Thế giới văn hóa trong ngoại giao
Tòa đại sứ không chỉ là cơ quan ngoại giao mà còn là cơ quan văn hóa. Không sứ quán nào không tranh thủ giới thiệu các đặc sản văn hóa - vật thể cũng như phi vật thể đậm chất truyền thống dân tộc. Giới thiệu văn hóa dân tộc - thông qua sứ quán - là một trong những xu hướng ngoại giao hiện nay. Đóng vai trò như cánh cửa trung gian để bạn bè thế giới nhìn về đất nước mình, tòa đại sứ không chỉ là đại diện quốc gia về mặt ngoại giao thuần túy.
Một bữa tiệc tại Tòa đại sứ Pháp ở Washington DC
Nhiều người lầm tưởng rằng sứ quán là khu vực đặc quyền ngoại giao, với những buổi họp báo khô khan và những cuộc tiếp đón khách sáo. Trong thực tế, cũng có vài sứ quán tỏ ra ít tiếp xúc và người ta chỉ biết đến họ khi thấy vài thông tin mang tính thông báo trên trang quảng cáo báo. Tuy nhiên, như lời kể của Jerome Barry - sử dụng thành thục 12 thứ tiếng, người sáng lập Embassy Series, tổ chức chuyên thực hiện các buổi hòa nhạc cổ điển quốc tế được các sứ quán tài trợ - không cách nào quảng bá hình ảnh đất nước mình tốt hơn thông qua tòa đại sứ. Nhiều sứ quán xem điều này như một phần trong chương trình nghị sự ngoại giao.
Một trong những sứ quán làm mạnh hoạt động giao lưu văn hóa tại Mỹ là Tòa đại sứ Pháp, với những chương trình hòa nhạc và dạ hội mà người tham dự không chỉ giới ngoại giao mà có cả công chúng Mỹ. Vài người Mỹ cho biết họ “ghiền” tham gia những show đặc biệt này. Cư dân hạt Arlington, bà Anna Szwec cho biết bà cùng chồng tham dự thường xuyên các lễ hội văn hóa do Sứ quán Pháp tổ chức. “Đó thật sự là một phong cách sống - Anna nói - Shakespeare cho rằng thế giới là sân khấu nhưng tôi nghĩ rằng thế giới là trường học. Khi đến một tòa đại sứ, tôi có cảm giác mình trở về thời học sinh. Tôi tò mò. Tôi gặp những người thông minh và tôi tìm kiếm sự trao đổi văn hóa”. Sự thể hiện bản sắc văn hóa của các tòa đại sứ (đóng ở Washington DC) khiến người ta nói đùa rằng các vị ở sứ quán Romania làm cái gì cũng muốn như là... Dracula, trong khi Ecuador thể hiện nền “văn hóa chuối”, còn Thụy Điển luôn nhắc lại những bộ phim bất hủ của cô đào Ingmar Bergman hay về những chiếc Volvo “chạy êm hơn xe Mỹ”...
Tòa đại sứ Ý, địa chỉ gặp gỡ quen thuộc của giới ngoại giao thế giới tại Mỹ
Một số sự kiện liên quan sứ quán được báo chí quan tâm đáng kể bởi tại đó có mặt không chỉ giới ngoại giao mà còn nhiều nhân vật tên tuổi. Tháng 3.2015, khi mở cửa lại sau vài năm đóng cửa trùng tu, “ngôi nhà” của Đại sứ Pháp Gérard Araud tại Kalorama (Washington DC) đã đón tiếp hàng đoàn xe limousine với hơn 200 khách, trong đó có Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Stephen G. Breyer, Giám đốc IMF Christine Lagarde, Thư ký Nhà Trắng đặc trách xã hội Jeremy Bernard, nhà hoạt động dân quyền Mỹ Vernon Jordan, trùm xuất bản báo chí David Bradley, cựu chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Alan Greenspan... Bữa tiệc khiến người ta nhớ lại những buổi chiêu đãi thời thập niên 1970 của Đại sứ Iran Ardeshir Zahedi, người kết bạn với Elizabeth Taylor, Henry Kissinger, diễn viên Liza Minnelli, nghệ sĩ múa Mikhail Baryshnikov, họa sĩ Andy Warhol...
