3 vắc xin trong nước vẫn đang thử nghiệm lâm sàng
Tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 3, trả lời báo chí về việc sản xuất vắc xin trong nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết có ba ứng viên gồm Nano Covax, Covivax, ARCT-154.
Đối với vắc xin Nano Covax do Công ty Nanogen nghiên cứu, đến hiện tại đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Vắc xin này được hội đồng đạo đức và hội đồng tư vấn thuốc họp. Qua rà soát hồ sơ thì còn một số dữ liệu mà hội đồng yêu cầu bổ sung. Hiện công ty đang tổng hợp, bổ sung dữ liệu cho hội đồng. Nếu đủ điều kiện thì hội đồng sẽ trình Bộ Y tế cấp phép cho vắc xin này.
Với vắc xin Covivax thì đang được đánh giá ở giai đoạn hai và đang hoàn thiện hồ sơ, đề cương để thử nghiệm lâm sàng.
Vắc xin tiếp theo là ARCT-154 dùng công nghệ tiên tiến mRNA, đã đánh giá giữa kỳ giai đoạn một và đang triển khai giai đoạn 3a và 3b.
Theo ông Tuyên, cả ba ứng cử viên này đang thử nghiệm lâm sàng, và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Khi các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Tư vấn cấp phép, trên cơ sở đánh giá của hai hội đồng này, nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cấp phép cho các loại vắc xin này.
“Vắc xin là sinh phẩm tiêm cho con người nên yêu cầu đánh giá mức độ an toàn rất cao, tránh tai biến tức thì khi tiêm vắc xin chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ”, ông Tuyên nói.
Theo ông Tuyên, đến nay Việt Nam đã cơ bản phủ đủ hai liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi. Tháng 12.2021, Bộ Y tế đề xuất và sau đó Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán với Pfizer, có một số tổ chức như Đại sứ quán Australia, Hà Lan, Mỹ tại Việt Nam đề nghị sẽ hỗ trợ vắc xin cho trẻ em. Vì vậy, Bộ Y tế đang điều chỉnh để trình Chính phủ, đảm bảo tỷ lệ mua và tỷ lệ nhận viện trợ đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng.
"Bộ Y tế đã tổ chức truyền thông, tập huấn kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 tuổi, để các địa phương tiêm ngay khi có vắc xin", Thứ trưởng Y tế cho hay.
Cần thiết kéo dài Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu
Trả lời báo chí về Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết 42 đã tác dụng rất tích cực và số nợ xấu được xử lý 380.000 tỉ đồng. Đây là khối lượng vốn rất lớn đã được giải phóng, tái tạo, đầu tư cho nền kinh tế và tránh được lãng phí cho xã hội.
"Theo quy định, sau năm năm nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực. Chúng tôi thấy rằng việc phát triển kinh tế xã hội nói chung thì cần phải có một đạo luật để xử lý nợ xấu cho nền kinh tế chứ không riêng lĩnh vực ngân hàng. Để có luật này thì cần phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động. Nếu như không kéo dài Nghị quyết 42 thì sẽ không có cơ sở pháp lý cho những khoản nợ đang tồn đọng. Do đó, cần thiết kéo dài nghị quyết 42 trong thời gian tới", đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu.
Vì sao khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt kỳ vọng?
Đề cập đến việc mở cửa du lịch, đại diện Bộ VH-TT-DL cho biết tháng 11.2021 Việt Nam đã thí điểm mở cửa đón khách quốc tế. Ngày 15.3 vừa rồi, Thủ tướng chỉ đạo mở cửa du lịch thời kỳ mới. Tuy nhiên, lượng khách đến Việt Nam không nhiều.
Lý do trước hết với hoạt động du lịch quốc tế thì liên quan đến luồng khác. Do ảnh hưởng của dịch thì việc này bị gián đoạn, đứt gãy giữa bên đón khách và bên nhận khách. Do đó, cần có thời gian để các bên kết nối lại.
Ngoài ra, luồng khách từ Đông Bắc Á chiếm tới 70% nhưng Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách Zero Covid, hoặc Hàn Quốc yêu cầu cách ly khi từ Việt Nam về; ngoài ra tình hình căng thẳng Nga – Ukraine thì lượng khách Nga gần như đóng băng. Hơn nữa, thời gian qua ca mắc COVID-19 của Việt Nam cũng khá cao nên du khách cũng có những cân nhắc.
“Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đối với các thị trường trọng điểm; hỗ trợ các doanh nghiệp để đón khách tốt hơn; những vấn đề liên quan đến y tế cũng cần thông thoáng hơn, kiểm soát tốt dịch bệnh… sẽ thúc đẩy được việc thu hút du khách tới Việt Nam thời gian tới”, đại diện Bộ VH-TT-DL nêu.
Lam Thanh