Tổng kết nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022), Đại hội đã đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách trong suốt chặng đường năm năm qua, đặc biệt trong hai năm đại dịch, của toàn thể hội viên Tổng hội, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính mà Đại hội khoá VIII đặt ra. Nhìn lại chặng đường đã qua cũng như kỳ vọng tương lai phía trước của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phóng viên Người Đô Thị đã ghi nhận một số ý kiến từ các đại biểu tham dự Đại hội.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ảnh: BTC
Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng):
Cầu nối các nhà khoa học với cơ quan quản lý nhà nước
Tổng Hội Xây dựng Việt Nam là một tổ chức tập hợp rất nhiều các tổ chức hội chuyên ngành khác, như: Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam, Hội Đập lớn Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng, Bội Bê tông,… Trong 5 năm vừa qua, các thành viên của Tổng hội đã trực tiếp tham gia vào rất nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ, tổ chức nhiều hội thảo và đã tham gia tư vấn phản biện cho nhiều chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Xây dựng nói riêng và các bộ chuyên nghành khác có liên quan nói chung, như: tham gia tư vấn phản biện cho Luật Kiến trúc 2017, tư vấn phản biện cho việc sửa đổi Luật Xây dựng 2014, tham gia tư vấn phản biện cho Luật Quy hoạch và đóng góp nhiều trong các nội dung nghị định như nghị định hướng dẫn thực thi một số điều của Luật Kiến trúc, Luật Xây dựng và nhiều thông tư.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018-2021 Bộ Xây dựng đã triển khai đề án lớn của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng ban hành theo quyết định 198. Đề án thứ hai là đề án hoàn thiện hệ thống điện nước và giá xây dựng và đề án 2038 liên quan đến hoàn thiện hệ thống định mức kỹ thuật của ngành xây dựng nói chung trong đó có cấu phần của Bộ Xây dựng. Đây là những nhiệm vụ rất lớn với nhiều nội dung nhỏ có liên quan tới các chuyên ngành chuyên môn khác nhau đòi hỏi huy động một lực lượng chuyên gia rất lớn và chúng tôi đã dựa vào lực lượng chuyên gia của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Để rà soát 1.500 tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, rà soát 42 quy chuẩn của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà các bộ ngành đã xây dựng lên trong mấy chục năm vừa qua, chúng tôi đã huy động rất nhiều nhà khoa học và các chuyên gia của Tổng hội. Và đến nay đề án 198 cơ bản hoàn thành. Trên cơ sở ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học của Tổng hội, Bộ Xây dựng cũng đã rà soát và đưa ra một kế hoạch biên soạn soát xét trong thời gian tới khoảng 1.250 tiêu chuẩn và 42 quy chuẩn liên quan của các bộ ngành.
Chúng tôi lấy ý kiến chuyên gia, trong đó có chuyên gia của Tổng hội và các chuyên gia của Tổng hội cũng đề nghị nên gom nó lại. Thời gian tới 42 quy chuẩn có liên quan chỉ còn lại khoảng 11 quy chuẩn. Bộ quy chuẩn này được biên soạn theo một xu hướng mới trên tinh thần tiếp cận các khoa học công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, hướng tới phát triển xanh, giảm phát thải cacbon như cam kết của Chính phủ Việt Nam với thế giới. Với tính chất dễ theo dõi, dễ tra cứu, Bộ quy chuẩn này giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có căn cứ và dễ dàng tra cứu.
Ngày 5.8 vừa qua, Bộ Xây dựng có buổi làm việc với Tổng hội Xây dựng Việt Nam về việc đẩy mạnh trao đổi thông tin, tăng cường phối hợp giữa hai bên.
Trong những năm vừa qua, các chuyên gia của Tổng hội cùng các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã rà soát gần 15.000 trên gần 30.000 các định mức. Trước đây các định mức này chúng ta biên soạn trong thời kỳ quản lý quan liêu bao cấp, dựa trên những năng suất rất thấp và mấy chục năm không cập nhật. Gần 15.000 định mức này đã được rà soát trên cơ sở cùng với những thành tự khoa học công nghệ, vì vậy các định mức này tiến tới năng suất lao động thực tế hiện nay, đáp ứng được năng suất thực tế bây giờ. Việc cập nhật các định mức mới này giúp cho việc như khi chúng ta bóc dự toán một công trình thì dự toán sẽ tiết kiệm hơn, sẽ sát hơn với giá của bây giờ, nó góp phần giảm chi phí, giảm thất thoát trong việc thực hiện xây dựng các công trình.
Về góc độ cụ thể, trong thời gian vừa qua Bộ Xây dựng cũng đã giao cho Tổng hội một số nhiệm vụ khoa học công nghệ như sử dụng công nghệ viễn thám trong việc giám sát biến đổi khí hậu trong các đô thị, hay nhiệm vụ sử dụng công cụ GIS trong việc lập quy hoạch và nó là căn cứ để quản lý quy hoạch và thực hiện việc xây dựng cấp phép theo quy hoạch. Rồi các nhóm nhiệm vụ liên quan tới chuyển đổi số. Các đề tài giao cho Tổng hội chúng tôi rất tin tưởng vì đã huy động được lực lượng chuyên gia, kỹ sư đông đảo, và nhiệm vụ này khi đánh giá trong hội đồng nghiệm thu khoa học cấp Bộ đều hoàn thành khá trở lên.