Mỗi năm, có khoảng 600 khách tham dự các buổi tiệc tối tại khoảng 20 đại sứ quán ở Washington DC. Năm 2014, theo Washington Post, hơn 20.000 khách đã dự các chương trình do Đại sứ quán Ý tổ chức! Một số chương trình được tổ chức rất công phu, mất đến sáu tháng. Theo luật ngoại giao, sứ quán được xem là một phần lãnh thổ quốc gia có đặc quyền bất khả xâm phạm. Và sứ quán cũng là đại diện quốc gia mình ở nước ngoài. Do đó, vài nước có khuynh hướng sử dụng tòa nhà bề thế để thể hiện quốc gia mình, như Slovakia chẳng hạn. Từng thuộc đế quốc Áo-Hung và sau đó là Liên Xô, năm 1993 Slovakia chính thức tách khỏi Tiệp Khắc và đứng riêng như một quốc gia độc lập với khoảng 5 triệu dân. Theo đó, người ta có thể hình dung Tòa đại sứ Slovakia ở Washington DC chắc hẳn nhỏ như đất nước họ. Thực tế lại không. Giới ngoại giao Slovakia ngồi trong khu biệt thự trắng ở đường Van Ness và đại lộ Connecticut, cùng dãy với các sứ quán bề thế của Áo, Israel và Ai Cập. Tòa đại sứ Slovakia chưng nhiều tranh của họa sĩ thiên tài Andy Warhol - người Mỹ gốc Slovakia.
Một cuộc triển lãm nghệ thuật tại Sứ quán Nhật ở Ireland
Sứ quán Ecuador cũng tương tự. Mang kiến trúc châu Âu cổ, Sứ quán Ecuador nằm ở góc Meridian Hill thuộc dãy phố sứ quán (Embassy Row, nằm trên đại lộ Massachusetts) gần đường 16th và đường Columbia. Sứ quán Ecuador thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa. Tùy viên văn hóa Tòa đại sứ Ecuador Jorge Saade-Scaff là nhạc công violin chuyên nghiệp, thường biểu diễn khắp nước Mỹ, châu Âu và Mỹ Latin. Ecuador lại là quốc gia từng tiếp nhận nhiều nền văn hóa, từ văn hóa da đỏ, Tây Ban Nha đến cả châu Phi. Một số sứ quán nước ngoài tại Washington DC còn là công trình mang vài dấu ấn lịch sử. Sứ quán Mexico chẳng hạn. Kiến trúc này được xây từ năm 1910-1911 với mục đích ban đầu dành cho Franklin MacVeagh - Bộ trưởng ngân khố thời Tổng thống William Howard Taft. Nó có phòng ăn lớn nhất thành phố thời điểm đó và phòng khách dát vàng 14 karat. Năm 1916, sau khi vợ chết, Franklin MacVeagh về lại quê nhà Chicago, bán dinh thự cho chính phủ Mexico với giá 330.000 USD...
Giới thiệu văn hóa dân tộc - thông qua sứ quán - là một trong những xu hướng ngoại giao hiện nay. Đóng vai trò như cánh cửa trung gian để bạn bè thế giới nhìn về đất nước mình, tòa đại sứ không chỉ là đại diện quốc gia về mặt ngoại giao thuần túy. |
Tại Washington DC (có 176 sứ quán nước ngoài), nơi có nhiều viện bảo tàng và trung tâm nghiên cứu, các sứ quán đã tranh thủ mượn những vị trí này để tổ chức giao lưu-quảng bá văn hóa dân tộc. Mỗi tuần, Viện Smithsonian, Trung tâm Kennedy, các rạp hát địa phương, trường đại học hay phòng triển lãm... đều có chương trình giới thiệu-tọa đàm văn hóa do các sứ quán tổ chức. Trong khi đó Hàn Quốc tổ chức cuộc triển lãm văn hóa tại Union Station, Israel thực hiện buổi hòa nhạc song tấu piano giữa hai nghệ sĩ Israel-Palestine tại Sân khấu Thiên niên kỷ thuộc Trung tâm Kennedy...
