Những mái nhà tha thiết trôi...

 08:05 | Thứ ba, 13/06/2023  0
Chỉ khi nào giữa sự phóng khoáng ê hề gió mưa, không lố nhố lợi ích, xa rời bê tông, tôi mới thấy mình... “là người”. Công dân phố mà “thăm phố” hơn là “ở phố”. Đi đây đó, đến lúc “trở về” thường là trên những chiếc nhà bè.

“Em hốt hoảng chở sông hồ lên núi/ Xé thời gian làm vạn mảnh, rồi cười” (Thi ca của K’rajan Bri)

Nhà bè (thiên hạ trên bờ gọi nó là nhà nổi) nằm trên các con hồ tự nhiên giữa rừng và những năm gần đây là trên các lòng hồ thủy điện. Hồ nào thì cũng là hồ, đều giữa bao la núi rừng, màu xanh. Quá nhiều ngôi nhà như thế dành cho tôi, ở nhiều vùng rừng núi trên xứ Thượng Kirata (tiếng Chăm cổ) này. Dĩ nhiên tôi cũng biết chèo xuồng, bỏ lưới, thả om, giăng câu... Tôi cũng thích làm những việc đó. Nó thong thả, nhẹ tênh, rất kỷ luật, khoa học, nghiêm túc, và giờ giấc. Đâu giỡn chơi với trời đất, chốn phong ba, nước non thủy vật được. Mùa nắng nóng hắt lên, hay mùa mưa đổ nước vẫn thấy thanh bình, không khí cứ trong lành.

Hồ tự nhiên thì thường hiện diện một hai cái nhà bè. Nhà bè được đặt trên những cái thùng nhựa dày kín nắp làm phao. Nhà cất rất nhanh, chỉ cần chở mớ thùng nhựa mua từ thị trấn huyện lỵ về, thêm một số tấm tôn cùng bạt nhựa để đấy, rồi lên mép rừng chặt lấy những cây tạp, lồ ô xuống lắp vào. Là xong. Khâu buộc dây, đóng đinh, nối chằng nó vào nhau là quan trọng, tỉ mẩn, quyết định kết cấu vững chãi của toàn bộ khối nhà, mất nhiều thời gian nhất.

Một làng ngư phủ “rơi” xuống một lòng hồ thủy điện ở Tây Nguyên.


Nhà làm trên bờ, xong thì đẩy nguyên khối xuống nước. Bơi nguyên chiếc nhà đi bất cứ đâu trong lòng hồ bao la này. Sinh hoạt trên đó, với những ngủ nghỉ, giải trí, tiếp khách, nấu nướng, sinh con đẻ cái, cưới hỏi. Căn nhà nào cũng có một chiếc xuồng kẹp vào hông nhà, là phương tiện đi lại, để kiếm cơm và để vào bờ khi cần. Hồ lớn hơn chút thì xuất hiện năm, bảy nhà nổi. To như các hồ thủy điện mới thì hiện ra mười, mười lăm nhà, và hồ thủy điện đã lâu năm thì đông đến năm bảy chục nhà, thành cả một làng chài lớn trên hồ. 

Một cái đập thủy điện dựng lên, ngăn từ một dòng sông, thì một lòng hồ sẽ hình thành từ chân đập đó tỏa ra, và rộng đến bao la, vòng vèo qua bao nhiêu núi đồi, thung lũng. Cứ thế, vài tháng sau, những nhà nổi của kẻ “du ngư” bỗng đâu hiện ra. Quy luật cá tìm nước, chim tìm rừng, người tìm hồ. Và hiển nhiên, sau ngư phủ là tôi. Vì tôi cũng là một thứ “cá”. “Con cá” phiêu bạt cõi người, lạc bầy thị thành, bơi mơ mộng thắm thiết ở dương gian mà ngỡ như mấy ông thi sĩ bơi trong chữ, như đế vương bơi trong cung điện lụa là, như loại người chơi cổ phiếu bơi trên sàn chứng khoán…

*

Thuở chưa có điện thoại di động, mỗi lần về tôi băng các cánh rừng, đến đoạn bờ hồ có xóm nhà bè ngoài kia vẫy tay hoặc hú thật to thì tích tắc có xuồng bơi vào đón. Từ độ sóng di động phủ vào núi rừng thì gọi nhau bằng điện thoại. Thế đó, tôi thành đứa con “ngoài giá thú” của những làng bè.

