Sau 10 năm tạm ngưng hoạt động để đầu tư cho dự án góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá vớisự khánh thành Bảo tàng áo dài đã đi vào hoạt động kể từ năm 2014, chương trình Điểm một thời của Sĩ Hoàng sẽ trở lại tại phòng trưng bày mới toạ lạc tại 77 đại lộ Nguyễn Huệ, Q.1, ngay giữa trung tâm thăm quan mua sắm và đi dạo của khách du lịch.
Phiên chợ âm phủ sẽ dẫn dắt người xem
Không chỉ là một nơi thưởng thức, tìm hiểu về trang phục Việt, văn hoá bản địa, chương trình nghệ thuật Điểm một thời sẽ bao gồm những bản cổ nhạc được trình tấu theo nguyên tác và các nhạc phẩm độc tấu cầu kỳ được sáng tác dựa hoàn toàn trên âm sắc bản địa.
Ngoài ý nghĩa quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt, đây còn là nơi để các nghệ sĩ, nhạc công cổ nhạc được trọng vọng như các đại sứ văn hoá, trổ diễn mọi tinh hoa của dòng nhạc này mà trong đó, thậm chí không ít khán giả Việt Nam còn chưa được biết hết về sự độc đáo, tính nguyên bản của các nhạc cụ, cùng các trường phái cổ nhạc từ Bắc chí Nam như hát văn, hát xẩm, cùng ý nghĩa cổ văn của các bản ca nguyên tác.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng tại không gian sẽ diễn ra chương trình Điểm một thời
Các điểm nhấn của chương trình sẽ là phiên chợ âm phủ, cuộc khai hoa của tổ mẫu Âu Cơ và báu vật thạch cầm. Điểm một thời sẽ có hai cuộc diễu hành của nguyên mẫu áo dài từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20, và bộ sưu tập nguyên bản và phục chế trang phục 54 dân tộc Việt Nam.
Với ý nghĩa xuyên suốt là hình ảnh một phiên chợ âm phủ, trong tín ngưỡng người Việt là nơi hai cõi âm - dương giao hoà, những hồn phách, vóc dáng người Việt xưa sẽ trở về, mọi ranh giới thời cuộc được xoá mờ, để khán giả chỉ trong vòng vài phút, sẽ nhập cuộc và nhìn ngắm lại chiều dài lịch sử văn hoá, chính biến, kinh thương của quốc gia hiển hiện qua từng biến đổi, tiến hoá trên loại trang phục được coi là “bộ da thứ hai của người Việt”.
Sau đó, sẽ là một cuộc hội chan hoà, sầm uất và đa sắc của các dân tộc thiểu số, trong những bộ trang phục mà đích thân hoạ sĩ Sĩ Hoàng đã bỏ nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm như một đề tài mỹ học và phục dựng chuẩn xác đến từng tiểu tiết phụ trang.
Xen kẽ, đỉnh cao của cuộc tương tác với khán giả sẽ là hoạt cảnh gánh hàng rong, những món quà quê với tiếng rao mời, từng hiệu ứng âm thanh, hình ảnh sinh hoạt với mong muốn đánh thức mọi tiềm thức sinh động về tuổi thơ của mỗi người Việt Nam, và dẫn dắt khách ngoại quốc vào tận những hồi ức dân dã thường nhật của đời sống thanh bình bản địa.
Các người mẫu, diễn viên được tuyển lựa hoàn toàn không dựa theo mỹ cảm đương thời về hình vóc người mẫu thời trang. Hầu hết 40 người mẫu còn ở độ tuổi sinh viên hoặc mới tốt nghiệp, được chọn theo tiêu chuẩn hình thức giản dị, trung thực với hình thể sắc vóc của người Việt xưa và mỹ cảm của từng giai đoạn văn hoá về nét đẹp người phụ nữ.
Chương trình cũng sẽ tôn vinh một đặc sản của người Việt, sau trống đồng, chính là bộ đàn đá hiếm hoi nguyên mẫu cổ vật sẽ được trình tấu ngay trước mắt khán giả dưới ngón gõ điêu luyện của các nhạc công thế hệ hậu duệ.
Đây sẽ là một nơi tiếp khách của người Việt
Tổng thể chương trình chính là một cuộc thăm thú đời sống, tập quán, tinh thần với đầy đủ tuyên ngôn hiếu khách nhưng kiêu hãnh của người Việt - ở tư thế những người chủ nhà hồn hậu và đầy hãnh diện. Ước muốn của ê kíp là chương trình sẽ như là một nơi tiếp khách đến với TP.HCM, Việt Nam.
Ngoài ra, trong năm 2017, liên tiếp các kịch bản chương trình mới sẽ được ra đời tập trung theo các chủ đề như đặc sản văn nghệ Nam Bộ, đêm tân nhạc Sài Gòn và nhiều chủ đề độc đáo theo khoanh vùng giai kỳ khác của lãnh thổ văn hoá Việt Nam sẽ được tuần tự dàn dựng và công diễn.
Kịch bản chương trình Âm vang đất nước được dàn dựng, bổ sung và đạo diễn bởi nhà báo Trác Thúy Miêu, đạo diễn Lương Duyên, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng, NSƯT Anh Tấn, thiết kế sân khấu Trương Nhựt Trung và nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Trác Thúy Miêu trước khi xuất hiện với vai trò là người dẫn chuyện trong các chương trình truyền hình, chị còn là học trò của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Chị từng thiết kế chính cho vở cải lương Kim Vân Kiều.
Trác Thúy Miêu vừa là tác giả kịch bản chương trình vừa là người dẫn chuyện song ngữ
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, cựu phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP.HCM, cựu tổng biên tập báo Phụ Nữ, người đồng hành với Sĩ Hoàng trong nhiều năm qua cho biết bà vô cùng xúc động và hạnh phúc khi biết tin Sĩ Hoàng tiếp tục trở lại với Điểm một thời. “Là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, chúng tôi còn một món nợ với đất nước là tìm kiến, xây dựng và phát triển một chương trình nghệ thuật mang hồn vía Việt để tự tin tiếp đón khách quốc tế đến TP.HCM. Tôi hy vọng rằng, Điểm một thời sẽ thực hiện được sứ mệnh đó trong tương lai”.
Đêm diễn đầu tiên sẽ diễn lúc 20g ngày 3/1 tại 77 Nguyễn Huệ, Q.1. Về giá vé xem chương trình, dự kiến sẽ là 700.000đ, 800.000đ, trong thời gian đầu sẽ được giảm giá 30%. Trước tết, chương trình sẽ diễn ra khá linh động, sau tết sẽ diễn hằng ngày với 2 suất/ ngày.
T.A