.
Bằng tổ chức trang trọng và bằng thể lệ tỉ mỉ, việc thờ cúng ở đình làng gây ấn tượng sâu sắc đối với toàn thể dân làng, chắc chắn là nó đã được truyền lại từ nhiều thế kỷ và cho đến nay không có gì thay đổi. Toàn thể làng xã tham gia vào đấy trong hạnh phúc, cũng như trong khó khăn gian khổ. Toàn thể làng xã tham gia vào đấy và hòa tan trong đấy một cách tự giác. Điều ấy góp phần đem lại cho việc thờ cúng thần Thành hoàng một khuôn khổ vững chắc hơn so với khuôn khổ của một tôn giáo thông thường.
Thần Thành hoàng là những nhân vật lịch sử hay những nhân vật truyền thuyết trong thần thoại Việt Nam. Các nhân vật ấy được chọn làm thần Thành hoàng làm sau những cuộc phát hiện huyền bí hoặc qua việc xem xét được nhất trí cao của cộng đồng dân làng về vai trò lịch sử của các vị thần vào hoàn cảnh ra đời của nhóm dân làng.
Ngày nay, có người còn lẫn lộn giữa thần hoàng và thần Thành hoàng làng. Tưởng cũng cần phân định rõ để làm rõ vai trò vị trí của thần Thành hoàng.
Thần hoàng là một điển lễ thời phong kiến, có ý nghĩa và giá trị riêng không liên quan gì với vị thần Thành hoàng của một làng.
Ngày xưa, người nào làm quan to từ tứ phẩm trở lên thì đều được vua phong tặng cho cha mẹ, ông bà. Quan nhất phẩm được ban sắc phong ba đời, quan nhị phẩm hai đời, quan tam tứ phẩm một đời. Sắc vua ban được làng rước về nhà chủ, rồi chủ nhà chọn ngày lành tháng tốt làm lễ cáo gia miếu.
Người ta dùng một tờ giấy màu vàng chép lại sắc vua ban rồi đặt cả hai bản lên bàn thờ gia tiên. Trong khi làm lễ người ta đọc nguyên văn bản sắc này, xong thì đốt bản sao giấy màu vàng, còn bản chính thì giữ lại để thờ. Người ta gọi điển lễ ấy là thần hoàng.
Thần Thành hoàng của một làng là đấng thiên thần hay một vị nhân thần. Các làng vùng núi ở Bắc bộ như Sơn Tây, Chương Mỹ, dọc sông Thao thờ Tản Viên Sơn Thánh làm thần Thành hoàng làng. Huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là một nơi hội tụ của ba dòng sông: sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình, luôn bị lũ lụt đe dọa nên người ta thờ vị thần chủ trì dòng nước chảy và trời mưa làm thần Thành hoàng làng. Tuy nhiên, điều nổi bật hơn cả vẫn là uy thế các vị thần có nguồn gốc người (các nhân thần). Các vị thần đã sống trong những thời kỳ khác nhau trong lịch sử nước ta và đã có công lao, thành tích với đất nước, làng xã được làng xã thớ cúng tôn làm thần Thành hoàng của làng. Có thể từ rất xa xưa người ta đã có tập quán tự tạo cho mình một vị thần Thành hoàng ngay khi thành lập làng vì nhu cầu tâm linh đã trở thành truyền thống.
Trong phạm vi làng, hình thức thờ cúng thần Thành hoàng, cho dù là thiên thần hay nhân thần đều phải là người có công với nước với làng. Điều đó phản ánh một tinh thần yêu nước rất cao, một đặc tính trong tôn giáo Việt Nam, phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt chống ngoại xâm và xây dựng nước nhà. Những người có công với nước là những tướng lĩnh, những chiến sĩ anh dũng trên trận mạc, là những người đỗ đạt làm quan hay khai phá đất đai lập làng, dạy nghề làm vinh dự hay làm giàu cho làng xã quê hương. Đó là những người thực có công tích được ghi trong sử sách hay được nhân dân đồn đãi lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Nam bộ là vùng đất mới khai phá nhưng đã xuất hiện một số nhân vật tại chỗ được thờ làm thần Thành hoàng làng. Xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh thờ ông thần Thành hoàng Đặng Văn Trước. Ông là người có công mở đường khai khẩn đất đai lập ra làng Gia Lộc. Về sau, vì tranh chấp đất đai giữa làng Gia Lộc và làng bên cạnh nên ông bị đánh thuốc độc chết. Nhân dân Gia Lộc thờ ông làm Thành hoàng làng.
Xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, thờ ông Dương Văn Hạnh làm thần Thành hoàng. Ông Hạnh chuyên lo hậu cần cho nghĩa quân Trương Định. Bị giặc Pháp bắt, ông thà chết không khai báo, nên bị giặc chặt đầu. Nhân dân xã Lý Nhơn thờ ông Hạnh làm thần Thành hoàng, quen gọi là ông thần không đầu.
Người lưu dân đến Nam bộ thường đi bằng đường biển. Thời mà đường bộ lạc hậu, đò giang, núi đèo cách trở thì đường biển là hệ thống giao thông lưu dụng. Người ta thờ Nam Hải tứ vị Thánh Bà làm thần Thành hoàng. Dương Hoàng Hậu, mẹ Đế Bính, sau trận thua ở Nhai Sơn, Đế Bính nhảy xuống biển tự tử. Dương Hoàng Hậu không chịu để sa vào tay giặc cùng 3 cô con gái ôm nhau nhảy xuống biển tự tử. Thi thể 4 mẹ con vẫn còn ôm nhau tấp vào Cửa Cờn, Nghệ An. Nhân dân ở đây, vớt đem chôn tử tế, và lập đền thờ để biểu dương sự tiết nghĩa. Người đi biển thường đến lễ đền mỗi khi ra khơi. Lưu dân thờ 4 vị làm thần Thành hoàng tại đình An Nhơn, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Ngoài việc chọn những đấng thiên thần có sự tích liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân, đến những anh hùng lịch sử, những vị có công lao với nước nhà, những biểu tượng cho trung hiếu, tiết nghĩa đưa lên thờ thần Thành hoàng của làng, thì tại Nam bộ, người ta còn lựa chọn thần Thành hoàng quê gốc thờ làm thần Thành hoàng của làng mới lập thành. Bùi Tá Hán được thờ tại Quảng Nam, Quảng Ngãi lại được thờ ở đình Nam Chơn, quận 1, TP.HCM. Nguyễn Phục được thờ ở vùng ngũ Quảng miền Trung, lại được thờ thần Thành hoàng tại đình Hưng Phú, quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương là 2 vị hoàng tử con vua Lý Thái Tổ được thờ vùng Quảng Bình lại được thờ ở đình Hạnh Thông và Thông Tây Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM…
Những làng nào chưa lựa chọn được vị thần Thành hoàng cho làng mình thì thờ một danh từ chung có ý nghĩa là thần bảo hộ làng với tên là Thành hoàng bổn cảnh.
Thần Thành hoàng làng cai trị cả người trần tục lẫn các ma quỷ thần thánh trong phạm vi được phong cho phụ trách. Hàng năm, vào những định kỳ theo truyền thống, nhân dân tổ chức lễ hội nhằm củng cố ý thức cộng đồng làng xã khẳng định trật tự của chế độ và xã hội hiện hành, và còn tỏ lòng trung thành với Triều đình Trung ương. Tôn giáo đình làng vào đến Nam bộ trong điều kiện môi sinh và cơ cấu dân cư cũng đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mình. Lễ hội đình làng Nam bộ bàng bạc tình nhớ quê hương thông qua việc lập lại các tập tục, dùng món ăn, nghi thức gợi nhớ kỷ niệm bằng hình ảnh và tinh thần của miền quê gốc. Vào cái thời mà, giao thông lạc hậu ít có điều kiện đi về, mỗi mùa bão lụt lớn ở miền ngoài và lòng người Nam bộ đứng ngồi không yên:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Đó là tấm lòng của cả một cộng đồng trong một đất nước mà tình yêu quê hương được đề cao và tổ chức thành một tôn giáo.
