Ồ ạt đi tiêm vắcxin sau “thông báo” có dịch

 14:20 | Thứ năm, 24/04/2014  0

Chỉ một ngày sau khi Bộ Y tế thừa nhận có dịch sởi, tại các điểm tiêm chủng trở nên quá tải. Những người có nguy cơ cao mắc sởi nên tiêm phòng vắcxin sởi.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cục trưởng cục Y tế dự phòng cho biết, kết quả chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi chung trên toàn quốc đến 20.4 là 59,0%. Chín tỉnh có tỷ lệ tiêm vắcxin phòng, chống dịch sởi đạt trên 80%; tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, kết quả tiêm của chiến dịch vắcxin phòng chống dịch sởi đạt kết quả lần lượt là 83,1% và 61,7%. Bên cạnh đó, vẫn còn 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắcxin sởi đạt tỷ lệ tiêm dưới 50%. “Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới và lịch tiêm chủng của bộ Y tế, lịch tiêm vắcxin sởi là hai mũi. Mũi đầu bắt đầu từ lúc chín tháng tuổi, mũi sau lúc 18 tháng tuổi. Nếu trẻ đã được tiêm hai mũi đúng lịch thì có thể bảo vệ phòng bệnh sởi 90-95%. Mũi thứ hai được tiêm sau mũi thứ nhất phải ít nhất một tháng trở lên”, ông Phu nói.

Quyết định trên được ngành y tế đưa ra trong bối cảnh dịch sởi đang bùng phát mạnh với nhiều ca mắc và tử vong. Ngay tại Hà Nội, trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành tiêm phòng miễn phí vắcxin sởi cho trẻ nhỏ dưới sáu tuổi từ ngày 20.4. Hiện nay, số trường hợp mắc sởi ở Hà Nội chiếm 30% trong tổng số ca của cả nước và tỷ lệ tử vong chiếm tới 50%.  Ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, ngành y tế Hà Nội đang triển khai quyết liệt biện pháp, hy vọng trong thời gian tới, đến khoảng hết tháng tư dịch sởi trên địa bàn Hà Nội sẽ được khống chế. Hà Nội cố gắng đảm bảo đủ vắcxin cho đợt tiêm vét này. Tuy nhiên, nếu quá đông người tiêm cùng một lúc không ngoại trừ nguy cơ thiếu, hết vắcxin.

Chống dịch: tiêm phòng 

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng quốc gia, cho biết khi tiêm vắc xin sởi để phòng bệnh kháng thể sẽ xuất hiện sau hai tuần và đạt tối đa sau bốn tuần. Nhiều nghiên cứu cho thấy kháng thể đối với virút sởi từ mẹ truyền sang cho con qua sữa mẹ là rất thấp và không đủ để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi.

Bẵng đi nhiều năm dịch sởi lại bùng phát, ngoài quy luật quay lại của dịch, nhiều người đặt ra nghi ngờ về chất lượng vắcxin. Về điều này, GS. Hiển khẳng định: “Vắcxin sởi hiện đang dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắcxin do trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (bộ Y tế) sản xuất dưới sự hỗ trợ hoàn toàn từ công nghệ, dây chuyền sản xuất của Nhật Bản, đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của tổ chức Y tế Thế giới và được viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế thường xuyên kiểm định chất lượng. Ngoài ra, vắcxin cũng được vận chuyển bảo quản trong dây chuyền lạnh theo đúng quy định. Do đó, theo tôi không có vấn đề gì về chất lượng vắcxin”.

Việt Nam cam kết với quốc tế năm 2017 thanh toán được bệnh sởi, liệu đợt dịch này ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu cam kết? GS. Hiển cho rằng, điều này phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắcxin sởi theo qui định và vào tiến độ các chiến dịch tiêm chủng sẽ được thực hiện vào thời gian tới đây. Nếu chúng ta làm được như thế, thì sẽ tạo được quần thể miễn dịch cao nhất. Trong các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh dễ lây lan như sởi, thì tiêm phòng là hiệu quả cao nhất. Việc Việt Nam có đạt được mục tiêu loại trừ sởi, tức duy trì được tỷ lệ mắc một ca/một triệu dân hay không phụ thuộc vào hiệu quả của việc triển khai tiêm phòng vắcxin sởi.

Nếu bộ Y tế thừa nhận dịch sởi sớm hơn để người dân có ý thức tiêm phòng thì đã không có những cái chết oan uổng.

Lệ Hà

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.