Vào thế kỷ 19, Darwin cùng thuyết tiến hóa đã làm chấn động nền tảng khoa học của thế giới với lời khẳng định: tinh tinh là tổ tiên trực tiếp của loài người. Tư tưởng này đã giáng một đòn mạnh lên các quan niệm từ lâu đời cho rằng "con người là loài siêu đẳng, do Chúa trời sáng tạo ra".
Đến thế kỷ XX, năm 1963, nhà văn Pháp Pierre Boulle cùng tiểu thuyết Hành tinh khỉ của mình lại một lần nữa tạo một nên một làn sóng trên thế giới thông qua việc giải thiêng những ảo tưởng về văn minh nhân loại. Con người có thật là chủ nhân của thế giới và là sinh vật duy nhất có trí tuệ? Cùng với sự phát triển và tiến hóa không ngừng, trong tương lai liệu nhân loại có thể trở nên bất tử hay rồi sẽ bị diệt chủng như các loài khác?
Với Hành tinh khỉ, độc giả sẽ được theo chân người kể chuyện là nhà báo Ulysse Mérou cùng hai nhà khoa học lỗi lạc của nhân loại năm 2500 là Antelle và Levain đến khám phá một hành tinh mới có bầu sinh quyển hoàn toàn giống Địa Cầu. Tại nơi đây, họ sững sờ chứng kiến một thế giới hoàn toàn đảo lộn: con người không còn giữ vị trí thượng đẳng nữa mà bị giáng cấp trở thành những loài động vật không tri giác; trong khi đó, loài khỉ lên nắm quyền thống trị thế giới, với những thiết bị máy móc, cơ sở hạ tầng và một nền văn minh giống y hệt con người.
Qua tác phẩm của mình, Pierre Boulle đặt một giả thuyết ngược lại về sự tiến hóa của loài khỉ và sự giáng cấp của loài người trở về thành động vật. Chúng ta tìm thấy sự hoán đổi vị thế giữa loài người và loài khỉ cho nhau. Bắt đầu tiểu thuyết, ba nhà du hành cùng con tinh tinh Hector đặt chân đến hành tinh Soror với tư thế của những người khai phá. Lần đầu tiên đặt chân vào thế giới mới này, trước khi cởi quần áo bảo hộ, họ để Hector thử nghiệm trước xem con tinh tinh có thể sống trong môi trường mới này không. Con tinh tinh nói riêng, loài khỉ nói chung lúc này như những con vật nuôi và cũng là sinh vật thí nghiệm của loài người. Nhưng càng dấn thân vào Soror, mọi thứ càng trở nên phi lý và đảo lộn. Thế chỗ cho loài khỉ, chính loài người sau đó lại trở thành vật thí nghiệm, vật nuôi, và cả động vật để săn bắn.
Tiểu thuyết được kể dưới dạng một bức thông điệp cảnh báo tương lai nhân loại khi con người vẫn đang còn tự đắc với sự thống trị của mình đối với muôn loài. Tất cả nên văn minh nhân loại rồi sẽ một ngày tan biến thành tro bụi, trở thành một câu chuyện hài tiếu lâm hay một kịch bản bịa đặt không hơn không kém trước giống loài mới. Sẽ ra sao nếu chúng ta không còn giữ vị trí thượng đẳng? Sẽ ra khi chính chúng ta trở thành loài vật và bị đe dọa bởi bàn tay loài vật khác?
Có thể nói, Hành tinh khỉ là cuốn sách quan trọng nhất trong đời cầm bút của nhà văn người Pháp Pierre Boulle. Không chỉ bán được hàng triệu bản, tiểu thuyết còn là tiền đề và nguồn cảm hứng bất tận cho thể loại khoa học viễn tưởng sau này. Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành hai seri phim truyền hình trong năm 1974 và 1975 và vô số các loạt truyện tranh. Và dù được ra mắt lần đầu cách đây đã hơn 50 năm, tiểu thuyết Hành tinh khỉ không ngừng tạo cảm hứng cho các nhà làm phim Hollywood, cho đến nay họ đã thực hiện đến 9 chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh. Hiện tại, năm 2017, bộ phim War for the Planet of the Apes (Đại chiến hành tinh khỉ) cũng đang được ra mắt khán giả toàn cầu.
Sách Hành tinh khỉ do Tao Đàn liên kết cùng NXB Hội Nhà Văn ấn hành, giá 86.000 đồng
Hữu Nam