Cô bác, anh chị, các em, các cháu còn chỉ cho tôi ăn những cây rau dại sống trên mặt hồ nhiệt đới, trong đó có những loài mà trước đây tôi không nghĩ có thể ăn được, và ăn ngon đến vậy. Ngư dân khai sáng cho tôi về con tôm, con cá. Họ dạy cho tôi tính nết khác nhau của những loài cá, con ốc, con cua, con tôm, con rắn, và kỳ độ loài nào thì nó xuất hiện, tiết trời thế nào thì nó ưa, lẫn điều dễ thương, dễ ghét của chúng; cả lối ái ân, chơi đùa, đến đặc điểm sinh nở bảo vệ con của nó. Họ dường như hiểu được tất cả những gì ở thế giới mặt nước (ngọt) nhiệt đới này, như cuốn “bách khoa nhiệt đới” vậy đó.

*

Hồ trong rừng nhiệt đới có đủ bốn mùa trong một ngày. Nó dịch chuyển theo sắc thái, trong nắng, trên cây, dưới nước, lạnh - ấm - nóng - mát, mát - nóng - ấm - lạnh,  rồi ở ẩm độ, phong độ, không khí mỗi giờ nữa.

Ban ngày thì khỏi nói, ôi chao đầy sinh khí, người, cây, chim chóc tưng bừng, lõa thể hết. Chỉ có cá thì tìm nơi ẩn trú. Ban ngày thì đẹp nhưng ban đêm mới là tuyệt vời. Trước hết là ở cá, nó sẽ di chuyển, đi ăn. Những màn đêm bao trùm xuống lòng hồ, cả núi rừng tối um. Tối um nhưng chẳng có gì buồn bã. Chắc vì giữa cái gì thênh thang, cao rộng quá thì con người ta hòa vào trong đó, tâm trí trở nên mỏng lét, quên mất “nhu cầu” buồn.

Cứ thế, nhà bè đầu đêm, le lói mấy chấm sáng trên lòng hồ, thứ ánh điện cắm vào bình ắc quy. Vào kỳ có trăng thì ôi thôi cả lòng hồ sáng chói, phản chiếu, có lúc không cắm điện ắc quy làm gì nữa để tiết kiệm, dù nhà bè nào cũng có đến ba bình điện sơ-cua (gần đây thì đều chuyển sang xài loại đèn cầm tay cơ động tích điện từ ánh sáng mặt trời). 

Khoảnh khắc nhà bè.


Đêm cũng là lúc chúng tôi bơi xuồng tỏa ra xa đi đặt để ngư cụ và mồi xuống nước. Chừng hai tiếng rưỡi là thôi việc này. Về lại nhà bè, với những sinh hoạt như người trong thế gian. Cuộc sống đơn sơ thế này thì cũng chẳng phải đấu tranh sinh tồn hay so sánh mình với thế nhân về những cơ cầu, ham muốn, thành tựu, danh vọng, tự hào, hơn kém, tranh giành gì mà phải phiền não, nhiễu loạn tâm trí. Ở đâu, vật gì, con gì thiện lương, lành thường tự nhiên chơn chất, ít tính toán.  Chúng tôi chỉ để ý đến trời, thời tiết, để biết hôm nay tôm cá di chuyển ra sao và chăm sóc lại ngư cụ lành rách thế nào… 

Giữa màn đêm như vầy, tiếng những con cá quẫy nước mới nhắc nhở chúng tôi đây đang là dưới nước. Tiếng động con thú, côn trùng trên các vách núi nhắc đây đang là núi rừng. Màn đêm, nhắc chúng tôi đi ngủ sớm để còn đón bình minh, và ba giờ rưỡi sớm mai dậy xuống nước gỡ cá. 

