Nhịp cầu Hoàng Sa trao nhà mới cho liệt sỹ biên phòng ở Lào Cai

 15:50 | Thứ tư, 20/04/2016  0

Trần Văn Duẩn là Đội trưởng Đội Vũ trang đồn Biên phòng A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai. 

Tham dự buổi trao nhà mới có sự tham dự của đại diện bộ đội biên phòng Bát Xát, A Mú Sung, phòng giáo dục địa phương, cơ quan chức năng địa phương, và anh em, bạn bè gia đình liệt sĩ Trần Văn Duẩn. 

Ngôi nhà này được xây bằng sự đóng góp của người Việt đang sinh sống khắp mọi miền Tổ Quốc và ở nhiều nơi trên thế giới, với tổng chi phí là 450 triệu đồng. 

“Đây là một món quà rất lớn với gia đình. Chương trình có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn, tiền bạc không phải tất cả.”, đại diện gia đình chia sẻ. 

Đại diện của Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa, bộ đội biên phòng Bát Xát tại lễ mừng nhà mới của cô giáo Vân Chi. Ảnh: Lê Quỳnh

Ngồi lặng lẽ trong phòng con dâu Vân Chi trong căn nhà mới, bà Lương Thị Hạnh, mẹ liệt sĩ Trần Văn Duẩn vừa ôm cháu nội vừa rơi nước mắt nhớ con. Liên tục nói lời cám ơn chương trình và sự quan tâm của mọi người, bà Hạnh chia sẻ, đêm nằm thương con dâu, thương cháu, bà không biết làm sao được. Bà biết không bao giờ lấy lại con mình được nữa, nhưng bây giờ không chỉ gia đình bà bị mất mát này, mà vẫn còn nhiều gia đình khác cũng có con cháu hi sinh, nên sự quan tâm của các cơ quan đoàn thể và món quà hôm nay là một sự may mắn hơn rồi.   

Tại buổi lễ, đại diện Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa cho biết, ngôi nhà này được xây không chỉ để tri ân sự hy sinh của đại úy Trần Văn Duẩn mà còn để chúng ta nhớ rằng, trong những ngày, tưởng như đất nước đang sống trong hòa bình, vẫn có những người Việt Nam phải hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc trước những thách thức đến từ Trung Quốc. 

Đây là ngôi nhà thứ 6 của Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa, và là ngôi nhà thứ hai được khánh thành trong năm 2016. 

Chị Vân Chi và con trai Trần Bảo Nam (6 tuổi) bên di ảnh liệt sỹ Trần Văn Duẩn trong căn nhà mới. Ảnh: Lê Quỳnh

Bà Lương Thị Hạnh, mẹ liệt sĩ Trần Văn Duẩn xúc động bởi món quà tri ân, và bởi: "Chương trình có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn, tiền bạc không phải tất cả". Ảnh: Lê Quỳnh

Một tháng trước, vào ngày 19.1.2016, các thành viên Nhịp Cầu Hoàng Sa cùng đại diện các cựu binh và các gia đình có người hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa (19.1.1974) đã tổ chức lễ tưởng niệm 74 tử sỹ Hoàng Sa, và mừng nhà mới cho gia đình bà quả phụ Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí tại quận Bình Tân, Sài Gòn (Nhịp cầu Hoàng Sa góp 650 triệu đồng giúp bà Trí mua căn nhà này). 

* Dịp này, đại diện chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa cũng đã đến thắp hương tại Khu tưởng niệm 31 liệt sĩ đồn biên phòng A Mú Sung. Được biết, trong số 31 liệt sỹ của đồn biên phòng này, có 23 binh sĩ hy sinh vào sáng sớm 17.2.1979, ngày Trung Quốc tấn công xâm lược nước ta; 4 binh sỹ hy sinh vào ngày 17.2.1984, ngày Trung Quốc đẩy mạnh một giai đoạn mới cuộc chiến tranh Biên giới (1979-1989); Trần Văn Duẩn cũng hy sinh vào ngày 17.2: 17.2.2010. 

* 10h30 sáng 17.2.2016, đại diện chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa cũng đã đến thắp hương tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Thời điểm đoàn có mặt, lư hương Đài tưởng niệm Liệt sĩ xã Y Tý lạnh ngắt không một chân nhang. Không một cành hoa, một đĩa hoa quả. Trong 98 liệt sĩ được ghi tên nơi đây, có 25 binh sỹ ngã xuống vào rạng sáng 17.2.1979 trong chiến đấu chống trả cuộc tấn công của quân xâm lược Trung Quốc.

Cũng ngày 17.2 cách đây 37 năm trước, hàng triệu người Việt Nam đã đứng lên, đã cầm súng; hàng vạn người Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng trước quân xâm lược.  

 Khu tưởng niệm 31 liệt sĩ đồn biên phòng A Mú Sung. Ảnh: Lê Quỳnh

Dâng hương tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Ảnh: Nguyễn Trương

Nhịp Cầu Hoàng Sa là một chương trình do các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức cùng nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình và tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu khởi xướng nhằm tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược, đặc biệt là hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988. 

Hoàng Sa là chiến trường duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, nơi - trước ngày 30.4.1975 - người Việt không bắn vào người Việt. Hoàng Sa là một địa danh nhắc nhở chúng ta, mỗi khi người Việt kề vai sát cánh bên nhau sẽ nhận rõ ai mới thực sự là kẻ thù chung, ai mới là kẻ có dã tâm xâm lược. Vì thế Hoàng Sa còn là một nhịp cầu "bắc" để nối những tấm lòng, và để người Việt hòa giải cùng người Việt.

PV

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.