Từ nội thành đi xuống, đến đấy là cuối phố Lò Đúc, tục gọi ô Đống Mác, đường nhựa cụt ngủn, bên dưới là hồ ao. Rẽ phải sẽ theo con đường nhỏ ra khu tập thể Lương Yên, cũng sẽ đi ngang làng có nhà thờ Thông Chí ra đê sông Hồng, đoạn đường Nguyễn Khoái đầu dốc Minh Khai. Rẽ trái là đê Trần Khát Chân bị vạt gần thẳng đứng như bức tường đất, không có dốc đi lên. Đã gần nhà anh lắm rồi, nhưng không có đường, đành tìm lối khác.
Muốn tới xóm anh ở, phải từ Lò Đúc rẽ vào một ngõ bên phải, vác xe đạp leo chừng ba - bốn bậc gạch xây sẵn đi lên mặt đê Trần Khát Chân; mặt con đê khá rộng, thường mọc dày cỏ xanh, vì ít người đi lại; từ đấy có thể đạp xe theo đê ra tới ô Cầu Dền, đầu phố Bạch Mai. Xóm anh ở là góc phía bắc làng Thanh Nhàn, cái làng chỉ cách khu vực chợ giời một con đê ấy. Từ ngõ kể trên ở Lò Đúc dắt xe lên đê, khách lại phải vác xe xuống chân đê bên kia, chỗ có cái cống lớn, đi men bờ sông vào nhà anh. Con đường nhỏ như đường mòn trên rừng, hai người dắt xe đạp ngược chiều phải lựa mà tránh nhau. Phía dưới là sông, bốn mùa phủ kín bèo và rác, phía trong là hàng rào các lô vườn ruộng hoặc nhà cửa.
Cho đến những năm đầu thập niên 1980, xóm anh Khánh ở vẫn khá thưa thớt. Dọc theo bờ sông, các căn nhà cách nhau khá xa, xen giữa vườn ruộng. Xóm này phía Đông giáp bờ sông, Tây lại giáp hồ. Con hồ Thanh Nhàn liếm sát sân nhà anh.
Những năm 1980-1990, làng Thanh Nhàn bắt đầu bị đô thị hóa, đất ruộng vườn dần dần bị thay bằng các khu nhà tập thể, khu doanh trại bộ đội, bệnh viện, công viên, v.v.. Con đường Thanh Nhàn nối thẳng lên phố Lò Đúc, qua một ngã tư giao cắt đường Trần Khát Chân ngày càng đông xe cộ qua lại, hiện đang phải xây cầu vượt. Con đường nhỏ tí men theo mép bờ sông cạnh nhà anh khi trước đã biến thành một ngõ phố. Những phần còn lại của làng Thanh Nhàn sát con đê Trần Khát Chân khi xưa đều đã bị xóa sổ, bị san lấp, chia lô, làm đường dọc đường ngang, trên đó mọc lên những dãy phố từa tựa nhau.
Ngõ 281Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: TKTG
Mọi lần đến anh, tôi thường chỉ nói chuyện với anh. Lần này, dù đã phone trước, tới nơi vẫn không có anh ở nhà. Con dâu anh bảo: “Chú Trang vừa đèo bố cháu đi đâu đấy, chỉ một lúc thôi. Chú lên tầng hai, nói chuyện với mẹ cháu!”.
Ồ, đây cũng là lần đầu tiên tôi ngồi nói chuyện với chị; những lần trước, chị chỉ ló qua phòng khách một chút rồi vội sang phòng bên, ở đấy hình như có đặt cái máy dệt thảm len.
- Chúng tôi lấy nhau những năm mới hòa bình lập lại, chú ạ. Dạo ấy tôi mười tám, đẹp gái, nhiều đám ngấp nghé lắm. Nhưng bọn con gái chúng tôi hồi ấy thích nhất là lấy bộ đội. Anh Khánh là bộ đội, lại cao to đẹp giai, giỏi giang nữa. Anh ấy làm y tá trong bộ đội, tiêm khéo lắm. Lấy nhau là do ông anh tìm giới thiệu cho. Nhà ông ấy ở xóm trên, nhà tôi ở xóm dưới, gần ngõ có cây lộc vừng to. Ông ấy thấy ưng ý, rồi bảo cho anh Khánh, đưa anh Khánh về, xem mặt. Vài năm sau chúng tôi mới cưới nhau.
Chị bảo, anh ấy vốn con nhà giàu cơ đấy. Bố anh ấy làm viên chức hay làm gì đó, có cơ ngơi to lắm, ba bốn tòa nhà gạch, lại có nhà cho thuê ngoài Hà Nội. Ông cụ có đến mấy bà vợ. Bà cả có mấy người con giai, đã sớm trưởng thành. Bà hai người trên phố, không cho gọi “dì” mà cứ bắt gọi “me”. Bà cụ thân sinh anh Khánh là thứ ba, gái làng Thanh Nhàn, đẹp người nên lọt vào mắt ông cụ. Bà kém ông đến hơn chục tuổi. Tội một điều là ông bố mất khi anh mới dăm bảy tuổi. Mẹ anh đưa con về làng Thanh Nhàn, sống gần anh gần em, tối lửa tắt đèn đỡ đần nhau. Được cái là anh Khánh học rất giỏi, các ông anh con bà cả rất để ý đến bước đường học hành, lập thân của người em trai con bà ba. Đến mãi sau này anh Khánh vẫn còn suất đất họ hàng dành cho anh ở Cổ Nhuế, nhưng anh ấy không lấy, bảo nhường lại cho các cháu.
