Luật sư Trương Trọng Nghĩa, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV

Quốc hội phải góp sức hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

 10:30 | Thứ năm, 20/05/2021  0
LTS. Luật sư Trương Trọng Nghĩa đã có hai lần đắc cử đại biểu Quốc hội, khóa XIII do Hội Luật gia TP.HCM đề cử và khóa XIV do Đoàn Luật sư TP.HCM đề cử. Lần này, ông tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tại đơn vị bầu cử Quận 6 và huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Trước ngày bầu cử (23.5), Luật sư Nghĩa có cuộc trò chuyện với Người  Đô Thị về nhiều vấn đề ông còn trăn trở trong vai trò đại biểu Quốc hội và gợi mở những suy nghĩ hướng đến kiện toàn cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. 

Vì sao lần này ông tự ứng cử? Được giới thiệu ứng cử với tự ứng cử khác nhau như thế nào, thưa ông? 

Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, Đoàn Luật sư TP.HCM không được phân bổ cơ cấu giới thiệu ứng cử viên như nhiều khóa trước. Giới luật sư cả nước chỉ được một suất giới thiệu ứng cử viên phân bổ cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Nếu tôi không tự ứng cử thì Quốc hội khóa XV chỉ có một ứng cử viên là luật sư. Vậy là quá ít. Vì vậy, tôi quyết định tự ứng cử, để nếu cả hai được bầu thì Quốc hội khóa XV chí ít cũng có hai đại biểu là luật sư. Mà như vậy vẫn ít, vì khóa XIV có đến ba luật sư là đại biểu Quốc hội. 

Phản hồi từ cử tri, báo chí và nhiều đại biểu Quốc hội cho thấy những vấn đề mà đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phản ánh hay đề xuất tại nghị trường, phần lớn là trúng đích, đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Ảnh: Minh Quân 

Người được giới thiệu và tự ứng cử có khác nhau về thủ tục ban đầu, nhưng khi đã vào danh sách chính thức do Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố thì theo luật định đều có điều kiện như nhau trong việc vận động bầu cử. Tuy nhiên cho đến nay, tỷ lệ người tự ứng cử đắc cử khá thấp và tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người tự ứng cử lại càng thấp. Khóa XIII có 4 đại biểu, khóa XIV có 2 đại biểu, nghĩa là dưới 1%, thậm chí dưới 0,5%.

Xin nói thêm, khi đã trúng cử thì các đại biểu cơ bản đều bình đẳng về quyền hạn và nghĩa vụ. Chỉ khác nhau là đại biểu chuyên trách (khóa XV, theo luật là 40% tổng số đại biểu, nghĩa là 200 người) thì phải làm việc toàn thời gian tại các cơ quan của Quốc hội. Còn đại biểu kiêm nhiệm thì chỉ phải dành tối thiểu 30% thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, thời gian còn lại được tiếp tục làm công việc hiện tại của mình. 

Vì sao ông lại muốn có nhiều hơn đại biểu Quốc hội là luật sư?

Nhiều công việc, chức trách, lĩnh vực hoạt động của Quốc hội rất cần các đại biểu chẳng những có kiến thức pháp luật sâu rộng mà còn cần đến bề dày thực tiễn hoạt động pháp lý. Do công việc của mình, khác với các ngành thẩm phán, kiểm sát viên hay điều tra viên, nghề luật sư còn có thế mạnh đặc thù là hiểu rõ quá trình pháp luật đi vào cuộc sống, qua việc tư vấn thương lượng, ký kết hợp đồng; qua tranh tụng, bào chữa, giải quyết tranh chấp; đặc biệt là qua thực tiễn tư vấn pháp luật trong các doanh vụ hội nhập quốc tế như xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, mua bán - sáp nhập, thị trường chứng khoán, chống phá giá, và các vụ kiện tại trọng tài quốc tế. Có những vụ việc có giá trị vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD. 

Do đó, khi thảo luận và thông qua các dự thảo luật, những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn ấy sẽ giúp các đại biểu nhìn thấy các hạn chế, bất cập, các sơ hở, chồng chéo, bất hợp lý của các quy định để chỉ ra và đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện. Những kiến thức và kinh nghiệm ấy cũng cần cho đại biểu Quốc hội khi tiến hành các hoạt động khác như giám sát, chất vấn, xử lý các khiếu nại, tố cáo của cử tri… 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa là Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM; Thạc sĩ Luật, Lý luận chính trị cao cấp; Đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV, Đại biểu HĐND TP.HCM khóa IV và VII; Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026), đơn vị bầu cử số 8: Quận 6 và huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Trong hơn 15.000 luật sư chuyên nghiệp hiện nay của Việt Nam, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người có được những thế mạnh đó. Tất nhiên, đại biểu Quốc hội còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn quan trọng khác, như ý chí dấn thân vì dân, vì nước; là sự liêm chính, vô tư; là phong cách gần dân, sát dân... Tuy nhiên, các đại biểu là luật sư, với những thế mạnh như tôi vừa nêu, chẳng những có thể làm tròn chức trách đại biểu của mình, mà còn có thể hỗ trợ cho hoạt động chung của Quốc hội.

