rần Trung Tín làm bên xưởng phim, nhưng anh có nhiều bạn viết văn như lũ chúng tôi. Đó không chỉ là lũ bạn làm văn làm thơ, còn là những bạn xem tranh ngay khi anh vừa vẽ xong. Cái đêm mưa bão Trần Trung Tín lấy giấy báo cũ ra và bôi màu lên để vẽ một con người đang suy tư, bức tranh đó chúng tôi không bao giờ quên. Tín tâm sự: “Mình không làm sao vẽ cho cái đầu thụt xuống giữa hai cánh tay bưng chặt lấy để diễn đạt cho đầy đủ ý tưởng người suy tư”.
Tôi nhớ hồi đó Hà Nội đang chiếu phim Hamlet của Liên Xô, một bộ phim kêu gọi con người trở lại làm động vật có suy tư. Khi đó, Tín đã bỏ công việc phát thanh viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam để đi làm phim. Hình như ngồi trong phòng cách âm xa cuộc đời thực là chuyện không hợp với tạng Trần Trung Tín. Anh đi làm phim Vật kỷ niệm của người đã mất, chắc là hy vọng gần hơn với cuộc sống một thời có thật của bè bạn, đồng chí, đồng bào. Tuy bộ phim được khen, nhưng chừng ấy vẫn không thoả mãn Trần Trung Tín. Anh thèm khát một cái gì đó cao hơn thế, xa hơn thế, sâu sắc hơn thế và có thật hơn thế. Thế rồi bộ phim Hamlet đã ghé Hà Nội. Tôi nhớ, sau đó, tóc của Trần Trung Tín và của Nguyễn Tự Huy đều cắt đuổi như tóc diễn viên đóng vai Hamlet. Nhưng rồi anh cũng không chịu dừng lại ở những thay đổi bề ngoài, ở bộ tóc, anh thích sự thay đổi trong tư duy. Cái đêm mưa gió ấy, Trần Trung Tín ngồi vẽ người suy tư, người ôm lấy đầu mình cho nó khỏi vỡ tung ra…
Con bế mẹ - sơn dầu trên giấy báo - HN 1972 - Trong tranh Trần Trung Tín , chủ đề mẹ - con là một chủ đề quan trọng đối với ông . Con bế mẹ được sáng tác trong thời gian mẹ ông bị bệnh , ông phải chăm sóc và bế mẹ - “khi con còn nhỏ thì mẹ bế con , nhưng khi mẹ đã già thì con bế và cõng mẹ”
Từ đó chúng tôi hay lui tới ngôi nhà nhỏ góc phố Nguyễn Biểu – Quán Thánh để “đọc” anh qua những bức vẽ bằng bút sáp, bằng màu nước, và về sau còn vẽ cả bằng sơn dầu trên nền toile bao giờ cũng là những tờ báo lăn lóc không ai đọc.
Người ta thường nói Trần Trung Tín chẳng học ai hết, tự dưng biết vẽ. Tôi e rằng nói thế là bất công với một người vừa là bạn vừa là thầy giáo hội họa của anh: họa sĩ Bùi Xuân Phái. Trần Trung Tín bán hết mọi thứ trong nhà có thể bán, bán cho tới cả lũ nồi xoong, cốt để có tiền mua màu và vẽ. Vẽ xong, anh có một người thẩm định tuyệt vời là Bùi Xuân Phái. Hai người ngồi im lặng trước bức tranh. Họ nói nhỏ nhẻ với nhau những gì, khó ai nắm bắt được. Và những lời nhận xét, những tâm sự đổi trao ấy, cùng với những việc làm của chính Trần Trung Tín, sẽ thành bài học nhớ đời cho người họa sĩ tự học bắt đầu từ bức vẽ trong một đêm mưa gió với hình ảnh ôm lấy đầu của người suy tư.
Sau này, vô Sài Gòn làm việc, tôi không gặp anh mà chỉ nhận được tấm danh thiếp ghi nghề nghiệp Trần Trung Tín như đùa như thật: lơ xe. Bẵng đi cho tới đầu những năm 1980 tôi mới gặp lại Tín. Lúc này anh đã được một người đàn bà đùm bọc – đó là chị Nga. Nhờ có chị, Trần Trung Tín không cần nổi loạn một cách vất vả – anh có miếng ăn đầy đủ và sự chăm sóc cũng quá đầy đủ, để tiếp tục vẽ những hình thù chỉ anh mới nhìn thấy và có khi chỉ riêng anh mới mang máng hiểu. Nhưng toàn là những bức tranh đẹp!
Người ơi, đừng buồn, sơn dầu trên giấy báo,
Hà Nội 1972
Tôi đến ngôi nhà ở Thủ Đức của anh vào năm 1984, khi đó anh đã bị sang chấn não. Chị Nga chiều ý chồng, mở từng bọc tranh của anh nằm dọc tường nhà và cho tôi lần giở từng tấm. Anh bảo tôi: “Trong này có người cứ bảo mình vẽ như Klee (*), có đúng thế không?” Và anh bực dọc tự trả lời “Sao mình lại phải là Klee chứ?” Tôi cũng thấy buồn cười vì những nhà phê bình nghệ thuật cứ phải bám vào một sơ đồ tư duy nào đó thì mới diễn đạt được “ý tưởng độc lập” của mình. Tôi nhớ là bữa đó tôi không giải thích gì nhiều cho anh. Họa sĩ Trần Trung Tín là người không lắng nghe ai nói đâu. Anh chỉ nghe được tiếng thủ thỉ tự trong lòng mình, cái tiếng lòng khiến anh mỗi đêm giao thừa lại gào tên từng người bạn ngoài Hà Nội cho vơi nỗi nhớ.
Tranh của anh cũng thế: đó là những độc thoại khi anh thủ thỉ với Bùi Xuân Phái, khi anh gào lên gọi chúng tôi hằng năm, để rồi lại lui cui ngồi vẽ một mình, không có Klee Klung gì hết, chỉ có Tín Tín Tín… Và về phần cuối đời, có thể còn có tiếng kêu Nga Nga Nga...
Thiếu nữ, sơn dầu trên giấy ảnh, Sài Gòn
Thế đó, thấm thoắt đã năm năm hoạ sĩ ra đi, để lại những tiếng kêu nhè nhẹ Tín Tín Tín…Tôi nghe thấy tiếng đó trên tranh của anh. Nga cũng nghe thấy, tôi tin chắc vậy. Và xa tít tắp bên kia có thể người bạn người thầy Bùi Xuân Phái cũng ung dung cùng anh thủ thỉ, Phái Phái Phái nói gì đó với Tín Tín Tín…
Châu Diên
(*) Paul Klee (1879 - 1940), họa sĩ người Thụy Sĩ quốc tịch Đức, chịu nhiều ảnh hưởng của trường phái biểu hiện, lập thể và siêu thực.