![]() |
Hiện trường vụ sạt lở rạng sáng nay ở Nhà Bè. |
Ghi nhận tại hiện trường, vụ sạt lở có chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào ít nhất 20m. Các căn nhà tan hoang khi nhiều bức tường lớn, các mái tôn... bị xé toạc, đổ sập hoàn toàn. Dưới dòng nước xoáy, nhiều vật dụng sinh hoạt của người dân trôi nổi lập lờ.
Bà Tống Thị Mộng Trinh, ngụ tại số 18/1 Tổ 4, Ấp 3 kể lại, khi gia đình bà ở trong nhà thì bất ngờ nghe những tiếng động lớn phát ra từ phía bờ sông, nghĩ do mưa lớn nên chạy ra kiểm tra thì phát hiện nhà mình đang sạt xuống. Các bức tường lớn cùng nhiều công trình phụ phía sau nứt toác, đổ sập rồi trôi tuột xuống dòng nước. Giọng chưa hết bàng hoàng, bà Trinh cho biết: “Chỉ kịp dắt chiếc xe máy, còn 9 triệu đồng tiền lương vừa lãnh của hai vợ chồng và 3 chỉ vàng dành dụm đã trôi tuột xuống sông hết rồi”.
Ông Nguyễn Văn Đầy ở nhà kế bên, cũng cho hay một phần căn nhà của ông bị đổ sụp xuống, chỉ còn cách 2m nữa là tới giường ngủ. May mắn phát hiện kịp nên ông chạy thoát an toàn ra khỏi nhà.
Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở từ sáng 27.6, ông Đỗ Minh Toàn, Bí Thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước cho biết, vụ sạt lở đã làm 5 căn nhà bị hư hại trực tiếp và 3 căn nhà khác bị ảnh hưởng. Trong đêm 26.7 đến rạng sáng 27.6, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 8 hộ dân này đến nơi an toàn trước khi tìm biện pháp khắc phục.
![]() |
![]() |
![]() |
Cũng theo ông Toàn, thống kê sơ bộ, vụ sạt lở đã cuốn nhiều tài sản của những hộ dân nơi đây xuống sông, gây thiệt hại hơn 210 triệu đồng. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tiền tạm cư cho mỗi hộ dân là 1,5 triệu đồng. Đồng thời Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương sẽ đến hiện trường đo đạc, lập phương án bồi thường và di dời hoàn toàn những hộ dân nơi đây tới khu vực khác để tránh xảy ra tình trạng tương tự.
“Hiện trên địa bàn xã Hiệp Phước, có 6 điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến 215 hộ dân. Khu vực 5 nhà dân sụp xuống sông là một trong 6 điểm trên. Năm 2015, UBND thành phố có chủ trương giao cho Khu Quản lý đường thuỷ nội địa (Sở Giao thông Vận tải) đầu tư cấp bách 2 công trình kè chống sạt lở khu vực sông Kinh Lộ và rạch Giồng, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè”, ông Toàn cho biết thêm.
Trong khi đó, theo một cán bộ thuộc Khu Quản lý đường thủy nội địa (sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nguyên nhân ban đầu của vụ sạt lở được xác định là tại khu vực trên xuất hiện hố xoáy trong khi đoạn kênh này chưa có bờ kè (đang chờ duyệt), nền đất khá mềm nên khi triều cường dâng cao, nước xoáy mạnh đã gây vụ sạt lở.
![]() |
![]() |
![]() |
Được biết trước đó vào cuối tháng 5.2017 cũng đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm hư hại đường dân sinh sát sông Rạch Tôm (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, tính đến ngày 30.5, sở đã xác định được 40 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Riêng mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại quận 2 có 3 điểm, quận Thủ Đức có 1 điểm, quận Bình Thạnh có 3 điểm, huyện Bình Chánh có 2 điểm, huyện Nhà Bè có 11 điểm và huyện Cần Giờ có 3 điểm. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại các vị trí sạt lở, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố ưu tiên bố trí vốn kịp thời để thực hiện 33 dự án xây dựng kè tại các vị trí sạt lở. Đối với các vị trí sạt lở còn lại, trong giai đoạn 2017 - 2018, Sở sẽ nghiên cứu đề xuất trình UBND thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tin, ảnh: Nam Đàn