Hay một đề tài rất lớn mà Bộ đã giao cho Tổng Hội thông qua Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng là đề tài liên quan tới thiết kế và thi công, nghiệm thu bê tông khối lớn. Đây cũng là nhiệm vụ mà chúng tôi đánh giá là hoàn thành suất sắc. Vì bê tông khối lớn khi thi công trong các điều kiện khí hậu Việt Nam sẽ có những đặc thù, cho nên phải làm sao kiểm soát được loại bê tông này khi đưa vào trong kết cấu làm việc, không bị nứt do quá trình co ngót, trương nở thể tích… Đề tài này đã được triển khai và hiện đã nghiệm thu. Thời gian tới trên cơ sở nghiên cứu này Bộ Xây dựng sẽ ban hành tiêu chuẩn và để áp dụng rộng rãi.
Khi chúng ta biết tận dụng kiến thức của các chuyên gia, các nhà khoa học của Tổng hội thì sẽ có thêm nhiều kết quả đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta đang bước vào giai đoạn tăng cường đẩy mạnh tất cả các hoạt động kinh tế cũng như các hoạt động khoa học kỹ thuật khác để góp phần nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế để phấn đấu đến năm 2030 đất nước ta là một đất nước có thu nhập trung bình cao. Với nhiệm kỳ mới, trong một bối cảnh mới, đòi hỏi cao của đất nước như vậy, để thành công thì đầu tiên chúng ta phải xây dựng thể chế cho đồng bộ, nghĩa là phải giải phóng được nguồn lực để đóng góp vào GDP của đất nước.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam được thành lập năm 1982, là tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín và là nơi tập trung nhiều nhà khoa học có chuyên môn sâu và các chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng. Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ảnh: BTC
Ngoài thể chế nói chung, về phía Bộ Xây dựng, các định mức đơn giá, các tiêu chuẩn quy chuẩn cũng phải sửa đổi, thường xuyên cập nhật với những tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới để góp phần nâng cao năng suất chất lượng. Và rõ ràng, để làm được thì chúng tôi cần rất nhiều ý kiến của đội ngũ chuyên gia. Chúng tôi kỳ vọng ban lãnh đạo của Tổng hội trong thời gian tới có chương trình hành động làm sao để Tổng hội là cầu nối kết nối các chuyên gia, mà không chỉ thế hệ các chuyên gia được học từ hệ thống các nước XHCN cũ, mà có thêm các chuyên gia trẻ hơn, được học và tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến từ các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á… và hoạt động phải thực sự dân chủ, có sự kết nối, tương tác tri thức giữa những thế hệ đi trước và sau này để chúng ta có tiếng nói chung. Cùng nhau kết nối với các tổ chức khác để nghiên cứu các đề tài, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ rồi triển khai ứng dụng thực tiễn.
Một điều nữa mà theo tôi là cần có ban đối ngoại để thúc đẩy phát triển các hoạt động liên kết quốc tế. Chúng ta có sự giao lưu với các hội tương đương của họ để học hỏi kinh nghiệm, qua đó ta có những thông tin, tài liệu. Trong thời buổi hội nhập quốc tế có vai trò quan trọng thì Tổng hội cũng nên xem xét, bố trí những cán bộ phụ trách trong lĩnh vực này được hiệu quả, từ đó xây dựng Tổng hội thực sự là ngôi nhà chung của các nhà khoa học kỹ thuật hoạt động về xây dựng.
Các đại biểu lắng nghe phần trình bày của đại diện các đơn vị về các công trình tiêu biểu của ngành Xây dựng Việt Nam được thực hiện thời gian qua. Hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình kỷ niệm 40 năm thành lập Tổng hội Xây dựng Việt Nam (1982 - 2022). Ảnh: BTC
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng):
Kỳ vọng vào định hướng hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) là hội thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Trong những năm qua Hội VLXD với chức năng tư vấn phản biện hội đã tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước của Bộ trong nhiều công việc, nhiều lĩnh vực như là xây dựng văn bản pháp luật xây dựng nghị định quản lý trong lĩnh vực vật liệu hay là thông tư về xuất nhập khẩu hàng hoá về vật liệu xây dựng và khoáng sản vật liệu xây dựng.
Những đề án mà Vụ Vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính phủ xây dựng trong những năm qua Hội VLXD là cơ quan rất tích cực tham gia vào việc xây dựng, như đề án về phát triển vật liệu xây không nung, đề án về xây dựng chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050 và đề án về phát triển vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình biển đảo…
Hội VLXD đã góp phần tích cực vào thành công của các nhiệm vụ của Tổng hội đã đề ra trong các nhiệm kỳ trước. Bởi vì lực lượng của Tổng hội là tập hợp rất nhiều những người có trình độ, những giáo sư tiến sĩ đầu ngành, các chuyên gia hiện đang làm việc cũng như đã về nghì hưu nhưng còn sức khoẻ và trí tuệ tham gia góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Ở nhiệm kỳ IX, tôi kỳ vọng vào định hướng phát triển cũng như định hướng hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam vào nhiều lĩnh vực nói chung để có đóng góp nhiều vào xu thế cũng như định hướng phát triển của ngành xây dựng nói chung và lĩnh vực vật liệu xây dựng nói riêng.
Lệ Quyên ghi