Văn hóa trong thế giới ngoại giao
Tuy nhiên, chỉ những chương trình tổ chức ngay trong khuôn viên tòa đại sứ mới thật sự hấp dẫn vì được dàn dựng công phu. Các tòa đại sứ “tiếp thị” bằng nhiều cách, tùy mối quan hệ với người Mỹ, cơ sở vật chất và tất nhiên khả năng tài chính. Theo Suzanne Richardson kể trên Washington Post, vài nước như Áo, Phần Lan và Ai Cập, thường tổ chức theo cách truyền thống: giới thiệu đôi nét về văn hóa dân tộc và sau đó mời khách nán lại gặp vài nghệ sĩ vừa từ nước nhà sang.
Cuộc gặp thân mật được đãi rượu bổn xứ và đặc sản dân tộc. Một số quốc gia thận trọng muốn tránh hiểm họa khủng bố hoặc bắt cóc con tin đã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa tại nơi khác - người Nga tổ chức tại Viện Văn hóa Nga, người Ý tại Viện Văn hóa Ý và người Đức tại Viện Goethe... Không chỉ giới thiệu văn hóa truyền thống, gần đây, người ta có khuynh hướng giới thiệu văn hóa đương đại. “Dân Mỹ khá rành về văn hóa truyền thống Hà Lan nhưng có thể họ không biết ngày nay chúng tôi như thế nào và do đó, chúng tôi muốn giới thiệu những nghệ sĩ Hà Lan đương thời xuất sắc nhất” - lời kể của tùy viên văn hóa Hà Lan Erika Koehler.
Phố ngoại giao Embassy Row (đại lộ Massachusetts, Washington DC)
Với một số sứ quán, họ thích tổ chức lễ hội văn hóa tại nơi công cộng để được nhiều người biết. Tùy viên văn hóa Hà Lan Erika Koehler từng tổ chức buổi hòa nhạc ngoài trời tại Tòa đại sứ Indonesia với nhóm nhạc công Hà Lan-Indonesia. Tương tự, Áo, Canada và Thụy Điển cũng thường tổ chức tại nhà hát, viện bảo tàng... Tòa đại sứ Na Uy từng tổ chức buổi dạ hội giáng sinh tại Union Station và Tòa đại sứ Úc tổ chức chương trình chiếu phim thế giới động thực vật tại Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ cũng như chương trình giới thiệu nhà văn Úc Kate Jennings tại trụ sở Politics & Prose Books. Canada thực hiện chương trình hòa nhạc phối hợp với Trường nghệ thuật Corcoran. Thụy Điển dựng chương trình triển lãm thiết kế tại phòng triển lãm của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (Inter-American Development Bank)...
Liên quan văn hóa ngoại giao, với Việt Nam, ông Vũ Khoan trong quyển Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao (NXB Hội Nhà Văn), thuật lại nhiều điều thú vị. Ông kể: “Khi thết khách nhất thiết cố đãi đằng một vài món dân tộc để quảng bá văn hóa ẩm thực của dân tộc mình song cũng không nên quá lạm dụng vì cần tính đến cả khẩu vị của khách, đồng thời phải chú ý tới phong tục của khách. Lần chiêu đãi ông Đại sứ Xô-ma-li ở Mát-xcơ-va nhân dịp hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán cũng thết món “đầu vị” là nem Sài Gòn nhưng thấy ông ta cứ ngồi, không chịu ăn. Hóa ra ông ta theo đạo Hồi nên không thể ăn nem nhân thịt lợn được! Phát hiện ra điều đó, ta phải thết ông ta trứng rán vậy...”.
Trong một đoạn khác, ông Vũ Khoan đề cập vấn đề văn hóa trong tặng quà ngoại giao. Ông kể: “Một thời ta hay tặng đồ sơn mài, nhiều khi là hàng chợ; chất lượng nghệ thuật thấp đã đành, chất lượng về mặt kỹ thuật vô cùng tồi. Một lần tôi gặp Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa Mác Kên (John McCain)..., khi chia tay, ông đề nghị tôi nán lại một chút rồi đi vào phòng bên lấy ra một bức tranh sơn mài Việt Nam đã cong vênh cho tôi xem và nói: Các bạn nên chú ý chất lượng quà tặng, tôi hiểu Việt Nam thì không sao, nếu là người khác thì không hay!”
Mạnh Kim