Nên “thu phí phát triển” dự án nhà cao tầng

 01:18 | Thứ sáu, 03/06/2016  0
Từ năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã cấm xây dựng nhà cao tầng trong nội đô Hà Nội. Sau 6 năm nghiên cứu, ngày 4.4.2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội. Động thái này có thể được xem là một bước cởi mở hơn, một số dự án cao ốc sẽ được xem xét cấp phép đầu tư theo quy chế ban hành.

Người Đô Thị có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và đô thị (Tổng hội Xây dựng Việt Nam). Ông Liêm nhận định:

       
        TS. Phạm Sỹ Liêm

Hà Nội phải chăm lo gìn giữ di sản và bản sắc đô thị nhưng không có nghĩa hoàn toàn không cho xây dựng nhà cao tầng. Ngay Paris hoa lệ của nước Pháp cũng phải chấp nhận khu đô thị mới La Défense cao tầng, và cạnh các tòa nhà cổ kính của London (Anh) cũng đã mọc lên nhiều cao ốc, trong số đó có tòa nhà “bắp ngô” nổi tiếng. Trước đây mấy năm, để chặn đứng xu hướng xen cấy vô tội vạ nhà cao tầng vào khu vực trung tâm Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ phải ra lệnh cấm tạm thời. Nay khi đã có sự nghiên cứu quy hoạch chu đáo thì việc Chủ tịch Thành phố ban hành Quy chế quản lý nói trên là cần thiết và kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo các khu chung cư cũ và tạo bộ mặt đô thi hiện đại cho các tuyến đường quan trọng đi vào trung tâm.

Việc nâng số tầng dẫn đến tăng mật độ dân cư, vậy theo ông, giải quyết thế nào vấn đề nâng cấp hạ tầng giao thông và điện, nước?

Mật độ dân số 4 quận cũ khá cao: tính theo cây số vuông thì quận Đống Đa có mật độ lớn nhất - khoảng 4 vạn người, còn các quận khác trên dưới 3 vạn. Nhiều đô thị các nước cũng có mật độ dân số khá cao tại khu trung tâm, như ở Paris (hơn 4,1 vạn người), hay khu Cửu Long ở Hồng Kông, khu Manhattan ở New York, vấn để là phải có hạ tầng tương xứng. Vì lẽ đó, tại khu vực xây nhiều nhà cao tầng thì việc quy hoạch và thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển hạ tầng không chỉ khu vực đó mà cả khu vực chung quanh có vai trò rất quan trọng. Điều này phụ thuộc năng lực của chính quyền đô thị, vì thị trường xây lên công trình còn chính quyền có trách nhiệm phát triển kết cấu hạ tầng. Để có nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng, nhiều nước thu “phí phát triển” tính theo m2 sàn xây mới. Nếu làm tốt thì theo kinh nghiệm quốc tế, việc nâng cao phần nào mật độ dân số hiện có vẫn khả thi.

Trung tâm TP.HCM nhìn từ phía Thủ Thiêm, quận 2. Ảnh Tất Đạt

Theo văn bản thì còn được phép xây nhà cao tầng để tạo điểm nhấn đô thị, như vậy có hợp lý?

Điểm nhấn đô thị, còn gọi là địa tiêu, rất cần thiết cho việc định hướng trong “cánh rừng” đô thị. Định hướng là nhu cầu của con người trong bất cứ không gian nào. Địa tiêu không chỉ là nhà cao tầng nổi bật mà cũng có thể là tháp truyền hình, hay vòng đu quay lớn (như ở London).

Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội vừa ra thông báo nhà chung cư cao tầng phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe. Xin ông cho ý kiến về chủ trương này?

Với quy định ít nhất phải có 3 tầng hầm để xe, diện tích chỗ để xe có thể vượt quá nhu cầu của bản thân chung cư, nhờ đó có thể phục vụ thêm nhu cầu để xe của khu vực chung quanh. Đây là chủ trương rất tốt góp phần giải quyết ách tắc giao thông đô thị, do nhiều diện tích mặt đường bị chiếm dụng làm chỗ để xe. Thế nhưng văn bản của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội mới chỉ là thông báo chủ trương. Để chủ trương đó đi vào cuộc sống, UBND TP. Hà Nội còn cần ban hành những quy định cụ thể hơn nữa.


 Ngày 4.4.2016 Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Quyết định 11/2016/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc của quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.

Các vị trí cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng gồm có: các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị. Khu vực vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m...

Quy chế cũng ấn định số tầng cao chi tiết đối với 17 dự án. Như khu chung cư Nguyễn Công Trứ cao 25 tầng, tương đương 90m; khu chung cư Giảng Võ 21 tầng, tương đương 76m; khu chung cư Quỳnh Mai có 24 tầng, tương đương 86m; khu Văn Chương tối đa 18 tầng tương đương 65m...


 Lệ Quyên thực hiện 

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.