Những bình minh trong lành, nắng rọi về, hơi nước bốc lên, không gian sống không chỉ thái bình mà còn đẹp tha thiết. Những ngày có mưa thì nước từ trời bỡn cợt trên mái nhà bè. Kỳ mưa mà thêm gió thì nhà bè đong đưa nhè nhẹ, nhưng đến độ tan vỡ nhà thì không bao giờ, vì chuyện này đã được lường tính khi dựng ráp nhà. Về độ làm nhà thông minh thích ứng thiên nhiên sông hồ thì ngư dân lưu lạc này giỏi cứ như người Nhật bên biển tính toán cho nhà chống chịu tồn tại được trên vành đai động đất, sóng thần.

Dân sông hồ này sống ngoạn mục lắm. Nhìn trời là đo được độ to của mưa, độ mạnh của gió rồi. Gió vừa thì các nhà bè tụm lại với nhau chứ không để rời ra như khi trời thanh bình. Gió to thì cũng đã di chuyển nhà bè vào các eo nước có vách núi. Dù biết sống khó nhất là sống giữa trời đất, vũ trụ chứ không phải nơi đô thị vì phải luôn “đọc” cho được ý trời để sinh tồn chứ không phải như ở phố cái gì cũng hớt hải, bầy đàn, kêu réo chính quyền, cơ quan hữu trách. Một sự lựa chọn tính bằng cả kiếp người. 

Tôi thương bà con lắm, cả kiếp người sống chân chính, chăm chỉ, và dạt trôi. Họ yêu thiên nhiên hơn tôi, gắn vào nó như máu thịt. Mà rốt cuộc thì tôi cũng chẳng thấu ấy là sự lựa chọn hay định mệnh. Còn họ bảo họ thương tôi vì sự thật thà, lạc quan, sống lành mạnh và thơ mộng. Chỉ có một cuộc đời, chỉ sợ sống không “sạch”, chứ đã có căn sống sạch rồi thì mắc gì để nó “dơ”, hay rẽ lối hoặc lùi lại. Làm người rất dễ bị “dơ”, vì cơ cầu-tham-sân-si là ma lực vô tận, là cái “gen” của loài người. Rừng núi khắc nghiệt có gầm gừ giông gió cũng còn có quy luật để hiểu, chứ đô thành thì chẳng có quy luật tự nhiên nào cho những kẻ sống thiên về tình cảm có thể đỡ đòn.

Thế đó, Cát Tiên, Dak Buk So, Dà Mi, Hàm Thuận, Nam Ka, Đại Ninh, Yaly, Tà Đùng, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, La Ngà... có những căn “nhà tôi” ở đó.

*

Điều lạ là dù trên miền cao nguyên, chứ không phải hạ lưu Mê Kông nhưng bà con ngư phủ này đều nói giọng miền Tây Nam bộ và đều là cộng đồng “di cư” từ tận vùng Biển Hồ Tonlé Sap (hồ tự nhiên rộng lớn nhất Đông Nam Á nằm ở Campuchia) về. Dọc dài nhiều thập kỷ trước đó nữa, họ ra đi từ xứ sông nước miền Tây. Đơn giản họ là những người lưu lạc, sống đời lưu lạc mãi thế, và chỉ bằng nghề duy nhất là đánh cá.

Họ là những công dân không bao giờ có đất đai, rẫy vườn, không bao giờ nghĩ đến nhà trên đất. Họ mang ơn tất cả những ao hồ trên mặt đất. Họ mang ơn nắng, mưa, giông gió. Họ mang ơn những nơi quạnh quẽ. “Quê hương” của họ xuyên qua mọi thứ, là rừng, là bầu trời, không còn khái niệm của địa phận, biên giới, hay địa lý hành chánh. Họ yêu cây đờn guitar phím lõm. Thứ nhạc họ ưa hát là cải lương. Tôi không lý giải được điều này, chỉ thấy lạ, lạ thật...

Từng nhiều chục năm cư trú bên đất Campuchia mà sao họ cứ thuần Việt phương Nam thế này, không nói được tiếng Khmer. Chắc hồi ở bên đó họ chỉ sống với nhau, không cần giao du. Hay bởi họ chỉ để ý đến bầu trời, mặt nước, là tự thấy đã đủ. Đời trôi sông lạc chợ mà vẫn không “đứt gốc”. Chao ôi, tôi nghe cải lương giữa rừng. Tôi đang giữa miền Thượng, Tây Nguyên mà! 

