Tiểu thuyết “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” của tác giả Thụy Điển Jonas Jonasson mở đầu bằng một tình huống… phi thực tế: Vào dịp tròn 100 tuổi, ông già Allan Karlsson quyết định trèo qua cửa sổ nhà dưỡng lão và… biến mất.
Và người đọc từ đó không thể rời trang sách để tò mò theo dõi hai mạch truyện song song: Hành trình của một ông già trong hiện tại và ký ức từ thời trai trẻ phiêu lưu qua nhiều quốc gia, tham gia nhiều nền chính trị và… xuyên thế kỷ.
Hành trình của ông bắt đầu với 50 triệu crowd vô tình đánh cắp của một gã thanh niên tội phạm. Từ đó cảnh sát chống tội phạm và cả băng nhóm của gã thanh niên lẫn viện dưỡng lão – gần như cả đất nước Thụy Điển - truy tìm ông. Liệu sự ứng biến nhanh nhạy và chấp nhận đối mặt khó khăn, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo của ông già sống qua trăm năm... có thành công, xin để người chưa đọc sách tự mình khám phá.
Chẳng ai là ai trọn cuộc đời - cái thông điệp đầy triết lý ấy mà Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất gửi gắm xem ra thật đáng ngẫm ngợi. Giá trị mà ta tin tưởng hoặc cố tình tô vẽ có thể đảo lộn bất cứ lúc nào – như trường hợp hai vợ chồng ngớ ngẩn lại làm thị trưởng và được dân chúng yêu mến trong truyện. Và chúng ta chỉ có sự lựa chọn là đối mặt, mặc kệ những lề thói. Và quyền vẽ ra những ảo tưởng và nhấm nháp nó dù đã 100 tuổi, là cái quyền bất biến của con người.
Điều lớn lao hơn trong tiểu thuyết đã bán được 4 triệu bản trên thế giới này, có lẽ nằm ở mạch truyện thứ hai – khi Allan kể cho độc giả về phiên bản trai trẻ của mình với cuộc phiêu lưu từ thế chiến I đến chiến tranh lạnh, từ khởi nghĩa vũ trang đến chế tạo bom nguyên tử và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Ông cho rằng mình từng chế tạo bom cho Liên Xô, từng cứu người vợ Giang Thanh của Mao Trạch Đông, từng ăn tối và hỏi tại sao Stalin không cạo râu đi…Đọc những chương này với độ dài ngắn khác nhau và cùng lối bông lơn duyên dáng, tác giả Thụy Điển với quyển sách đầu tay gây tiếng vang này như dành cho lịch sử thế giới một nụ cười mỉa mai.
Đó là chưa kể những ẩn dụ, giả thuyết được giới phê bình vẽ ra: Tại sao là một ông già Thụy Điển (Bắc Âu) ôm cái va ly tiền, tác giả muốn nhắn nhủ gì với chính phủ Thụy Điển trong số phận cô lập của mình, dù là một quốc gia có những chính sách đãi ngộ tốt, một cuộc sống đáng mơ ước cho dân chúng?
Mà thôi, trước hết hãy đọc Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất như một tác phẩm trào lộng với lối kể chuyện tưng tửng rất duyên của văn chương lẫn phim ảnh Thụy Điển. Và cứ coi như ông già chỉ đơn giản tìm lại ước nguyện tự do của đời mình, một cú nhảy khỏi cửa sổ như một sự giải thoát. Thêm nữa, giữa chốn đời hằm bà lằng những thứ đảo điên, tìm đọc những điều giản dị được viết từ những trái tim sâu thẳm cũng là một cách quân bình cuộc sống. Biết đâu chừng có ai trong chúng ta những năm cuối đời, à không, bất thình lình làm một cú nhảy để đổi thay một điều gì đó thì sao?
Yến Trinh (theo SK&ATTP)
Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành qua bản dịch của Phạm Hải Anh.
Jonas Jonasson từng là nhà báo và có công ty tư vấn truyền thông riêng. Sau khi đau nặng vì làm việc quá sức, ông từ bỏ công việc kinh doanh và bắt tay viết văn. Cuốn tiểu thuyết Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất ngay từ khi ra mắt vào năm 2010 đã trở thành hiện tượng văn học Thụy Điển. Đến nay, cuốn sách đã được dịch ra 35 thứ tiếng và bán được 4 triệu bản khắp thế giới. Cuốn sách gặt hái nhiều giải thưởng và được Walt Disney mua tác quyền làm phim.