Trong các chương trình hành động của ông qua các lần ứng cử đại biểu Quốc hội, ông luôn khẳng định trách nhiệm đầu tiên của mình là sâu sát với cử tri, cố gắng phản ánh đến Quốc hội một cách trung thực, đầy đủ những trăn trở, bức xúc của nhân dân, những vấn đề cần giải quyết của đất nước. Trong 10 năm thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, ông có thể chia sẻ những điều tâm huyết và còn trăn trở? 

Khi đọc lại trên báo chí những vấn đề mà mười năm qua tôi đã phản ánh, đã chất vấn, đã tranh luận, đã đề xuất trong vai trò đại biểu Quốc hội, tôi thấy hầu hết là những vấn đề hay vấn nạn mà nhân dân, cử tri, dư luận đang quan tâm, đang bức xúc, muốn được đại biểu phản ánh trên diễn đàn Quốc hội và muốn được Quốc hội có tiếng nói, có hành động cụ thể để giải quyết, để cải thiện tình hình. Đó là những ý kiến về phát triển kinh tế bền vững, tăng cường nội lực; về các vấn nạn môi trường, văn hóa, giáo dục; về các vụ án có dấu hiệu oan sai; về chăm lo cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa; về bảo vệ chủ quyền, biển đảo...

Những phản hồi từ cử tri, từ báo chí và cả từ nhiều đại biểu Quốc hội mà tôi nhận được cho thấy, những vấn đề tôi phản ánh hay đề xuất, phần lớn là trúng đích, là đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tất nhiên, việc chấp nhận và giải quyết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vào tình hình cụ thể của đất nước, vào quan hệ đối nội, đối ngoại. 

Tôi rất hạnh phúc mỗi lần những ý kiến của tôi, cùng với các đại biểu khác, đã thuyết phục được đa số đại biểu, được lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành trung ương tiếp thu, khi nhiều, khi ít, cách này hay cách khác. Tất nhiên, tôi cũng chưa thật hài lòng, thỏa mãn về những tác động, hiệu quả trong hoạt động của tôi. Tôi vẫn còn những món nợ đối với cử tri, và đó cũng chính là một trong những động lực khiến tôi tự ứng cử Quốc hội khóa này. Nếu những ý kiến đóng góp của tôi không đem lại kết quả tích cực gì thì tôi đã không tiếp tục ứng cử vào Quốc hội. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (Đơn vị bầu cử số 8 - quận 6, Bình Chánh) vào chiều 18.5.2021. Ảnh: Trung Dũng


Đã hai lần (khóa trước và khóa này), trong chương trình hành động tranh cử, ông nhấn mạnh đến nhiệm vụ: tham gia xây dựng pháp luật bảo vệ các quyền con người, quyền công dân... Ngoài các luật như Luật Hội, Luật Biểu tình (Quốc hội hai khóa trước vẫn còn để lại), theo ông, chúng ta cần có thêm những luật nào nữa để các quyền căn bản của người dân được đảm bảo thực thi? Và vì sao các đạo luật trên bị chậm trễ? 

Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, bằng rất nhiều bộ luật, đạo luật, Quốc hội khóa XIII và XIV đã thể chế hóa khá nhiều quyền con người, quyền công dân được hiến định tại Chương II của Hiến pháp 2013. Tổng cộng, Quốc hội đã ban hành khoảng 300 bộ luật, luật và nghị quyết có hiệu lực như luật, kể cả Hiến pháp, đạo luật cơ bản của đất nước.

Toàn bộ thành tích lập pháp trên đây cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước, trong đó tất nhiên có cả gần 500 đại biểu Quốc hội, trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý đất nước bằng luật, dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Rất nhiều quyền con người, quyền công dân đã được thể chế hóa bằng luật.