Tôi vốn xưa giờ không màng đến “chánh chị chánh em” (vì nó chả có gì thơ mộng để mà hấp dẫn hay làm mình thương yêu cõi tạm là cuộc đời này!) nên cũng chẳng bao giờ tò mò hỏi họ kỹ hơn về lý do của sự “quay về” hay lai lịch của họ - mà có khi hỏi thì thêm đau lòng. Sống với họ, chuyện trò về những gì thuộc hiện thực, về thiên nhiên, tôm cá là đã không hết chuyện để hàn huyên rồi.

Người miền Tây vốn phóng khoáng, mà đời siêu lưu lạc qua nhiều không gian sông hồ như họ lại càng phóng khoáng hơn nữa. Phóng khoáng đến độ xa lạ như tôi mà họ cũng xem là “người nhà”. Phóng khoáng như họ cứ luôn giành lấy tôi phải về với nhà bè của họ, đến mức nhiều bận tôi không biết phải xử lý làm sao (mãi mới nghĩ ra, vậy thì ở mỗi bè một tuần, xoay tua từ cái nhà bè mà mình bước lên trước; nếu kỳ “về” đó mà chưa ở giáp vòng thì kỳ sau bắt đầu ở tiếp tại nhà bè liền kế).

Phóng khoáng như cái lão ngư trên hồ Dà Mi, nhà bè của ông lâu ngày cũ hỏng, vừa đóng được chiếc mới và chắc nhất thì vô tư nhường ngay cho cặp trẻ mới cưới là con cái một nhà bè khác, còn mình xuống chiếc xuồng con mà sinh hoạt “để bọn chúng dễ bề sinh nở!”. Đúng như ông nhạc sĩ thị thành nào đó đã viết, “người quê chỉ có tấm lòng”. 

Tác giả đi đánh cá trên một hồ nước tự nhiên ở vùng rừng giáp ranh Việt Nam - Campuchia. Ảnh: CTV


Đâu đó đã hình thành trên đời, rằng thế nhân chỉ có thể quá giang xe của người chốn làng quê, lỡ bước chỉ có thể ở nhờ nhà người miền thôn dã, chỉ có thể đi nhờ xuồng của ngư dân chứ người ta không thể tương tự như thế khi đặt chân đến thành phố, nhà thị dân. Bởi văn minh đô thị là thứ văn minh giả hình tự huyễn lẫn nhau chứ không phải văn minh trái tim, nghĩa là nó không thật có, không đẹp, không “phát sáng” nhân tính. Vì ở nơi đó là sa mạc của niềm tin, nhân tính khó tươi thắm, tự nhiên. Làm sao mà sánh được những xóm bè, làng chài của tôi, những cuộc đời lưu lạc ba đào. Ngư phủ miền Thượng không làm đau lòng thiên nhiên và cũng không làm phiền lòng người trong dương thế. Họ chỉ sống cho xong một kiếp người. Nên chính quyền nào cũng dễ dàng chấp nhận họ, không cần phải thẻ xanh, thẻ vàng, hay đăng ký tạm trú tạm vắng.

Ngư phủ chúng tôi không bao giờ đói, nhưng cũng không bao giờ giàu. Vì buổi này giàu là phải ở trên đất, dính chút “đất”.

“Nhà bè của tôi” là căn nhà của tình yêu cuộc sống.

Tôi mà vắng lâu ngày, thì thường nghe cô bác ngư phủ gọi nhắn điện thoại: “Đi đâu, lâu không về!”. Họ coi tôi là ngư dân tự lúc nào tôi chẳng biết nữa. Tôi là người của ao hồ, sông nước rồi sao!?

Tôi không lý giải được lối sống cùng phương trình tâm hồn mình. Nhưng tôi biết hàm số chịu chơi trong sáng của những căn nhà lênh đênh trên ao hồ ở rừng kia… 

Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.