Mới đây, TAND quận 6 (TP.HCM) đã thụ lý đơn kiện cơ sở thẩm mỹ H.A (phường 13, quận 6, do bà T.T.N.H làm đại diện) cùng yêu cầu được bồi thường 360 triệu đồng của chị N.T.L (23 tuổi, quê Đắk Lắk).
Ôm hận vì làm đẹp
Trong đơn khởi kiện, chị L. trình bày theo lời giới thiệu của người quen, chị đến học việc tại cơ sở thẩm mỹ H.A với mức giá 10 triệu đồng trọn khóa. Theo chương trình, chị L. sẽ được đào tạo tiêm filler, nhấn mí, xăm mi.
Ngày 15.12.2016, bà H. kêu chị L. đến một công ty ở quận Tân Bình mua 2 mũi filler về tiêm cho khách. Đến chiều cùng ngày, còn 1 mũi bà H. tiêm cho chị L. nhưng sau đó chị bị đau liên tục và nôn ói.
Sau khi được uống nước gừng, chị L. ngã quỵ nên được bà H. đưa đến Bệnh viện quận 6 cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM. BV chẩn đoán chị bị đột quỵ nên chuyển sang BV Nhân dân 115 điều trị. Tuy nhiên, một thời gian sau, mắt trái chị L. không thể hồi phục vì toàn bộ dây thần kinh hốc mắt đã bị phá hủy, kèm theo viêm màng bồ đào, viêm mống thể mi và bắt đầu bong giác mạc.
"Bác sĩ nói bị teo nhãn cầu, chỉ có thể mổ mắt để khắc phục nhưng chi phí một lần phẫu thuật là 70 triệu đồng, khoảng 5 năm hoặc 10 năm phải đi phẫu thuật để tránh teo nhãn cầu" - chị L. chia sẻ.
Cũng khổ vì làm đẹp, ngày 12.12, theo dự kiến, chị T.N.K (23 tuổi, quê La Gi, Bình Thuận) sẽ đến BV Chợ Rẫy TP.HCM phẫu thuật lấy chất làm đầy mũi.
Trước đó, giữa tháng 11.2017, chị K. đi tiêm chất làm đầy mũi tại một spa ở Phan Thiết nhưng bị nhiễm trùng, hoại tử, biến dạng và thủng da vùng mũi. Chị K. được điều trị nội khoa bằng thuốc một thời gian. Sắp tới, các bác sĩ sẽ mổ lấy chất làm đầy mũi, sau đó tạo hình mũi cho chị K.
Tương tự, vì muốn có một khuôn mặt đầy đặn, chị V.T.H (29 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) lên mạng tìm kiếm một cơ sở thẩm mỹ để thực hiện phẫu thuật. Chị H. được nhân viên tiêm silicon lỏng vào vùng mặt. Khoảng 3 tháng sau, hai gò má bị mưng mủ do chất làm đầy vón cục bên trong khiến chị đau đớn phải vào BV cấp cứu.
Một phụ nữ bị biến chứng vùng cổ khi đi thẩm mỹ
Đừng biến mình thành "vật thí nghiệm"
Trao đổi với PV, PGS-TS Đỗ Quang Hùng - Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy - nhấn mạnh: "Để có thể hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thì sau khi học 6 năm ở trường y, bác sĩ được đào tạo thêm 3 năm về chuyên ngành thẩm mỹ, sau đó thực hành ít nhất 2 năm. Như vậy, để hành nghề chuyên nghiệp, một bác sĩ ít nhất phải tôi luyện 11 năm".
Theo bác sĩ Hùng, những cơ sở thẩm mỹ chui không được phép bơm chất làm đầy vào cơ thể người khác. Đó là hành vi vi phạm pháp luật. Việc tiêm các chất này tại cơ sở thẩm mỹ chui có thể gây thuyên tắc vùng mắt làm teo nhãn cầu, thuyên tắc vùng mũi gây hoại tử da mất cánh mũi. Nặng hơn, nếu tiêm mạch não giữa có thể gây hôn mê, liệt và tử vong. Chất làm đầy có rất nhiều loại trôi nổi trên thị trường, chỉ một số chất làm đầy được cho phép sử dụng và bác sĩ phải rất cẩn thận khi dùng để bảo đảm an toàn, không gây biến chứng cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hùng cho biết hiện nay ở các vùng nông thôn và ngoại thành TP.HCM, người dân vẫn chuộng bơm chất làm đầy, bơm silicon ở những cơ sở chui. Hằng năm, tại BV Chợ Rẫy, các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị biến chứng do tiêm chất làm đầy ở mặt, mũi và tiêm silicon vào ngực.
"Đừng dễ dãi với sức khỏe của bản thân, đừng biến mình thành vật thí nghiệm cho người khác và tuyệt đối không tin vào những lời quảng cáo của những người không có bằng cấp. Để an toàn, cần đến những cơ sở thẩm mỹ được nhà nước cấp phép hoặc BV công được quản lý theo hệ thống" - bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Má lúm đồng tiền thành má lồi
Mới đây, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị cho chị L.L.N (30 tuổi) do biến chứng của việc tạo má lúm đồng tiền.
Chị N. là học viên một cơ sở thẩm mỹ nhỏ tại quận 3 (TP.HCM). Trong quá trình học việc, chị quyết định thực hiện thủ thuật nhấn má lúm đồng tiền để "nâng cấp" khuôn mặt. Tuy nhiên, người thực hiện tạo má lúm đồng tiền cho chị N. cũng là một học viên. Hậu quả là vùng má của chị bị nhiễm trùng nặng, thay vì tạo thành đồng tiền lõm thì chỗ phẫu thuật lại lồi lên một vết sẹo lớn.
Bài và ảnh: Phạm Dũng