Nhưng cũng trong chức năng lập pháp, Quốc hội vẫn còn nhiều việc phải làm. Một số đạo luật cho thấy chất lượng chưa cao, hoặc có những quy định không hợp lý, chưa rõ ràng, chồng chéo và mâu thuẫn nhau, từ đó cản trở hoạt động kinh tế, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Luật Đất đai đã chín muồi để sửa đổi, Luật Hôn nhân Gia đình và Luật Trẻ em cũng có những điểm bất cập, chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong hôn nhân, hay răn đe tội phạm bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em.

Đặc biệt, về quyền lập hội và quyền biểu tình, là hai quyền con người quan trọng quy định trong Công ước của Liên Hiệp Quốc mà nước ta là thành viên, đến nay vẫn còn chưa có luật như Công ước quy định. Mặc dù, Nghị quyết 48 năm 2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” đã chỉ đạo như sau: “Xây dựng các đạo luật về lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm của công dân trong việc thực thi quyền dân chủ và trách nhiệm của Nhà nước trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng”; Chính phủ nhiệm kỳ XIII và XIV cũng đã xúc tiến soạn thảo hai đạo luật này, nhưng đến nay dự thảo vẫn chưa hoàn tất để lấy ý kiến Quốc hội. 

Việc chậm trễ trên đây theo tôi còn do những khác biệt trong nhận thức: một bên thì cho rằng có những hành vi xã hội nếu quy định bằng luật thì quản lý sẽ phức tạp; bên khác lại cho rằng chính vì phức tạp nên càng phải quản lý bằng luật. Dù thế nào thì những điều tôi vừa nêu thực sự là những món nợ lập pháp của Quốc hội đối với nhân dân, không nên để kéo dài hơn nữa. Mà, như đã nói, đây là việc mà Đảng đã có nghị quyết. 

Theo ông, Quốc hội khóa XV, trong giai đoạn mới này của đất nước, cần có những thay đổi hay cải cách gì để nâng cao vai trò hiến định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất? Để thực hiện điều đó thì cần những thể chế gì? 

Về tư pháp, đã có Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị tháng 6.2005 “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, đang tổng kết để tiếp tục giai đoạn tới. Chính phủ cũng đã tiến hành “Chương trình cải cách hành chính 2011 - 2020”, và đang thực hiện “Chương trình cải cách hành chính 2021 - 2030”. Do đó, theo tôi, đã đến lúc cần có một “Chiến lược nâng cao hiệu quả và vai trò của Quốc hội”, chí ít cũng cho tầm nhìn trung hạn, đến năm 2030 chẳng hạn.

Vì sao? Đại hội toàn quốc XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu phát triển rất cao cho 2030 và 2045. Để đạt được những mục tiêu đó, phải có những chuyển động đột phá ở hạ tầng cơ sở như: chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, củng cố nội lực, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số của loài người.

"Hoạt động giám sát của Quốc hội càng trúng đích, kịp thời và thực chất thì bộ máy nhà nước của chúng ta, nhất là hành pháp và tư pháp, càng có hiệu quả cao, càng liêm chính, càng tích cực phục vụ nhân dân, người dân sẽ càng hài lòng, tin tưởng vào nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa."

LS. Trương Trọng Nghĩa - Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Theo quy luật, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan lập hiến, lập pháp, cơ quan giám sát tối cao, cũng phải cải cách để không trở thành lực cản, để đồng bộ, thậm chí đi trước, tạo hành lang cho sự phát triển của đất nước. Vừa qua, Quốc hội cũng đã đổi mới, như tăng đại biểu chuyên trách lên 40%, giảm bớt đại biểu hành pháp, họp trực tuyến, chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội tranh luận”. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới Quốc hội vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi hy vọng có thể có những sáng kiến, đề xuất và tham gia vào quá trình đổi mới đó.

Và điểm đầu tiên, mà tôi cũng đã có lần đề nghị tại Quốc hội khóa XIV, là thay đổi cơ chế soạn thảo và ban hành luật. Theo tôi, không nên giao khoán hết việc soạn thảo luật cho Chính phủ và các bộ, ngành, và chỉ trình ra Quốc hội sau khi hoàn chỉnh dự thảo, như hiện nay. Quốc hội, là cơ quan lập pháp, nên chỉ đạo và kiểm soát toàn bộ các giai đoạn của quá trình lập pháp. Tất nhiên, quá trình đó không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ của Chính phủ và các bộ, ngành, của các chuyên gia, nhà khoa học, học giả và các tầng lớp nhân dân, nhưng Quốc hội phải giữ vai trò chủ trì. Có như thế mới khắc phục được những dự luật lẽ ra phải nhắm đích phục vụ lợi ích của toàn dân, của xã hội thì có khi lại mang dấu ấn “lợi ích quản lý của bộ, ngành”, thậm chí có biểu hiện “lợi ích nhóm”, như một số đại biểu đã cảnh báo trong kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ tháng 3 vừa qua.