Thế nhưng, việc đề cao tình yêu quê hương mà cụ thể là tình yêu làng lại không mâu thuẫn với tình yêu đất nước. Ở đây thể hiện một phong cách lý giải nhuần nhuyễn đặc sắc mối mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng, cái toàn cục và cái cục bộ, văn hóa dân tộc và bản sắc địa phương. Người ta thường nói, phép vua thua lệ làng là sự khẳng định sự bền vững của bản sắc văn hóa làng Việt. Triều đại thì thay đổi hết triều đại này đến triều đại khác còn làng thì vẫn là làng với tục lệ, tập quán trải qua nhiều thế kỷ không hề thay đổi. Vì vậy mà phép vua không phù hợp với đạo lý truyền thống của làng là bất khả thực thi.
Làng là cơ cấu gốc của xã hội người Việt cổ truyền mà cho đến ngày nay chưa thấy có một cơ cấu nào có thể thay thế. Gốc có bền thì cây mới vững, mà gốc bền ở chỗ duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của nó. Việc cúng tế tại đình làng hàng tháng, hàng năm là sự tô đậm bản sắc văn hóa làng và không ngừng được bổ sung. Những trò diễn dân dã mang đặc điểm của từng địa phương luôn được đổi mới theo từng thời kỳ xen lẫn với từng lễ thức tôn giáo nghiêm trang ít thay đổi.
Bản sắc của từng làng tạo thành bản sắc của dân tộc, nên sức mạnh của nước là hội tụ tổng thể sức mạnh của từng làng – Văn hóa của dân tộc là sự kết tụ và thăng hoa của văn hóa toàn bộ các làng của nước.
Dân tộc Việt Nam có một lịch sử hình thành và phát triển đầy biến động và thăng trầm. Thời trung đại, bị lệ thuộc chính quyền người Hán gần một ngàn năm. Thời cận đại, bị lệ thuộc chính quyền thực dân phương Tây gần một trăm năm. Tôn giáo đình làng không tránh khỏi bị chính quyền thực dân âm mưu phá hoại. Ngôi đình làng là tiêu biểu sinh động của bản sắc văn hóa người Việt, mà cái bản sắc ấy nuôi dưỡng tinh thần chống lại mọi sự xâm phạm từ bên ngoài, sống chết bảo vệ lãnh thổ và tập tục. Ngôi đình trở thành cái gai trong con mắt của chính quyền xâm lược.
Nam bộ là thuộc địa của thực dân Pháp. Họ muốn “Nam Kỳ tự trị” để cắt đứt mọi quan hệ chính trị văn hóa với Nam triều. Họ áp đặt điều gì mà chẳng được nhưng sắc thần Thành hoàng thì phải được Nam triều sắc phong mới có giá trị. Đó là một sự đi ngược lại chương trình chia cắt của họ, nhưng họ hoàn toàn bó tay không thể thay cho Nam triều cấp sắc thần được. Một vấn đề tưởng là cỏn con nhưng lại có tác dụng chính trị hết sức đặc biệt, nó ngầm báo cho họ biết rằng không bao giờ họ quản lý được những gì vẫn thường xuyên âm ỉ sau lũy tre làng.
Lễ hội đình làng hằng năm tại Nam bộ còn có hát bội cúng đình. Từ loại tuồng giáp, tuồng cương tản man sơ sài buổi đầu đến thời Lê Văn Duyệt đã xuất hiện loại tuồng bổn là tuồng có bài bản như kịch bản tuồng hiện đại. Nội dung chính của các tuồng bổn phổ biến tại Nam bộ thời bấy giờ đều đề cao trung hiếu tiết nghĩa với hàng loạt nghi thức tưởng như rườm rà vô ích, nhưng lại có ý nhấn mạnh những vấn đề về văn hóa truyền thống.
Chính quyền thuộc địa một lần nữa lại chịu bó tay. Họ không thể cấm việc hát cúng đình mỗi khi dân làng tổ chức lễ hội. Chính quyền là chính quyền thuộc địa Pháp mà dân thì công khai phổ biến tinh thần trung hiếu tiết nghĩa với Nam triều. Vô hình trung tồn tại hai tổ chức đối kháng nhau về mặt bản chất một cách công khai. Chính tôn giáo đình làng người Việt là nền tảng của việc tạo nên cái tình cảnh đối kháng một cách thường trực, sâu sắc và tài tình đến thế.
Thời thuộc Pháp, chính quyền thuộc địa không quản lý nỗi hoạt động văn hóa đình làng, thì họ tìm cách phá hoại về mặt xã hội. Họ âm mưu phá hoại tinh thần ngôi đình, hạ giá cách này hay cách khác để cho giới trí thức chỉ còn thấy đình là cái lò xôi thịt hầu đứng ra đảm nhận việc bôi xấu cái đình. Và thế là vô tình trí thức đã đồng công lấp hộ cửa đình để dọn đường cho các ý hệ ngoại lai tràn vào đập tan chút vốn liếng tinh thần của dân tộc.
Đình làng Việt là nơi nuôi dưỡng tinh thần yêu làng yêu nước, bằng việc đề cao công lao những người có công với làng nước. Việc đề cao ấy thì dân tộc nào mà chẳng có, nhưng đặc biệt ta không dừng lại ở việc tinh biểu công tích mà còn tôn họ làm thần để công lao của họ tiếp tục tỏa sáng và họ được mãi mãi gần gũi với nhân dân, tiếp tục bảo vệ làng nước. Quả thật, các phong trào kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta, dưới nhiều hình thức biểu hiện các vị thần đã đóng góp công lao không phải là nhỏ. Nhiều vị đã lập nên những công tích được ghi vào sử sách qua các chuyện thần thoại dân gian, có vị còn được sắc phong cụ thể của các triều đại trong lịch sử nước ta.
Những ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ, Cách mạng Tháng Tám, tập họp tại đình miếu đánh trống, đánh mõ là huy động được cả làng. Thời kháng chiến một ngôi đình, ngôi chùa bị bom đạn xâm hại ai cũng căm phẫn coi như giặc đã trực tiếp xâm phạm đến nhân phẩm của cả làng.
TP.HCM hiện còn 273 ngôi đình làng đang trên đà khôi phục vị trí vai trò của một cơ sở văn hóa truyền thống của dân tộc. Cơ sở văn hóa ấy đồng thời cũng là một cơ sở tôn giáo. Tôn giáo đình làng Việt có bản sắc riêng và thực sự hùng mạnh trong giai đoạn đất nước độc lập, nhưng có lúc không tránh khỏi bị phá hoại liên tục bởi chính quyền thực dân. Đồng thời qua đó tôn giáo đình làng cũng đã chứng tỏ bản lĩnh tự cường đầy sức sống. Tôn giáo ấy có khả năng nối kết toàn thể cộng đồng thành một khối tạo thành sức mạnh tổng lực trong bảo vệ cũng như trong xây dựng phát triển làng nước. Tôn giáo ấy cũng đủ trình độ để sẵn sàng tiếp nhận các tín ngưỡng tôn giáo phổ biến khác và hòa điệu trong cuộc sống chung đa dạng và phong phú.
Đình làng còn là các kiến trúc nghệ thuật cổ có giá trị cao về mặt lịch sử và văn hóa đáng được đầu tư bảo tồn và tu bổ tôn tạo gìn giữ cho muôn đời sau. Sau hàng trăm năm bị thực dân phá hoại và trên 30 năm chiến tranh hủy hoại, tinh thần cái đình cũng không khỏi bị sa sút, mờ khuất và biến dạng. Nghiên cứu khoa học về đình làng ngày nay là rất cần thiết nhằm làm sáng tỏ nhiều vấn đề sâu xa có giá trị cao về văn hóa truyền thống dân tộc còn ẩn giấu đâu đó xung quanh các khối kiến trúc mà đến nay chúng ta mới tiếp cận một cách sơ sài.
TS Lê Sơn Phương Ngọc