Thị trường tạng “chợ đen” hình thành do bất cập cung - cầu
Sự phát triển của kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người ở nước ta đã góp phần cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân bị suy mô tạng, tạo ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân, tiết kiệm chi phí y tế ra nước ngoài thực hiện và giảm gánh nặng cho chi trả bảo y tế. Tính đến 30.6.2021, Việt Nam đã thực hiện ghép được 6 bộ phận cơ thể người với 6.113 ca, trong đó chủ yếu là ghép thận với 5.729 ca (chiếm 93,72%), ghép gan là 316 ca (chiếm 5,17%), ghép tim 0,88%, phổi 0,13%.
Hiện nay, nhu cầu ghép tạng tại Việt Nam hiện nay rất lớn, ước tính khoảng 8.000-9.000 người cần ghép thận, 10 nghìn người cần ghép gan, 1.000 người cần ghép tim. Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới. Nhiều chuyên gia y tế nhận định, tình trạng thiếu tạng ghép làm mất cân đối giữa cung- cầu đã hình thành việc mua bán tạng bất hợp pháp gây nhiều bi kịch cho người bán tạng, suy giảm sức khỏe và gia tăng chi phí y tế cho xã hội.
Ở châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ ca ghép tạng từ người hiến chết não chiếm hơn 80%. Trong khi đó, ở Việt Nam lại có xu hướng ngược lại. Trong tổng số các ca ghép tạng, số ca ghép tạng từ người sống chiếm tới 94%, số lượng ca ghép từ người hiến chết não rất thấp.
PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, phân tích sở dĩ tỷ lệ người hiến tạng chết não tại Việt Nam rất thấp là do những bất cập của quy định hiện hành. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác hiện hành quy định người trên 18 tuổi mới được hiến tạng, bao gồm cả những người đã bị chết não. Điều này, gây lãng phí một nguồn tạng rất lớn từ những người bị chết não ở mọi độ tuổi.
PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức.
Cũng theo ông Hệ, hiện chưa thể thống kê chính xác số lượng người chết não và đột quỵ, song ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 20 nghìn người tử vong bị chấn thương sọ não. Tính riêng tại Việt Đức có khoảng 1.500 người tử vong chấn thương sọ não (bao gồm cả tử vong tại Bệnh Viện và ở nhà), chưa tính số ca đột quỵ. Những người này trước khi ngừng tim đều trải qua giai đoạn chết não. Nếu như số người này đồng ý hiến tạng sẽ cứu được rất nhiều người. Trung bình, một người hiến tạng có thể cứu được 8 người và giúp 75 người cải thiện cuộc sống. Ví dụ như giác mạc, ghép van tim, mạch máu, gân cơ xương…
Đồng tình quan điểm này, bà Vũ Thị Minh Hạnh, chuyên gia Viện Chiến lược chính sách y tế, Bộ Y tế cho rằng, quy định “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết” tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác, đang là rào cản đối với những người có nguyện vọng hiến tạng khi chết não, gây lãng phí nguồn tạng rất lớn, vừa làm giảm cơ hội ghép mô, bộ phận cơ thể người cho những trẻ em có nhu cầu. Nhất là hiện nay, số lượng bệnh nhân trẻ em có nhu cầu ghép tạng khá lớn.
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia và ghép bộ phận cơ thể người, cho rằng quy định cho phép người trên 18 tuổi được phép hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống đã khiến cho các cơ sở y tế, cơ quan chức năng rất khó để kiểm soát được tình trạng mua bán tạng trên thị trường “chợ đen”. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý nhiều vụ án liên quan đến mua bán nội tạng. Nhiều thanh niên trẻ do nhận thức chưa đầy đủ hoặc bị dụ dỗ đã bán tạng, bộ phận cơ thể người để lấy tiền tiêu xài, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sau này.
ThS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia và ghép bộ phận cơ thể, chia sẻ tại hội thảo.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ năm 2018 đến nay, số người hiến tạng khi còn sống có độ tuổi dưới 30 chiếm trên 50% số ca ghép mỗi năm. Trong quá trình thực hiện, Bệnh viện nhận thấy các trường hợp hiến nhỏ tuổi nhận thức về việc hiến tạng chưa toàn diện và đầy đủ, dễ nảy sinh tiêu cực, hệ lụy sau khi hiến.
Đề xuất nâng độ tuổi đăng ký hiến tạng sống cho người không cùng huyết thống
Phát biểu tại Hội thảo khoa học về chính sách độ tuổi, quyền lợi và chi trả chi phí đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể người, PGS-TS Hà Phan Hải An, Trưởng khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Việt Đức), cho rằng để tăng nguồn cung tạng, cứu sống được nhiều người, trong đó có các bệnh nhân hiến thận, cần mở rộng giới hạn độ tuổi đối với người hiến, không đề ra giới hạn trên, đặc biệt là người hiến tạng khi chết. Đồng thời ứng dụng KDPI ( thang điểm để đánh giá chất lượng) cho hiến thận.
ThS Nguyễn Hoàng Phúc đề xuất giữ nguyên quy định độ tuổi đăng ký hiến tạng khi còn sống (từ 18 tuổi trở lên) đối với trường hợp cùng huyết thống. Đối với những trường hợp hiến sống không cùng huyết thống, nâng độ tuổi người hiến lên từ 30 hoặc 35 tuổi. Bởi vì độ tuổi này, người hiến đã trưởng thành, đã có gia đình, ổn định công việc rồi nên họ sẽ cân nhắc và có quyết định chính xác hiến tạng cho những người rất đặc biệt. Ông Phúc cho biết thêm, cần bổ sung hình thức đăng ký hiến tạng khi cấp bằng lái xe, làm căn cước công dân, bảo hiểm y tế…
Các bác sĩ ệnh viện Việt Đức tiến hành ca ghép tim từ tạng hiến. Ảnh tư liệu bệnh viện
Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thị Cẩm Tú, Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế, đề nghị Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nên sửa đổi theo hướng cho phép người dưới 18 tuổi bị chết não được hiến tạng nếu họ có tâm nguyện và được sự đồng ý của cha mẹ, hoặc người giám hộ hợp pháp.
Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Y tế - đơn vị được giao xây dựng Dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách, đã đề xuất 3 giải pháp về điều chỉnh độ tuổi ngưới hiến mô, bộ phận cơ thể người:
Giải pháp 1: Không giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não. Đối với người hiến chết não dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ, hoặc người giám hộ hợp pháp.
Đối với người hiến sống: người hiến sống cùng huyết thống phải đủ từ 18 tuổi trở lên, người không cùng huyết thống phải từ đủ 30 tuổi.
Giải pháp 2: Giữ nguyên như Luật hiện hành.
Giải pháp 3: Quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống và sau khi chết và hiến xác.
Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống và sau khi chết khi được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ, hoặc người giám hộ hợp pháp
Nhiều chuyên gia y tế đồng tình với việc điều chỉnh độ tuổi người hiến sống giúp giảm chi phí hỗ trợ cho người hiến sống, giảm được gánh nặng bệnh tật và giúp Nhà nước giảm chi phí hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, chi phí an sinh xã hội cho người bệnh suy mô, tạng.
Nguyễn Lê