Cả 7 bị cáo trong vụ án vi phạm tại các dự án ở núi Chín Khúc (gồm hai cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, cựu phó chủ tịch tỉnh Đào Công Thiên, cựu giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dẽ cùng Lê Mộng Điệp và Võ Tấn Thái – đều là cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường và Trần Văn Hùng - cựu chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, thuộc Sở TN&MT) đều được tòa sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt các mức án dưới khung hình phạt đối với tội danh bị truy tố “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” (theo các khoản 1, khoản 3, Điều 229 Bộ luật Hình sự).
Chỉ có hai bị cáo Võ Tấn Thái và Trần Văn Hùng kháng cáo bản án sơ thẩm đó.
Tòa phúc thẩm đã chấp nhận đơn xin xử vắng mặt của bị cáo Võ Tấn Thái, vì bị cáo này vẫn đang phải điều trị ung thư tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Bị cáo Thái đã kháng cáo cả tội danh và hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên án đối với mình. Vì bị cáo Thái cho rằng “mức hình phạt 3 năm tù là quá khắc nghiệt, quá nặng nề so với vi phạm” của bị cáo.
Bị cáo Trần Văn Hùng (cựu chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai – Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa) tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15.8.2022. Ảnh: Trúc Nam Sơn
Theo trình bày của bị cáo Hùng tại tòa và theo đơn của bị cáo Thái, việc hai bị cáo vi phạm khi đề xuất, ký tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất tại dự án Sinh thái tâm linh Cửa Long Sơn Tự (đối với bị cáo Thái) và tại dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung (đối với bị cáo Hùng) ở núi Chín Khúc là có căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất cùng các quyết định của UBND tỉnh đã ban hành trước đó. Đồng thời, diện tích đất ở được chuyển đổi sai quy định (0,75ha tại dự án cửu Long Sơn Tự) cũng chưa đến mức quy định phải xử lý hình sự.
Tại tòa phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Thái tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thái. Vì bị cáo Thái mắc bệnh hiểm nghèo, vẫn đang phải điều ung thư giai đoạn cuối tại bệnh viện ở TP.HCM.
Còn bị cáo Trần Văn Hùng đã đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt mà tòa án sơ thẩm đã tuyên (2 năm 6 tháng tù) và xin được hưởng án treo. Bị cáo Hùng còn đề nghị giảm nhẹ hình phạt vì cha đẻ và cha vợ đều được tặng thưởng Huân chương kháng chiến (hạng 3 và hạng I; một trong hai người cha còn được tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng).
Cả hai bị cáo Thái và Hùng đều cho rằng sai phạm tại các dự án ở núi Chín Khúc “không có hậu quả xảy ra hoặc hậu quả đã được khắc phục”.
Thế nhưng, đại diện Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã đề nghị Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của hai bị cáo Võ Tấn Thái và Trần Văn Hùng. Vì các nội dung kháng cáo đều không có tình tiết, chứng cứ mới. Còn giá trị các diện tích đất sai phạm tại hai dự án ở núi Chín Khúc đều đã có giám định cụ thể nêu trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên án phúc thẩm, bác toàn bộ kháng cáo, giữ y án sơ thẩm đối với với hai bị cáo Võ Tấn Thái và Trần Văn Hùng.
Theo tòa phúc thẩm, mức án mà tòa sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại núi Chín Khúc là đều dưới khung hình phạt tội danh bị truy tố và tòa sơ thẩm cũng đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm và hình phạt cho hai bị cáo đã nêu.
Án phúc thẩm, theo Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Đà Nẵng vừa tuyên đối với hai bị cáo Võ Tấn Thái và Trần Văn Hùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án – 15.8.2022. Tuy nhiên, hiện tại bị cáo Thái vẫn đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện như đã nêu. Còn bị cáo Trần Văn Hùng được tại ngoại trong cả quá trình điều tra, xét xử...
Án tù đối với 7 bị cáo phạm tội tại các dự án ở núi Chín Khúc
Ngày 13.4.2022, tòa sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án đối với 2 bị cáo cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và 5 bị cáo đồng phạm trong vụ án vi phạm tại núi Chín Khúc. Hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra tại dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (hơn 513,53ha) và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung (19,6ha), đều thuộc đất rừng sản xuất tại núi Chín Khúc, do Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu phó bí thư Tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trước vành móng ngựa) cùng các bị cáo tại tòa sơ thẩm (tháng 4.2022). Ảnh: Trúc Nam Sơn
Cả 7 bị cáo đều bị tòa sơ thẩm tuyên phạm tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” (theo các khoản 1, khoản 3, Điều 229 Bộ luật Hình sự) nhưng đều được tòa sơ thẩm tuyên phạt các mức án thấp hơn mức án khởi điểm của Viện KSND tỉnh đã đề nghị.
Trong đó, chỉ bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu phó bí thư Tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) bị tòa sơ thẩm tuyên phạt mức án cao nhất là 5 năm 6 tháng tù. Đó là mức án còn thuộc khung hình phạt theo điều luật đã bị truy tố (mức án Viện KSND tỉnh đề nghị là 6-7 năm tù).
Cả 6 bị cáo còn lại đều được tòa tuyên phạt các mức án dưới khung hình phạt đã bị truy tố. Cụ thể, hai bị cáo Lê Đức Vinh (cựu phó bí thư Tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) và Đào Công Thiên (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đều bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù (mức án bị Viện KSND tỉnh đề nghị là 5-6 năm tù).
Bị cáo Lê Mộng Điệp (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
Hai bị cáo Lê Văn Dẽ (cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa) và Võ Tấn Thái (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa, được tòa xử vắng mặt) đều bị tuyên phạt 3 năm tù. Còn bị cáo Trần Văn Hùng (cựu chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai – Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa) bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù.
Ngày 15.8.2022, tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên án phúc thẩm bác kháng cáo, giữ y án sơ thẩm đối với hai bị cáo Võ Tấn Thái và Trần Văn Hùng.
Trúc Nam Sơn