Trong cuốn Việt Nam hôm nay và ngày mai (vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 4.2021) có một bài viết của ông nhan đề “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Đặc thù chính trị của Việt Nam”, ông có đưa ra các giải pháp để khắc phục những bất cập của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua. Trong các giải pháp đó, theo ông, Quốc hội cần tập trung những nội dung cụ thể nào?

Quốc hội còn nhiều việc phải làm, như tôi đã trình bày. Hoạt động lập pháp phải giúp hình thành và hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực để chống lạm quyền, chống tham nhũng và lãng phí, chống bè phái và lợi ích nhóm trong phân bổ nguồn lực, phân bổ cơ hội và phân bổ chức vụ.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tiếp các công dân ở Kon Tum kêu oan trong vụ án “Cưa cây khô phạm tội trộm cắp”, tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ngày 18.1.2019. Ảnh:  Ngân Nga (Báo Pháp Luật TP.HCM).


Tiếp theo là hoạt động giám sát, là một chức năng quan trọng của Quốc hội. Ban hành nhiều luật, nghị quyết, nhưng việc chấp hành và thi hành như thế nào? Giám sát là chức năng hiến định và là quyền hạn đặc thù của Quốc hội. Giám sát cũng là phương thức kiểm soát quyền lực hợp hiến, hợp pháp. Và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước là công việc mà nghị quyết Đảng đã yêu cầu, qua đó tăng cường vai trò và hiệu năng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động giám sát của Quốc hội càng trúng đích, kịp thời và thực chất thì bộ máy nhà nước của chúng ta, nhất là hành pháp và tư pháp, càng có hiệu quả cao, càng liêm chính, càng tích cực phục vụ nhân dân, người dân sẽ càng hài lòng, tin tưởng vào nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cuối cùng, nếu được bầu lại là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ thứ ba, ông có cảm tưởng gì? 

Hình như có dư luận cho rằng đại biểu Quốc hội ở Việt Nam chỉ có một vai trò hình thức, không cần lao tâm khổ trí. Với tôi, làm đại biểu Quốc hội, cho dù không chuyên trách, là một trách nhiệm nặng nề, phải dành nhiều thời gian, tâm lực, phải vượt qua nhiều áp lực trong cuộc sống. 

Ví dụ: tham dự kỳ họp trong 4, 5, có khi 6 tuần liền ở Hà Nội; ở khách sạn công vụ, ăn tập thể và tuân thủ một biểu thời gian làm việc đúng giờ tăm tắp, nối tiếp nhau với cường độ cao; phải ngồi họp nhiều ngày liên tiếp trong hội trường, lắng nghe, theo dõi, nắm bắt và thảo luận khi cần thiết.

Hay, trong vòng vài ba ngày đến một tuần phải đọc và nắm được nội dung hàng ngàn trang tài liệu gồm dự thảo, tờ trình, báo cáo thẩm tra, tư liệu tham khảo v.v.. để thảo luận tổ hay cho ý kiến tại hội trường một số dự án luật; hoặc là phát biểu trước hội trường, có truyền hình trực tiếp, về những quyết sách quan trọng quốc gia, những chủ đề đang nóng trong công luận, chỉ trong vòng bảy phút hoặc ít hơn. Rồi tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp và thường xuyên trong nhiệm kỳ. Rồi đọc, nhận xét và có cách xử lý hàng trăm đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri gửi đến cho mình. Nếu không quen và chậm thích nghi, và nếu thiếu tâm huyết với sứ mệnh dân cử, các đại biểu không thể đủ thời gian, tâm trí và ý chí làm tốt nhiệm vụ đại biểu mà còn gặp khó khăn trong công việc và đời sống riêng. 

Tại kỳ họp cuối tháng 3 vừa qua, tôi được Chủ tịch Quốc hội trao Kỷ niệm chương vì những đóng góp cho Quốc hội trong hai khóa XIII và XIV. Nghĩa là xác nhận mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Nếu lại được cử tri giao trách nhiệm lần thứ ba, với thuận lợi là không phải trải qua “thời gian làm quen công việc” và “quá trình thích nghi cuộc sống” của một đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ đầu, nên tôi tin chắc sẽ hoàn thành tốt. 

Duy Thông thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.