Hồi tưởng những ngày anh chị mới lấy nhau, chị nhớ nhất chuyện phải chuyển nơi làm việc. Chị vốn có nghề may, nhưng chuyển từ một cái hợp tác xã may mặc ở huyện Từ Liêm về một khu phố nội thành (bây giờ là quận Hai Bà Trưng), đâu có dễ dàng. Sau cùng thì tìm được xí nghiệp dệt thảm len, ở phía sau nhà máy Dệt 8/3, tương đối gần nhà, nhưng tay nghề thì hơi trái. Đành phải học lại một nghề mới, dệt thảm theo các mẫu đặt hàng từ nước ngoài, kể cả các mẫu thảm A Rập, Ba Tư; có khi chuyên gia của họ sang tận đây dạy nghề. Chị học được, làm được. Sau này chị thửa hẳn máy về nhà, trừ lúc chợ búa, cơm nước, còn thì ngồi với chiếc máy dệt, trong lúc anh ngồi với cây bút và trang giấy ở phòng bên.
Chị cũng ít nhắc đến những thời gian anh từ đơn vị chuyển đi làm thư ký cho ông tướng nào đó, rồi chuyển về Văn nghệ quân đội, rồi từ đấy chuyển ra ngoài, làm ở một tòa soạn báo của Trung ương Đoàn. Chính ở đấy, anh lâm nạn, bị buộc thôi việc.
- Chú tính, hai vợ chồng, bốn đứa con, mà chỉ một mình tôi có lương, thì sống thế nào? Ngoài giờ làm, tôi chạy chợ bán từng mớ rau, tôi đi mót than rơi ngoài cảng Phà Đen, nhà đun dư thừa, còn lại đem bán, kiếm tiền nuôi các cháu.
Từ khi lâm nạn về nhà, anh Khánh cũng cùng tôi chạy vạy nuôi con. Anh bảo đời anh đã từng qua nhiều thứ cơn; những thứ cơn bộ đội, cơn viết báo của anh thì tôi không tham dự, chứ những cơn thợ may, cơn nuôi lợn thì tôi từng trải cùng anh. Nuôi lợn vất vả lắm, tôi đi xin nước gạo các nhà trên phố, xin nước gạo cả trong xí nghiệp giết mổ gia súc; có lần thấy sâu dưới thùng nước gạo có cái gì gói bọc rất chặt, hóa ra có người nào giấu cục thịt trong ấy mà chưa kịp lấy, vô tình rơi vào tay mình, hôm ấy có miếng thịt cho con...
Anh Khánh biết may, biết chế ra các kiểu áo nữa, anh ấy khéo tay lắm. Tôi đem quần áo nhà mình may lên bán chợ giời, hôm bán được cái quần, hôm bán được vài cái áo. Có lần gặp một anh chàng, trước tưởng hắn ta muốn mua hàng, sau mới rõ hắn chỉ thích cô bán hàng, hỏi gần hỏi xa, rủ đi chơi, đi xem phim, tôi chỉ cười... Anh Khánh đứng ở xa, chắc nhìn thấy, nhưng anh yên lặng. Chuyện ngoài chợ ngoài đời ấy mà...
Chị bảo, các con anh chị, lớn lên trong cảnh nghèo, cũng sớm biết giúp bố mẹ. Con hồ cạnh nhà cũng là một trong các nguồn sống. Các con tôi đều biết câu cá, đặt vó kéo tôm tép; thằng cháu út còn biết câu ba ba. Cái hồ cũng giúp mình nới rộng chút ít đất nhà mình, thỉnh thoảng bốc bùn đắp thêm vào sân vườn; xung quanh ai cũng làm thế cả... Nhưng chuyện ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ con hồ Thanh Nhàn đã bị thu hẹp, bờ hồ đã xa hẳn xóm này, nhìn quanh đây chỉ thấy các tòa nhà bên cạnh các tòa nhà. Đến cây cối bây giờ cũng còn rất ít...
Đến bây giờ, những thời đoạn khó khăn gian khổ nhất của một đời người dường như đã lùi lại phía sau. Các con của anh chị đều đã trưởng thành, có cháu làm ăn ở nước ngoài, có cháu làm ăn trong nước; cháu út mới lấy vợ ít năm nay. Có thêm đứa cháu trong nhà, ông bà vui hẳn lên...
Chào chị rồi dắt xe ra ngõ phố, tôi lại vòng vèo quanh cái công trường cầu vượt Trần Khát Chân - Lò Đúc đi lên phía trung tâm thành phố, trong đầu vẫn cứ nhớ về cảnh quan xưa cũ một vùng xóm quê giáp ranh phố thị đã mãi mãi mất đi, lòng bỗng thấy bùi ngùi.
![]() |
|
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Bút danh: Đào Nguyễn. Tác phẩm: Rừng sâu (1963), Miền hoang tưởng (1990), Hồ Quý Ly (2000), Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (2002), Mưa quê (2003), Mẫu thượng ngàn (2006), Đội gạo lên chùa (2011), Chuyện ngõ nghèo (10.2016). Ông còn là một dịch giả với những cuốn Những quả vàng (Nathalie Sarraute), Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất (Taha Ben Jelloun), Bảy ngày trên khinh khí cầu (Jules Verne), Hoàng hậu Sicile (Pamela Schoenewaldt), Tâm lý học đám đông (Gustave le Bon), Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ (Jean Piaget)...
Lại Nguyên Ân