“Tôi nghe nói uống thuốc điều trị rối loạn cương vào có thể gây mù mắt, xin bác sĩ cho biết thực hư ra sao?”
Tuấn Lê (TP.HCM)
Ảnh: internet
Đúng là trong “chuyện kia” thì thị giác có thể không cần thiết, nhưng thuốc giúp “khoẻ” bên dưới mà hại bên trên thì chẳng ai ham. Năm 2005, các bác sĩ nhãn khoa ghi nhận khoảng 50 người bị mất thị lực (một mắt hay cả hai mắt) sau khi có dùng thuốc ức chế men PDE-5. Y học gọi tình trạng mù mắt nầy là “bệnh thần kinh thị do thiếu máu cục bộ vùng trước không do viêm động mạch” (Nonarteritic anterior ischemic optic neuropathy = NAION). Thông tin nầy được hiểu nôm na là “uống thuốc trị rối loạn cương có thể gây mù”, làm sợ “hết vía” cho những ai đã và đang sử dụng thuốc nầy.
Có hai vấn đề cần xem xét đối với thông tin trên. Trước hết, khỏang 15% người uống thuốc sildenafil và vardenafil chữa rối loạn cương bị một tác dụng phụ ở mắt là nhìn cái gì cũng thấy lóe xanh xanh, do chúng ngoài tác động ức chế men PDE-5 ở dương vật giúp máu dồn tới dương vật gây cương, thì nó cũng có một chút tác động ức chế anh em gần của men PDE-5 là men PDE-6 nằm tại võng mạc mắt. Tác động nầy chỉ kéo dài vài giờ là hết, không gây mù.
Kế đến, bệnh nhân mắc phải cái bệnh có cái tên dài ngoằng nầy là những người đột nhiên, và không đau, mất hẳn thị lực ở một mắt nào đó, mà không phải do động mạch mắt bị hư. Những bệnh nhân nầy thường bị tiểu đường hay cao huyết áp. Tất cả các bệnh nhân “xấu số” trên đều bị tiểu đường, cao huyết áp, tăng mỡ trong máu, tức là có sẵn nguy cơ bị bệnh thần kinh thị giác. Những người nầy dù có uống hay không uống thuốc ức chế men PDE-5 trị rối loạn cương thì cũng đều có thể đột nhiên bị mù.
Tóm lại, hiện tại, chưa có chứng cứ khoa học để nói là các thuốc ức chế men PDE-5 gây mù mắt. Dù sao, bệnh nhân chỉ nên uống các thuốc nầy khi thật sự cần, đúng chỉ định của bác sĩ, phải coi đây là thuốc chữa bệnh chứ không phải thuốc “tăng lực”.
Những bệnh nhân rối loạn cương mà có bệnh tiểu đường hay cao huyết áp, mỡ trong máu cao thì cần phải đi khám mắt trước khi uống thuốc trị rối loạn cương, để nếu bệnh nhân đã có mắc bệnh rối loạn thần kinh thị giác nầy rồi thì bệnh nầy phải được ưu tiên chữa trước, chữa xong đã rồi mới tính đến chuyện “hạnh phúc gia đình”.
TS-BS. Nguyễn Thành Như
(chuyên khoa tiết niệu - nam học)