UBND TP.HCM vừa có Công văn số 4562/UBND-DA gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (tại Xí nghiệp liên hợp Ba Son, phường Bến Nghé, quận 1).
Theo công văn đề xuất thì khu đất thực hiện dự án có diện tích là 6.000 m2. Quỹ đất này nằm trong khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ di tích (tại Quyết định số 1269/QĐ-BVHTTDL ngày 30.3.2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nên không phải đền bù giải phóng mặt bằng.
Vị trí công trình phía đông tiếp giáp các khu dân cư, phía tây tiếp giáp khu phức hợp văn phòng, phía bắc tiếp giáp công viên và phía nam tiếp giáp với sông Sài Gòn.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500, Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn Ba Son được UBND TP.HCM phê duyệt hồi tháng 11.2015, khu vực thực hiện dự án có kết nối trực tiếp với các tuyến đường hiện hữu trong khu vực.
Khu vực Ba Son trước đây nay phần lớn diện tích đã nhường chỗ cho các dự án căn hộ cao cấp. Ảnh tư liệu
Về hiện trạng, công trình đang là phần còn lại của khối nhà xưởng, cơ khí, khối nhà làm việc, ụ tàu nhỏ, triền nề, hạ tầng sân đường, cây xanh.
Tất cả hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo đủ điều kiện hoạt động so với tiêu chí công trình di tích cấp quốc gia.
Đưa ra dự toán kinh phí thực hiện là gần 230 tỷ đồng, TP.HCM đồng thời cho biết quy mô dự án chia làm các hạng mục tu bổ và tôn tạo, gồm: tu bổ, bảo tồn theo nguyên trạng Triền nề 1918; tu bổ bảo tồn theo nguyên trạng ụ tàu nhỏ 1863 (tu bổ, bảo tồn phần còn lại của ụ tàu nhỏ: chiều dài 40 mét, chiều rộng 11 mét, chiều sâu 4,5 mét theo nguyên trạng; phục hồi các cấu kiện gắn với ụ tàu: trục bích neo tàu, khung đai sắt trên thành ụ, thước đo độ sâu, cầu thang lên xuống; bố trí hệ thống bơm thoát nước cho ụ tàu...); tôn tạo nhà xưởng (xưởng cát); tu bổ, gia cố khối nhà xưởng vũ khí và xưởng điện tử; tôn tạo sân vườn cảnh quan tổng thể di tích; xây dựng cổng và hàng rào; đầu tư hoàn chỉnh trang thiết bị làm việc và trưng bày.
Ụ tàu khi ngập nước
... và khi cạn nước.
UBND TP.HCM cũng cho biết mục tiêu của dự án là nhằm tu bổ, tôn tạo di tích xứng tầm di tích cấp quốc gia, là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đáp ứng được nhu cầu về tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung; tạo nên không gian lưu giữ, trưng bày các giá trị của di tích, để lại cho thế hệ mai sau một di sản nhằm giáo dục truyền thống văn hoá, yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.
Giữ gìn, tôn tạo các công trình được giữ lại trong khu vực di tích, kết hợp phát triển hài hòa với những công trình mới khu vực xung quanh nhằm truyền tải ký ức về một xưởng tàu xưa, ghi nhớ quá trình phát triển đô thị của Thành phố cho thế hệ tương lai.
Tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các hoạt động nghiên cứu lịch sử, học tập thông qua việc trưng bày các nội dung bằng thực tế kết hợp với công nghệ liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cũng như lưu giữ hình ảnh kiến trúc khu Ba Son...
TP.HCM dự kiến hoàn thành công trình vào quý I.2025.
Nội dung trưng bày của Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng gồm 3 nội dung chính:
Chủ đề 1 (Ba Son - Lịch sử hình thành): Lịch sử ngành đóng tàu Việt Nam; Khái quát sự hình thành ngành đóng tàu Việt Nam trước khi Nguyễn Ánh thành lập Xưởng Chu Sư (Xưởng Thủy).
Khái quát quá trình hình thành từ lúc Nguyễn Ánh cho xây dựng Xưởng Chu Sư cho đến khi thực dân Pháp chiếm đóng Sài Gòn và xây dựng “Xưởng quân giới Sài Gòn” (Arsenal de Saigon).
Chủ đề 2 (Ba Son - Nơi ghi đậm dấu ấn người thợ máy Tôn Đức Thắng): “Ba Son trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc” - nội dung trưng bày các hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Ba Son, một trong những cái nôi đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, về quá trình đấu tranh của tập thể công nhân Ba Son qua hai cuộc kháng chiến.
Các ụ nổi được xây dựng vào năm 1886. Ảnh tư liệu.
“Ba Son - Nơi ghi đậm dấu ấn của người thợ máy Tôn Đức Thắng” với nội dung trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tài liệu tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong đó, nhấn mạnh quá trình Bác Tôn thành lập Công hội bí mật tại Sài Gòn và Ba Son là một trong những cái nôi để Người lãnh đạo công nhân đấu tranh chống lại các chính sách đàn áp của thực dân Pháp vào năm 1925. Các câu chuyện qua lời kể của những nhân chứng lịch sử, những đồng chí từng hoạt động chung với Bác Tôn sẽ được minh họa, lồng ghép trong trưng bày. Bố trí tượng Bác Tôn đặt ở vị trí trang trọng bên trong Nhà trưng bày...
