Mối duyên văn chương trăm năm Sài Gòn và Thượng Hải
Được Lỗ Tấn ca ngợi là cây bút “nhiệt tình, có tư tưởng tiến bộ” và là “một trong số ít nhà văn đáng quan tâm đếm được trên đầu ngón tay”, Ba Kim không phải cái tên quá đỗi xa lạ với những ai yêu thích văn học Thượng Hải nói riêng, Trung Quốc nói chung. Tuy vậy chi tiết ông đến Sài Gòn là bất ngờ lớn.
Trích dẫn từ cuốn Những ghi chép vặt từ chuyến hải hành, nhà nghiên cứu cho biết nhà văn lớn này trong quá trình từ Thượng Hải đến Pháp du học đã ghé lại Sài Gòn trong vòng 3 ngày khi tàu bốc dỡ hàng hóa, từ đó đã có những chuyến khám phá “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Ông Zhou Limin cho biết nhà văn Ba Kim từng đến Sài Gòn vào năm 1927.
Theo đó, ông ghi nhận thành phố này vào năm 1927 với những dấu ấn như hai bên bờ sông Sài Gòn trồng đầy cây xanh, đường sá rộng rãi, có nhiều quán cà phê ở hai bên đường và nhiều người Pháp ngồi nhâm nhi thưởng thức trong khí hậu nóng bức và không có gió…
Dưới sự hướng dẫn của một thầy giáo họ Trần người Hoa, ông đã đi thăm các thương hội, ghé đến các trường học và sau đó là sải bước trong Thảo Cầm Viên. Trong sách, ông ghi nhận nơi đây có hành lang rất dài, nuôi đầy những loài chim kỳ quặc cũng như hổ, cá sấu, rắn và cả voi nữa. Ba Kim cho biết mình ấn tượng nhất với voi vì nếu du khách tung một đồng xu lên cao, nó sẽ dùng vòi bắt lấy và đưa lại cho một người phụ nữ Sài Gòn.
Ngày cuối cùng ở đây ông được mời tham gia một bữa tiệc, và trùng hợp rơi đúng ngày 20 tháng Chạp (nghĩa là chỉ 10 ngày nữa là sẽ đến Tết Nguyên đán), vì vậy trong tâm thế nhớ gia đình, cố hương, ông rưng rưng khi nghe một thanh niên Pháp hát về đêm Sài Gòn và gọi nơi đây là “thành phố của những giấc mơ”.
Vì vậy có thể nói mối tương quan giữa Thượng Hải và Sài Gòn đã có từ rất sớm, ngay khi Ba Kim đặt chân đến đây trong một dịp tình cờ. Để rồi gần một thế kỷ sau, “sợi dây” nói trên lại tiếp tục nối khi nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi sắp cho ra mắt phiên bản tiếng Trung của cuốn tiểu thuyết Vạn sắc hư vô vào tháng 8 này.
Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi cho biết tiểu thuyết của mình sẽ được ra mắt phiên bản tiếng Trung vào tháng 8 này.
Theo đó cơ duyên nói trên bắt đầu từ chương trình Viết văn Thượng Hải mà cô tham gia vào năm 2024, khi Hội Nhà văn của thành phố này mời các nhà văn trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến đô thị của mình khám phá, trải nghiệm, sau đó dành cho họ không gian để thoải mái sáng tạo. Ngân Vi cho biết mình là người trẻ nhất và cũng là người Việt Nam đầu tiên tham gia vào dự án này.
Cô cho biết văn chương Việt Nam tại đô thị này không vô danh mà trước đó Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… đã được chuyển ngữ. Đây là tín hiệu mang nhiều cảm xúc: vừa vui vì đã có được những nền móng lớn, nhưng cũng vừa buồn vì đa phần những tên tuổi này thuộc thời kỳ thời đổi mới, cũng đồng nghĩa với lớp nhà văn trẻ - những người mang hơi thở, tiếng nói đương thời – chưa thật sự hiện diện.
Mang suy nghĩ đó, cô cùng bạn bè đã thử dịch phần đầu Vạn sắc hư vô sang tiếng Anh. Với nỗ lực này, một đoạn trích nhỏ đã được biết đến và một hợp đồng chuyển ngữ tiếng Trung với nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải cũng được ký kết. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng dẫu còn nhỏ bé, khi tiếng nói trẻ bắt đầu cất lên.
Với trải nghiệm đã có, Ngân Vi cũng chia sẻ về cách thành phố này không ngừng quảng bá văn học, văn hóa của mình. Đó có thể là chương trình viết văn giúp lưu lại dáng hình thành phố trong các sáng tác. Ngoài ra tại những chương trình giao lưu, các nhà văn trẻ của nước sở tại luôn luôn góp mặt và được giới thiệu cùng những khách mời nổi tiếng, đặc biệt...