Chủ đề 3 (Ba Son - Cái nôi của ngành đóng tàu Việt Nam): Nội dung trưng bày chủ đề sẽ dẫn dắt người xem tập trung vào các thành tựu của Ba Son. Trong đó, Ba Son đã góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vừng kinh tế biển của Việt Nam đến năm 2030. Với ưu tiên hàng đầu, tập trung trong việc đóng mới, sửa chữa các tàu quân sự hiện đại, tàu phục vụ dân sinh, các công trình gần bờ biển... không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo, thềm lục địa và vùng biển của Tổ quốc mà còn phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài các chủ đề trưng bày bổ sung tại di tích nêu trên, phối kết hợp tổ chức các hoạt động tương tác, trải nghiệm, nhằm thu hút khách tham quan, phát huy giá trị di tích, như: Hoạt động sưu tầm các mô hình tàu thủy; Hoạt động của các Câu lạc bộ mô hình tàu thủy có điều khiển, nhằm tận dụng lợi thế địa điểm di tích gần bờ sông Sài Gòn...
Số lượng hiện vật, tài liệu dự kiến đưa vào trưng bày bổ sung tại di tích là khoảng hơn 60 hiện vật, hơn 100 ảnh và 120 đầu tư liệu.
Ba Son được đưa vào ngân hàng tên đường
UBND TP.HCM cũng đã có quyết định chấp thuận bổ sung địa danh Thủ Thiêm và Ba Son vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng, làm cơ sở đặt tên cho 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn.
Hai địa danh này đang được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (cơ quan thường trực Hội đồng đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.HCM), đề xuất đặt tên cho cầu Thủ Thiêm 1 (Thủ Thiêm ) và Thủ Thiêm 2 (Ba Son).
Buổi ra mắt của thuyền Albert Sarraut ở Sài Gòn.
Trong đó, tên gọi Ba Son có bốn giả thiết: Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển đã lý giải nguồn gốc phỏng định của tên gọi Ba Son: Tên Việt là tên một đốc công (thợ nguội) tên “Son” con thứ ba, làm tại đây và được đặt tên cho sở là Ba Son. Tên định chừng từ tiếng Pháp: Một là gọi tắt từ “poissons” trong “Mare aux poissons” (nhiều cá); Hai là gọi trại từ “Bassin” trong “Bassin de radoub” (ụ tàu); Nhà nghiên cứu An Chi, tin cách giải thích của Vương Hồng Sển, nhưng ông cho rằng từ tiếng Pháp Bastion (pháo đài) cũng có thể đọc trại thành Ba Son.
Tất cả các tên gọi ấy đều cùng chỉ một nơi Chúa Nguyễn Ánh đặt “Xưởng Chu sư” dân gọi là “Xưởng Thủy” bên bờ sông Sài Gòn vào năm 1790 phục vụ cho sở trường thủy chiến của mình trong cuộc chiến với nhà Tây Son.
Năm 1792, xưởng hạ thủy năm chiếc thuyền (Hoàng Long, Xích Nhạn, Thanh Tước, Bạch Yến, Huyền Hạc). Năm 1793, Chúa Nguyễn Ánh mua một chiến hạm cũ của châu Âu về tháo ra từng mảnh để lấy mẫu, đích thân chỉ đạo thợ theo đó mà chế tác ra các loại chiến hạm mới gọi là Tây dương dạng thuyền.
Thủy xưởng đã đóng được 9 chiến hạm kiểu châu Âu (mang tên Loan Phi, Ưng Phi, Long Ngư, Long Phượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi và Hùng Phi), về sau Gia Long thiết lập triều Nguyễn, Xưởng chu sư còn đóng được tàu đồng, phỏng theo thiết kế những tàu đồng thuê của Bồ Đào Nha. Đặc biệt là xưởng còn đóng và hạ thủy thành công tàu chạy bằng hơi nước không thua kém gì tàu nước ngoài.
Đội hải thuyền trang bị cho các đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải đi khai thác sản vật tại Hoàng Sa. Khi thực dân Pháp xâm lược, tháng 4.1863, Chính phủ Pháp chính thức tổ chức, xây dựng và điều hành Nhà máy đóng tàu và Cảng mang tên Arsenal de Saigon đồng thời mang tên Việt thủy xưởng Ba Son.
Nhà máy đóng tàu Ba Son sau hơn 150 năm hiện diện cạnh sông Sài Gòn (1863 - 2016) đã bị phá hủy để thay bằng khu đô thị cao tầng. Ảnh: CT.V
Theo các giả thuyết trên đây, Ba Son được ghi nhận là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Việt Nam; đồng thời là cái nôi của giai cấp và phong trào công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ba Son đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của Sài Gòn — TP.HCM. Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Từ 1863 đến 1975, phong trào công nhân tại Ba Son được duy trì và phát triển, công nhân tại đây luôn tỏ rõ tinh thần đấu tranh cách mạng. Nhiều hành động và các cuộc đình công diễn ra mang tính chính trị và ý nghĩa quốc tế. Hàng trăm công nhân Ba Son đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau năm 1975, Hải Quân công xưởng Ba Son không chỉ sửa chữa, mà còn đóng mới tàu và các phương tiện nổi cho Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển và đáp ứng nhiều nhu cầu của thị trường hàng hải nước ngoài. Ngày 1.1.1978, đổi là Xí nghiệp Ba Son, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Tháng 9.2009 đổi thành Xí nghiệp liên hiệp Ba Son và từ ngày 14.6.2014 đổi thành Tổng Công ty Ba Son. Ngày 18.11.2015, quy hoạch thành Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.
T.V
Trọng Dân