Có thể coi đây là những cách làm rất nên học tập, nếu muốn văn chương Việt Nam không còn vô hình và được biết đến nhiều hơn bên ngoài “biển lớn”.
Văn học Thượng Hải có gì?
Có mặt tại chương trình, bà Zhong Hong Ming, Tổng biên tập Tạp chí văn học Thu hoạch nổi tiếng – người “đỡ đầu” cho các tác phẩm của Diêm Liên Khoa và từng nhận giải thưởng Mao Thuẫn khi biên tập tiểu thuyết Phồn hoa của Kim Vũ Trừng – cho biết cũng như ẩm thực, kiến trúc, văn học Thượng Hải mang đậm dấu ấn của đô thị này.
Bà Zhong Hong Ming chia sẻ văn học Thượng Hải mang đậm dấu ấn của đô thị này.
Chẳng hạn vì là một trong những thành phố “mở”, thu hút cả di dân, người di cư, người nước ngoài nên văn học Thượng Hải cũng đầy màu sắc. Không dừng ở đó, tuy phát triển theo thời gian, nhưng bề dày văn hóa cũng được gìn giữ, từ đây tạo ra các màu sắc đặc biệt, vừa truyền thống nhưng cũng không ngừng thể nghiệm những phong cách mới.
Từ đây có thể khái quát 3 đặc điểm chính của văn học nơi đây, là phức tạp, đa nguyên và biến đổi không ngừng. Sự biến đổi ấy cũng đi từ những nhà văn gạo cội như Ba Kim, Trương Ái Linh, Vương An Ức… đến thế hệ sau đang dần khẳng định chỗ đứng với các tác phẩm nổi bật, gây được dấu ấn.
Tiếp lời, ông Bi Sheng – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Thượng Hải, nêu dẫn chứng là Zhong Hong Ming và ông Zhou Limin đều là những học trò xuất sắc của nhà văn Ba Kim, và đến lượt họ cũng đang hỗ trợ vô cùng nhiệt tình cho các cây bút trẻ.
Ông Bi Sheng chia sẻ về các thế hệ nhà văn tiếp nối.
Ông Fang Yan cho biết có thể chia thế hệ các nhà văn mới thành 3 nhóm.
Nói về thế hệ mới này, ông Fang Yan, Phó Tổng biên tập Tuyển san Tư Nam Văn học, cho biết có thể chia thế hệ các nhà văn mới thành những người sinh sau 3 mốc thời gian: 1970, 1980 và 1990. Trong khi đó, bà Lai Yingyan – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học Thượng Hải cũng bổ sung thêm lớp nhà văn sinh sau năm 2000 (hay thế hệ gen Z) – những người khởi đầu với thể loại thanh xuân vườn trường và đang từng bước ghi được dấu ấn.
Theo hai vị khách mời này, nhìn chung có hai chủ đề được các nhà văn trẻ quan tâm. Một là những cuộc đối thoại với cá nhân, với xã hội, với lịch sử để định vị bản thân là ai, đồng thời phản ánh quá trình phát triển của mình cũng như đất nước. Hai là sử dụng phong cách viết mới, kết hợp các khía cạnh khoa học – kỹ thuật – viễn tưởng để phản ánh thời thế nhưng qua đó cũng lạm bàn đến luân lý, đạo đức và nhân tính.
Dựa trên điều đó, các tạp chí như Thu hoạch, Văn học Thượng Hải, Tuyển san Tư Nam Văn học… cũng rất tích cực hậu thuẫn bằng cách giới thiệu các sáng tác độc đáo, chất lượng trên ấn phẩm của mình.
Các khách mời tham gia chương trình.
Và không chỉ bằng bản in mà trong kỷ nguyên số, các nền tảng mạng xã hội cũng được tận dụng tối đa, qua đó đưa tên tuổi của các nhà văn trẻ đến gần hơn nữa với thị trường và độc giả.
Chẳng hạn, mạng xã hội của tạp chí Thu hoạch từng đạt kỷ lục hơn 12 triệu lượt xem khi nhà văn Dư Hoa nổi tiếng livestream, qua đó cho thấy sự lớn mạnh của “thương hiệu” này khi hậu thuẫn cho thế hệ trẻ…
Nhìn từ Thượng Hải, không khó để thấy các chiến lược bền bỉ và bài bản trong việc nuôi dưỡng tiếng nói mới của văn học. Điều đó đặt ra câu hỏi cho chính chúng ta: Làm thế nào để tiếng nói của thế hệ hôm nay không chỉ vang lên trong nước mà còn chạm đến bạn đọc toàn cầu?.
Bài và ảnh: Minh Anh
______________
(*) Buổi tọa đàm khoa học quốc tế: Đối thoại về tương lai của văn học – Tiếng nói từ Thượng Hải diễn ra sáng 7.6 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM.